Tổ quốc trong tim người lính biển
Khi tôi viết những dòng này, biển Đông vẫn không ngừng cuộn sóng. Không chỉ sóng của đại dương tự ngàn đời vẫn vỗ mà còn có sóng từ dã tâm đen tối của ngoại bang đang cuộn lên rình rập biển đảo quê hương. Và những người lính biển chưa bao giờ có được một phút giây bình yên để mà ngắm nhìn những cánh hải âu chao mình trên ngọn sóng. Có lẽ vì thế mà thơ ca viết về người lính biển lại nở rộ, nhất là những năm gần đây khi tình hình biển Đông phức tạp, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đứng trước những thách thức lớn.
Khi tôi viết những dòng này, biển Đông vẫn không ngừng cuộn sóng. Không chỉ sóng của đại dương tự ngàn đời vẫn vỗ mà còn có sóng từ dã tâm đen tối của ngoại bang đang cuộn lên rình rập biển đảo quê hương. Và những người lính biển chưa bao giờ có được một phút giây bình yên để mà ngắm nhìn những cánh hải âu chao mình trên ngọn sóng. Có lẽ vì thế mà thơ ca viết về người lính biển lại nở rộ, nhất là những năm gần đây khi tình hình biển Đông phức tạp, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đứng trước những thách thức lớn.
Ta bắt gặp ở đây những gương mặt quen thuộc của thi ca Việt Nam đương đại như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Việt Chiến, Đặng Bá Tiến, …; những gương mặt còn mới mẻ đối với người yêu thơ như Bùi Văn Bồng, Huệ Nguyên, Đỗ Thị Hoa Lý, Hồng Diệu, … và cả những người trong cuộc đó là các chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với hiểm nguy nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Sự đa dạng đó làm nên bức tranh nhiều sắc màu cho mảng thơ ca viết về người lính biển.
Thế hệ những người lính biển hôm nay vẫn tiếp nối truyền thống hào hùng của cha anh thời đánh Pháp, đánh Mỹ: Khi Tổ quốc lâm nguy, tuổi trẻ sẵn sàng xả thân vì sự trường tồn của đất nước:
Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn
Để một lần Tổ quốc được sinh ra
…
Họ đã lấy thân mình làm cột mốc
Chặn quân thù trên biển đảo quê hương
(Tổ quốc ở Trường Sa - Nguyễn Việt Chiến)
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
(Tổ Quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến)
Sống với biển qua đời này, đời khác
cá đầy khoang, gió hát cánh buồm xa…
sống cùng biển – bao đời giữ biển
sóng gọi hồn thiêng,
biển vọng về…
(Lời của sóng – Trịnh Công Lộc)
Những người lính hi sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm xưa đã trở thành một biểu tượng đẹp cho tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của dân tộc trong cuộc chiến đấu bảo vệ và giữ gìn biển đảo quê hương:
những chàng trai mười tám đôi mươi
ngực căng gió ôm chặt cờ đỏ
chân cắm đá như cọc gỗ Bạch Đằng
chở che cho biển đảo quê hương
trước bom đạn quân thù xối xả
máu các anh thắm đỏ màu cờ
(Các anh sống mãi trong lòng nhân dân – Nguyễn Duy Xuân)
Các anh đã tạc vào thế kỉ “dáng đứng Việt Nam” – hiên ngang, bất khuất trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của đất nước:
Chưa bao giờ khuất phục lũ xâm lăng
Ngàn năm trước và bây giờ vẫn thế
Lòng dân ta vẫn vẹn nguyên hào khí
Của Đống Đa, Như Nguyệt, Bạch Đằng…
(Biển những ngày này, Đặng Bá Tiến)
Trường Sa - Biển Đông - nơi đầu sóng ngọn gió. Ở đó người chiến sĩ ngày đêm phải đối mặt với bao gian khó hiểm nguy. Tuy không có cảnh trèo đèo vượt suối “Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” hay “mưa dầm cơm vắt”… nhưng người lính nơi đảo xa lại có những thử thách mà đất liền không có. Sẽ là khập khiễng nếu so sánh gian khổ mà thế hệ cha anh đã chịu đựng với gian khổ mà người lính biển phải trải qua hôm nay.
Thời chiến tranh giải phóng dân tộc, đất nước vừa thoát khỏi đêm trường nô lệ, khó khăn thiếu thốn vật chất là lẽ đương nhiên. Người lính thời đó đã vượt qua với tinh thần nghị lực vô song. Có thể nói, ở thời kì ấy, cái gian khổ, thiếu thốn không dành cho riêng ai. Bởi thế, cả dân tộc mới chung một ý chí: “Không có gì quí hơn độc lập tự do!” (Hồ Chí Minh); “…toàn đất nước có một tâm hồn có chung khuôn mặt” (Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa, Chế Lan Viên), để rồi làm nên lịch sử mang tầm vóc thời đại: Điện Biên Phủ 7/5/1954 và Đại thắng mùa xuân 30/4/1975.
Người lính hôm nay sống, chiến đấu trong một hoàn cảnh khác xa so với thời của cha anh. Đất nước hòa bình thống nhất, kinh tế xã hội phát triển, đời sống vật chất, đời sống tinh thần ngày một nâng cao. Cái gian khổ, thiếu thốn không còn ghê gớm như xưa nhưng nó vẫn là thử thách đối với nghị lực con người. Nói thử thách vì đặt trong bối cảnh chung của xã hội, người lính biển phải chịu nhiều thiệt thòi.
Trong lúc bạn bè cùng trang lứa yên tâm học tập nơi giảng đường đại học hay bằng lòng với công việc làm ăn ổn định, lo vun đắp tổ ấm gia đình, thậm chí có một bộ phận không nhỏ giới trẻ sa vào cuộc sống hưởng lạc thì những người lính vẫn ngày đêm đối mặt với gian lao, canh giữ biển trời tổ quốc. Mà đâu có phải bình yên gì. Biển Đông nóng bỏng từng ngày từng giờ. Bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra biến cố và khi ấy, chính các anh là những người đầu tiên phải đối mặt với hi sinh mất mát. Biết bao chiến sĩ đã ngã xuống từ sau 30/4/1975 đến nay trên mặt trận Trường Sa – Biển Đông?
Gian khổ mà người lính biển phải trải qua là môi trường sống khắc nghiệt giữa trùng dương đã được cây bút nữ trẻ tuổi Hồng Diệu khắc họa:
Trường Sa ngày đông đang đi qua
Lạnh thấu da thấu thịt
Trường Sa, hạ về nắng trắng trời đến lạ
Nóng rát thân người, buồn những dấu chân qua
(Nhật kí trên sóng cả, Hồng Diệu)
Nơi đảo xa ấy, “Những luống rau xanh khó tươi vì thiếu nước / Đất ít, khô cằn, nắng xối, muối mặn hơi / Giông gió liên miên cuốn dễ sức người / Rau không tốt bữa cơm người khó nuốt.” (Thương lắm Trường Sa ơi, Hồng Diệu); và “Nơi đây gió lộng bốn bề / hất tung chậu cảnh vừa kê trước thềm / lạnh lùng là gió nửa đêm / nóng ran ngọn gió ngang triền đảo trưa…” (Gió cát Trường Sa, Bùi Văn Bồng)
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của khí hậu đại dương, người lính biển khát khao cháy bỏng một cơn mưa. Một cơn mưa, dù rất nhỏ nhưng cũng đủ để làm mát cơ thể, làm dịu tâm hồn những người lính trẻ:
Chúng tôi ngồi trên đảo Sinh Tồn
Bóng đen sẫm như gốc cây khô cháy
Mắt đăm đăm nhìn về nơi ấy
Nơi cơn mưa thăm thẳm xa khơi ánh chớp xanh lấp loáng phía chân trời...
(Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Trần Đăng Khoa)
Nhưng có lẽ đấy chưa phải là thử thách lớn đối với người lính biển. Gian khổ thiếu thốn vật chất và sự khắc nghiệt của thời tiết, các anh có thể vượt qua, nhưng thiếu thốn tinh thần, tình cảm thì quả là liều thuốc thử “đặc biệt”, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại như chúng tôi đã nói ở trên. Bài thơ Câu trả lời cho tình yêu người lính biển trong tôi của tác giả trẻ Hồng Diệu đã nói hộ người lính biển tâm trạng đó:
Cách biệt xa xôi đất liền khó tới
Bao tâm tư của người lính muốn gửi
Cũng phải đành nhớ sóng trùng khơi.
Với những người lính đã có mái ấm gia đình, thử thách dường như còn tăng thêm một “cấp độ” nữa. Nỗi nhớ đất liền, nỗi nhớ người thân luôn cánh cánh trong lòng người lính biển. Giữa muôn trùng sóng gió, có lẽ đây là điều làm nên điểm tựa vững chắc trong tâm hồn người lính để các anh luôn mài sắc cảnh giác, chắc tay súng bảo vệ biên cương. Một người lính trẻ đã viết những câu thơ thật xúc động:
Anh lính đảo nhớ nhà
Thèm mùi thơm cơm nếp
Sóng biển vỗ mặn mòi
Lính đảo hiên ngang dáng hình Tổ Quốc
(Tình Tổ quốc, Phạm Hồng Thái)
Trong những ngày hè nóng bỏng hồi tháng 5/2014, trước việc Trung Quốc ngang nhiên đem giàn khoan Hải Dương-981 xâm phạm vùng biển chủ quyền của Việt Nam, bài thơ Tiếng biển của một người lính xuất hiện trên mạng xã hội Facebook đã tạo được sự đồng cảm của hàng triệu trái tim đối với những người lính nơi biển xa:
Hậu phương đất liền yên tâm nhé vợ ơi
Cuối tuần về quê cho anh nhắn đôi lời
Thưa với cha và thắp hương khấn mẹ
Anh vẫn vững vàng nơi biển đảo xa xôi...
Em hãy đưa điện thoại kề gần nôi
Để con chúng mình nghe tiếng của biển khơi
Anh không thể ẵm bồng ru con ngủ
Gửi tiếng biển về yên giấc con thôi...
(Tiếng biển, Fb Lính Biển Việt Nam)
Trong tình cảm của người lính dành cho hậu phương, tình yêu đôi lứa có cung bậc nồng nàn cháy bỏng của tuổi hai mươi. Trần Đăng Khoa đã rất thành công về chủ đề này qua bài Thơ tình người lính biển nổi tiếng từ những năm tám mươi của thế kỉ trước. Bài thơ có giai điệu ngọt ngào, sâu lắng đã khơi gợi cảm xúc để người nhạc sĩ nổi tiếng Hoàng Hiệp viết nên ca khúc cùng tên lay động tâm hồn bao thế hệ thanh niên.
Những người lính: “Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời/Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn/Đêm mơ còn nũng nịu gọi “Mẹ ơi!” (Thao thức Trường Sa, Nguyễn Thế Kỷ) đã vượt lên tất cả, chấp nhận gian khổ, hi sinh tuổi thanh xuân vì biển đảo quê hương. Dẫu tình yêu, nỗi nhớ đối với hậu phương da diết, trĩu nặng trong lòng nhưng các anh nén lại, tạm gác tình riêng vì nghĩa lớn như trong Tôi đứng giữa biển trời Tổ quốc của Nguyễn Xuân Quát.
Vâng, “chuyện gia đình tạm gác lại phía sau” khi “Tổ quốc gọi tên mình”, người lính lại sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng.
Nói đến chiến tranh là nói đến mất mát hi sinh. Trong bối cảnh hiện nay, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đang bị ngoại bang nhòm ngó lấn chiếm, bất cứ lúc nào người lính biển cũng phải đối mặt với hiểm nguy. Đảo xa vì thế, luôn luôn là tuyến đầu Tổ quốc. Người lính biển hiểu rõ điều đó cho nên dẫu có lo lắng cho mẹ già, con thơ hay thương nhớ một bóng hồng, các anh vẫn kiên định tinh thần, cái tinh thần của cha anh một thuở: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” (Tây Tiến, Quang Dũng):
Nghẹn ngào chào mẹ ra đi
Mẹ nuôi con lớn chưa gì báo ân
Nhưng mẹ ơi… Tổ quốc cần
Đời trai bao lớp hiến dâng thân mình.
(Tiếng gọi của biển, Facebook “Lính Biển Việt Nam”)
Biển gọi! Những chàng trai mười chín đôi mươi chẳng thể nào yên:
con chẳng thể ngồi yên ngày rách những thân tàu
bạn con giành giật tương lai cho các em mình trên đầu mũi đạn
máu vẫn chảy mặn đường cong chữ S
con có thể ngồi yên?
(Biển gọi, Huệ Nguyên)
Bởi thưa Mẹ, chúng con cũng như cả dân tộc này đã quyết:
không thể để lưỡi bò liếm biển
vạn vòi rồng không hiếp nổi con cháu Lạc Long Quân
(Biển đảo ta ơi, Nguyễn Đức Khẩn)
Các anh sẵn sàng hiến dâng cho vẹn toàn đất nước, cho “Tổ quốc giữa trùng khơi sinh nở, trường tồn.” (Thao thức Trường Sa, Nguyễn Thế Kỷ)
Đằng sau các anh là cả một hậu phương bao la “Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta” (Tổ quốc ở Trường Sa, Nguyễn Việt Chiến) và 90 triệu con tim tiếp thêm sức mạnh cho các anh vững vàng nơi biển đảo xa xôi.
Ai đó bảo, thơ viết về biển đảo chưa nhuyễn, chưa có chiều sâu. Điều đó có thể đúng nhưng tôi nghĩ cái cốt lõi ở đây là nó đã nói lên được tiếng nói của cộng đồng ở một thời điểm mà đất nước phải đối mặt với nhiều thử thách. Thơ ca không thể cứ sống mãi trong ánh hào quang của quá khứ hay co mình lại trong cái tôi chật hẹp suốt ngày ngâm ngợi vịnh ca mà phải dám đối mặt với cuộc sống để nói lên tiếng nói lương tri con người.
Thơ viết về biển đảo nói chung và về người lính biển nói riêng trong thời gian gần đây thể hiện tính chân thực, mang hơi thở của cuộc sống và tình yêu đất nước quê hương. Đọc những vần thơ ấy, chúng ta linh cảm được cái thiêng liêng từ sự hi sinh của người lính để “Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra” (Tổ quốc ở Trường Sa, Nguyễn Việt Chiến).
Bình luận