Giá vàng tăng phi mã gần 30%, bùng nổ nạn khai thác vàng trái phép
Khai thác vàng trái phép tại Ghana đang trở thành một ngành công nghiệp ngầm phát triển mạnh mẽ, mang lại nguồn thu nhập cho người dân nhưng cũng hủy hoại môi trường và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Khai thác vàng trái phép bùng nổ tại Ghana
Tại một mỏ vàng trái phép ở Ghana, những người lao động làm việc trong điều kiện nguy hiểm với trang phục thô sơ, dầm mình trong nước bùn chứa thủy ngân, hy vọng tìm kiếm được vàng. Khai thác vàng trái phép, hay còn gọi là "galamsey", đã trở thành một ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng trong bối cảnh giá vàng toàn cầu tăng gần 30%.
Dù hoạt động không có giấy phép, ngành này vẫn mang lại nguồn thu nhập không chính thức cho nhiều người dân Ghana. Tuy nhiên, các mỏ này thiếu thiết bị bảo hộ chuyên nghiệp, dẫn đến nhiều tai nạn và tác hại đến sức khỏe của người lao động.
Hoạt động khai thác vàng trái phép không chỉ làm thiệt hại sức khỏe của người lao động mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường. Theo thống kê, khoảng 65% nguồn nước ở Ghana đã bị ô nhiễm bởi thủy ngân và kim loại nặng từ các mỏ vàng. Các bệnh về phổi và tử vong sớm đã gia tăng trong cộng đồng gần khu vực mỏ.
Không chỉ nguồn nước, hàng ngàn héc-ta rừng và các trang trại cacao cũng đã bị tàn phá bởi hoạt động khai thác trái phép. Điều này khiến người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường tổ chức biểu tình đòi chính quyền phải hành động.
Một thợ mỏ thủ công bất hợp pháp đang tìm kiếm vàng trong một hố đào tại Quận Prestea-Huni Valley ở Vùng phía Tây, Ghana
Gian nan kiểm soát nạn khai thác vàng trái phép
Từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, Tổng thống Nana Akufo-Addo đã cam kết sẽ hành động để ngăn chặn galamsey. Chính phủ đã tiến hành các chiến dịch truy quét, cử binh lính đến bắt giữ những người khai thác trái phép và thu giữ, tiêu hủy thiết bị.
Tuy nhiên, nạn khai thác trái phép vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Một phần lý do là do những người có quyền lực trong chính trị và các nhà lãnh đạo truyền thống cũng được cho là hưởng lợi từ hoạt động này, khiến việc giải quyết vấn đề trở nên khó khăn.
Các chuyên gia cho rằng hoạt động galamsey có mối liên hệ mật thiết với tội phạm có tổ chức. Những nhóm này cung cấp tài chính trước cho người khai thác, đổi lại, họ phải bán lại vàng với giá rẻ hơn. Hoạt động này không chỉ kéo theo các vấn đề về rửa tiền mà còn gia tăng tình trạng buôn lậu vũ khí.
Những kẻ cầm đầu mỏ trái phép thường tìm cách trang bị vũ khí để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời tạo ra một mạng lưới bảo kê, càng khiến việc kiểm soát trở nên phức tạp hơn.
Dù chính phủ tuyên bố đang nỗ lực kiểm soát vấn đề, nhưng thực tế cho thấy những cam kết này chưa mang lại nhiều kết quả. Việc cải cách và cấp phép cho các mỏ nhỏ, hay tài trợ cho cơ quan nhà nước để tìm kiếm vàng, đã được đề xuất nhưng chưa thực hiện hiệu quả.
Sự phức tạp và lợi ích kinh tế từ galamsey khiến các nỗ lực quản lý trở nên khó khăn. Để thực sự giải quyết vấn đề, Ghana cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc tách bạch quyền lợi của các nhóm lợi ích và bảo vệ môi trường.
Bình luận