Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam

Chiều 18/2, tại Hà Nội, Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tổ chức Hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”.

Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam - 1

Toàn cảnh Hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam”. Ảnh: BTC

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quá trình phát triển, tiến tới công nghiệp hóa và đô thị hóa, để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, để phát triển năng lượng, Việt Nam xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng và hấp dẫn để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.

Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam - 2

Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: BTC

Dự án "Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam" hỗ trợ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện nhiệm vụ được nêu thuộc Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, cũng như phù hợp với các mục tiêu của Việt Nam đặt ra trong Quy hoạch điện VIII và Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Với mục tiêu tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư và phát triển các dự án năng lượng, chương trình sẽ nghiên cứu các thông lệ tốt của quốc tế trong việc huy động vốn tư nhân, đánh giá cấu trúc và công cụ hiện tại của Việt Nam và đưa ra các khuyến nghị phù hợp, các công cụ, phương pháp thu hút vốn hiệu quả.

Bên cạnh đó, chương trình sẽ xây dựng lộ trình thực hiện toàn diện cho các khuyến nghị này và tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan để tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình chuyển đổi năng lượng.

Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam - 3

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: BTC

Nằm trong khuôn khổ dự án, Hội thảo “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” nhằm giới thiệu về dự án, nêu rõ mục tiêu và thảo luận về sự tham gia của khối tư nhân trong việc đầu tư phát triển năng lượng bền vững trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam.

Hội thảo còn là cơ hội để đội ngũ tư vấn trình bày phương pháp tiếp cận đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật và thu thập ý kiến phản hồi, đánh giá từ các bên liên quan.

Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam - 4

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận về sự tham gia của khối tư nhân trong việc đầu tư phát triển năng lượng. Ảnh: BTC

Tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Thuỷ, Điều phối viên Quốc gia ETP/UNOPS cho rằng, việc mở rộng cánh cửa cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo tính bền vững mà còn củng cố an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời phát triển nền kinh tế nước nhà.

Cơ sở pháp lý cho sự tham gia của lĩnh vực tư nhân vào lĩnh vực năng lượng đã được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật của nhà nước. Theo TS Nguyễn Ngọc Thuỷ, bên cạnh Nghị quyết số 55-NQ/TW, các văn bản pháp luật khác như Luật Điện lực, Luật Đầu tư,… và các văn bản hướng dẫn khác cũng đã đề cập đến vấn đề khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng.

Ông Philip Timothy Rose, Giám đốc ETP đánh giá cao sự quan tâm của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư năng lượng. Theo ông, việc thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư cho phát triển điện năng tại Việt Nam dự kiến lên tới trên 134 tỷ USD.

Tham luận về thực hiện các dự án PPP tại Việt Nam và hiệu quả đầu tư các dự án năng lượng, bà Vũ Quỳnh lê, Phó Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết của khu vực tư nhân khi tham gia các dự án năng lượng; đồng thời cho rằng khu vực tư nhân cần phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo.

Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam - 5

Các diễn giả trình bày tham luận. Ảnh: BTC

Về thực trạng huy động vốn cho chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Thị Nhung, chuyên gia Dự án “Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam” cho rằng, dòng vốn từ nước ngoài vào năng lượng tái tạo đang gia tăng, biểu hiện bằng việc nhiều doanh nghiệp trong nước đã hợp tác với các công ty nước ngoài để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, dòng vốn từ nước ngoài vào năng lượng tái tạo hiện nay vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Nhung, cần giải quyết các vấn đề chính sách và pháp lý để tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Cần xây dựng khuôn khổ giá điện cho các loại dự án năng lượng tái tạo khác nhau để giúp nhà đầu tư chuẩn bị tốt hơn cho kế hoạch triển khai dự án. Phối hợp với Bộ Tài chính để chính thức hóa các chính sách ưu đãi về thuế, phí và lệ phí cho các khoản đầu tư xanh nói chung và các dự án năng lượng tái tạo nói riêng.

TS. Nguyễn Thị Nhung cũng đề xuất ưu tiên vốn trong nước bằng cách thúc đẩy trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu xanh. Xây dựng hệ thống giám sát toàn diện để đánh giá hiệu quả của các nguồn tài trợ nói chung, với trọng tâm đặc biệt vào dòng vốn xanh.

Khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam - 6

Hội thảo là cơ hội để đội ngũ tư vấn trình bày phương pháp tiếp cận đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật và thu thập ý kiến phản hồi, đánh giá từ các bên liên quan. Ảnh: BTC

Minh Thư

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ngày xuân nghĩ về nét hào hoa thanh lịch của người kinh đô xưa

Ngày xuân nghĩ về nét hào hoa thanh lịch của người kinh đô xưa

Không biết tự bao giờ đã truyền tụng những câu ca: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch, cũng người Tràng An”. Từ lâu người dân Thăng Long - Hà Nội chẳng cần biết câu ca của ai mà mặc nhiên coi như nói về phẩm hạnh của mình, khẳng định, ngợi ca sự hào hoa, thanh lịch của người Kinh đô với niềm tự hào chính đáng. Vậy “người Tràng An” là người ở đâu mà trở thành