Họa sĩ Hoàng Trầm: Người Thầy mẫu mực

Hoạ sĩ Hoàng Trầm sinh năm 1928 tại Sài Gòn. Năm 1941 ông học vẽ ở trường Gia định rồi tham gia kháng chiến từ mùa thu 1945. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1964, cùng khóa với các họa sĩ Võ Văn Vinh, Văn Tâm, Tô Dự, Thái Đắc Phong, Quách Phong, Thanh Châu, Kim Bạch… Ông rất ái mộ tài năng và nhân cách của các họa sĩ như: Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Văn Tỵ… Ông cũng ngưỡng mộ họa sĩ Hoàng Tích Chù vì ông này có những nhận xét sâu sắc về tranh và cuộc sống.

Họa sĩ Hoàng Trầm: Người Thầy mẫu mực - 1

Nhà Giáo Nhân Dân - Họa sĩ Hoàng Trầm

Sau hơn 10 năm giảng dạy và sáng tác, ông về Nam giảng dạy ở Khoa hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Suốt thời gian gần 40 năm hoạt động nghệ thuật, vẫn luôn giữ được nhịp độ sáng tác và giảng dạy một cách mẫu mực. Ông đã thể nghiệm nhiều thể loại như sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ về hình tượng người lính, tình dân quân… qua những tranh như: Nữ pháo binh dân quân, Tự vệ Hà Nội, Tình quân dân, Bà mẹ kháng chiến, Dân quân miền núi, Lính kể chuyện, Trận địa mới, Lũ, Qua sông... Trong đó thành công nhất là những tranh ông vẽ bằng chất liệu sơn mài. Dưới bàn tay ông,sơn mài vừa lộng lẫy vừa chân chất, lại nêu được tình cảm đôn hậu, giản dị của con người Việt Nam.

Trong những tác phẩm mới mà ông thực hiện, có một tranh ghép gốm, đó là tác phẩm sáng tác cho đài tưởng niệm ở Bến Dược (Củ Chi). Tranh này được chăm chút rất cẩn thận. Ông thận trọng trong việc tạo hình, thận trong trong việc chăm sóc từng miếng gốm, trong việc tạo nhịp cho từng động tác của bố cục. Tất cả cho thấy, ông rất nghiêm túc trong sáng tác… Chính vì vậy mà ông tạo được sự duyên dáng cho hình, lại mang tính truyền cảm cao nên từng nhân vật, từng hình khối vừa chân thật vừa mang hơi thở của cuộc sống.

Dù không ồn ào, nhưng ông cũng đoạt được những giải thưởng đáng trân trọng như: tác phẩm "Mẹ kháng chiến"giải A TLMT toàn quốc năm 1980; huy chương bạc năm 1985, với tác phẩm "Trận địa mới". Ông còn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú đợt đầu, rồi giải thưởng Nhà nước 2001.

Đối với sinh viên, ông là một bậc thầy khả kính. Ông ít nói, nhưng khi ông nói ra thì "có vấn đề", gợi mở cho sinh viên nhận thấy rõ những mắc mứu của mình. Ông thường xuyên khuyên học trò cố gắng học và nắm vững cơ bản, phải thấy lợi ích của từng bài và trình tự của các bài vì "có nền vững mới xây lầu cao được". Ông cũng khuyên học trò nên đi nhiều, xem nhiều. Xem rồi ngẫm nghĩ… Theo ông: thực tế cuộc sống là người thầy muôn thuở, là cái mà ngồi nhà ta không thể nào tưởng tượng ra được, "Dù vẽ tranh gì, theo phong cách gì, trường phái nào, suy cho cùng nó cũng trực tiếp hay gián tiếp bắt nguồn từ cuộc sống". Phải đi nhiều, làm việc nhiều, đừng sợ thất bại thì mới có tác phẩm tốt. Có như thế mới đi từ hiểu biết đến khám phá, sáng tạo được. 

Về việc giảng dạy, ông quan niệm: đó là sự hợp tác giữa thầy và trò nhằm mục đích thực hiện quy trình và mục tiêu giáo dục. Thầy dạy, trò học, cả hai thầy trò phải thực sự làm việc. Thiếu một trong hai thì quá trình giáo dục, đào tạo sẽ bị phá vỡ. Theo ông thì học sinh thường có những ngộ nhận, đôi khi rất đáng sợ như: coi thường cơ bản, chạy theo trường phái này, trường phái nọ mà không có nội lực. "Nội lực là cả một quá trình rèn luyện". Nó hình thành từ thực tế cuộc sống, từ sự rèn luyện kỹ năng, sự học tập, hiểu biết những môn khoa học xã hội và kiến thức về các loại hình nghệ thuật khác. Họa sĩ không chỉ vẽ bằng tay mà còn bằng khối óc và con tim, bằng cảm nhận của chính mình…

Hoàng Trầm đúng là một họa sĩ, một nhà giáo có nội lực, có tâm với đất nước và học trò.

Một số tác phẩm của họa sĩ Hoàng Trầm:

Họa sĩ Hoàng Trầm: Người Thầy mẫu mực - 2

Mẹ kháng chiến. Sơn mài. 120x150cm, hoạ sĩ Hoàng Trầm

Họa sĩ Hoàng Trầm: Người Thầy mẫu mực - 3

Nữ pháo binh Ngư Thủy. 1975. Sơn mài. 90x120cm

Họa sĩ Hoàng Trầm: Người Thầy mẫu mực - 4

Mẹ con. Sơn mài. 60x80cm, hoạ sĩ Hoàng Trầm

Họa sĩ Hoàng Trầm: Người Thầy mẫu mực - 5

Tự vệ Hà Nội. 1977. Sơn mài. 60x80cm, hoạ sĩ Hoàng Trầm

Họa sĩ Hoàng Trầm: Người Thầy mẫu mực - 6

Ký họa “Nữ tự vệ Ngư Thủy - Quảng Bình”, Hoàng Trầm vẽ năm 1969

Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, ông đã thể nghiệm nhiều thể loại như sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ về hình tượng người lính, tình quân dân… trong đó, những bức tranh sơn mài của ông được đồng nghiệp và giới chuyên môn đánh giá là thành công nhất.

Họa sĩ Hoàng Trầm đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học, Nghệ thuật đợt I năm 2001.

PV (tổng hợp)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn