Đón năm mới bằng triển lãm sơn mài “Những ký ức thầm lặng”

Họa sĩ Trịnh Tuân với nhiều thành công sau 30 năm gắn bó với nghệ thuật sơn mài đã tổ chức triển lãm cá nhân giới thiệu bộ tranh sơn mài ông sáng tác trong 10 năm nay.

Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi được biết 30 tác phẩm kỳ công khổ lớn lần này, với nhiều câu chuyện về Hà Nội được chuyển tải qua sơn mài Trịnh Tuân, mới chỉ là triển lãm cá nhân… lần thứ hai tại Thủ đô (lần đầu là 1997). Trong khi đó, gần 30 năm qua, ông đã đưa sơn mài Việt đi tham dự khoảng gần… 130 triển lãm ở khắp nơi trên thế giới!

Đón năm mới bằng triển lãm sơn mài “Những ký ức thầm lặng” - 1 Họa sĩ Trịnh Tuân.  Song hành “nhạc - họa”…

Trèo lên xưởng vẽ sơn mài (studio), kiêm phòng triển lãm Trịnh Tuân - Công Kim Hoa ở số 17 Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thật lắm điều kỳ lạ không chỉ với người nước ngoài mà ngay cả chính… chúng ta. Ở tầng một, là một hàng bánh mì - pa-tê khá nổi tiếng. Đi vào ngõ nhỏ, leo tầng hai, nhìn vào căn phòng lớn hướng mặt đường, treo nhiều tranh tựa phòng triển lãm, không thấy ai, chỉ thấy một chú mèo xù khoanh tròn. 

Quay vào phòng trong, thấy hai họa sĩ trẻ đang bê tranh mài thật lực. Thấy hỏi họa sĩ Trịnh Tuân, họ bèn chỉ ngón trỏ lên tầng trên, nói ngắn gọn: Anh cứ leo lên trên, mãi là thấy... Leo lên tầng ba, nhìn các căn phòng ngách trái, ngách phải, cũng chẳng thấy họa sĩ đâu. Có phòng lại thấy một thiếu nữ cao ráo, tóc dài đang dạy mấy học sinh chơi cello thính phòng. Vừa leo nữa tôi vừa nghĩ bụng, hay là tạm đặt tên đây là “cung tiểu nhạc - họa” kèm… bánh mì! Leo mãi mới lên tầng sân trên cùng, nhỏ nhắn hơn hai chục mét vuông, mới thấy giữa một vườn cây cảnh nho nhỏ tuyệt đẹp trên sân thượng, họa sĩ Trịnh Tuân đang trầm tư, vừa xem vừa nghe nhạc giao hưởng qua… laptop. Họa sĩ dọn trà rồi chỉ vào đoạn phim quay lại buổi tấu nhạc trong laptop bảo: Cậu xem và nghe đi. Tôi vừa ngó, đã giật mình, bởi đoạn quay đó chính là vở opera “Những người khốn khổ” vừa được trình diễn tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cuối tháng 11-2020. Khi ống kính cận cảnh, thấy ngay cả khuôn mặt Trịnh Tuân trong dàn hợp xướng…

Tôi ngạc nhiên vì đã được biết họa sĩ Trịnh Tuân khá lâu năm. Ông sinh năm 1961, học Khoa Thiết kế  - Tạo dáng của Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp (khóa 1980 - 1985). Tới đầu những năm 1990, ông mới bước vào ngành vừa giảng dạy, vừa sáng tác riêng về tạo hình, tận 1995 mới đặt hẳn chân vào sơn mài, nhưng chưa bao giờ nghe nói ông biết hát… hợp xướng. Đang băn khoăn thì mới được nghe ông kể kỹ về những niềm yêu thích cả hai nghệ thuật họa - nhạc từ nhỏ và “giắt vào hành trang” kéo dài đến tận giờ. Hóa ra thích hát là niềm đam mê của Trịnh Tuân từ 9, 10 tuổi. Năm 1976, được xem trực tiếp vở nhạc kịch “Cô Sao” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận ở Nhà hát Lớn. Thế là vèo một cái, cậu bé 15 tuổi quyết định xin cha mẹ đạp xe từ phố Ngọc Lâm, bên kia cầu Long Biên (Gia Lâm) sang trung tâm Hà thành, lúc thì học họa, lúc thì học kỹ thuật opera. Sau này Trịnh Tuân còn may mắn thụ giáo trực tiếp NSND Quý Dương trong vòng… 5 năm. Năm nay, cùng với cuộc triển lãm cá nhân tròn “một vòng hoa giáp”, thì Trịnh Tuân với giọng tenor - nam cao (khá hiếm) đã được nhạc trưởng Đồng Quang Vinh (dàn hợp xướng Hanoi Voices) thẩm định, tuyển chọn tham dự vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” với… sáu tháng tập luyện liên tục từ đầu năm, mới có được bốn buổi trình diễn cuối tháng 11 vừa qua. 

Đón năm mới bằng triển lãm sơn mài “Những ký ức thầm lặng” - 2 Tác phẩm “Hà Nội đêm sao”.  Những “bản tình ca” sơn mài bình dị, êm ả

Đến đây tôi mới hiểu thêm một “nhánh” khác trong “chùm hoa nghệ thuật” của gia đình họa sĩ Trịnh Tuân - Công Kim Hoa. Và từ đó, cũng thấu được thêm về tranh của ông trong triển lãm “Những ký ức thầm lặng” (diễn ra tại 42 Yết Kiêu từ ngày 4 đến 12-12-2020; sau đó tiếp tục triển lãm tại 17 Lý Quốc Sư đến hết tháng 1- 2021 để đón năm mới 2021). 

Họa sĩ Trịnh Tuân giỏi ngoại giao, tổ chức, nên năm 2005 đã cùng họa sĩ Ng Bee (người Malaysia) lập Nhóm họa sĩ Đông Nam Á (Asean Art Link, viết tắt AAL), triển lãm thường xuyên ở tất cả các nước trong khu vực. Năm 2016, được sự đồng ý của lãnh đạo Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trịnh Tuân đã kết nối trường và nhóm AAL để tổ chức “Sự kiện nghệ thuật quốc tế thường niên Hanoi Art Connecting” bốn năm liên tục. Kỷ lục năm ngoái (2019), sự kiện này đã thu hút được 80 nghệ sĩ Việt Nam và 60 nghệ sĩ quốc tế đến từ 24 quốc gia (đến 2020, Hanoi Art Connecting tạm dừng vì dịch bệnh). 

Đón năm mới bằng triển lãm sơn mài “Những ký ức thầm lặng” - 3 Tác phẩm “Trà chiều”. 

Học trò được đào tạo sơn mài từ Trịnh Tuân - Công Kim Hoa đến nay đã nhiều thế hệ (có cả học trò nước ngoài). Không ít nghệ sĩ học từ đây ra, trưởng thành bằng những tác phẩm sơn mài đoạt giải lớn trong nước và quốc tế. Trịnh Tuân - Công Kim Hoa còn sánh đôi đem sơn mài Việt đi “xuất khẩu” hàng trăm triển lãm nước ngoài. Hình trong tranh sơn mài của Trịnh Tuân mang nhiều yếu tố đồ họa ẩn dụ, với biểu tượng kiến trúc thân thuộc như Nhà thờ Lớn, Tháp Rùa. Tông mầu trầm và nền nã với cách đảo diện, góc như nhìn hình kính vạn hoa trải trên mặt phẳng. Ông tổng hòa được “phong cách thiết kế Bauhaus” và niềm yêu chất nhạc êm ả, tình tứ của mình vào tranh. Tạo dáng giản dị, phối giữa cái quen, cái lạ vào nhau một cách thích hợp. 

Triển lãm “Những ký ức thầm lặng” nói được nhiều về phẩm chất bình dị, chịu đựng của “người Hà thành” dồn vào sơn mài tình yêu sống. Điều làm nhiều người xem lạ lùng, thích thú bàn nhau là không hiểu sao hình người trong tranh của ông, dù nam hay nữ đều béo, chắc, môi dày… Có người xem “ồ” lên khi thấy bức tranh “Nỗi nhớ mùa đông” có hình thiếu nữ ôm hoa dạo quanh Bờ Hồ, vì cho rằng, “cô Tây da đen mặc áo dài dạo Bờ Hồ kìa”. Người xem còn đoán “hình người trong tranh Trịnh Tuân” theo quy luật tự nhiên là: Họa sĩ gầy thường thích vẽ hình người trong tranh… béo lên và ngược lại!

Ngồi uống trà, ngắm hoa cùng họa sĩ, thấy ông không muốn bàn luận nhiều nữa, tôi chỉ nghĩ rằng sau 30 năm ông mới bày triển lãm cá nhân lần thứ hai trong nước. Coi như là một cuộc trưng bày mừng “một vòng hoa giáp” ở độ tuổi lục thập, hết năm sau ông sẽ về hưu. Nhưng những lớp học sơn mài tại Trịnh Tuân - Công Kim Hoa Studio này sẽ còn kéo dài mãi. Con đường của họ đang tiếp nối những danh nhân giáo sư chuyên dạy dỗ những thế hệ trẻ về hội họa ở Hà thành trước đây như: họa sĩ Phạm Viết Song (1917  - 2005), họa sĩ cao niên Thẩm Đức Tụ…

Theo Nhân Dân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Con cóc hoàng tử

Con cóc hoàng tử

Công chúa Ngủ đang ngon giấc trên một chiếc giường đầy hoa, có nắp đậy bằng pha lê. Nàng xinh đẹp, phúc hậu và thông minh, tuy vậy cái sắc đẹp, cái phúc hậu và cái thông minh đang ngủ cùng nàng. Nàng đã tồn tại, song nàng ngủ li bì, cho nên coi như không có nàng. Chỉ có sắc đẹp của nàng hiện lên qua nắp pha lê trong suốt, nhưng đó không phải là nét ưu trong tính cách của nàng. Từ thuở n

Lời cảnh báo 300 tỷ USD từ Warren Buffett

Lời cảnh báo 300 tỷ USD từ Warren Buffett

Warren Buffett, người đã xây dựng danh tiếng nhờ vào những khoản lợi nhuận vượt trội trong suốt hơn 70 năm, đang gửi đi một lời cảnh báo lớn đến các nhà đầu tư chứng khoán.