Họa sĩ - nhà điêu khắc Trần Minh Châu: Niềm tự hào của Nghệ An
Đến thời điểm này có thể khẳng định rằng Trần Minh Châu là một họa sĩ, nhà điêu khắc ở Nghệ An được giới báo chí và giới nghiên cứu nghệ thuật trong nước và trong tỉnh quan tâm nhiều nhất.
Mới chỉ điểm tên một số bài viết sau đây bạn đọc cũng đã có thể biết được phạm vi, đề tài hướng tới; giá trị các tác phẩm và vị thế của họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Minh Châu trong nền mỹ thuật tỉnh nhà, trong khu vực Bắc miền Trung và trong nền mỹ thuật đương đại Việt Nam: “Nhóm tượng đài tưởng niệm 72 chiến sĩ cộng sản 1930 - 1931” (Châu Tử Lang, Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An); “Họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Minh Châu: Bác mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo” (Thùy Vinh, Báo Nghệ An); “Họa sĩ Trần Minh Châu chân phương tranh và tượng” (Nhật Lân, Báo Nghệ An), “Họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Minh Châu mong muốn thì nhiều lắm” (Trần Quang Đại, tạp chí Văn hóa Nghệ An); “Trại sáng tác mỹ thuật đề tài Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Chọn mặt gửi vàng” (Hoàng Trang).
Trong bài viết này, Hoàng Trang nhận định: “Tác giả Trần Minh Châu - họa sĩ quê hương Nghệ An với chất liệu tổng hợp và phong cách tranh dân gian đã thể hiện rất thành công tác phẩm Lụa tặng già tạo được ấn tượng mạnh mẽ về Chủ tịch Hồ Chí Minh thật giản dị mộc mạc và gần gũi”. Trong bài viết “Gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu”, nhà báo Thúy Hiền làm sáng tỏ thêm: “Với họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Minh Châu, những tác phẩm về Bác luôn là nguồn cảm hứng vô tận mà không một họa sĩ tài ba nào có thể khai thác hết được”...
Không những là một nghệ sĩ được giới báo chí và giới văn học nghệ thuật quan tâm mà với tấm lòng say mê nghệ thuật, tâm huyết với nghề, chính bản thân họa sĩ - nhà điêu khắc Trần Minh Châu cũng cũng đã có những bài phát biểu đầy ý thức trách nhiệm trong các kỳ Đại hội của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An và những bài viết in trong các tuyển tập của mình, có giá trị như những bài lý luận phê bình nghệ thuật.
Xin điểm qua một số bài viết của Trần Minh Châu đã được anh đưa vào cuốn Bàn luận về Mỹ thuật minh họa cho các tác phẩm văn học tranh vui: “Văn nghệ sĩ ngoài tài năng cần có một tấm lòng”, “Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1990 - 1995 ngày hội và đổi mới”, “Qua trại sáng tác Mỹ thuật Nghệ An năm 2006”, “Những băn khoăn về Mỹ thuật Bắc miền Trung” (năm 2012), “Giải thưởng cuộc vận động sáng tác nghệ thuật cho trưng bày bảo tàng Hồ Chí Minh”, “Đi từ những kỷ niệm chiến tranh”, “Sáng tác tranh tượng về đề tài Bác Hồ”, “Vài tâm sự quá trình thể hiện tác phẩm Nguyễn Sinh Cung nghe các nhân sĩ yêu nước đàm đạo”, “Phải thay đổi tư duy nhận thức trong quản lý nghề nghiệp”…
Các bài viết trên của họa sĩ - nhà điêu khắc Trần Minh Châu đã thể hiện tầm nhìn, khát vọng nghệ thuật, các mảng đề tài mà ông miệt mài hướng tới trong sự nghiệp sáng tạo của mình. Đúng như nhận xét của giới làm nghệ thuật ở Nghệ An: Các bài phê bình về nghệ thuật của Trần Minh Châu đã xoay quanh cách cảm, cách nghĩ, tâm sự về nghề và nghiệp; chia sẻ góc nhìn, quan điểm về mỹ thuật và tác phẩm mỹ thuật. Các bài viết có nhiều đột phá, có lúc lại đi vào phân tích một cách chi tiết với những nhận xét về bản lĩnh, tư duy tay nghề của các đồng nghiệp. Các bài bình luận đó thực chất là các bài nghiên cứu lý luận phê bình về mỹ thuật trong những thời điểm nhất định… Ông là người có cái nhìn toàn diện về diện mạo mỹ thuật Nghệ An mà ông là một thành viên trong đó.
Họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Minh Châu
Gần đây trong dịp cuối tháng tư vừa rồi, trong khuôn khổ của cuộc giao lưu phối hợp tổ chức triển lãm mỹ thuật giữa Hội Mỹ thuật Hà Nội và Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An tại thành phố Vinh, tôi được biết trong chương trình giao lưu này, Hội Mỹ thuật Hà Nội có đưa ra một trong nhiều nội dung là đoàn nghệ sĩ của Hội Mỹ Thuật Hà Nội sẽ bố trí thời gian đến thăm gia đình họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Minh Châu, với lý do là tới thăm một nhà điêu khắc người Nghệ đã cao tuổi tiêu biểu cho giới văn nghệ sĩ Bắc miền Trung và lý do thứ hai Trần Minh Châu là họa sĩ đã có nhiều tác phẩm điêu khắc diễn tả thành công những phẩm chất cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với lòng ngưỡng mộ một nhà điêu khắc đồng hương, tuy có muộn màng hơn nhiều nhà báo khác, cách đây mấy ngày tôi đã đến thăm ông. Tôi rất mừng vì đến thời điểm này, ở nơi tận cùng phía Đông thành phố Vinh, gần cạnh con đường du lịch sinh thái nối từ thị trấn Nam Đàn đi ngang cầu Bến Thủy, chạy ngang xã Hưng Hòa tới Cửa Hội, chạy sát với dòng sông Lam, vợ chồng họa sĩ, nhà điêu khắc Trần Minh Châu đã có một ngôi nhà rộng rãi tinh tươm bảo đảm đủ điều kiện sinh hoạt và đủ không gian cho hoạt động nghệ thuật của ông.
Trong không khí chân tình của một người anh, Trần Minh Châu chia sẻ với tôi: Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1971, trước học Gốm chứ không phải hội họa. Ông là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An, sống và làm việc tại Nghệ An quê hương từ khi ra trường đến tận mãi hôm nay. Như vậy Trần Minh Châu là một họa sĩ có năng khiếu, có đầy đủ năng lực chuyên môn và và lòng say mê nghệ thuật cho nên ông đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường hoạt động nghệ thuật của mình.
Ông có các công trình điêu khắc đáng nhắc tới như: Nhóm tượng sáng tác chung với Đào Phương tại công viên Nguyễn Tất Thành (đặt cạnh Hồ Goong - thành phố Vinh); nhóm tượng 72 chiến sĩ cộng sản bị thực dân Pháp xử bắn tại xã Mỹ Thành; chuỗi tượng đài hoành tráng của khu di tích lịch sử Truông Bồn; các tượng đài: Phan Bội Châu, Đặng Thai Mai, Nguyễn Trường Tộ, Lê Mao, Nguyễn Sỹ Sách, Lê Lợi… đặt trong khuôn viên các trường THPT và các trường THCS nổi tiếng ở Nghệ An lấy tên các danh nhân văn hóa lịch sử đặt tên cho cơ sở giáo dục của mình. Họa sĩ - nhà điêu khắc Trần Minh Châu cũng là người đã sáng tác nhiều tượng đài về Bác Hồ đặt trong nhiều cơ quan đơn vị (tượng Bác trước khuôn viên bệnh viện Hương Khê (Hà Tĩnh), tượng Bác về thăm nông trường 19/5 huyện Nghĩa Đàn…).
Ông đã có 2 tuyển tập về mỹ thuật và điêu khắc in thành sách để tập hợp các bộ ảnh đã chụp tranh, tượng và các bài viết của bạn bè văn nghệ sĩ nói về ông và các bài phát biểu, các bài viết của ông liên quan tới hoạt động nghệ thuật và nâng cao chất lượng công tác quản lý và hoạt động nghệ thuật. Đó là các bộ sưu tập: Tranh tượng Trần Minh Châu (NXB Nghệ An, 2016), Bàn luận về nghệ thuật minh họa cho tác giả, tranh vui (NXB Nghệ An, 2019).
Trong thời gian hoạt động nghệ thuật vừa qua, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng cấp quốc gia, khu vực và địa phương. Có thể kể tên các giải thưởng sau: Giải Nhì toàn quốc năm 1996 của Cuộc vận động sáng tác do Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh và và Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam tổ chức (năm đó không có giải nhất) với tác phẩm Nguyễn Sinh Cung nghe các thân sĩ yêu nước đàm đạo. Bức tranh được đặt tại các bảo tàng lớn của Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Kim Liên. Các tác phẩm: Hương đồng giải Nhì, Huyền thoại những cô gái mở đường giải Ba năm 1997.
Các giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam: Lên non xem trận địa năm 2004, Nước về đồng năm 2006, tác phẩm điêu khắc Tân Trào 2007, Chiến tranh để lại 2013, Nhất nông, Hát xuân (tác phẩm điêu khắc 2015). Giải khu vực Bắc miền Trung: Vui bên Bác năm 2013 (đây là tác phẩm gò nhôm có kích thước khá lớn 100 x 200cm, trung tâm của tác phẩm là là hình ảnh Bác Hồ tươi cười âu yếm cùng các cháu thiếu nhi cầm tay nhau múa hát kết đoàn), Nước về năm 2016. Giải Hồ Xuân Hương của tỉnh Nghệ An trong nhiều đợt: 2010 - 2015, 2015 - 2020...
Trả lời câu hỏi nguyên nhân nào đã giúp một họa sĩ, nhà điêu khắc sống xa thủ đô nhưng đã thành công, thành danh ở Nghệ An và trong cả nước? Họa sĩ - nhà điêu khắc Trần Minh Châu đã không ngần ngại trả lời: Tôi thành công, tất cả là do đam mê. Tôi muốn thông qua hội họa, điêu khắc để ngợi ca cuộc sống, con người và đất nước Việt Nam.
Điều ông trăn trở trước thực trạng và mong mỏi nhất cho sự phát triển của văn học nghệ thuật của tỉnh nhà hiện nay là gì? Trần Minh Châu không ngần ngại trả lời: Nghệ An có đội ngũ văn nghệ sĩ đông nhưng thiếu đam mê, chúng ta đang làm ăn theo kiểu đến hẹn lại lên và đó cũng là tình hình chung của nghệ thuật điêu khắc của nước ta. Để văn học nghệ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng của các địa phương được phát triển xứng tầm với yêu cầu của tỉnh mình, theo tôi, các tỉnh cần quan tâm về xây dựng đội ngũ. Mong muốn của lớn nhất của tôi cũng như phần đông anh chị em hoạt động nghệ thuật là làm sao để Nghệ An sớm có một bảo tàng riêng cho mỹ thuật.
Trần Duy (1920 - 2014) tên thật là Trần Quang Tăng, sinh ngày 20 tháng 7 năm 1920 trong gia tộc hoàng phái, tại Huế. Cha làm thư...
Bình luận