Không gian tràn ngập chữ và ánh sáng trong triển lãm “Nghiên bút còn thơm”

Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã giới thiệu và trình hiện nghệ thuật thư pháp Quốc ngữ theo hướng hiện đại kết hợp với nghệ thuật sắp đặt cùng sự phối kết hợp với ánh sáng tạo nên hiệu ứng và cách nhìn mới về Thư pháp quốc ngữ với công chúng yêu nghệ thuật nói chung và thư pháp nói riêng.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), hướng tới ngày Di sản Việt Nam, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức triển lãm thư pháp quốc ngữ “Nghiên bút còn thơm”.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhấn mạnh: “Triển lãm được tổ chức với mong muốn tạo ra một sự thay đổi mới mẻ, sáng tạo cho hoạt động thư pháp chữ Quốc Ngữ cũng như tạo ra một sân chơi, một sự kết nối ngày càng bền vững hơn giữa người hoạt động thư pháp trong cả nước. Thông qua đó triển lãm có thể góp phần cho đời sống và sinh hoạt văn hóa ngày càng phong phú”.

Không gian tràn ngập chữ và ánh sáng trong triển lãm “Nghiên bút còn thơm” - 1

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám phát biểu khai mạc triển lãm.

Triển lãm có sự tham gia của 15 tác giả đến từ 3 miền, ở họ đều có chung tình yêu với thư pháp chữ Việt và mong muốn được đem tình yêu nghệ thuật ấy chia sẻ và lan tỏa tới nhiều người yêu con chữ Việt.

Bên cạnh trưng bày 70 tác phẩm chính thức với những nội dung, ý nghĩa, ý tưởng nghệ thuật cụ thể, tại triển lãm còn có 41 “tác phẩm” nhỏ được chọn lựa riêng, ngẫu nhiên với tinh thần chắt lọc tinh hoa bút mực một cách ngẫu nhiên trong quá trình sáng tác chuẩn bị cho triển lãm của các tác giả. Số lượng các tác phẩm nhỏ dùng để sắp đặt, trang trí, trưng bày kết hợp theo từng module theo từng vị trí tổng là 693 bức.

Nội dung các tác phẩm thư pháp, bao gồm các tác phẩm chính và các tác phẩm sắp đặt đều được lấy cảm hứng để viết và sáng tác từ những nội dung thơ văn Quốc âm (chữ Nôm)/Quốc ngữ của các danh nhân trong lịch sử và văn học nước nhà như: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và nhiều danh nhân khác gắn bó hoặc có những sáng tác về Thăng Long - Hà Nội, về Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Bên cạnh đó, các tác giả viết và sáng tác còn sử dụng những nội dung văn chương thời nay viết về Thăng Long, về Hà Nội.

Không gian tràn ngập chữ và ánh sáng trong triển lãm “Nghiên bút còn thơm” - 2

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm.

Toàn bộ các tác phẩm chính và các tác phẩm nhỏ sắp đặt theo từng module trưng bày đều được soi sáng từ bên trong mang lại hiệu ứng xem-cảm mới cho công chúng thưởng thức nghệ thuật. Từng con chữ, từng nét bút, từng vết mực đều được làm nổi bật và soi rõ bằng ánh sáng giúp người xem có thể cảm nhận, tương tác hai chiều một cách rõ ràng hơn, trực quan nhất vẻ đẹp của bút mực trên từng trang giấy. Tất cả tạo nên một không gian tràn ngập chữ và ánh sáng.

Nổi bật là tác phẩm điêu khắc sơn thếp nghiên mực hình lá sen, bút lông cỡ lớn, cùng với con triện lớn có điêu khắc hình búp sen trên đầu và mặt triện được khắc 4 chữ triện Thăng Long Văn Miếu (Văn Miếu ở Thăng Long) vừa là chủ đề của triển lãm, vừa là hàm ý hướng tới Thăng Long - Hà Nội lại cũng vừa là sự khẳng định vị trí của Văn Miếu với bút-nghiên nơi khơi nguồn đạo học.

Không gian tràn ngập chữ và ánh sáng trong triển lãm “Nghiên bút còn thơm” - 3

Không gian tràn ngập chữ và ánh sáng trong triển lãm “Nghiên bút còn thơm”.

Ông Bùi Chính Hưng, đại diện nhóm tác giả chia sẻ: “Chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp về sự trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là thư pháp chữ Quốc Ngữ”.

Trong khuôn khổ lễ khai mạc đã diễn ra màn trình diễn thư pháp của 5 tác giả tham gia triển lãm. Màn trình diễn là sự phối kết hợp giữa nghệ thuật hành vi trình diễn kết hợp với âm nhạc được sáng tác riêng và cho buổi khai mạc.

Không gian tràn ngập chữ và ánh sáng trong triển lãm “Nghiên bút còn thơm” - 4

Màn trình diễn thư pháp tại sự kiện.

Triển lãm “Nghiên bút còn thơm” trưng bày những tác phẩm Thư pháp vừa mang cảm giác truyền thống, vừa đánh thức mỹ cảm hiện đại nhằm tăng cường nhận thức và hướng công chúng tới sự nhìn nhận, đánh giá đúng đắn hơn về vai trò, giá trị của thư pháp Quốc ngữ trong bối cảnh hiện đại với cộng đồng viết thư pháp quốc ngữ nói riêng và những người yêu thích nghệ thuật thư pháp nói chung.

Đồng thời, tiếp tục tạo thêm những triển lãm nghệ thuật chất lượng ngày càng cao hơn trong một chuỗi những hoạt động văn hóa nghệ thuật của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, góp phần để Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành điểm đến quan trọng, ý nghĩa, giá trị hàng đầu cho các hoạt động triển lãm thư pháp.

Không gian tràn ngập chữ và ánh sáng trong triển lãm “Nghiên bút còn thơm” - 5

Các đại biểu và công chúng tham quan triển lãm.

Trong thời gian diễn ra triển lãm, ngày 14/09/2024, Ban Tổ chức phối hợp cùng giám tuyển và các tác giả tổ chức tọa đàm với chủ đề: Thư pháp Quốc ngữ trong bối cảnh hiện nay - Thực trạng và hướng đi. Chủ đề dự kiến sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm không những của những người đang hoạt động trong lĩnh vực thư pháp Quốc ngữ mà còn nhận được nhiều sự quan tâm của những người đang nghiên cứu, học tập, theo đuổi đam mê với phân môn nghệ thuật mới mẻ này.

Triển lãm kéo dài đến hết 25/09/2024 tại di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất