Mỹ thuật Việt Nam sau 1975: Những dấu ấn từ hai miền hội tụ
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, văn hóa nghệ thuật Việt Nam bước vào một giai đoạn mới – giai đoạn của hàn gắn, xây dựng và định hình lại bản sắc trong thời bình. Trong dòng chảy chung ấy, mỹ thuật không chỉ là tiếng nói thẩm mỹ mà còn là biểu hiện của một tinh thần dân tộc vừa kiêu hãnh, vừa khát khao đổi mới. Từ hai miền – với những nền tảng thẩm mỹ và lịch sử khác nhau – đội ngũ nghệ sĩ đã gặp nhau trong một không gian chung, cùng nhau tạo dựng một diện mạo mới cho nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Nắng Tháng Năm - Quách Phong, Bột màu, 1975
Các họa sĩ tên tuổi của hai miền như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Lưu Công Nhân, Nguyễn Đỗ Cung, Trọng Kiệm, Mai Văn Hiến, Trần Trung Tín, Đinh Cường, Huỳnh Phương Đông, Lê Lam, Diệp Minh Châu, Tạ Tỵ, Bửu Chỉ, Trịnh Cung, Cổ Tấn Long Châu, Nguyễn Hải, Lê Công Thành, Nguyễn Thị Kim… vẫn tiếp nối kinh nghiệm, vốn sống và phong cách trước đó để hòa chung vào dòng chảy của nhịp sống với dù còn nhiều khó khăn.
Nhận định về đời sống mỹ thuật giai đoạn này, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân viết: “Sau 1975, nghệ thuật miền Bắc và miền Nam Việt Nam như hai dòng sông từng song song, rồi hợp lưu để tạo nên một dòng chảy mới – phức hợp, đa chiều và giàu sức sống. Chính sự va chạm giữa hai nền thẩm mỹ đã làm nên sự độc đáo của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.”
Hành trình từ hiện thực đến đa dạng ngôn ngữ biểu đạt
Giai đoạn 1975-1986, mỹ thuật Việt Nam tiếp tục phát huy khuynh hướng sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, vốn đã hình thành trong suốt mấy cuộc kháng chiến. Đề tài xoay quanh chiến tranh, công cuộc tái thiết đất nước, hình ảnh người lao động và sinh hoạt của nhân dân. Tranh sơn mài, sơn dầu, bột màu, khắc gỗ... là những chất liệu chủ đạo. Mỹ thuật thời kỳ này mang đậm tinh thần tập thể, đồng thời đóng vai trò tuyên truyền, giáo dục.
Sau Đổi mới (1986), mỹ thuật dần dần chuyển mình: từ chỗ phục vụ nhiệm vụ chính trị sang mở rộng đề tài cá nhân, đời sống nội tâm, các vấn đề xã hội sâu sắc. Sự xuất hiện của các hình thức nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, video art, nghệ thuật khái niệm… đã đánh dấu một bước tiến lớn về tư duy nghệ thuật, thể hiện sự dũng cảm tìm tòi cái mới của nghệ sĩ Việt trong bối cảnh hội nhập.
Nora Taylor (nhà nghiên cứu người Mỹ) từng nhận xét: “Sau Đổi mới, mỹ thuật Việt Nam bắt đầu thể hiện một nội lực mạnh mẽ. Những gì thế giới chứng kiến không phải là sự mô phỏng phương Tây, mà là quá trình Việt Nam hóa những tư tưởng hiện đại một cách sáng tạo và đầy bản sắc.”
Mỹ thuật Việt Nam hậu Đổi mới (sau năm 1986) đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển nghệ thuật của đất nước, khi nền kinh tế chuyển mình từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là thời kỳ mà các nghệ sĩ được tự do thể hiện bản thân hơn, thoát khỏi những khuôn khổ cứng nhắc của chính trị và xã hội trước đó.
Trong giai đoạn này, mỹ thuật Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng và phong phú hơn bao giờ hết. Các nghệ sĩ không chỉ tiếp thu các xu hướng nghệ thuật hiện đại từ phương Tây, mà còn tìm kiếm và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc, làm phong phú thêm bản sắc nghệ thuật Việt Nam. Sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa phương Đông và phương Tây đã tạo ra một không gian sáng tạo rộng mở, cho phép các nghệ sĩ tự do khám phá và bộc lộ những vấn đề xã hội, chính trị, và văn hóa.
Nhiều xu hướng nghệ thuật mới đã xuất hiện, từ tranh sơn dầu, sơn mài đến các thể loại tranh khắc gỗ, tranh lụa, và đặc biệt là nghệ thuật đương đại. Các họa sĩ trẻ, được đào tạo bài bản trong và ngoài nước, đã mang đến một làn gió mới, đầy sáng tạo và tinh thần thử nghiệm. Họ cũng bắt đầu chú trọng hơn đến việc đưa mỹ thuật Việt Nam ra thế giới, tham gia các triển lãm quốc tế và xây dựng cầu nối văn hóa toàn cầu.
Mỹ thuật Việt Nam hậu Đổi mới không chỉ là sự phản ánh đời sống xã hội mà còn là một phương tiện mạnh mẽ để giao tiếp và thay đổi nhận thức cộng đồng. Những tác phẩm nghệ thuật này thường xuyên khai thác các chủ đề như bản sắc dân tộc, lịch sử, và những vấn đề đương đại, đồng thời thể hiện quan điểm và cảm xúc cá nhân của người nghệ sĩ trước sự biến chuyển không ngừng của xã hội Việt Nam hiện đại.
Cùng với làn sóng Đổi mới trong kinh tế - chính trị, không gian sáng tạo nghệ thuật Việt Nam cũng dần mở cửa với thế giới. Mỹ thuật Việt Nam bắt đầu tiếp xúc sâu rộng hơn với các trào lưu hiện đại và hậu hiện đại của phương Tây như:
Biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionism): Nguyễn Trung, Đỗ Thị Ninh, Trần Trọng Vũ là những nghệ sĩ tiên phong trong dòng tranh trừu tượng tại Việt Nam, coi biểu hiện cảm xúc nội tâm là trung tâm sáng tạo.
Nghệ thuật khái niệm (Conceptual Art): Xuất hiện từ cuối thập niên 1990 với những tên tuổi như Trần Lương, Nguyễn Minh Thành, Lê Quý Tông… Họ chuyển trọng tâm từ kỹ thuật thị giác sang tư duy ý niệm, thể hiện sự suy nghiệm về xã hội và thân phận cá nhân.
Sắp đặt, trình diễn, video art: Được nhiều nghệ sĩ trẻ thử nghiệm như Nguyễn Trinh Thi, Vũ Đức Toàn, Tuấn Mami… mở ra không gian tương tác mới giữa nghệ sĩ và công chúng, giữa tác phẩm và bối cảnh.
Nhờ sự du nhập này, nền mỹ thuật Việt Nam bước vào giai đoạn mở rộng biên độ thẩm mỹ, vượt ra khỏi các giới hạn truyền thống để khám phá hình thức và nội dung đa dạng hơn.
Nếu như trước đây các họa sĩ thường là công chức ăn lương và việc sáng tác tranh như một nghề tay trái thì nay đã dần chuyển sang hướng chuyên nghiệp, nhiều người đã sống bằng thu nhập bán tranh.
Những gương mặt tiêu biểu từ hai miền đất nước
Sau 1975, thế hệ họa sĩ kháng chiến miền Bắc - những người được đào tạo bài bản từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương hoặc trong thời chiến - tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt. Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm... mỗi người đều mang một dấu ấn riêng, tạo nên những dòng chảy thẩm mỹ đa dạng. Bùi Xuân Phái với những bức tranh Phố cổ Hà Nội - cô đọng, sâu lắng, đầy chất thơ - không chỉ là một biểu tượng nghệ thuật mà còn là ký ức tập thể của một thành phố đang đổi thay từng ngày.
Ở miền Nam, các họa sĩ như Nguyễn Trung, Bửu Chỉ, Đinh Cường, Võ Lăng, Nguyễn Lâm… đã mang theo tinh thần tự do sáng tạo, cái nhìn hiện sinh và phong cách chịu ảnh hưởng của mỹ thuật phương Tây đương đại. Nguyễn Trung là một trong những người đầu tiên dấn thân vào nghệ thuật trừu tượng ở Việt Nam, góp phần phá vỡ giới hạn của biểu hiện truyền thống, hướng tới tự do cá nhân trong nghệ thuật.
Sự giao thoa giữa hai miền sau 1975 đã tạo nên một sự tổng hợp đầy sức sống: từ hiện thực đến trừu tượng, từ truyền thống đến thể nghiệm, từ cá nhân đến cộng đồng. Đây chính là sức mạnh của mỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn hậu chiến.
Có thể kể tên các họa sĩ tiêu biểu của giai đoạn này vẫn đang độ sung sức sáng tạo như: Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trần Trung Tín, Trọng Kiệm, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Thụ, Mai Văn Hiến… Đội ngũ họa sĩ thế hệ sau có Thành Chương, Lê Trí Dũng, Đỗ Sơn, Lê Anh Vân, Lương Xuân Đoàn, Đặng Khuê, Đỗ Thị Ninh, Lê Huy Tiếp, Đỗ Quang Em, Trịnh Cung, Hồ Hữu Thủ… Và thế hệ sau hơn nữa: Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Đào Hải Phong, Đinh Thắm Poong, Trần Trọng Vũ, Ly Hoàng Ly, Lý Trần Quỳnh Giang, Đào Quốc Huy, Vũ Đình Tuấn…
Các cuộc Triển Lãm Mỹ thuật toàn quốc từ sau 1975, định kỳ 5 năm một lần được xem như là những cuộc biểu dương lực lượng hùng hậu của đội ngũ họa sĩ và điêu khắc trong cả nước. Sau mỗi kỳ triển lãm lại xuất hiện những nhân tố mới, những xu hướng mới làm phong phú thêm, đa dạng hơn về phong cách nghệ thuật, đề tài và phương thức biểu hiện.
Tác phẩm và công trình - ký ức và biểu tượng
Không thể không nhắc đến những tác phẩm đã vượt khỏi giá trị thị giác để trở thành biểu tượng văn hóa. Những bức tranh sơn mài của Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm là kết tinh giữa truyền thống và hiện đại. Tranh phố của Bùi Xuân Phái trở thành di sản không chỉ vì giá trị hội họa mà còn bởi tâm hồn Hà Nội lặng lẽ trong từng nét cọ.
Tranh phố của Bùi Xuân Phái trở thành di sản không chỉ vì giá trị hội họa mà còn bởi tâm hồn Hà Nội lặng lẽ trong từng nét cọ
Bên cạnh tác phẩm giá vẽ, các công trình mỹ thuật công cộng như phù điêu, tượng đài, tranh tường tại các quảng trường, bảo tàng, công viên… cũng góp phần định hình không gian thẩm mỹ đô thị và nông thôn sau thống nhất. Các tượng đài Bác Hồ, tượng đài Chiến thắng ở nhiều địa phương không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là ký ức tập thể, là nơi neo giữ giá trị tinh thần của cộng đồng.
Một nền mỹ thuật thống nhất trong đa dạng
Sau năm 1975, mỹ thuật Việt Nam không chỉ là quá trình xây dựng diện mạo mới, mà còn là hành trình hàn gắn quá khứ, thống nhất hai nền thẩm mỹ từng tồn tại song song. Các họa sĩ từ hai miền, với sự khác biệt về đào tạo, cảm quan, phong cách, đã gặp nhau ở một điểm chung: khát vọng sáng tạo và tình yêu đất nước.
Sự kế thừa di sản truyền thống, tinh thần thể nghiệm, dấn thân vào các phương tiện biểu đạt mới… đã và đang đưa mỹ thuật Việt Nam bước ra thế giới, tạo lập vị thế ngày càng rõ nét trong khu vực và quốc tế.
Một trong những dấu ấn lớn của mỹ thuật Việt Nam thời kỳ hậu Đổi mới là sự lên tiếng mạnh mẽ của bản thể cá nhân. Nếu trước kia nghệ sĩ thường ẩn mình sau tập thể, sau “tư tưởng lớn”, thì nay, cá nhân và đời sống nội tâm trở thành trung tâm sáng tạo.
Tranh sơn mài: Dáng hồng thơm hương của tác giả Lê Nguyên Chính
Nhà phê bình Nguyễn Quân từng viết: “Tự do sáng tạo là cánh cửa mở ra một không gian mới, nơi cái tôi được khẳng định không phải bằng sự nổi loạn mà bằng chiều sâu nhân văn.”
Đúng vậy. Bản thể trong nghệ thuật đương đại không chỉ là cá nhân tâm lý, mà còn là cá nhân xã hội – người nghệ sĩ đứng trước các vấn đề của thời đại như đô thị hóa, môi trường, ký ức lịch sử, thân phận văn hóa…
Sự chuyển dịch này khiến mỹ thuật Việt Nam không còn đơn thuần là diễn ngôn thẩm mỹ, mà trở thành một hình thức suy tưởng triết học, đối thoại xã hội.
Những thành tựu, những đóng góp của giới mỹ thuật trong sự nghiệp phát triển chung của đất nước là không thể phủ nhận. Khi chúng ngày càng đánh giá cao và thấy rõ tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển thì sứ mệnh của giới mỹ thuật nói riêng và Văn hóa nghệ thuật nói chung càng nặng nề hơn với lịch sử. Giới mỹ thuật như vẫn mắc nợ với lịch sử, với cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của quân và dân ta khi chưa có một tác phẩm mỹ thuật quy mô, tầm cỡ và hoành tráng như bức tranh panorama liên hoàn ở Bảo tàng Điện Biên.
Tranh Sơn dầu: Thi công Metro Sài Gòn, Tác giả Hồ Minh Quân
Ông Vi Kiến Thành, khi ở cương vị Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm từng khẳng định: “Không thể nhìn mỹ thuật Việt Nam sau 1975 như một cuộc phân định giữa hai miền, mà phải nhìn đó là một quá trình chung, trong đó mỗi nghệ sĩ đóng góp một lát cắt, một sắc màu. Sự thống nhất trong đa dạng chính là giá trị lớn nhất.”
Mỹ thuật Việt Nam sau 1975 là minh chứng cho khả năng tự đổi mới và dung hòa giữa các dòng chảy tư tưởng – nghệ thuật. Những đóng góp từ hai miền, với bao gương mặt nghệ sĩ tên tuổi, đã không chỉ tạo dựng nên một nền mỹ thuật thống nhất mà còn làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Hành trình ấy vẫn đang tiếp diễn, với những lớp nghệ sĩ trẻ ngày càng mạnh mẽ trong tư duy và bản lĩnh trong sáng tạo.
Bình luận