Phép màu từ “Những mảnh vụn”

Thấu hiểu sự khó khăn của cộng đồng người khuyết tật trong quá trình tìm kiếm việc làm, anh Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội) đã cùng họa sĩ Nguyễn Văn Trường, Lê Quốc Vinh sáng lập Hợp tác xã Vụn Art với mục đích dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người yếu thế, để họ có thể sống tự lập, tự tin bằng chính khả năng và sức lao động của bản thân mình.

Các tác phẩm tranh ghép vải mang tính nghệ thuật thẩm mỹ cao của các thành viên Vụn Art vừa được giới thiệu tới công chúng tại triển lãm “Những mảnh vụn” - chương trình đặc biệt do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Hợp tác xã Vụn Art tổ chức, hướng tới những hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật Việt Nam 18/4.

Biến nghệ thuật thành niềm vui lẽ sống

Với thông điệp “Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể tạo nên những giá trị riêng, độc nhất để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình”, trong những năm qua, Hợp tác xã Vụn Art đã tạo việc làm cho hơn 30 người khuyết tật, yếu thế để họ có thu nhập ổn định và có cơ hội được tái hoà nhập cộng đồng.

Mỗi người khuyết tật ở Vụn Art là một mảnh ghép và anh Lê Việt Cường được ví như chất keo để gắn kết những mảnh ghép ấy. Những người khuyết tật quy tụ lại với nhau không chỉ đơn thuần vì có một công việc nuôi sống bản thân, mà tất cả được khơi dậy tinh thần đam mê sáng tạo, biến nghệ thuật thành niềm vui lẽ sống.

Phép màu từ “Những mảnh vụn” - 1

Triển lãm “Những mảnh vụn” - chương trình đặc biệt do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Hợp tác xã Vụn Art tổ chức, hướng tới những hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật Việt Nam 18/4. Ảnh: Phạm Hằng

Không phải là một người theo đuổi ngành mỹ thuật, với anh Cường, bản thân chỉ là cầu nối kết nối tất cả những tấm lòng tốt trong xã hội với mong muốn dạy nghề được cho người khuyết tật, anh chia sẻ: “Chúng tôi là người khuyết tật, nhưng sản phẩm không được phép khuyết tật. Mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vụn nhỏ, một mảnh ghép và tôi là chất keo để gắn kết những mảnh ghép ấy tỏa sáng. Đồng thời, nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng và xã hội, chúng tôi đã trở thành một mảnh vải lớn và trên đó, chúng tôi có thể tự vẽ được ước mơ của chính mình”.

Với ý nghĩa, không một mảnh vải nào thừa, không một “mảnh vụn” nào của cuộc đời lại vô ích, Hợp tác xã Vụn art đã thực sự trở thành nơi gieo mầm ước mơ và kết nối những người không may mắn lại với nhau.

“Từ trong khó khăn cùng cực, từ trong tuyệt vọng đen tối, mỗi người đã toả sáng bằng cách lao động sáng tạo. Với người lành lặn, việc sáng tạo nghệ thuật đã là một địa hạt đầy khó khăn, còn với người khuyết tật thì đó còn là thử thách. Họ đã vượt qua, và kể lại những câu chuyện cảm động bằng tranh. Chúng tôi rất mong mỏi sự đón nhận của công chúng - bởi đó là nguồn động viên, khích lệ tinh thần để có thêm nghị lực và hi vọng”, anh Lê Việt Cường chia sẻ.

Phép màu từ “Những mảnh vụn” - 2

Anh Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông (Hà Nội), Giám đốc Hợp tác xã Vụn Art chia sẻ tại lễ khai mạc triển lãm “Những mảnh vụn”. Ảnh: Phạm Hằng 

Phép màu từ những mảnh vụn

Tranh ghép vải là một loại hình nghệ thuật mới, đòi hỏi tính tỉ mỉ, cẩn trọng, con mắt nghệ thuật tinh tế và khả năng phối hợp ngẫu hứng với những mảnh lụa nhiều màu sắc. “Những mảnh vụn” lụa phế thải qua tay người thợ Vụn Art như được thổi hồn, trở nên sống động, khiến những bức tranh độc bản trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.

Tận dụng những mảnh vải vụn bị bỏ đi trong quá trình may vá tại làng nghề lụa Vạn Phúc, những thành viên của Vụn Art đã làm nên những sản phẩm tranh ghép vải rực rỡ sắc màu, giàu tính dân gian nhưng vương vấn hơi thở của cuộc sống đương đại. Những mảnh vải vụn vốn tưởng chỉ đợi gom bỏ, nay lại được tái sinh dưới hình hài mới đầy sống động.

Phép màu từ “Những mảnh vụn” - 3

Không gian triển lãm “Những mảnh vụn” tại Bảo tàng Hà Nội

Theo anh Lê Việt Cường, các công đoạn để tạo ra một bức tranh ghép vải của Vụn Art chủ yếu được làm thủ công. Đầu tiên là phác thảo tranh trên bìa cứng để định hình rồi cắt rời chi tiết. Vải vụn chuẩn bị trước đó phải được làm sạch sẽ rồi là cho phẳng. Để đảm bảo độ cứng cáp cho miếng vải cũng như độ bền màu sau này, những mảnh vải vụn sẽ được tráng hoặc phết một lớp keo sữa mỏng rồi đem hong khô.

Những sản phẩm của Vụn Art là những bức tranh vải, túi vải thời trang, bưu thiếp... đủ màu sắc, mang đậm nét văn hóa dân gian với họa tiết của dòng tranh Đông Hồ hay biểu tượng Khuê Văn Các, chùa Một Cột, Hồ Gươm, làng cổ Đường Lâm, làng lụa Vạn Phúc... Tuy nhiên, việc tìm đầu ra là bài toán rất khó khăn đối với anh Cường và các cộng sự. Nhưng với sự năng động nhạy bén, anh tích cực quảng bá sản phẩm tại nhiều hội chợ, triển lãm tranh, đến các công ty du lịch, cơ quan, doanh nghiệp liên hệ giới thiệu sản phẩm làm quà tặng.

Phép màu từ “Những mảnh vụn” - 4

Những bức tranh vải đủ màu sắc, mang đậm nét văn hóa dân gian được tạo ra bởi những người thợ - nghệ sĩ khéo tay của Vụn Art

Trải qua nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, đến nay Hợp tác xã Vụn Art đã đạt được những kết quả nhất định, khi sản phẩm được đông đảo du khách biết đến và đang dần khẳng định được vị thế trên thị trường.

Cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng, của các tổ chức và cá nhân, sau 5 năm hoạt động, Hợp tác xã Vụn Art đã đạt được nhiều thành tựu: Đạt danh hiệu Top 4 Hàng Việt Nam được Người tiêu dùng yêu thích năm 2018; Giấy chứng nhận OCOP 4 sao và đạt giải nhì cuộc thi SDG CHALLENGE 2019 - Cuộc thi khởi nghiệp về giải pháp cho người khuyết tật tại Việt Nam năm 2019; Năm 2022, Vụn Art đã góp mặt trong 460 gian hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước tham gia Hội chợ Quốc tế Quà tặng Thủ công Mỹ nghệ Hà Nội 2022; lọt top 6 chung kết bảng Giải pháp cộng đồng của cuộc thi Viet Solutions 2022 với giải pháp: Bộ sản phẩm kit ghép lụa cho học sinh, sinh viên.

Phép màu từ “Những mảnh vụn” - 5

“Những mảnh vụn” lụa phế thải qua tay người thợ Vụn Art như được thổi hồn, trở nên sống động, khiến những bức tranh độc bản trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.

Bên cạnh tạo ra các sản phẩm, Vụn Art còn tổ chức các hoạt động với mô hình không gian sáng tạo, phát triển tour trải nghiệm văn hóa, thu hút học sinh, các bạn trẻ và khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thực hành làm tranh vải ghép. Qua đó giúp cho mọi người hiểu hơn về những người khuyết tật, cách sử dụng các sản phẩm tái chế và hiểu hơn về văn hóa của Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra với thế giới.

Triển lãm “Những mảnh vụn”  kéo dài đến tháng 10/2023. Trong thời gian triển lãm, sẽ có những buổi workshop trải nghiệm làm tranh, làm quả lưu niệm bằng vải lụa vụn vào dịp cuối tuần tại tầng 1, Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Thông qua các tác phẩm, triển lãm không chỉ kể những câu chuyện xúc động về sáng tạo nghệ thuật từ những con người bị khiếm khuyết về thể xác, mà còn là những câu chuyện riêng biệt về từng người thợ - nghệ sĩ.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất