Vũ Ba “nhọc nhằn” vì được giải thưởng quốc tế

Vũ Ba tên thật Trần Phú Hạnh, sinh năm 1930, tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Năm 1935, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, mẹ bé Hạnh đành gạt nước mắt trao bé Hạnh cho bà dì để cùng bà vào Sài Gòn làm ăn sinh sống. Bé Hạnh lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn hoa lệ.

Vũ Ba tên thật Trần Phú Hạnh, sinh năm 1930, tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Năm 1935, do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, mẹ bé Hạnh đành gạt nước mắt trao bé Hạnh cho bà dì để cùng bà vào Sài Gòn làm ăn sinh sống. Bé Hạnh lớn lên trên mảnh đất Sài Gòn hoa lệ.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, chàng trai Trần Phú Hạnh, được bác ruột từ Pháp về thăm quê tặng cho một chiếc máy ảnh làm kỷ niệm. Kể từ cái khoảnh khắc đáng nhớ ấy, Trần Phú Hạnh tập tễnh bước vào nghề chụp ảnh và cũng là lúc anh tham gia công tác cách mạng.

Vũ Ba “nhọc nhằn” vì được giải thưởng quốc tế - 1

NSNA Vũ Ba

Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Vũ Ba được tổ chức điều về “Ban Công tác quyết tử Sài Gòn -– Chợ Lớn”, dưới vỏ bọc anh thợ ảnh chụp hình cho hiệu ảnh “Foto Min” ở Sở Thú Sài Gòn. Với tài năng của mình, Vũ Ba đã diễn vai của mình rất thành công, nhờ đó mà anh đã làm tròn nhiệm vụ một chiến sỹ quân báo nội thành, mà địch không sao phát hiện được.

Vũ Ba không chỉ dũng cảm gan dạ trong chiến đấu, mà còn qua đó anh có điều kiện luyện tay nghề ảnh khá thành thạo. Bước đầu anh đã gặt hái được những hình ảnh khá sinh động, chân thật. Do những thành tích đó, từ năm 1950 đến năm 1952, Vũ Ba được chuyển sang làm phóng viên quay phim của phòng Chính trị Quân khu VII. Với môi trường hoạt động này, Vũ Ba có nhiều điều kiện tiếp cận với nghệ thuật nói chung và nghệ thuật nhiếp ảnh nói riêng. Tại đây, Vũ Ba có may mắn được sự giúp đỡ tận tình của các nhà làm phim, chụp ảnh đầy tài năng như: Tô Cương, Khương Mễ, Lý Cương, Nguyễn Đảnh, Mai lộc và Đoàn Tý…

Được sống trong một tập thể vừa là thầy vừa là đồng nghiệp, Vũ Ba cùng đồng đội  được đặt chân lên mọi nẻo đường chiến tranh, ghi lại được những thước phim, những tập ảnh tư liệu có giá trị, đã được đăng tải trên các báo trong nước và một số báo nước ngoài. Từ năm 1952 đến ngày hòa bình lập lại năm 1954, Vũ Ba được chuyển sang công tác ở Phân Liên khu miền Tây Nam Bộ. Từ đây Vũ Ba cùng đồng đội tập kết ra Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Từ 1954 đến 1957, Vũ Ba làm việc tại Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Khi tờ báo “Hình ảnh Quân đội Nhân dân” ra đời (1957), Vũ Ba là một trong số  những phóng viên đầu tiên của tờ báo này.

Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, tờ báo “Hình ảnh Quân đội Nhân dân” sáp nhập với tờ Báo Ảnh Việt Nam, Vũ Ba được phân công về báo Quân đội Nhân dân cho đến năm 1981.

Trong những năm làm phóng viên báo Quân đội Nhân dân, Vũ Ba có nhiều điều kiện đi khắp đó đây và đã thu được nhiều thành tựu nghệ thuật nhiếp ảnh đáng kể. Năm 1967, trong cuộc triển lãm “Ảnh nghệ thuật Hà Nội chiến đấu và sản xuất”, nhóm ảnh của Vũ Ba được tặng giải A. Bức ảnh “Vào lửa” của anh đoạt giải Nhất ảnh báo chí Việt Nam năm 1968. Tác phẩm ghi lại khoảnh khắc hai nữ dân quân cứu thương mang băng ca vượt qua lửa đạn xông vào cứu người bị máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, lửa cháy ngùn ngụt rực trời, nhiều nhà cửa bị tàn phá, nhiều người bị chết, bị thương… Bức ảnh "Vào lửa" được trưng bày nhiều lần trong các cuộc triển lãm trong nước và nước ngoài. Tại cuộc triển lãm “Ảnh nghệ thuật Quốc tế ở Hungaryrie”, tác phẩm “Vào lửa” được kỷ niệm chương.

Vũ Ba “nhọc nhằn” vì được giải thưởng quốc tế - 2

“Vào lửa”. Ảnh:  Vũ Ba

Cũng vào thời gian này, niềm vui lại đến với nghệ sỹ chiến sỹ Vũ Ba, anh chụp thành công bức ảnh “Khi Hà Nội yên giấc”, ghi lại hình ảnh người lính nắm chắc tay súng, giữa đêm đông lạnh giá, mặt đăm đăm hướng lên bầu trời Tổ quốc, không một phút lơi là, để canh giữ cho người dân Hà Thành ngon giấc. Tác phẩm nói lên đầy đủ tính nhân văn cao cả của người chiến sỹ Quân đội Nhân Dân Việt Nam.

Những ai trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp nhiếp ảnh, đều say mê cái đẹp của cuộc sống đời thường quanh ta. Ý thức được điều đó, Vũ Ba đã đi tìm cái đẹp, cái hùng, trong đồng đội của mình. Theo hướng đó, hàng loạt bức ảnh chiến đấu anh dũng của người chiến sỹ ra đời qua ống kính của nghệ sỹ Vũ Ba, với bức ảnh “Chiến sỹ lái xe” (còn có tên “Qua trọng điểm”), ghi lại hình ảnh người lính lái xe nơi tuyến lửa, bị thương bởi bom đạn Mỹ, mặt loang lổ máu, nhưng tay vẫn không rời vô lăng, đôi mắt vẫn ngời lên nhìn về phía trước, cho xe nhanh chóng vượt qua trọng điểm.

Vũ Ba còn có những phóng sự ảnh về chiến tranh, về lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam non trẻ với tác phẩm “Cất cánh”…

Nhưng có lẽ công chúng và đồng nghiệp đến hôm nay vẫn nhớ đến anh chính là tác phẩm “Phúc Tân kêu gọi trả thù”. Một bức ảnh có giá trị cao về mặt thẩm mỹ và giàu tính nhân đạo cao cả, mà theo Vũ Ba nói “Bức ảnh làm tôi ưng ý nhất vì thực hiện được ý đồ lột mặt nạ sự gian ác của Tổng thống Johnson”. Bức ảnh đoạt được Giải thưởng lớn cuộc thi ảnh Quốc tế ở Liên Xô năm 1967, nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại.

Vũ Ba “nhọc nhằn” vì được giải thưởng quốc tế - 3

“Phúc Tân kêu gọi trả thù”. Ảnh: Vũ Ba

Nhưng cũng chính sự thành công của bức ảnh, mà Vũ Ba đã phải trải qua những năm tháng nhọc nhằn “kêu đất, đất chẳng nghe, kêu trời, trời chẳng thấu”. Chỉ vì cách nhìn nhận về ảnh chiến tranh một cách cực đoan. Dư luận cho rằng Vũ Ba ăn phải bả “diễn biến hòa bình của bè lũ xét lại hiện đại”.

Một số người còn đi xa hơn rằng bức ảnh của Vũ Ba “nặng về khơi gợi đau thương, mất mát, bi lụy, làm nhụt ý chí  chiến đấu của quân dân ta”. Vũ Ba khổ sở vô cùng, hết kiểm điểm ở chính quyền, lại kiểm điểm ở tổ Đảng, rồi Chi bộ… Và cũng vì lý do này, phải chịu đeo “lon” Trung úy suốt 10 năm, không thăng cấp. Vũ Ba tâm sự vào lúc này, chiến sự miền Nam đang vào giai đoạn quyết liệt “mình khao khát đến cháy bỏng muốn trở về Nam chiến đấu, nhưng có lẽ vì nguyên nhân này mình chỉ được vào đến vùng khu IV cũ”.

Theo thuật lại của Vũ Ba, lúc đầu bức ảnh gửi đi dự thi có chú thích “Phải chăng đây là mục tiêu quân sự của Johnson”, nhưng Ban tổ chức cuộc thi sửa lại tít “Không thể để thế này được”. Vì vậy Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô phản ảnh về nước rằng bức ảnh nội dung đau thương, có ý chống chiến tranh, gây tâm lý sợ chiến tranh. Tác giả bức ảnh đi vào con đường xét lại. Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đình Ước nghe phản ảnh này ông tỏ ra bực lắm. Chính vì thế mà Vũ Ba gặp nạn. Và mãi đến năm 1979, khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, báo Nhân dân hết lời khen ngợi bức ảnh này và bức ảnh được đổi tít thành “Phúc Tân kêu gọi trả thù”, và từ đó bức ảnh được nhìn nhận đúng nội dung của nó.

Để chụp được bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù”, Vũ Ba kể: “Vào khoảng 15 giờ, chiều ngày 13 tháng 12 năm 1966, tôi đang ở Tòa soạn báo Quân đội Nhân dân, phố Phan Đình Phùng, bỗng nghe tiếng còi báo động ở Nhà Hát Lớn rú lên liên hồi, máy bay Thần Sấm F105 của Mỹ ném bom rải thảm vùng cầu Long Biên, tiếng bom nổ chát chúa đinh tai nhức óc. Với chiếc máy ảnh đeo trước ngực, tôi nhanh chóng đạp xe ra hiện trường, vừa đến khu Phúc Tân, thì chợt thấy một bé gái từ trong đám cháy chạy ra, hoảng sợ kêu khóc thảm thiết. Là bản năng của người cầm máy, lại là một gợi ý bất thần chợt đến nhanh như cắt, tôi đưa máy lên bấm tức khắc”.

Trong ảnh, hình bé gái nổi hẳn lên trên nền một quang cảnh đổ nát, ngọn lửa đang rực cháy, khói tỏa mịt mù!... Cái đẹp của tác phẩm là sự tự nhiên, em bé chưa kịp nhận ra có một phóng viên ảnh đang chụp mình, nên vẫn còn nguyên nỗi thảng thốt, sợ hãi không chỉ hằn lên cái miệng gào thét, nức nở gọi mẹ, mái tóc rối bù, mà đôi bàn tay còn bấu vào gấu áo, để bớt đi nỗi sợ hãi chăng?

Vũ Ba “nhọc nhằn” vì được giải thưởng quốc tế - 4

Em bé sau 50 năm “Phúc Tân kêu gọi trả thù”. Ảnh: Hoàng Kim Đáng

Có thể khẳng định rằng thành công của tác phẩm là kết quả của một quá trình lao động nghiêm túc, bất chấp mọi khó khăn nguy hiểm và lòng say mê nghề của nghệ sỹ Vũ Ba. Từ một chiến sỹ, Vũ Ba trở thành một phóng viên ảnh chiến tranh có tên tuổi. Bởi anh có ý thức trau dồi nghề nghiệp, không ngừng học hỏi để làm chủ phương tiện và chủ động sáng tạo.

Từ những thành tích đó, Vũ Ba được được đồng nghiệp quý mến, bầu anh làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Hà Nội (1967 - 1973) và Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhiếp ảnh Tp. Hồ Chí Minh (1981 – 1986). Năm 2007, Vũ Ba được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Vũ Ba qua đời ngày 21 tháng 5 năm 2019, tại Tp. Hồ Chí Minh, thọ 89 tuổi.

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất