Gọi xanh

Về những người mơ ước bay trong gió xanh...

Địa chỉ xanh

Trước chuyến du xuân về Hải Phòng - Thành phố Hoa Phượng Đỏ - ngày 31/1/2023 (nhằm vào ngày 10 tháng Giêng Quý Mão), dự buổi Tọa đàm Thơ - Nhạc “Phạm Hồng Điệp với những người bạn”, tôi đã biết đến Khu công nghiệp (KCN) Nam Cầu Kiền, Hải Phòng và doanh nhân Phạm Hồng Điệp qua Thời báo Văn học nghệ thuật (VHNT), số Xuân Quý Mão 2023. Một bài phỏng vấn sắc sảo, uyển chuyển và tươi trẻ giữa phóng viên với Tiến sĩ - Luật sư - Doanh nhân Phạm Hồng Điệp về chủ đề “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp và tình yêu với âm nhạc”, một Chim Phượng, như có người từng ví von về nhân vật này. 

Tôi nghĩ ngay đến một phương diện đời sống xã hội hôm nay - văn hóa doanh nhân. Sinh thời, nhà văn Lê Lựu là Giám đốc tổ chức này. Gần đây Thời báo VHNT cũng đã mở chuyên trang mới “Văn hóa doanh nghiệp”. Những kiệt hiệt trên lĩnh vực này không phải là nhiều, vì nói như người xưa “nhân tài như lá mùa thu”. Nhưng nếu có ai đó xuất hiện thì người ấy lập tức khiến cộng đồng lưu tâm, ưu ái vì nhiều lý do khi bài toán về kinh tế không còn quá nan giải so với bài toán về văn hóa, bởi “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Với doanh nhân Phạm Hồng Điệp, tôi vẫn chỉ mới “kiến kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Nhưng chắc chắn ông là người, như cách hình dung của tôi, trong thực tế đã, đang và sẽ tham gia tích cực khi nhận sứ mệnh giải bài toán văn hóa trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Gọi xanh - 1

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp 

Làm gì cũng phải có duyên. Tôi không phải là nhà báo chuyên nghiệp. Nghề chính là dạy học (bậc đại học). Từ độ nghỉ hưu hơn mười năm nay, mới có điều kiện nhập vào làng báo chí. Nay thì tự nhận là viết báo “tay ngang”. Sau khi nhận thông tin (kịch bản) về kế hoạch chuyến đi du xuân Hải Phòng tham dự sự kiện văn hóa Tọa đàm Thơ - Nhạc “Phạm Hồng Điệp với những người bạn” tại KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng, tôi rất vui. Vui vì lẽ giản dị, nói theo cách của Cụ Nguyễn Tuân, cái nghề viết (văn hay báo) đều phải thực hành công thức “đi - đọc - viết”. Thì đây là cơ hội, cơ duyên không dễ gì để có đến hơn một lần được trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa, vốn đang là một từ khóa, phủ sóng mọi lĩnh vực đời sống chính trị - kinh tế - xã hội - giáo dục - y tế...

Ngày giờ xuất hành về KCN Nam Cầu Kiền, không biết nhà văn - nhà báo, Tổng biên tập Thời báo VHNT Hoàng Dự có “bấm độn” hay không nhưng không thể nói là không đẹp. Trời rét vừa độ, cao xanh nắng vàng. Trang phục không quá dày dặn cồng kềnh như trước Tết. Mấy anh em đồng nghiệp trên hai xe 5 chỗ trực chỉ KCN Nam Cầu Kiền tiến về.

Chuyến đi gọn nhẹ, cơ động này ngoài Tổng biên tập Thời báo VHNT và Cố vấn TBT, nhà báo kỳ cựu Đỗ Quảng (nguyên đặc phái viên báo Nhân Dân), có nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha (quê Hải Phòng), nhà văn Bùi Việt Thắng (cộng tác viên thân thiết của Thời báo VHNT), nhà thơ Hồng Thanh Quang (nguyên TBT báo Đại Đoàn Kết), phóng viên Phạm Hằng (Thời báo VHNT) và nhạc sĩ Đinh Công Thuận - Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Các đoàn từ các tỉnh thành phía Bắc khác chắc cũng gọn nhẹ và khẩn trương, vì thời gian là vàng ngọc, vì chủ nhân sự kiện, tôi biết, là con người của công việc, khiêm nhu, kín tiếng.

Đường tốt, thời tiết đẹp, lòng người phơi phới nên chỉ mới chừng “giập bã trầu” (độ hai giờ đồng hồ) đoàn đã cập bến KCN Nam Cầu Kiền. Cổ nhân nói không sai, làm gì cũng cầu “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Cảm xúc vỡ òa khi đoàn bước vào phòng khánh tiết Nhà đón tiếp của KCN Nam Cầu Kiền - một quang cảnh bắt mắt, khang trang, mỹ thuật, chu đáo, thịnh tình, thịnh vượng.

Dường như không có ranh giới chủ - khách. Chỉ còn là nồng ấm tình bạn hữu, gặp nhau ở một điểm chân tủy - yêu quê hương đất nước, yêu văn hóa nghệ thuật. Nhưng quan trọng nhất là đều “phải lòng” thiên nhiên - bà mẹ tự nhiên vĩ đại, bất tử. Không biết có bao nhiêu người hối hận vì đã có lúc, có nơi ứng xử tùy tiện và thiếu thiện chí với bà mẹ tự nhiên để đến nỗi mỗi khi bão lũ hay hạn hán xảy ra thì lại một phen cộng đồng căn vặn “nhân tai chứ không phải thiên tai”(!?).

Ai thương dân thì dân thờ

Sau màn thưởng trà cúc (được nhân viên lễ tân giới thiệu là đặc sản của Hải Phòng), khách đến dự Tọa đàm Thơ - Nhạc “Phạm Hồng Điệp với những người bạn” (hưởng ứng Ngày thơ Việt Nam Xuân Quý Mão) được trịnh trọng mời thắp hương tại Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp kề sát Nhà đón tiếp của KCN Nam Cầu Kiền. Thờ ai thuộc về tâm linh, tình cảm của mỗi người. Tỷ như, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình, Hà Nội thờ Anh hùng - Liệt sỹ Võ Thị Sáu. Doanh nhân Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Sinh thái Nam Cầu Kiền) lập Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là có lý do riêng, chung trong đó.

Ở phòng khánh tiết, trong một dãy tủ kính đẹp áp tường, tôi nhìn thấy nhiều bằng chứng nhận về “Khu công nghiệp xanh” của các tổ chức trong và ngoài nước trao cho Shinec. Nhưng trung tâm chính là bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng doanh nhân trẻ Phạm Hồng Điệp và cộng sự (chụp ngày 22/1/2008). Bức ảnh này thay lời giải thích sinh động và thuyết phục về 2 bức thư của Đại tướng gửi doanh nhân Phạm Hồng Điệp (2028, 2010) được khắc trên phiến đá vĩnh cửu trong không gian “Vườn kỷ vật Đại tướng”.

Gọi xanh - 2

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2008

Chính từ sự kiện này để tri ân công lao trời biển của Đại tướng và quân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu chấn động địa cầu, làm “nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng”, Phạm Hồng Điệp và Shinec đã thiết kế và xây dựng khu “Sa hình chiến thắng Điện Biên Phủ” bằng cây xanh tại khu vực công viên cảnh quan cây xanh trong không gian KCN Nam Cầu Kiền.

Trong khói hương trầm thơm ngát, trong không khí thành kính và linh thiêng, trong im lặng tuyệt đối ở Đền thờ Đại tướng, tôi vẫn đủ nghe dù nhà thơ Hồng Thanh Quang đứng cạnh, nói như thì thầm: “Ai thân dân, ai thương dân thì dân thờ”. Câu này, tôi chợt nghĩ, hẳn không do Hồng Thanh Quang phát kiến. Nó như hào quang, sấm truyền tỏa ra từ trong nhân dân, dân gian muôn đời bất diệt. Nhân dân tinh anh, công bằng, rộng lượng. Nhân dân có sức mạnh vô địch như nước (“Nước chở thuyền nước cũng lật thuyền” - Nguyễn Trãi). 

Nương theo lịch sử hiện đại, lại nhớ về chiến dịch Điện Biên Phủ, khi mở màn Đại tướng được Bác Hồ giao toàn quyền chỉ huy. Nỗi niềm canh cánh của vị chỉ huy chiến dịch tối cao không phải là “đánh nhanh thắng nhanh” như đoàn cố vấn đã bày mưu. Vì thế mới có chuyện kéo pháo ra kéo pháo vào, chờ thời cơ tốt mới nổ súng để giảm thiểu đổ xương máu đồng bào, đồng chí. Sau này nhà thơ Việt Phương viết: “Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là “đánh đẹp” (trong bài thơ Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương, 1969). Rõ ràng, máu người không phải, không thể là nước lã.

Tôi còn nhớ, đã từng xem một bộ phim điện ảnh của Liên - Xô (trước đây), về chiến tranh có tựa như thế. Bản thân Phạm Hồng Điệp là một cựu chiến binh, đã trải nghiệm qua lửa đỏ và nước lạnh, được coi là thế hệ “Thép đã tôi thế đấy” (nhan đề một cuốn tiểu thuyết một thời như là sách gối đầu giường của thanh niên Việt Nam những năm sáu mươi thế kỷ trước). Người trải nghiệm chiến tranh như Phạm Hồng Điệp lẽ tất nhiên càng yêu quý hòa bình. Màu xanh đồng nghĩa với hòa bình.

Cao vọng xanh

Trong thực tế, KCN Nam Cầu Kiền là một KCN xanh, hơn thế là một cơ sở đào tạo theo kiểu “đầu bờ” (học và hành, lý thuyết và thực tiễn) theo triết lý “thực học - thực nghiệp”. Cách thức tiềm năng này nhiều khả thi giải được bài toán hóc búa khi hiện trạng “khoa học cụt cánh”, “khoa học chân không”, “khoa học nhập kho” (nghĩa là công trình được nghiên cứu và nghiệm thu công phu nhưng rồi lập tức sau đó được /bị cất vào tủ lưu trữ tài liệu). Khoa học chân chính phải phục vụ đời sống. 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời báo VHNT, Doanh nhân Phạm Hồng Điệp chia sẻ: “Trước nhu cầu phát triển của giáo dục Việt Nam, trong xu thế phát triển của thế giới và Việt Nam, KCN Nam Cầu Kiền đã mở ra Trung tâm Truyền thông Môi trường, đây là nơi nhằm kết nối cho học sinh, sinh viên trong cả nước đến với KCN Nam Cầu Kiền để được học và được hiểu hơn về kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ môi trường và những bài học kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh gắn với môi trường, từ đó tạo ra một tư duy sống và học tập vì một nền kinh tế trong sạch và phát triển bền vững. Năm 2020, KCN Nam Cầu Kiền đã đón gần 20.000 lượt học sinh, sinh viên đến tham quan và học tập tại đây. (...).

Gọi xanh - 3

Văn nghệ sĩ dự Tọa đàm Thơ - nhạc "Phạm Hồng Điệp với những người bạn" dâng hương tại đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, KCN Nam Cầu Kiền

Tôi mong muốn chúng tôi sẽ chung tay xây dựng thành công KCN Sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, mang niềm tự hào này từ Hải Phòng để truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư cho tương lai phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Từ đó tạo ra hệ sinh thái cộng sinh mang lại hạnh phúc cho mọi người. Những khát vọng, những thông điệp, những suy nghĩ cùng những hành động của các thành viên của gia đình Shinec đã, đang và sẽ mang lại màu xanh sinh tồn, màu xanh khát vọng và màu xanh hạnh phúc thịnh vượng, không chỉ cho nơi đây mà còn lan tỏa cho đất nước Việt Nam của chúng ta ngày càng tươi đẹp trong một tương lai gần” (Thời báo VHNT Xuân Quý Mão). Ý tưởng lớn này rõ ràng dựa trên nền tảng quan niệm về cộng sinh - chúng sinh - hiện sinh - nghiệm sinh. Một kiểu tư duy hiện đại, có tính “thông linh” giữa người và người, giữa người và tạo vật, giữa cộng đồng nhân loại hiện tồn và thế giới tâm linh. 

KCN Nam Cầu Kiền là KCN đầu tiên trong tổng số 385 KCN trên cả nước được công nhận “Khu công nghiệp xanh”. Nhưng tôi nghĩ, Phạm Hồng Điệp là người có tâm và tầm, sẽ không khi nào bằng lòng với thực trạng “xấu đều tốt lỏi” hay “anh hùng nhất khoảnh”. Cái điển hình phải có phẩm chất, năng lực kết tinh, lan tỏa, ảnh hưởng tích cực. Quyết tâm cùng thiện ý đó Doanh nhân Phạm Hồng Điệp và Shinec sẽ thực hiện được trong tầm chiến lược trung hạn và dài hạn.

Trên diện tích 263 héc-ta (ha) của KCN Nam Cầu Kiền, Phạm Hồng Điệp và Shinec đã nhập trồng 300 cây hoa anh đào từ xứ sở Mặt Trời (Japan), 111 cây kơ-nia từ Tây Nguyên xa xôi về Thủy Nguyên với một nhãn giới rộng mở, có tầm đón đợi. Trong tương lai không xa, khi huyện Thủy Nguyên được nâng cấp lên thành phố thuộc thành phố Hải Phòng (trước 2025), Doanh nhân Phạm Hồng Điệp và Shinec sẽ cống hiến cho thành phố trẻ và mới một “Bách thảo” (hoành tráng và tươi đẹp không kém Thảo cầm viên của Tp. Hồ Chí Minh hay Bách thảo của Thủ đô Hà Nội). 

Tôi lại nhớ cách nay đã lâu, khi đọc cuốn sách Napoléon Bonaparte của sử gia người Pháp Etacler, có viết về cao vọng phủ xanh Thủ đô Paris hoa lệ, từ thế kỷ 19 của vị Hoàng đế từng thống lĩnh châu Âu, song le thảm bại trước người Nga. Nay đã hơn 200 năm, nhờ đó mà xung quanh Paris tráng lệ và kiều diễm của một “Kinh đô ánh sáng”, bạt ngàn màu xanh của rừng. Người Pháp tự hào nói “Mọi nẻo đường đều dẫn đến Tháp Ep-phen”.

Tôi cũng đã ở Mat-xcơ-va (Thủ đô Liên Xô trước đây), trong thời gian 1987-1990. Mới thấy Thủ đô của xứ sở bạch dương và tuyết trắng này sẽ kém hấp dẫn nếu thiếu độ bao phủ của thảm xanh. Nơi tôi tu nghiệp là Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xốp. Khỏi phải nói về sự hoành tráng của ngôi trường tên tuổi thế giới này. Đã nhiều năm trôi qua xa trường nhưng trong tâm trí tôi vẫn khắc ghi về hình ảnh những cánh rừng bao bọc quanh trường bất tận. Thật ngoạn mục, ngoài những cánh rừng cây lấy gỗ khác là những cánh rừng quả ăn nho, táo, lê, anh đào... ngát hương và xôn xao nắng, tràn ngập tiếng chim. 

Hãy đợi đấy! Nói theo cách của một bộ phim hoạt hình Nga nổi tiếng. Hãy đợi sau năm 2025, khi đến Hải Phòng, ta có dịp đến thăm thành phố trẻ Thủy Nguyên. Sẽ  lạc vào một bách thảo với cái tên hiện nay chưa được đặt. Nhưng chắc chắn sẽ rất ấn tượng và giàu sức quyến rũ, mời gọi và níu chân. Du khách sẽ phải lòng KCN Nam Cầu Kiền, Thủy Nguyên, Hải Phòng, như trước đây chủ nhân của Shinec - Tiến sỹ, Doanh nhân, Luật sư Phạm Hồng Điệp - đã phải lòng mảnh đất này.

Vĩ Thanh

Tôi không nghĩ doanh nhân Phạm Hồng Điệp là người giỏi (hay đam mê) gọi đầu tư, gọi vốn, gọi tài chính. Ông tự tin khi nói: “Tôi làm doanh nghiệp rất nhiều tiền nhưng không nghĩ nhiều về tiền”, “Tôi không vay ngân hàng dù một đồng”, “Tôi không phát hành trái phiếu”, “Tôi đi lên bằng đôi chân, bằng trái tim và trí tuệ của chính mình”. Có lẽ đúng hơn cả khi định vị Phạm Hồng Điệp là người có năng lực “gọi xanh”.

Bản tính bình sinh hay được rèn luyện qua thực tiễn cũng như nâng cao bằng lý thuyết, nhưng liệu có tình trạng “lý thuyết thì xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi” (Goethe)?! Tôi nghĩ, không chỉ một, phải cả nhiều nhân tố gộp lại hợp thành tổng lực. Nhưng trong Di truyền học (về Gen), có chỉ số về tính trội, hiểu là trọng lực - đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. 

Trên đường trở về, tôi cứ nghĩ và tiếc cho người đứng đầu Thủ đô Hà Nội đã không biết cách “gọi xanh”, khi có cơ hội “xanh hóa sông Tô Lịch”, theo đề án môi trường của Nhật Bản cách nay chưa lâu. Chỉ vì lợi ích nhóm mà sông Tô Lịch đến hôm nay vẫn “vũ như cẩn”, vẫn là một nốt buồn của cư dân Thủ đô. Nói nặng lời thì đó là một nỗi xấu hổ tầm quốc thể.

Gọi xanh - 4

Doanh nhân Phạm Hồng Điệp cùng các văn nghệ sĩ Hải Phòng, Hà Nội tại Tọa đàm Thơ - nhạc "Phạm Hồng Điệp với những người bạn"

Tôi nhớ câu chuyện một vị Thị trưởng Thành phố Seoul (Hàn Quốc) trong nhiệm kỳ của mình chỉ chăm chú và dốc sức làm xong một việc “gọi xanh” cho Thủ đô xứ sở Kim Chi, trong đó trọng tâm là “xanh hóa” con sông chảy vắt qua đầu não đất nước có những tập đoàn công nghiệp “khủng” (như Samsung, Daewoo, Lotte...).

Ngày trước nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mê dụ thính giả bằng những “gọi nắng”, nhưng là nắng “trên vai em gầy”. Nay điều đó vẫn không cũ, nhưng chẳng còn mới nữa bởi con người đang phải đối diện với những lẽ sinh tồn cấp thiết hơn khi môi trường sinh thái đang bị xâm thực, một cuộc chiến tranh về nước sạch có thế xảy ra trong thực tế trên phạm vi toàn cầu. Chiến dịch trồng 1 tỷ cây xanh được Nhà nước phát động gần đây là một chiến lược môi trường - văn hóa - nhân văn. Chúng ta quen thói chỉ trích nhưng thiếu tinh thần hiến kế.

Chúng ta nói hay nhưng làm thì chưa tốt. Phương châm “gọi xanh” của doanh nhân Phạm Hồng Điệp là một cách hiến kế, là một hoạt động vừa giàu ý nghĩa lý luận - thực tiễn. Một trong những chỉ số hạnh phúc của một quốc gia là “chỉ số xanh” (diện tích thảm xanh tính trên đầu người). Hiện “chỉ số xanh” của Việt Nam còn thấp. Chúng ta còn phải phấn đấu lâu dài theo chiến lược tăng trưởng bền vững (trong đó tăng trưởng xanh, hay còn gọi là kinh tế xanh, là nội dung quan trọng nhất).

Trên đường trở về Hà Nội, dư âm của một ngày ở KCN Nam Cầu Kiền thật ấn tượng, nhiều dư ba không chỉ với riêng tôi. Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, tôi nghĩ, từ trong máu huyết là một nghệ sĩ đích thực. Không hề ngẫu nhiên khi ông “say nắng” với hai Nàng Nghệ Thuật - Thơ và Nhạc. Đều đẹp. Đều trác tuyệt. Vừa xa vừa gần nên càng nhiều hấp lực.

Giả sử như chương trình Tọa đàm Thơ - Nhạc “Phạm Hồng Điệp với những người bạn” được tổ chức ở một không gian khác (trong một khách sạn 5 sao hay trên một du thuyền thượng hạng chẳng hạn), thì xúc cảm và ấn tượng chắc chắn sẽ khác. Khác vì nó không gắn với GỌI XANH - như một nhiệt hứng, một cao vọng mà không phải ai cũng có thể ấp ủ, nung nấu, biến ước mơ thành sự thật như Phạm Hồng Điệp. Một doanh nhân thành đạt mang cốt cách nghệ sĩ. Một người mơ ước bay trong gió xanh.

Hải Phòng - Hà Nội 31/1/2023 - 5/2/2023

Bút ký của Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày