“Hạt ngọc giữa đời” trong thơ Phạm Hồng Điệp

"Khi đọc bài thơ “Gừng cay muối mặn” của tác giả Phạm Hồng Điệp, tôi không biết tác giả đã có bao lần đến những cánh đồng muối nơi đây, nhưng với cách viết đầy phóng khoáng mà giàu cảm xúc đã rất tự nhiên đưa đẩy người đọc vào một chốn thiên đường thơ mộng của cảnh, của tình..."

Tôi đã có dịp vào Ninh Thuận, được biết đến “đặc sản” nắng gió nơi đây. Cái nắng bỏng rát như đổ lửa, làm cho mảnh đất khô cằn nứt toác hết cả. Các cánh đồng chỉ có những cây lá kim hoặc xương rồng mới trụ được. Hình ảnh về vùng đất này còn là những rừng mủ chôm chôm, những cái hồ to cạn khô trơ đáy, những đàn bò, đàn cừu đi tìm nước vục mồm xuống vũng gạn từng ngụm nước cho đỡ khát.

“Hạt ngọc giữa đời” trong thơ Phạm Hồng Điệp - 1

Đồi cát Sơn Hải (Ninh Thuận)

Rồi khi miên man đi dọc bờ biển, trải mình với những cánh đồng cát trắng, cát vàng dưới cái gió biển mặn nồng táp vào mang hơi muối gió, thấy lặng mình khi trước mắt hiện ra những cánh đồng muối ngăn nắp xếp hàng, tráng một màu nắng. Và, màu của trời như hoà cùng, như tấm gương phản chiếu. Để bất giác, mơ hồ không rõ mây trắng đang bay hay đụn muối đang bồng bềnh? Hình ảnh ấy, tôi bắt gặp trong bài thơ “Gừng cay muối mặn” của Phạm Hồng Điệp:

“Trời mây trắng nghiêng soi đồng muối trắng

Biển dạt dào sóng đẩy những tâm tư

Dưới nắng đổ kết tinh thành hạt ngọc

Bỏng rát thân em chát đắng mồ hôi…”

Cái hoà nhịp sắc màu của trời, của biển như thể một cõi tiên thiên. Chỉ khi thi thoảng thấy người cầm trang để cào vun đụm muối và trang đều đẩy nước mặn cho mặt cánh ruộng muối mới phơi, tôi mới như chứng thực cái hiện hữu là đời sống diêm dân ngay trước mắt.

Dưới nắng trưa thẳng đứng chói loà hay cái nắng xiên xiên dần yếu ớt về chiều, từng nhóm diêm dân vẫn cần mẫn trên cánh đồng muối. Chẳng biết trong họ sẵn tâm hồn nghệ sĩ hay do cái nhọc nhằn lam lũ khiến họ trở nên trầm mặc, mà ngay cả sự xuất hiện, từng người, từng người, theo hàng, theo lối của họ cũng như được sắp xếp theo một tuyến vận hành, yên tĩnh mà lầm lụi.

Những hình ảnh đó, những nét mặt cháy nắng sạm đen đầy nếp nhăn lộ ra cùng miệng cười móm mém của mấy ông bà lão hay ẩn sâu sau chiếc khăn tay gấp chéo che mặt của mấy chị mấy cô còn trẻ, chỉ lộ đôi mắt sáng lấp lánh đó đã in vào tôi một ấn tượng đẹp. Một vẻ đẹp của cần lao!

“Hạt ngọc giữa đời” trong thơ Phạm Hồng Điệp - 2

Tác giả Phạm Hồng Điệp

Khi đọc bài thơ “Gừng cay muối mặn” của tác giả Phạm Hồng Điệp, tôi không biết tác giả đã có bao lần đến những cánh đồng muối nơi đây, nhưng với cách viết đầy phóng khoáng mà giàu cảm xúc đã rất tự nhiên đưa đẩy người đọc vào một chốn thiên đường thơ mộng của cảnh, của tình:

“Em lặng lẽ phơi mình nắng bỏng

Và âm thầm kết hạt ngọc tinh khôi

Để quyến rũ biết bao người quân tử

Đến nơi này cảm phục hỡi yêu thương.

Giữa thiên nhiên em xây toà bạch ốc

Có anh cùng đắp đổi tin yêu.”

Nhân vật “em” ở đây là cô gái vùng biển lam lũ lớn lên gắn với nghề muối theo bước ông bà cha mẹ, hay đơn giản chỉ là 1 diêm dân bất kì nào đó. Nhưng vẻ đẹp cần lao lại khiến trái tim người viết rung lên những xung nhịp mê say, trân quý. Để khiến cho những đụn muối diêm dâm vun trở nên toà “bạch ốc” mê hoặc quyến rũ những chàng “quân tử” ghé qua.

Đối với cách gieo vần và luật âm bằng trắc ở thể thơ lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn tứ tuyệt, thơ Đường thì có nguyên tắc rõ ràng và niêm luật chỉn chu. Còn thể thơ tự do không theo niêm luật. Nó thiên nhiều và tuỳ nhiều vào dòng cảm xúc mang lại. Thơ là tiếng nói của tâm hồn là vì thế. Với thơ của tác giả Phạm Hồng Điệp có thể vần - nhịp còn chưa được trau chuốt bóng bẩy. Nhưng điều đó lại tạo nên cái nét tự nhiên, hồn hậu của một tâm hồn nhạy cảm, của một tấm lòng rộng mở để hiểu và để yêu ngay cả những điều hết sức bình dị quanh mình.

Vốn dĩ “thi trung hữu nhạc”, nên dù xuất phát từ những vẫn thơ mộc mạc không chút cầu kì, bài thơ của tác giả Phạm Hồng Điệp lại khiến cho người nhạc sĩ bắt nhịp và có cảm hứng viết nhạc được ngay theo nhịp thơ, theo chủ đề và hoà điệu cùng cảm xúc của người viết thơ. Đó cũng là cái hay, cái được của thơ Phạm Hồng Điệp.

Thơ Phạm Hồng Điệp cứ mộc mạc, chân tình, không quá chú trọng thể hiện qua cách gieo vần, niêm luật chặt chẽ hay vận hành thanh trắc bằng mới lạ, mà cứ nhẹ nhàng gieo vào lòng người đọc, khơi lên cảm hứng viết nhạc cho lời của các nhạc sĩ đọc thơ anh.

Bài thơ “Gừng cay muối mặn” vẽ nên một câu chuyện nhỏ lại vô cùng thi vị, “ngôn tình”. Trong thơ, người trai - một chàng quân tử ghé qua đồng mối nhờ tiếng sét ái tình nào đó mà yêu mến và cảm phục cô gái làm muối. Rồi say trong tình ái, vẽ nên toà “bạch ốc” cùng “nàng thơ” xây mộng uyên ương... Nét lãng mạn trong câu từ, trong ý tứ liệu chăng sẽ khiến ai đó sẽ mơ màng mình là “nàng thơ” trong mắt người quân tử, cùng chàng hưởng trọn những đắm say:

“Đôi vai gầy gánh hạt tình biển cả

Em trong tôi đôi mắt sáng dịu hiền

Thắt lưng ong hắt bóng nắng cần cù

Gánh muối nặng dáng em thì thật nhẹ

Bóng mây mềm theo gió thổi nghiêng che.”

Thực tế gánh muối nặng. Cái nắng chói chang cùng nhớp dính mồ hôi lẫn hơi muối biển chảy dài trên má, thấm đẫm lưng áo người gánh muối. Nhưng tác giả tập trung sự chú ý vào cái thắt lưng ong của “nàng tiên giáng trần” đã ước gió thổi bóng mây cho em dịu mát và mong muốn gánh muối nặng trĩu bờ vai thon nhỏ ấy trở nên nhẹ tênh để cho “nàng” đỡ nhọc nhằn. Đó là tấm lòng đồng cảm được thơ hoá thật đẹp, làm nổi bật nét “quân tử” của chàng trai muốn mạnh mẽ chở che, bao bọc người con gái mình yêu:

“Chiểu đổ nắng soi gương đồng muối trắng

Những tấm lòng, những trăn trở diêm dân

Giọt mồ hôi đổ đầy cao đụn muối

Dáng hiền hoà tô tạo giữa đồng vua”

Lời thơ như một tiếng thở dài thương cảm, xót xa. Bởi mỗi gánh muối trĩu nặng, giá trị kinh tế chẳng là bao, chẳng thấm tháp gì với công sức nhọc nhằn người làm ra muối. Thế nhưng sự nhẫn nại, chịu thương chịu khó của người lao động lại làm được điều kỳ diệu là vẽ nên cả một tuyệt tác cánh đồng vua. Rung cảm của tác giả là ở đó, xuất phát từ sự thấu hiểu đời nhọc nhằn của diêm dân để đồng cảm và chia sẻ với họ. Công việc dù nhọc nhằn, thu nhập dù ít ỏi lại bấp bênh, nhưng lại tạo ra thứ không thể thiếu - chính là khoáng chất muối rất cần trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người.

Chúng ta đã đọc tác phẩm “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, nhớ mãi cảnh bà con đồng bào Bana thiếu muối phải ăn tro đốt ra từ cây rừng chấm với củ mài. Sự thiếu muối làm cho các khớp chân tay người dân phù thũng… Hiểu vậy mới thấy được giá trị của khoáng chất mà hạt muối làm ra giá trị biết nhường nào.

“Tấm áo sờn vai nhà tranh mái lá

Miệng nhoẻn cười lấp lánh tươi xinh

Anh trao em săn chắc bờ vai thần biển

Dẫu đời truân chuyên giọt lệ long đong.”

Nét đẹp hồn nhiên vẫn nở trên gương mặt người con gái vùng biển. Mặc cho cái nghèo làm hình ảnh cô gái long đong vất vả, mặc cho tấm áo người con gái sờn vai do gánh muối, chàng trai vẫn đem tình yêu đến với cô gái, anh trao cho em bờ vai săn chắc của thần biển, anh là điểm tựa nơi em, cùng em xây lên những toà bạch ốc giữa đời thường, kệ cho nắng cho gió, cũng không làm phôi phai tình yêu của anh với em... Thật thi vị! Thật lãng mạn! Thật là cổ tích giữa đời thường!

Đã có anh bên cạnh, cùng làm, cùng xây hạnh phúc. Em vẫn lặng lẽ phơi mình dưới nắng trưa cháy bỏng, vẫn âm thầm kết hạt ngọc tinh khôi để giữa thiên nhiên em xây toà bạch ốc. Có anh cùng ở lại, biển vẫn thì thầm bên em. Biển là nghị lực, biển còn là sinh kế đem đến ấm no, hạnh phúc lứa đôi...

Một bài thơ chan chứa yêu thương, nặng tình đời và tình người, chan chứa tinh thần ngợi ca những con người lao động không mệt mỏi để mưu sinh, đem lại niềm hạnh phúc đơn sơ nhưng thật lãng mạn! Thơ Phạm Hồng Điệp là như vậy – đề cao, trân trọng người lao động, đầy chất phóng khoáng trữ tình, kết hợp hài hoà giữa thiên nhiên - con người. Cái tình trong thơ Phạm Hồng Điệp vì thế mà đi vào lòng người thật êm dịu!

“Hạt ngọc giữa đời” trong thơ Phạm Hồng Điệp - 3

Mong rằng thật nhiều người cảm nhận được vẻ đẹp cần lao đầy giá trị chân thiện mỹ qua hình ảnh người con gái trên cánh đồng muối bao la hoà quyện với biển cả mênh mông! Mong đời có thêm nhiều người như Phạm Hồng Điệp, thấu hiểu, trân quý và nâng niu những vẻ đẹp cần lao! Hy vọng bài thơ sẽ thành một tác phẩm âm nhạc thật hay, đi vào lòng người để tôn vinh cái đẹp trong lao động của miền đất Ninh Thuận thân yêu và được công chúng đón nhận như một món quà mà tác giả Phạm Hồng Điệp bằng tấm lòng đầy trân quý gửi tặng “những con người kết hạt ngọc cho đời”!

MUỐI MẶN GỪNG CAY

(Hạt ngọc giữa đời)

Hò zô… hò là hò zô….khoan…

Trời mây trắng nghiêng soi đồng muối trắng

Biển dạt dào sóng đẩy những tâm tư

Dưới nắng đổ, kết tinh thành hạt ngọc

Bỏng rát thân em chát đắng mồ hôi

Đôi vai gầy gánh hạt tình biển cả

Em trong tôi đôi mắt sáng dịu hiền

Thắt lưng ong hắt bóng nắng cần cù

Gánh muối nặng dáng em thì thật nhẹ

Bóng mây mềm theo gió thổi nghiêng che.

Chiểu đổ nắng soi gương đồng muối trắng

Những tấm lòng, những trăn trở diêm dân

Giọt mồ hôi đổ đầy cao đụn muối

Dáng hiền hoà tô tạo giữa đồng vua

Để Tháp Chàm quê hương bao vẫy gọi

Kỳ thú tuyệt vời Ninh Thuận quê em

Những ô trắng tinh khiết đi xa mãi

Tạo sinh tồn cho khoáng chất nhân sinh.

Tấm áo sờn vai nhà tranh mái lá

Miệng nhoẻn cười lấp lánh tươi xinh

Anh trao em săn chắc bờ vai thần biển

Dẫu đời truân chuyên giọt lệ long đong.

Trong nắng đổ vành nón em mỏng mảnh

Hong giọt mồ hôi mặn chát vai gầy.

Bước trên đường đời lộng gió hỡi yêu thương

Mặc biển giận, biển hờn ghen em đó.

Người thợ muối giữa biển trời mênh mông

Chân bước chậm đi trên đồng muối trắng

Đời thợ muối ôi chao thật đẹp

Hạnh phúc đong đầy gánh muối nặng trên vai.

Em lặng lẽ phơi mình nắng bỏng

Và âm thầm kết hạt ngọc tinh khôi

Để quyến rũ biết bao người quân tử

Đến nơi này cảm phục hỡi yêu thương.

Giữa thiên nhiên em xây toà bạch ốc

Có anh cùng đắp đổi tin yêu.

Ngày tháng trôi cùng truyện tình biển kể

Yêu em trọn đời, hạt muối trắng của anh!

                                  Phạm Hồng Điệp

Đào Lê

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày