Ngôi nhà thứ hai của các con tôi

Sau Nguyên tiêu Quý Mão 2023, tôi phải chuyển nhà thuê lần thứ ba, kể từ khi làm mẹ. Bất đắc dĩ, bởi mỗi lần dọn, chuyển, là "ngộp thở" vì sách và đồ. Và tiếp tục, sang năm thứ 10 rời nhà bố mẹ, tôi lại nuôi - chữ, trong ngôi nhà ước mơ.

Ngôi nhà thứ hai của các con tôi - 1

Cô hiệu trưởng Tiểu học Dịch Vọng B - Nguyễn Thanh Huyền - đã nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2021.

Ký ức tuổi thơ - nhà cũ

Được đào tạo nghề viết và gắn đời mình với nghiệp văn chương liên tục hơn 27 năm, qua thanh xuân sang trung niên, say thi ca đến độ chậm kết hôn nên giờ con trai nhỏ chưa vào lớp 1, không ít lần tôi thấy hài hước xót xa: Gia đình tôi là trí thức mấy đời, nhiều "nhà", mà giờ chưa ai sở hữu nhà to đẹp có vườn cây như từ thời ông nội tôi hằng mong.

Ông nội tôi, Vi Kiến Minh (1926 - 1981) ít lần vẽ ngôi nhà gỗ lim bề thế ở thị trấn Trùng Khánh - nghe vận động cách mạng, thân mẫu ông đành đốt đi "tiêu thổ kháng chiến". Châu, hy sinh ngoài Côn Đảo, chẳng có chút xương cốt trở về Cao Bằng. Theo cách mạng, rồi về Thủ đô học Mỹ thuật Yết Kiêu, ông nội tôi quay lại thành phố Gang Thép để sáng lập Khoa Mỹ thuật Trường Nghệ thuật Việt Bắc mà ông là trưởng khoa đầu tiên.

Thái Nguyên thành quê hương thứ hai của ông bà nội, bốn anh em bố tôi. Nhà lúc đi sơ tán ở Cúc Đường, ở gần cầu Gia Bảy, đồi Ông Tấn (Tướng Chu Văn Tấn). Bố tôi học tiểu học Vân Hồ, Hà Nội, còn các cô chú thì học ở thành phố Thái Nguyên, học sinh cấp 3 Lương Ngọc Quyến.

Chuyển nhà nhiều lần, tài sản chẳng có gì đáng giá, quý nhất là ảnh thì phim mất, ảnh mốc hoặc thất lạc dần. Những năm gần đây, càng ngày càng nhiều hộp bánh sắt tây đẹp, tôi vẫn tích lại, nhớ bà. Vắng bà nội 12 Tết rồi, mà thương lắm chưa nguôi. Bà đựng ảnh, huân huy chương kim chỉ trong các hộp sắt cũ gỉ nhiều năm. Lúc tôi niên thiếu, nhà vẫn nghèo, bạn gia đình cũng không giàu, làm gì có bánh ngoại ăn mấy mà dư hộp.

Về Tập thể Bộ Văn hoá ở Cầu Giấy năm 1976, dãy nhà ông tôi ngay gần Công ty Xây dựng của Bộ nhưng cả Khu chỉ là nhà cấp 4. Nhà ông tôi ngói xi măng, còn mấy dãy phía sau thì lợp lá cọ, gọi là "dãy nhà lá". Tường vữa rơm, quần áo ít, mùa đông rất lạnh mà ông thì yếu phổi từ lúc trẻ (không có điều kiện chữa dứt điểm, không được bồi dưỡng nên thể chất kém).

Năm 1986, khi tôi học lớp 2, nhà chuyển qua dãy hiện nay, rộng hơn nhà cũ, mái ngói xi măng, hàng rào cúc tần cả khu sau chuyển sang xây gạch. Nhà tôi dùng cổng gỗ nhiều năm mới "lên đời" cổng sắt, qua bao mùa mưa nước tràn vào nhà, chặn bao cát không xuể, mãi đến năm 2000 mới xây được 4 tầng chân phương. Xây nhà, phải vay tiền, bố mẹ chỉ làm được cửa gỗ tầng 1, khánh thành với các phòng không cửa, không bình nóng lạnh, thì sao lo được nội thất cầu kì, sau 22 năm nhà cũng chỉ đổi nước sơn chứ không sang sửa gì đẹp hơn.

Suốt tuổi thơ đến giờ, tôi tủi thân vì mồ côi ông, một tuổi rưỡi tôi mất ông và cho đến phút cuối đời, ông nội tôi chưa được sung sướng mặc diện, ăn ngon, nhà đẹp.

Thời nay, người ta thường đánh giá con người qua vật chất. Nhà của ông tôi, bố tôi là được Nhà nước phân. Còn tôi, không biết khi nào an cư trong ngôi nhà của mình thực thụ?

Tôi chẳng lo sĩ diện khi thổ lộ vẫn ở nhà thuê, 12 năm chưa đổi xe máy cũ vào cữ Chạp 2022. Kém quá chăng hay thiếu may mắn, khi Xuân 2023 tròn 43 tuổi vẫn mơ nhà. Giấc mơ lớn ấy không cũ.

Nơi nuôi ước mơ con

Tôi nuôi trong tôi nhiều mong muốn, ước mơ, hầu hết không cao xa, mà đều chính đáng, xứng đáng. Ước mơ vẫn thêm sức xuân khi mùa mới.

Mẹ con tôi hằng ấm áp nhờ được nhiều người quan tâm, mến thương. Tôi tin nhân quả, chỉ khắc khoải mong sức khoẻ, bình an, được bề trên che chở trước các thử thách bão tố. Sở dĩ tôi vượt qua năm 2022 khó khăn nhất trong phần đời tôi đã sống, chính là bởi con gái tôi được "trú ngụ" ở một ngôi trường nửa thế kỉ uy tín hàng đầu quận Cầu Giấy - Tiểu học Dịch Vọng B - ngôi trường văn minh, nhân văn. Ban giám hiệu chăm chút thực đơn từng tuần, bữa trưa ngon, không gian rợp cây xanh và hoa, giáo viên mặc thanh lịch; cử xử dịu dàng, ân cần đến kinh ngạc.

Ngôi nhà thứ hai của các con tôi - 2

Ban giám hiệu Trường Tiểu học Dịch Vọng B, các cô giáo Huyền Châu, Thanh Huyền (giữa - Hiệu trưởng), Thu Hiền.

Trường có hơn 80 giáo viên, nhân viên, hơn 60 cô giáo là những người mẹ và ngàn đứa con. Tính thời gian thức mỗi ngày, học sinh bán trú ở trường nhiều hơn ở nhà, tan chính khóa còn tham gia các câu lạc bộ rất bổ ích: Mỹ thuật - Khéo tay, Cờ tướng, Cầu lông, Bóng đá, Zumba, Yoga... Hằng ngày đưa con đến trường, thường đón con muộn, nay con gái lớp 3, tôi càng nhận, Dịch Vọng B là ngôi nhà ấm của hơn 2.500 học sinh và chắc hẳn của cả trăm giáo viên, nhân viên.

Từ bảo vệ, lao công mẫn cán, niềm nở với phụ huynh và các cháu. Tôi chưa khi nào thấy Ban giám hiệu nhà trường ra về theo giờ công chức, mà lắm khi đón con gần 19h các cô vẫn chưa về. Càng kinh ngạc nữa khi giáo viên chủ nhiệm của con tôi: Trịnh Ngọc Hồng (1992), con gái đầu lòng 1 tuổi rưỡi hay ốm vặt, neo người, chồng đi làm xa, nhà cô tận Hà Đông, mỗi lượt đi 13km mà vẫn cố ở lại bảo bài thêm cho học sinh kém hoặc nghỉ học hôm trước.

Ngôi nhà thứ hai của các con tôi - 3

Cô hiệu trưởng Dịch Vọng B - Nguyễn Thanh Huyền (váy xanh, ngồi) và cô hiệu phó Nguyễn Huyền Châu (bìa trái) đều được tôn vinh là Giáo viên nhiều sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố - phút thư giãn trên sân trường.

Tôi bắt gặp cô ăn bữa sáng vội vã, chắc cô tất tả rời nhà từ sớm để kịp 7h30 có mặt tại trường. Cứ tưởng cô Hồng nhà xa nhất, hóa ra lại là giáo viên Mỹ thuật Kiều Huyền. Cô Huyền sinh trưởng ở Phúc Thọ, lấy chồng cùng làng, có hai con (trai lớp 4 và gái 4 tuổi), may mắn được cha mẹ chồng đỡ đần, cô kiên trì ròng rã 25km/lượt đi làm. Đúng là quá xa, Cô lại gầy gò, dạy bộ môn xong còn ở lại dạy câu lạc bộ, dọn dẹp màu vẽ đến 18h30 mới rời trường. Vậy thì đâu chỉ các trò, mà tính thời gian thức, các cô ở trường nhiều hơn ở nhà, quản lý và dạy các con mỗi ngày thường (trừ cuối tuần) thời lượng nhiều hơn người ruột thịt.

Như thế, trường là ngôi nhà lớn của con tôi, con được vui, cười nhiều khi đi học. Khẩu hiệu của Tiểu học Dịch Vọng B "Mỗi ngày đến trường là một niềm vui". Trường thường xuyên có nhiều hoạt động ý nghĩa, hưởng ứng các phong trào của Thủ đô, quận Cầu Giấy như một đơn vị đứng đầu. Tôi cố ý muốn lịch sử nối tiếp khi con tôi học tại nơi tôi từng học, dù xưa chỉ học một buổi ở trường có 2 dãy lớp mái ngói đỏ, hơn 20 năm nay trường đã là 4 toà nhà khang trang.

Sang tháng Chạp nguyệt lịch, học sinh thi Học kì I, con thi môn chính Tiếng Việt ngay sau ngày Giáng sinh. Con đã viết dòng mực tím về ước mơ của mình.

Còn tôi, ngày đêm vẫn rèn luyện và góp phần rất nhỏ bé vào sự đẹp -giàu của Tiếng Việt qua lao động như một lý tưởng kiếp người. Mỗi trang viết của tôi như một viên gạch hồng. Tôi nỗ lực "xây nhà" cho mình và các con, dẫu hành trình dài, mỏi mệt nhưng không từ bỏ. Tôi tin ông nội, người đặt tên, gửi kỳ vọng vào đứa cháu đầu tiên, vẫn dõi theo tôi.

Ngôi nhà trong giấc mơ tôi vẫn là nhà cấp 4 hồi niên thiếu, một ký ức hằn sâu. Nhưng ngôi nhà của các con tôi thì chúng tôi đã "nhìn thấy" tại ngôi nhà thuê mới: phòng hồng cho con gái, phòng xanh nước biển cho con trai. Xuân là mùa của tin, hy vọng. Ngôi nhà hiện thực của tôi còn chưa xuất hiện, ánh sáng nơi đó vẫn toả ấm, bởi tôi chưa bao giờ ngắt cầu dao nghệ thuật, tắt công tắc khát vọng tạo khi mường tượng tương lai.

Ngôi nhà thứ hai của các con tôi - 4

200 học sinh Tiểu học Dịch Vọng B đến chào mừng khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, 14_12_2022.

Hơn 2.500 học sinh của trường chắc có ngàn ước mơ. Nhưng với con gái tôi và mùa Thu 2023 khi con trai tôi vào lớp 1, thì Tiểu học Dịch Vọng B là ngôi nhà ấm áp mà các con được sống trong yêu thương và dạy dỗ văn minh vào những năm thơ ấu quý giá của cuộc đời. Đấy là ngôi nhà lớn, mãi mãi sống động trong ký ức chúng tôi, mà bất cứ lúc nào sau này, không cần cứ phải mùa tựu trường chúng tôi cũng muốn quay lại, trở về, với bao nhớ nhung cảm động./.

Vi Thuỳ Linh

Tin liên quan

Tin mới nhất