Bách khoa thư địa phương ở Việt Nam thực trạng và giải pháp

Bách khoa thư (BKT) là một loại sách công cụ đặc thù, cao cấp, do một tập thể có trình độ chuyên môn cao biên soạn, dùng để tra cứu, nâng cao hiểu biết, được xem như một công trình khoa học tầm cỡ, mà ở đó, mọi khối lượng lớn tri thức cơ bản của loài người, của nhiều nước và của một quốc gia, mọi ngành (và mọi tỉnh, thành phố) như: lịch sử, địa lý, văn hóa - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, nhân vật, tài nguyên, danh lam thắng cảnh... được chắt lọc từ những công trình đã có tổng kết, đánh giá, nay được trình bày, bố cục một cách hệ thống, theo các tầng bậc dựa vào quy cách từ điển.

Những đặc điểm của BKT là: tính khoa học, tính hệ thống, tính tư tưởng, tính dân tộc - quốc gia, tính hiện đại, tính quốc tế, tính tập thể, tính tiện dụng, tính mỹ thuật.

Bách khoa thư địa phương ở Việt Nam thực trạng và giải pháp - 1

Ảnh minh họa

1. Công trình BKT được phân ra ba loại hình chính: Bách khoa toàn thư tổng hợp, ở đó nêu đầy đủ các lĩnh vực tri thức của nhân loại và của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ; Bách khoa toàn thư chuyên ngành đáp ứng nhu cầu hiểu biết, tra cứu tri thức về một chuyên ngành, một tổ chức, một vấn đề, các hiện tượng tự nhiên, xã hội; Bách khoa toàn thư địa phương  (loại tổng hợp) trình bày tri thức về mọi mặt của riêng một vùng lãnh thổ, một quốc gia, một tỉnh, thành phố hoặc huyện... (BKT địa phương cũng có loại chuyên ngành, nếu đó là công trình thuộc về một địa phương rộng lớn, đông dân, có bề dày về tri thức văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được nâng cao).

Có một thời gian dài từ khoảng năm 1980 trở về trước, phần lớn người làm sách và nhiều bộ phận độc giả chỉ biết đến từ điển giải nghĩa về ngôn ngữ chứ chưa biết nhiều về BKT, một loại sách cũng là Từ điển, có chung một số lý thuyết về Từ điển học.

Đến thời kỳ Đổi mới (1986) và tiếp đó, dần dần ở cấp Trung ương đã có những quyển sách phổ biến kiến thức dạng tổng hợp về lịch sử, địa lý, văn hóa, xã hội, khoa học, kinh tế v.v. của thế giới và của Việt Nam, dưới dạng tập hợp các bài, ảnh, bảng biểu thực hiện mới hoặc sưu tầm. Khoảng những năm 1989, 1990 có hai cuốn loại almanach ra đời khiến một số bộ phận độc giả ngỡ ngàng bởi sách dày, in đẹp, nhiều ảnh, tích hợp nhiều tri thức của nhân loại và Việt Nam. Đó là cuốn Văn hóa Việt Nam tổng hợp do Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương xuất bản, gồm bài, ảnh của trên 200 tác giả và cuốn Lịch văn hóa tổng hợp do NXB Văn hóa - Thông tin công bố, chứa nhiều bài, ảnh của trên 100 tác giả. Có quyển nêu một cách hệ thống về các kỳ quan, chuyện lạ đó đây… Đến lượt một số ít địa phương( tỉnh, thành phố) cũng ra sách. Phần lớn những loại sách này, về phía người tổ chức biên soạn thì vì mục đích thương mại là chính, tất nhiên cũng đáp ứng phần nào nhu cầu ham hiểu biết của người dân.

Ở Việt Nam, việc quan tâm biên soạn và xuất bản các BKT mới thật sự bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX. Khi Viện Từ điển bách khoa (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam) ra đời, các vấn đề lý luận và thực tiễn mới được đặt ra. Trung tâm biên soạn Từ điển bách khoa và Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam đã thực thi công việc này. Bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam 4 tập, xuất bản từ năm 1996 đến năm 2004 gồm 44.250 mục từ. 2224 tấm ảnh, ảnh chụp tranh, sơ đồ, biểu bảng... là một trong những sự kiện lớn của ngành xuất bản nói riêng và của văn hóa Việt Nam nói chung.

Trước, trong và sau khi có sự kiện này và hiện nay, nhiều nhà khoa học xã hội - nhân văn ở Việt Nam quan tâm đến Từ điển Bách khoa, đã bàn thảo về một số vấn đề lý luận và thực tiễn biên soạn BKT. Như vậy “Trung ương” phải đi trước, để “địa phương” tham khảo mà đi sau. Trên thực tế, hoạt động nghiên cứu và biên soạn BKT ở cấp Trung ương đã tiếp cận gần sát Bách khoa thư học, còn cấp địa phương do nhiều nguyên nhân mà còn ở khá xa.

Trước tiên, về cụm từ - khái niệm ở công việc đang bàn, chúng ta nên hiểu là BKT của địa phương và BKT về địa phương (của là do địa phương tự làm, về là công trình chung thuộc cả nước có đề cập địa phương), khái niệm địa phương ở đây còn có ý nghĩa là địa phương ở bên ngoài Việt Nam.

Đề cập thực trạng BKT địa phương ở Việt Nam là nói đến tiềm năng của nó. Trước tiên chúng ta phải trông cậy vào những sách cận Bách khoa thư, tức là chúng chỉ có dáng dấp hoặc yếu tố BKT, là manh nha của dòng sách mới mẻ và rất cần thiết này. Đó là những sách chủ yếu làm theo kiểu một là từ điển truyền thống, hai là sách tập hợp bài vào một hệ thống nào đó, không mượn thứ tự chữ cái để sắp xếp mục từ. Công trình địa danh riêng từng địa phương, có nhiều nhất ở sáu thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ.

Bách khoa thư địa phương ở Việt Nam thực trạng và giải pháp - 2

Ở Việt Nam, việc quan tâm biên soạn và xuất bản các BKT mới thật sự bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ XX.

2. Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam mới được thành lập năm 2008. Viện chính là cơ quan đảm đương công việc tổ chức nghiên cứu và biên soạn các BKT nói chung. Việc tiếp nhận nguồn nhân lực và tiếp nối công việc của Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam cũng có thuận lợi, nhưng còn nhiều khó khăn. Trước tiên là cơ sở vật chất thiếu thốn. Nguồn nhân lực còn nghèo nàn, chắp vá, tri thức về chuyên môn nghiệp vụ chưa cao. Cơ sở lý luận chung về BKT còn sơ khai. Đội ngũ nghiên cứu, biên soạn còn mỏng, chưa nhiều kinh nghiệm. Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cũng chưa có điều kiện xem xét, đánh giá thấu đáo mọi công trình bách khoa cả ở cấp trung ương đến địa phương để có một nhận định bao quát, tổng thể, chính xác nhằm đề xuất định hướng cho việc biên soạn, xuất bản và sử dụng loại sách quan trọng và đặc biệt này. Sự quan tâm của xã hội và Nhà nước còn hạn chế. 

Bởi vậy, việc biên soạn và xuất bản BKT địa phương còn yếu kém là lẽ đương nhiên. Biên soạn và xuất bản sách phổ biến tri thức bách khoa là công việc phức tạp nhất, khó khăn nhất, nặng nề nhất trong các loại sách nói chung của tỉnh. Đối với một tỉnh còn nghèo, dân trí chưa cao, thường xuyên xin trợ cấp của Trung ương, thì việc chi cho một bộ sách dăm bảy trăm triệu đồng, thậm chí một tỉ, vài tỉ, càng khó.

Muốn ra được sản phẩm BKT địa phương, trước hết các cấp lãnh đạo ở địa phương phải thấu hiểu sự cấp thiết, ý nghĩa quan trọng của BKT đối với sự tồn tại và phát triển về mọi mặt của tỉnh, thành phố quê hương. Tập thể lãnh đạo tỉnh, trong đó có những người chỉ đạo, quản lý về kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội rất cần một cẩm nang vừa tổng thể vừa chi tiết về địa phương mình. Không thể xem BKT của tỉnh như một loại sách thông thường mà nên ý thức rằng đó là sách phổ biến kiến thức và tra cứu đặc biệt, rất cần thiết đối với địa phương. Thiếu sự hiểu biết, quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, nhất là ở cấp cao nhất về BKT là nguyên nhân khách quan trước tiên gây nên sự chậm chạp, yếu kém của dòng sách này. Những loại sách khác của địa phương, về địa phương vẫn được xuất bản thường xuyên, có thể do Sở Văn hóa - Thông tin hoàn toàn đứng ra làm, kể cả nội dung bản thảo và kinh phí. Đối với BKT thì khác. BKT không đơn thuần là ấn phẩm thông thường của riêng Sở văn hóa - thông tin. BKT là ấn phẩm đặc biệt, cao cấp của cấp tỉnh, thành phố, nó cần sự tham gia về chỉ đạo, đóng góp của cấp tỉnh, thành phố cả về nội dung lẫn sự bảo trợ về kinh phí.

Thêm nữa, thiếu người tại địa phương có tri thức uyên thâm am hiểu sâu về chuyên môn BKT, đồng thời cũng thiếu một đội ngũ biên soạn, biên tập được cấp trung ương kịp thời bồi dưỡng tri thức và kỹ năng để làm sách, cũng là nguyên nhân khách quan khiến BKT địa phương còn non yếu.

Sự thiếu đồng đều về quy mô, quy cách, chất lượng BKT giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng dẫn đến tình trạng lộn xộn, lệch chuẩn về BKT địa phương. Không tránh khỏi tình trạng nơi có người giỏi thì mức chi ngân sách lại kém; nơi giàu, có nhiều nguồn tài trợ xã hội hóa thì năng lực của đội ngũ chủ biên, thành viên biên soạn lại rất hạn chế. Tình trạng “mạnh ai nấy làm” rất dễ xảy ra.

Bách khoa thư địa phương ở Việt Nam thực trạng và giải pháp - 3

Bộ Từ điển Bách khoa Việt Nam

3. Về phía chủ quan, nguyên nhân thực trạng BKT địa phương đương nhiên phải chịu ảnh hưởng bởi nguyên nhân thực trạng của Bách khoa thư ở phía trung ương, không tránh khỏi cùng nguyên nhân với hai loại khác: BKT tổng hợp và BKT chuyên ngành.

Tại đề tài khoa học cấp Bộ (2009 - 2010) Một số vấn đề cơ bản về lý luận và phương pháp luận của thế giới và Việt Nam về việc biên soạn Bách khoa thư do PGS TS Phạm Văn Tình và PGS TS Phạm Văn Hảo làm Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm, đã nêu rõ ở phần Tổng quan: “Với cơ cấu là một viện của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam có chức năng “nghiên cứu những vấn đề cơ bản về lí luận từ điển học và bách khoa thư, tổ chức biên soạn bách khoa toàn thư ở Việt Nam, từ điển bách khoa. Như vậy, Viện chính là cơ quan đảm đương công việc tổ chức nghiên cứu và biên soạn các Bách khoa thư nói chung. Đó là sự nghiệp riêng của Viện nhưng mang tính toàn dân”. Vậy “mang tính toàn dân” ở đây có nghĩa là, về chuyên môn, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam có quan hệ hữu cơ về ngành dọc đối với các địa phương trong cả nước về nghiệp vụ làm BKT.

Chính vì quan hệ chuyên môn ngành dọc chưa đạt mức cần thiết mà dẫn đến sự yếu kém, chậm chạp của BKT địa phương. Nhiều địa phương chưa có ý thức làm sách BKT, chưa xóa bỏ ngay được thói quen làm các ấn phẩm tập hợp bài, ảnh không tuân thủ quy ước của từ điển thông thường do chưa có ý thức và chưa được đào tạo. Phải chăng những người làm sách địa phương chưa nắm vững được lý thuyết về BKT. Ở các địa phương không thiếu những người có hiểu biết sâu rộng, có kiến thức học thuật chắc chắn, nhưng cũng có nhiều bậc tài năng đã chuyển ra Trung ương hoặc đến các thành phố lớn làm việc. Bởi vậy, sự non yếu, trưởng thành chậm của BKT địa phương - nhất là những nơi hẻo lánh, kinh tế và văn hóa còn thấp kém - chính là chưa nắm bắt được lý luận BKT, chưa am hiểu cung cách làm sách bách khoa, thậm chí còn chưa vững vàng về chuyên môn khi làm từ điển ngôn ngữ truyền thống thông thường. Do năng lực tự chủ, trình độ làm sách BKT chưa được trau dồi, nâng cao, đã khiến những người làm sách ở địa phương mãi mãi quen làm theo kiểu sách cẩm nang, kiểu tập hợp bài, tổng hợp hóa tri thức thông dụng là chính. Các bước biên soạn: Sưu tầm, điều tra, phân loại tư liệu; tổ chức đội ngũ biên soạn, biên tập; thiết kế bảng cấu trúc phân loại mục từ; tổ chức viết mục từ; thẩm định bản thảo v.v. ở đây đó, khi này khi khác, có thể còn làm sơ sài, tùy tiện. Biên tập, ngoài văn bản thông thường ra, là: 1-Biên tập từ điển. 2- Biên tập nội dung khóa học. 3- Biên tập ngôn ngữ văn bản khoa học. 4- Biên tập kỹ thuật. Đã là BKT thì tất cả đều như nhau, đạt chuẩn về chất lượng, quy cách, không phải sách của địa phương, về địa phương thì được “châm chước” phần nào.

Bách khoa thư địa phương ở Việt Nam thực trạng và giải pháp - 4

Ảnh minh họa

KẾT LUẬN

Ngay cả bộ Từ điển Bách khoa 4 tập đồ sộ là Bách khoa toàn thư đúng nghĩa đầu tiên của Việt Nam cũng còn sai sót đôi ba chỗ, thì cận Bách khoa thư của địa phương (hoặc có yếu tố địa phương) càng khó tránh nhược điểm, sai sót. Hiện nay rất ít địa phương có công trình BKT hoàn hảo, đúng nghĩa, cũng là điều dễ hiểu. Nếu có người (hoặc nhóm) chủ biên uyên thâm, cùng với đội ngũ thành viên trình độ cao, thấu triệt Bách khoa thư học cả về lý luận - lý thuyết đến thực tiễn, am hiểu sâu sắc địa phương mình, cùng với nhóm biên tập nội dung, biên tập kỹ thuật giỏi, cần mẫn, thêm vào là một số chuyên gia khá vững về BKT và Từ điển học từ Trung ương về giúp đỡ, hơn nữa, lại được lãnh đạo tỉnh, thành phố, các ban ngành thông hiểu, quan tâm một cách thiết thực, được các nhà tài trợ hưởng ứng, thì niềm mong muốn có được công trình BKT địa phương đạt yêu cầu là điều rất dễ trở thành sự thật.

Phạm Đình Ân

Bình yên Đà Lạt
Bình yên Đà Lạt

Nằm trên cao nguyên LangBiang có độ cao 1500m so với mực nước biển, Đà Lạt có khí hậu ôn hòa, thổ nhưỡng tốt tươi,...

Tin liên quan

Tin mới nhất