Tiểu thuyết lịch sử trong xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại

Tiểu thuyết lịch sử trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại đã và đang có những đóng góp lớn trong việc xác lập và xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại. Đây là một khẳng định trên nền tảng khoa học của các nhà nghiên cứu, sự chia sẻ và cộng hưởng của các thế hệ bạn đọc, sự phát triển khách quan, tất yếu của một nền văn học được soi đường dưới ánh sáng thời đại Hồ Chí Minh. Trong bài viết này, chúng tôi chia sẻ những phác thảo từ điểm nhìn người sáng tác, một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử đồng thời là một công dân yêu thích lịch sử dân tộc.

Đã có khoảng thời gian tương đối dài, nhất là từ sau văn học tiền chiến tới trước Đổi mới, do thực tiễn đòi hỏi của công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đánh đuổi thực dân, đế quốc, thống nhất đất nước và tiếp đó là chiến tranh hai đầu biên giới, khiến chúng ta, dù quan tâm tới lịch sử dân tộc cũng chưa thể dành nhiều tâm tuyết cho mảng đề tài văn học này. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian ấy, đã xuất hiện một số tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử.

Tiếp đó, sau Đổi mới, đã xuất hiện những nhà văn chuyên tâm với đề tài lịch sử, viết tiểu thuyết lịch sử như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Mộng Giác, Trần Thùy Mai, Bùi Việt Sỹ, Lê Đình Danh, Trần Thanh Cảnh, Uông Triều, Lưu Sơn Minh... với những thành tựu đáng được ghi nhận. Bằng những bộ tiểu thuyết lịch sử, tác phẩm lịch sử tiêu biểu như Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh; Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý của Hoàng Quốc Hải đã nhận những giải thưởng lớn trong đó có Giải Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Những tác phẩm này được tái bản nhiều lần với số lượng lớn, được bạn đọc các thế hệ tìm đọc đã cho thấy sức sống của tác phẩm văn học đề tài lịch sử luôn có chỗ đứng vững chắc hay nói cách khác, các thế hệ bạn đọc luôn mong chờ các nhà văn viết về lịch sử.

Tiểu thuyết lịch sử trong xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại - 1

Ảnh minh hoạ

Nói thế để thấy, đã có một hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại được xây đắp từ những tác phẩm văn học đề tài lịch sử.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước rất hào hùng. Việt Nam là dân tộc có nền độc lập tự chủ từ rất sớm và luôn ý thức sâu sắc việc độc lập dân tộc trong mọi thời kỳ lịch sử. Từ thời Hùng Vương, tiếp đó đến An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Ngô Vương Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Vương triều Lý, Vương triều Trần, Vương triều Lê, Vương triều Nguyễn nối đến thời đại Hồ Chí Minh đều là những trang sử vàng thấm đẫm võ công và rực rỡ nền văn hiến. Đây chính là mảnh đất vô cùng màu mỡ, tươi tốt, một nền tảng vững chắc trải mênh mông để các nhà văn khẳng định ngòi bút của mình cũng là tấm lòng hiếu kính với tổ tông, nguồn cội, còn là góp phần xác lập hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại.

Vấn đề là các nhà văn thời đại Hồ Chí Minh đã làm được bao nhiêu phần việc trong sự đòi hỏi chính đáng của nhân dân và Tổ quốc? Nhân dân cần lao rất cần biết tường tận lịch sử hào hùng của tiên tổ cha ông mình, kể cả những đớn đau khuất khúc, những bước ngoặt bi tráng của dân tộc. Mọi người đều có quyền đòi hỏi các nhà văn hãy dành tâm huyết cho đề tài lịch sử, hãy mau chóng có những tác phẩm xứng đáng với từng trang, từng thời kỳ lịch sử dân tộc. Chính chúng ta chứ không ai khác, phải gánh và dám nhận trọng trách trước lịch sử về việc tạo dựng các tác phẩm văn học nghệ thuật đề tài lịch sử sao cho xứng tầm với tầm vóc lịch sử dân tộc. Đó cũng là trọng trách và thách thức của các nhà văn.

Chúng ta cũng phải khiêm tốn nhìn nhận rằng, những gì đã làm được, đặc biệt trong lĩnh vực văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử hãy còn quá mỏng manh, sơ lược, nhiều khoảng trống vắng, nhiều giai đoạn đứt gãy... Đây chính là mối quan tâm lớn nhất của nhân dân trước lịch sử dân tộc. 

Các nhà văn chuyên tâm đề tài lịch sử luôn gặp vô vàn khó khăn. Khó khăn trước tiên là dường như vẫn còn đó những vùng cấm bất thành văn bản. Chúng ta không chỉ sợ hãi mà còn luôn cố tình né tránh những khuất khúc, bí ẩn, bi kịch trong lịch sử. Đã thế, ở một vài khâu quản lý, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý tư tưởng đã khắt khe và có phần cứng nhắc trong quản lý sáng tác văn học nghệ thuật dẫn đến sự thui chột của các tác phẩm. Các nhà văn chán nản chuyển đề tài khác. Các tác phẩm chỉ mô phỏng lịch sử, làm vừa lòng người quản lý dẫn đến những di hại khác.

Khó khăn thứ hai đến từ nguồn tư liệu vô cùng ít ỏi, có không ít những lầm lạc, thiên kiến của các sử gia phong kiến khi nhìn nhận về các nhân vật lịch sử tiêu biểu. Các sử gia phong kiến khi đánh giá về các nhân vật lịch sử, thậm chí là vua chúa, tướng lĩnh có công với nước đã tỏ ra quá thiên kiến và khe khắt. Họ đôi lúc đã sử dụng thước đo nho giáo chế áp lên tất thảy khiến trong mắt họ ngay cả các bậc anh hùng khai quốc như Trần Thủ Độ, vua Gia Long cũng bị kết tội khá nặng nề bất chấp tính khoa học, sự phi thường của những nhân vật lịch sử. Chính thiên kiến của các sử gia phong kiến đã góp phần làm nghèo nàn trong thể hiện các triều đại, nhân vật lịch sử. Điều này còn khiến các nhà văn phân tâm, thậm chí mất phương hướng, mất nền tảng, mất thăng bằng trong sáng tác văn học đề tài lịch sử.

Khó khăn thứ ba đến từ bản thân các nhà văn. Đã có không ít người xem nhẹ, thờ ơ, không coi trọng đề tài lịch sử. Thậm chí không ít người còn cho rằng đó là công việc, thậm chí là lỗi của các bậc tiền nhân. Tại sao các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh... các bộ tiểu thuyết lịch sử Trung Quốc đã được nhà văn, sử gia, đại thần của họ sáng tác hùng hậu và lưu truyền rộng rãi đến vậy. Trong khi đó, các triều đại Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn... ở ta nào có kém gì sao vẫn quá thưa vắng các bộ tiểu thuyết lịch sử phản ánh tâm thế, đời sống mọi mặt của các triều đại đó? Chúng ta chỉ có thơ ca là phát triển. Thơ ca Lý - Trần - Lê - Nguyễn... phong phú và đặc sắc nhưng không thể thay thế các tác phẩm văn xuôi, nhất là tiểu thuyết lịch sử như kiểu “Đông Chu liệt quốc”, “Tam Quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”... của người láng giềng phương Bắc. Chính điều đó là một thiệt thòi lớn trong việc làm giàu lịch sử của nước mình bằng các tác phẩm văn học.

Chúng ta còn những khó khăn thứ tư, thứ năm, thứ sáu... nhưng kể ra nào có ích gì mà kiên quyết và kiên định sáng tác những tác phẩm văn học đề tài lịch sử để góp phần xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại mới là điều cốt yếu.

Sau Đổi mới 1986, đã có nhiều nhà văn xông vào vùng đất khó này. Các nhà văn đã vượt qua những khó khăn về vật chất, những tác động, chi phối về tinh thần để kiến tạo nên những tác phẩm văn học đề tài lịch sử đáp ứng được phần nào đòi hỏi của nhân dân.

Trong hai nhà văn đã được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật là Nguyễn Xuân Khánh và Hoàng Quốc Hải rất xác đáng thì những tác phẩm tiêu biểu của các ông đều là tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh là một tác phẩm văn học lớn có những đóng góp xuất sắc trong dòng chảy văn học với những giá trị nghệ thuật tiêu biểu vừa dân tộc vừa hiện đại.

Tiểu thuyết lịch sử trong xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại - 2

Bộ sách  "Tám triều vua Lý" gồm 4 tập của Hoàng Quốc Hải

Nguyễn Xuân Khánh là một nhà văn lớn sớm có đóng góp trong dòng chảy văn học nhưng chỉ đến khi tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” đến với bạn đọc, chúng ta mới thấy được trọn vẹn tầm vóc của ông. Nguyễn Xuân Khánh là một trong số ít các nhà văn sớm chuyên tâm tìm tòi thể hiện bằng tác phẩm để góp phần xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại. Có không ít cuốn sách của ông còn gây tranh cãi nhưng những đóng góp của Nguyễn Xuân Khánh là không thể phủ nhận, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang có những dấu hiệu chệch choạc, thậm chí hỗn loạn khi thể hiện, nhận định các giá trị nghệ thuật.

Đối với nhà văn Hoàng Quốc Hải, hai bộ tiểu thuyết lịch sử “Bão táp triều Trần”, “Tám triều vua Lý” của ông là những đóng góp hết sức quan trọng mảng đề tài lịch sử đối với đời sống văn học đương đại. Chúng ta từng có những cuộc Hội thảo, nhiều bài viết tham luận, nhiều luận văn, đề án của giới phê bình văn học nghệ thuật và sinh viên về hai bộ tiểu thuyết trên đã khẳng định vị trí của nhà văn và tác phẩm của ông trên văn đàn. Hai bộ tiểu thuyết trên cũng đã góp phần khơi nguồn sáng tạo cho các nhà văn thế hệ kế cận. Bản thân tôi cũng đã học tập được không ít từ sức lao động sáng tạo của nhà văn Hoàng Quốc Hải.

Từ thực tiễn các sáng tác của các nhà văn đi trước, chúng tôi thấy rằng đối với tiểu thuyết lịch sử cần phải tuyệt đối tôn trọng tính khách quan của lịch sử, những sự kiện, dấu mốc mà lịch sử đã thừa nhận, trên cơ sở đó, tìm hiểu, bổ sung những tư liệu phù hợp với sự kiện, tính cách nhân vật, góp phần hoàn thiện, sáng rõ những sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử. Từ đó, xác định việc tôn vinh công lao, cống hiến, những đóng góp của mỗi nhân vật lịch sử, triều đại lịch sử trong tiến trình lịch sử dân tộc. Tuyệt đối không được nhìn nhận phiến diện, bóp méo, làm sai lạc lịch sử dân tộc dưới bất kỳ hình thức, động cơ gì.

Từ đó, càng thấy rõ việc làm sáng tỏ các nhân vật lịch sử phải trên nền móng của lịch sử dân tộc. Việc nhân cách hóa, thậm chí là hư cấu phải phù hợp với tư tưởng thẩm mĩ của nhân dân. Mọi hành vi, biểu hiện tâm lý, cảm xúc, sinh hoạt, tập tục... qua ngòi bút nhà văn phải là đặc trưng của người Việt Nam. Ngôn ngữ phải là ngôn ngữ của dân tộc, phù hợp, là kết tinh của mỗi giai đoạn, mỗi triều đại lịch sử. Vấn đề hư cấu đều phải phục vụ lợi ích và theo đúng tinh thần dân tộc, bản chất của lịch sử, đặc biệt là đối với các anh hùng giải phóng dân tộc, anh hùng dân tộc, danh nhân đất nước càng phải được thể hiện từ những nền tảng thiết cốt như trên.

Trong tiến trình sáng tác của mình, khoảng hơn mười năm trở lại đây, với ham muốn và hiểu biết cá nhân, với sự thôi thúc của bản thân và trách nhiệm công dân đồng thời là một người vô cùng yêu lịch sử, tôi có nhiều tiểu thuyết lịch sử ra mắt bạn đọc như “Phùng vương”, “Ngô vương”, “Nam Đế Vạn Xuân”, “Triệu vương phục quốc”, “Lý Đào Lang Vương”, “Lý Phật Tử định quốc”, “Trưng Nữ Vương”, có cuốn đã tái bản tạo dư luận tốt. Là người trong cuộc, tôi hiểu được những khó khăn đồng thời không ít niềm hạnh phúc khi cầm bút sáng tác đề tài lịch sử. Những đóng góp cá nhân dù lớn hay nhỏ xin hãy để các nhà nghiên cứu, nhà phê bình và bạn đọc luận bàn.

Chúng tôi cho rằng, những đóng góp để Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại không chỉ là nhiệm vụ riêng của các nhà văn, càng không phải sự hô hào, định hướng, thậm chí là chỉ tiêu của các cấp quản lý, dù là quản lý ở cấp cao nhất. Để có được vấn đề trên trước hết đòi hỏi sự trưởng thành toàn diện của chúng ta trong đó chủ chốt là các nhà văn. Các nhà văn hiện nay dường như đang phải đối mặt với sự quan sát, dẫn dắt, định hướng khá khắt khe và giáo điều. Dường như có sự thận trọng, thậm chí là đang có những vật cản vô hình, hữu hình của các cấp quản lý đối với nhà văn. Đã có sự cứng nhắc, giáo điều, phân tuyến đối với các nhà văn. Điều này chắc chắn phương hại đến văn học và con đường Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại.

Quay lại vấn đề tiểu thuyết lịch sử, chúng tôi thấy rằng không chỉ Hội Nhà văn mà còn ở cấp cao hơn, dường như chưa dành đủ thời gian và tâm huyết cần thiết để quan tâm, chia sẻ và đồng hành. Dường như chúng ta vẫn còn rất thờ ơ với lịch sử dân tộc. Chúng ta hàng ngày đọc, nghe, xem, thưởng thức, bàn luận về lịch sử các dân tộc khác, đặc biệt là lịch sử Trung Quốc thành thạo hơn rất nhiều lịch sử dân tộc mình. Nhân dân hiện nay, nhất là những người yêu lịch sử, yêu đất nước đang đồng thanh đặt câu hỏi: Điều này là tại sao? Do đâu? Còn diễn biến đến bao lâu nữa? Có trầm trọng hơn không? Chúng ta có nhận ra sự nguy hại và có tiến hành khắc phục không? Đây có phải là diễn biến nguy hiểm về mai một, hòa tan văn hóa dân tộc không? Ai chịu trách nhiệm? Ai sẽ trả lời những câu hỏi trên? Điều này là một thách thức lớn của chúng ta.

Phải thú thực rằng, dường như người Việt của chúng ta còn không ít dấu hiệu thiếu trưởng thành trong đó có những biểu hiện không thể hiểu nổi, nhất định phải phê phán mới có thể trưởng thành được. Có lẽ nào thẩm mỹ của chúng ta, đặc biệt là đám đông chỉ thích cái ngang tàng của Kiều Phong, cái thô lỗ của Lý Quỳ, những la hét của Trương Phi mà quên mất đó chính là dấu hiệu của sự cản trở tiến bộ. 

Vậy chúng ta, nhất là giới nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình phải làm thế nào đây để Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại? Điều này đã và đang được đặt ra một cách bức thiết, riết róng, đòi hỏi phải có sự đồng hành, nhất là sự trưởng thành mới của đội ngũ chúng ta, nhất là đội ngũ những người làm công tác quản lý, trong đó có cấp quản lý cao nhất về văn học nghệ thuật.

Tiểu thuyết lịch sử trong xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại - 3

Các tập sách tiểu thuyết lịch sử của tác giả Phùng Văn Khai.

Chúng tôi luôn cho rằng, nhân dân cần lao luôn là những người sáng suốt nhất. Đừng hòng sự trí trá, giả tạo lọt qua được tai mắt của nhân dân. Càng đối với lịch sử, nhân dân càng công bằng và công tâm với từng triều đại, từng nhân vật lịch sử. Những đình, đền, chùa, miếu kia còn đó ngàn năm hương khói thờ cúng vinh danh những vị vua, anh hùng dân tộc, lương thần, danh tướng, cả những bà bán dầu, voi, ngựa... có công với nước đều được thờ cúng quanh năm đó chính là ở trong tấm lòng của nhân dân vậy. Bởi vậy, các nhà văn chuyên tâm đề tài lịch sử hẳn còn rất nhiều việc phải làm, phải cày sâu cuốc bẫm, phải dành hết thời gian và tâm huyết trên từng trang viết mới có thể góp phần để Xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại một cách khoa học và vững chắc nhất.

Phùng Văn Khai

Tin liên quan

Tin mới nhất