Người giàu cũng khóc (Đọc lại "Chuyện nhà DR THANH)
(Arttimes) - Một cuốn sách hay, như Chuyện nhà DR THANH, tất nhiên như người ta thường nói, sẽ chuyển tải đến độc giả những thông điệp nào? Ở đây, giản dị hơn tôi muốn nói đến những “Bài học sống” do tác phẩm đem lại cho cộng đồng.
HAI CÂU CHUYỆN LIÊN QUAN ĐẾN DR THANH
Năm 2009, tôi được mời thỉnh giảng tại Khoa Văn học & Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Lớp học ở tận thành phố Thủ Đức, nên mỗi sáng từ 5h30 tôi phải ra đón xe tuyến của nhà trường đến nơi dạy. Buổi trưa đầu tiên nghỉ, ra căng-tin trường ăn cơm đĩa cốt để lấy không khí thân mật thầy giáo từ Hà Nội vào làm quen với sinh viên. Dĩ nhiên tiền cơm thì ai ăn người ấy trả. Nhưng nước uống thì sinh viên tặng thầy liền mấy chai trà thanh nhiệt có nhãn DR THANH. Đó là lần đầu tiên tôi uống loại nước giải khát mới được quảng cáo làm từ 9 loại thảo dược dân tộc. Cảm giác ngon miệng (thơm mát, sảng khoái, có hương vị) và ấn tượng cho đến tận bây giờ. Sau này đọc báo mới biết đúng năm 2009 thì sản phẩm này mới chào đời và được người tiêu dùng ưa chuộng rộng rãi. Đến năm 2014, xem tivi, đọc báo thấy có “Vụ án con ruồi” nhằm vào Tân Hiệp Phát. Nhưng công ty này không bị thua. Tòa xử thắng. Năm 2016 vào TP Hồ Chí Minh công tác, tôi lại tiếp tục uống DR THANH hàng ngày. Thấy thích vì nó gợi lại thường xuyên một kỉ niệm về một sản phẩm đồ uống cách nay 7 năm. Bỗng nhớ lời thi sỹ Xuân Diệu, đại ý, không gì gợi nhớ quá khứ bằng một mùi hương hay một giai điệu.
Ngày 27/4/2017, xem truyền hình (VTV) thấy hình ảnh ông Phạm Sanh Châu (Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh UNESCO) trong buổi phỏng vấn (kéo dài 90 phút) ứng tuyển chức Tổng Giám đốc UNESCO, thì lạ chưa, trên bàn làm việc xuất hiện các sản phẩm đồ uống của Công ty Tân Hiệp Phát: Trà xanh Không độ và Trà Thanh nhiệt DR THANH. Thế là lập tức “miệng thế gian như làn sóng biển” sôi lên quanh sự kiện này.
Tôi cứ nghĩ về mặt trái của tâm lý đám đông, “bầy đàn” qua sự kiện này. Chia sẻ trên tài khoản cá nhân, tôi thấy ông Phạm Sanh Châu chỉ ngắn gọn: “Nhân dịp này giới thiệu cái gì đó của Việt Nam, nhưng không thể mặc áo dài truyền thống vì điều kiện không cho phép”.
Vì thế: “Quyết định chọn chai nước mang theo từ Việt Nam sang để giới thiệu”. Ở đây chúng ta không bàn đến chuyện vô tình hay hữu ý của sự ứng xử. Nhưng nếu mỗi người Việt Nam, cứ như ông Đại sứ này, làm thêm được một việc tốt (nay ta hay gọi là “việc tử tế”) cho dân cho nước thì sao không cổ súy, nhân rộng, mà lại cứ hay “cà khịa”?!
Đọc báo thấy năm 1959, Phó Tổng thống Hoa Kỳ R.Nixon đã “mời” nhà lãnh đạo Liên-xô lúc bấy giờ là N.Khrutshov một cốc nước Pepsi. Vị Phó Tổng thống này chắc không vô tình. Hình ảnh Hoa Kỳ - “Sen đầm quốc tế”- lại hiện hữu qua một loại đồ uống thì có ý nghĩa gì đây?! Và đó cũng là một cột mốc của hãng Pepsi trong cuộc chiến với đối thủ khổng lồ, lừng danh Coca Cola.
NGƯỜI GIÀU CŨNG KHÓC
Đọc Chuyện nhà DR THANH thấy khát vọng làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội luôn luôn chính đáng. Nhưng trở thành giàu có đâu phải là câu chuyện thò tay vào túi lấy ra bất cứ cái gì mình muốn. Một đồng bạc làm ra chính đáng có biết bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt của người lao động.
Thử hình dung khi ông giám đốc Trần Quý Thanh quyết định đầu tư 300 triệu USD để xây ba nhà máy mới tại Quảng Nam, Hậu Giang, Hà Nam thì cả nhà ông (gồm 5 người) lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Vì tiền không phải là giấy lộn. Họ làm việc quần quật không tính theo giờ mà theo ngày. Có những lúc ông giám đốc và các thành viên gia đình đã phải khóc thầm khi quyết định phá bỏ một công trình sản xuất chưa đưa vào vận hành đã tỏ ra lạc hậu. Ai dám nói đồng tiền không liền khúc ruột? Khi 5.190 tỷ đồng gửi vào Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bỗng “không cánh mà bay” thì chỉ thiếu khóc đứng khóc ngồi. Rồi khi Tòa xử gia đình phải trực tiếp đòi nguyên Giám đốc VNCB Phạm Công Danh, vì tiền đã chui vào tài khoản riêng của người này, lại đang bị tù đày, thì đáng cười hay đáng khóc?
Nhưng thật đáng khâm phục cho cả gia đình ông Trần Quý Thanh là trong bĩ cực vẫn “đáng khóc mà ta cứ hát tràn”. Hát cho đến ngày thái lai. Khi người vợ thân yêu, người bạn đời của ông giám đốc đột quỵ, hai lần mổ ung thư, phải ra nước ngoài chữa trị, tiền bạc đổ ra như nước thì người trụ cột gia đình phải nuốt nước mắt vào trong “húp cháo vòng quanh trả nợ” như dân gian vẫn thường nói. Lại nữa, khi con trai (Dũng) làm ăn thua lỗ, vi phạm luật chơi trong kinh doanh thì cả nhà họp lại và quyết định cho công ty anh ta phá sản, làm lại từ đầu. Đáng cười hay đáng khóc hỡi Quý vị độc giả? Trong số các vị đã có ai dũng cảm, cắn răng (và khóc thầm) khi hành xử như thế với người ruột thịt?! Riêng tôi thấy ngày hôm nay chúng ta cười nhiều quá trong các cuộc ăn chơi lãng phí, lễ lạt triền miên vô bổ, ngất ngây trong tâm lí tự sướng, lúc nào cũng hớn ha hớn hở như cuộc đời này chỉ có tiếng cười vui dễ dãi, nông nổi như sân khấu hài nhảm, hài nhạt đang nhan nhản mọc lên trên các phương tiện nghe nhìn. Dường như chúng ta đang quên dần cách khóc cho những nỗi đau nhân thế, cho những thất bại tạm thời, cho những thói xấu mà ta chưa khắc phục được. Chúng ta đang sống trong hài kịch mà quên đi bi kịch. Dĩ nhiên không ai muốn trái đất này ngập tràn nước mắt khổ đau. Nhưng hãy nhớ lại câu thơ tuyệt vời của thi sỹ Xuân Diệu: “Trái đất - ba phần tư nước mắt/Đi như giọt lệ giữa không trung” trong bài thơ Lệ (1957) nổi tiếng. Và chính tác giả Trần Uyên Phương cũng đã viết chân thành: “Tôi chợt hiểu ra rằng, nước mắt nhiều khi cũng có giá trị của nó”. Nếu người giàu cũng khóc, thì có nghĩa là những giọt nước mắt có ý nghĩa thức tỉnh nhân tâm, thanh lọc tâm hồn.
NGƯỜI PHỤ NỮ ĐẰNG SAU NGƯỜI ĐÀN ÔNG THÀNH ĐẠT
Người ta vẫn nói, đằng sau một người đàn ông thành đạt luôn có một người phụ nữ. Bà Nụ (vợ ông giám đốc Trần Quý Thanh) là một người phụ nữ như cổ nhân nói “vượng phu ích tử”. Một người vợ làm “thay đổi ngoạn mục” cuộc đời ông Trần Quý Thanh. Vợ chồng, như ai đó nói là do duyên số. Một nửa của người này (hay người kia) là do ông trời chọn và sắp xếp. Đương nhiên. Nhưng không thể không có sự lựa chọn của cá nhân.
Bà Nụ luôn xác định “là cánh tay mặt của anh” (của chồng). Còn ông giám đốc thì thừa nhận người vợ là “quyền lực mềm” có tác dụng điều chỉnh quá trình vận hành của gia đình và công ty. Nhưng vì sao bà Nụ lại tích hợp được nhiều phẩm chất tuyệt vời như vậy? Trước hết là vì bẩm tính, bình sinh bà đã can trường, thông minh, ứng biến, năng động từ nhỏ.
Mới 12 tuổi đã biết cách ứng xử khôn khéo để bảo vệ mình bằng cách “dùng độc trị độc” (dùng “đại ca” này để dẹp yên “đại ca” khác khỏi quấy nhiễu mình). Lớn lên ý thức về nhan sắc và trí tuệ phải đi đôi. Vì thế càng ngày càng chứng tỏ là người phụ nữ có cá tính, bản lĩnh. Khi bị phản đối cuộc hôn nhân của bà với ông Trần Quý Thanh (lúc đó chưa thành đạt), nhưng bà biết cách kiên trì thuyết phục cả nhà bằng chính tình yêu của mình với người chồng tương lai.
Bà không là người ỷ lại kể cả khi chồng bắt đầu ăn nên làm ra. Thậm chí hai lần chửa bụng vượt mặt vẫn hay lam hay làm đến tận phút chót sinh nở, không phải là người tham lam mà là người ham công tiếc việc. Trong máu huyết, bà là một người lao động chân chính. Bà biết thừa chồng mình là người tài giỏi, giàu có, tính tình lại ga-lăng nên nếu có chuyện zic zac thì cũng là bình thường, không gì bằng “lạt mềm buộc chặt” (ai cũng biết thời còn tự do thì ông giám đốc cũng là một tay ăn chơi khét tiếng).
Nhưng vợ con vào rồi thì nghiêm trang hẳn lên. Ấy là do người phụ nữ. Bà là người học đươc chữ NHẪN tuyệt vời. Đã có lúc tác giả cuốn sách phải thốt lên: “Đã có lần tôi từng nghẹn ngào bảo má: “Li dị ba đi. Má định sống khổ như thế này cả đời à? Tại sao chứ? Bỏ đi, và má có thể sống cuộc đời hạnh phúc của riêng mình”.
Tại sao con cái lại có ý nghĩ như thế với bậc sinh thành? Có thể vì cô con gái có lớn mà chưa có khôn. Chưa đủ năng lực thấu cảm người khác, chưa đủ độ nhẫn, độ vị tha, và cuối cùng là sự an nhiên, tự tại của người tu thân tích đức đã thành quả.
Khi Công ty Tân Hiệp Phát đang trên đà phát triển, thịnh vượng thì không may bà Nụ đổ bệnh sau một cơn đột quỵ. Bán thân bất toại. Hai lần lên bàn mổ ung thư, phải ra nước ngoài chữa trị đốt hết vô số tiền bạc. Nhưng bà cắn răng chịu đựng, không làm lây truyền sự đau đớn vật vã sang người thân. Bà không phải là sắt thép. Nhưng nghị lực và ý chí thì ngang kim cương.
“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Cái câu thành ngữ ấy bà thông hiểu. Chính nghị lực của bà đã vực dậy tinh thần cả gia đình. Ngày sinh của ông giám đốc được lấy ngày thành lập công ty. Trong ngày đó, dẫu còn rất yếu ớt, người “bệnh nhân xinh đẹp” vẫn lên đọc thơ chúc mừng chồng. Tôi nghĩ, nếu ví von thì, bà là một bông hồng có gai.
Bà không phải là “bà đầm thép” như ai đó xưng tụng. Bà là người phụ nữ Việt Nam truyền thống mà hiện đại. Có thể nói không có bà Nụ thì không có Trần Quý Thanh như ngày nay. Họ đã tay trong tay, hóa thân vào nhau, thấu cảm, cùng chung mục tiêu xây đắp gia đình giàu có, hạnh phúc trong một không gian xã hội văn minh, hiện đại, công bằng và dân chủ. Có thể tóm tắt trong một câu: “Chị Nụ còn mạnh, Tân Hiệp Phát còn mạnh. Chị Nụ yếu, Tân Hiệp Phát yếu” (như trên mạng xã hội người ta bình luận).
NHỮNG BÀI HỌC SỐNG
Một cuốn sách hay, như Chuyện nhà DR THANH, tất nhiên như người ta thường nói, sẽ chuyển tải đến độc giả những thông điệp nào? Ở đây, giản dị hơn tôi muốn nói đến những “Bài học sống” do tác phẩm đem lại cho cộng đồng. Đọc xong một mạch tác phẩm Chuyện nhà DR THANH, riêng tôi rút ra mấy bài học sống hết sức giản dị mà thấm thía, muốn chia sẻ với mọi người, nhất là chị em.
Một là, cần thiết hài hòa giữa hạnh phúc và thành đạt (vì vẫn có thể thành đạt nhưng có thể không có hạnh phúc). Hai là, hãy coi gia đình là căn cốt, là “hang ổ” của mỗi người. Những người sống nhiều xã hội ắt hẳn sẽ giảm thiểu cái hương vị của sự ấm áp tình người do người ruột thịt đem lại. Nếu tri thức đem lại cho ta sức mạnh, sự anh minh của trí tuệ thì gia đình đem lại ngọn lửa ấm cho chúng ta dẫu đi giữa đêm tối giá buốt.
Ba là, phương pháp nuôi dạy con cái. Không thể và không nên “ôm ấp” con trẻ quá nhiều. Hãy sớm ném chúng xuống nước để chúng học bơi. Bốn là, nếu ai muốn ủng hộ vì sự tiến bộ của phụ nữ thì hãy đọc cuốn sách thú vị và bổ ích này.
Một cuốn sách đầy ắp âm hưởng, sắc thái nữ quyền (trong nhà ông giám đốc thì âm thịnh, dương cũng thịnh). Có thể còn có nhiều bài học khác nữa. Nhưng với tôi thì bốn là đủ. Xin trân trọng giới thiệu với Quý vị độc giả (nhất là độc giả nữ) xa gần sớm thưởng thức một tác phẩm không thể thiếu trong tủ sách gia đình.
Bình luận