75 năm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - Một dòng chảy lay động lòng người
“Văn nghệ Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào việc xây dựng nền văn học nghệ thuật mới, phong phú, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân văn, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Đó lời khẳng định của PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày 25/7.
Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; cùng đông đảo các văn nghệ sĩ đại diện cho những người làm công tác sáng tạo văn học, nghệ thuật cả nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm.
Một chặng đường vinh quang
Trong diễn văn khai mạc lễ kỷ niệm, PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã ôn lại quá trình thành lập và phát triển của Liên hiệp trong 75 năm qua. Ngày 25/7/1948, Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã chính thức được thành lập tại khu Dộc Phát, xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc, công phu tại Lễ kỷ niệm.
Ngay từ khi ra đời “Hội Văn nghệ Việt Nam” đã thể hiện sự gắn bó mật thiết giữa văn hoá và văn nghệ, tự nguyện là thành viên của “Hội Văn hoá Việt Nam”, tham gia mặt trận đoàn kết dân tộc thống nhất, có sứ mệnh thực hiện những nhiệm vụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra trong thư gửi Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ 2.
Từ đó đến nay đã tròn 75 năm, tổ chức văn nghệ Việt Nam thống nhất đã đồng hành cùng dân tộc, trải qua các chặng đường lịch sử cam go thuộc các giai đoạn: kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954); kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975); thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (1975 đến nay).
PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình.
PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, tổ chức văn nghệ Việt Nam ngày nay đã lớn mạnh tập hợp hơn 40.000 văn nghệ sĩ thuộc 5 thế hệ gồm các chuyên ngành (văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, múa, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số, kiến trúc), sinh hoạt trong 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành trong toàn quốc cùng Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Giới văn học nghệ thuật Việt Nam đang dấy lên khát vọng mới, tạo đà đột phá mạnh mẽ, thực hiện cuộc chấn hưng về văn hóa, xây dựng nền văn hóa công nghiệp, quảng bá, tiếp nhận các giá trị văn hoá trong nước và quốc tế với việc sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng cao, có giá trị lâu bền về nội dung và nghệ thuật, có sức lay động lòng người mạnh mẽ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà văn lão thành Hà Minh Đức ôn lại truyền thống 75 năm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.
Đại diện cho các thế hệ văn nghệ sĩ trong suốt chặng đường 75 năm qua, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà văn lão thành Hà Minh Đức cho biết, khi nói về văn học nghệ thuật và những thành tựu phải quan tâm sâu sắc đến ba yếu tố: thứ nhất là sự lãnh đạo của Đảng về đường lối, phương châm để tạo những cảm hứng sáng tạo, thứ hai là văn nghệ sĩ và thứ ba là hiện thực phải phong phú, phải dồi dào.
Ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc thay mặt các văn nghệ sĩ trẻ chia sẻ: 75 năm một chặng đường vinh quang, đồng hành cùng tiến trình của lịch sử dân tộc, Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã và đang đóng góp những giá trị vô cùng to lớn cho nước nhà. Như một dòng chảy tự nhiên, “tre già - măng mọc”, chúng tôi - thế hệ trẻ văn nghệ sỹ nguyện tiếp bước truyền thống cha ông, mang trí tuệ, tài năng, sáng tạo những giá trị văn học - nghệ thuật phục vụ đời sống trong thời đại mới”.
Ca sĩ Hoàng Hồng Ngọc thay mặt các văn nghệ sĩ trẻ phát biểu.
Để phát huy truyền thống văn học nghệ thuật nước nhà
Phát biểu tại buổi lễ trọng thể và đầy ân tình này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nhà văn hoá kiệt xuất, Bác Hồ muôn vàn kính yêu - người đã đặt nền móng đầu tiên cho nền văn hoá, văn học nghệ thuật mới ở nước ta.
Đồng thời tưởng nhớ và biết ơn các văn nghệ sĩ đầy tài năng đã cống hiến và hy sinh trong sự nghiệp cách mạng của Dân tộc, tên tuổi và tác phẩm của họ đã đi vào ký ức của Nhân dân, làm rạng danh cho nền văn hoá, văn học nghệ thuật cách mạng nước nhà.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Nhìn lại 75 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, anh chị em văn nghệ sĩ đã có sự phát triển, trưởng thành đầy ấn tượng, góp phần to lớn vào công cuộc sáng tạo các sản phẩm văn hoá, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của Nhân dân, đưa văn hoá ngày càng thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xứng đáng là lực lượng nòng cốt sáng tạo các giá trị văn hoá, là đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Bên cạnh đó, theo Tổng Bí thư, văn học nghệ thuật cũng không tránh khỏi những hạn chế yếu kém cần khắc phục, đặc biệt là vẫn còn tình trạng một số người phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Các tác phẩm còn xa rời đời sống của thực tiễn, của đất nước, của nhân dân, có một số phát ngôn viết hồi ký, sách báo, trang điện tử sử dụng các mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí còn rất cực đoan.
Khẳng định tiếng nói của văn nghệ sĩ có tác dụng to lớn trong xã hội, đặc biệt với một dân tộc Việt Nam đầy truyền thống văn hóa, lịch sử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Sáng tạo văn học nghệ thuật thì phải có tình cảm, phải có rung động, phải có say mê nhưng nói phải chuẩn xác, “sai một ly, đi một dặm” mà các văn nghệ sỹ thường được nhân dân rất kính trọng, rất tôn trọng những lời nói.
Mỗi một ý các đồng chí nói, mỗi một câu các đồng chí viết ra, một lời thơ, bài hát, có khi sẽ là một cái động lực thúc đẩy người ta tiến lên nhưng có khi chỉ một vài câu, một vài chi tiết nào đó lại làm nhụt chí người khác.
Theo đồng chí Tổng Bí thư, anh chị em văn nghệ sĩ đã có sự phát triển, trưởng thành đầy ấn tượng.
Để phát huy truyền thống văn học nghệ thuật nước nhà, Tổng Bí thư căn dặn: Chúng ta không nên say xưa với thắng lợi, không ngủ quên trên vòng nguyệt quế, nhìn thấy trước mắt thuận lợi rất nhiều nhưng khó khăn cũng rất lớn và đòi hỏi nhân dân trông chờ vào văn nghệ sĩ cũng rất nhiều, mong các đồng chí nhớ cho điều đó.
Đồng chí Tổng Bí thư cũng đề nghị các cấp uỷ đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, cần nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò, vị trí quan trọng của văn hoá, văn học nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Luôn luôn cổ vũ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật thông qua các cơ chế, chính sách, như: Hỗ trợ tài chính, mở trại sáng tác, đi thực tế, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn nghệ; huy động mọi nguồn lực, cả về vật chất và tinh thần, để văn hoá, văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ và cống hiến nhiều hơn nữa trong những năm tới. Đặc biệt, phải coi đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm, xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, là sự nghiệp chung của tất cả chúng ta.
Cảm ơn những lời trao đổi, tâm sự đầy quý giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã thay mặt các văn nghệ sĩ trên cả nước hứa với Tổng Bí thư, dưới mái nhà chung của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các anh em văn nghệ sĩ sẽ quyết tâm siết chặt đội ngũ, đoàn kết một lòng đổi mới, sáng tạo để có được nhiều hơn nữa những tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng nền văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dẫn tộc, bồi đắp nhân cách, tâm hồn con người mới trong thời đại mới.
Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam" cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhân dịp này, Đại diện Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã trân trọng trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam" cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
75 năm thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của Liên hiệp.
Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã góp phần to lớn vào công cuộc sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật hay, đẹp, lành mạnh. Góp phần bồi dưỡng nhận thức, vun đắp tình cảm, tâm hồn của con người, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ cao đẹp, nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng yêu văn học nghệ thuật. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam xứng đáng là lực lượng nòng cốt, là đội ngũ văn nghệ sĩ - chiến sĩ tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Sáng 25/7, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành...
Bình luận