Đọc sách : “Chiều không tên như vết mực giữa đời”

Tuổi trẻ, khi tim xôn xao với những niềm không tên rạo rực, và bước chân bỡ ngỡ trên miền xa lạ, vẽ, tìm, kiến tạo những khao khát cháy đỏ. Những tháng ngày thanh tân nhất, thi sỹ Nguyễn Tiến Thanh, cựu sinh viên K30 khoa Văn đại học Tổng Hợp Hà Nội đã được sống như thế. Tâm hồn chấp chới trên giảng đường, bay bay trên những tán cây xanh miên man giữa khung trời hoa mộng của kí túc xá Mễ Trì.

Những áng thơ cứ thế, cứ thế, chắp cánh cho anh trong những buổi chiều lãng đãng mây ngàn, cất diệu vợi trong màu trắng hư vô. Và từ đó cất lên giai điệu “CHIỀU KHÔNG TÊN NHƯ VẾT MỰC GIỮA ĐỜI”, tập thơ đã khiến tôi thấy hồn mình bâng khuâng về ngày tháng cũ. Và tôi muốn viết điều gì đó như sự đồng điệu với khoảng trời sinh viên dậy lửa, cũng tựa hồ là lời cảm tạ với tác giả tập thơ đã gọi về những niềm thơ ngây trong veo của tuổi 20 tôi, đem mình náu trú dưới giảng đường đại học Tổng Hợp Hà Nội.

Tập thơ trôi đi qua những: “mắt, môi, tình, lời buồn, hoa, phấn tím, sân ga, chặng đường tuổi 20” và “mùa thu, Trường Sa, tự mộ” và khắc khoải bóng dáng bạn bè, bóng mình ở những trang cuối cùng khép lại, mở ra. Tạm điểm những không gian nghệ thuật, tôi chạm tới cái lãng đãng của Nguyễn Tiến Thanh, ấy là cái tạng của anh. Gọi như vậy, bởi đến tận giờ, khi đã trung niên, thơ anh vẫn xôn xao, chan chan cái cảm xúc khởi nguyên từ trẻ dại, ban sơ. Hẳn tất cả chúng ta đều mong níu, đợi chờ cảm xúc ấy hay sao, khi những sần sùi, thô nhám của cuộc làm người đã nuốt chửng cái run rẩy tinh khôi nhất.

Xin bắt đầu tập thơ từ chính nhan đề “CHIỀU KHÔNG TÊN NHƯ VẾT MỰC GIỮA ĐỜI”, hồn thơ Nguyễn Tiến Thanh rất trẻ nhưng điểm nhìn nghệ thuật của anh lại tựa vào một buổi chiều. Tôi hiểu rằng, thơ anh được khơi mở từ những bâng khuâng, nao nát buồn. Buổi chiều trong thơ bao giờ cũng gọi dậy những nỗi buồn. Đã từng có một buổi chiều đã khiến nhà thơ Nguyễn Bính uống cả “Một trời quan tái”. Hậu duệ của ông cũng không kém, Nguyễn Tiến Thanh đã uống đến loang tràn bao buổi chiều mây trắng và “vết mực”- trang thơ, vân chữ, huyết lệ của sự sống trẻ dại đã mãi treo treo giữa đời những vầng thơ chứa chan, nồng nàn. “Vết mực” đi suốt tập thơ như một thứ mật chú của chàng lãng tử, nó chảy tràn khắp nỗi hoang hiu của hồn nghệ sỹ vời vợi, trong một buổi “Hoang vu gió thổi nghiêng chiều vắng em”

Đôi mắt thơ của Nguyễn Tiến Thanh là “Đôi mắt huyền và ngọn cỏ mùa thu”. Mùa sinh của thơ là khi vàng về đầy, xao xuyến khắp hồn thu thảo, chim muông. Bởi thu là khoảng giữa hạ và đông. Tiễn cái nồng nàn, cháy đỏ sang rét cắt vào da thịt, thu vì thế gieo bâng khuâng, da diết, đó là khoảng lặng để thế giới nội tâm vút lên khúc phong cầm dương giới mênh mang, xa xôi. Bao thu rồi đựng trong “thăm thẳm” “đôi mắt huyền”. Em nhìn mùa xôn xao dưới cỏ, giấc miên trường thảo mộc đến úa ứa, mà khi anh ngoái lại chỉ thấy hun hút cánh mây, ngọn gió đưa tim đi qua tiếng trống sân trường có chàng trai ngu ngơ, khờ ngốc:

“Em có biết rằng em là gió lạ

Thổi rạp đời anh- ngọn cỏ mùa thu”

Anh đầu tiên, duy nhất, cuối cùng cũng chỉ là ngọn cỏ trong mùa bị em xâm chiếm lạ lẫm, đời đi hoang trong mơ màng thu. Bắt đầu tuổi trẻ bằng đôi mắt huyền mùa thu, Nguyễn Tiến Thanh đã bứng trọn vẹn trái tim mình cho em- người yêu, người tình thơ ca. Bởi thế thơ yêu của anh ngay từ những dòng đầu đã trào chảy tư chất đàn ông: mãnh liệt, đã đầy trong đắm đuối.

Ấy là “mắt thơ”, “môi thơ” Nguyễn Tiến Thanh “Đủ cho môi ta tan rã nụ cười”. Đến đây, tình yêu đã thấm thía vị trần ai, đủ đầy đến “tan rã nụ cười”. Cười có niềm hạnh phúc tan trong đắng đót, chua cay. Chỉ nhan đề bài thơ thôi, tác giả đã truyền vào độc giả chân cảm tận tuyệt của cuộc yêu. Được và mất song hành trong xúc cảm rất người ấy. Anh vẽ bức bích họa tình yêu bằng màu thời gian rêu phong, sắc thủy chung biếc tím dấu chân trời và em đã trọn vẹn trong anh. Tình yêu đến trong đời bằng những âm vang, gẩy lên khúc ngọt lành nhung nhớ và bao lo âu xa xôi. Em gần trong lòng tay, em tít tắp chân trời, em nhuộm anh tím biếc, em phong dấu rêu buồn. Tuổi trẻ nhưng đã sâu sắc như từng đi qua bao trầm tích. Thơ tình Nguyễn Tiến Thanh rất lạ.  

“Vừa mới quen đã rêu buồn mái phố

Dấu chân trời tím biếc lòng tay

Chợt phát hiện trái tim yêu rồi đó

Em dù xa, thơ ký họa hình hài”.

Lạ mà quen, dù có bao nhiêu nhân loại là có bấy nhiêu lối yêu “Điều đó dĩ nhiên rồi”.

“Chiều không tên như vết mực giữa đời

Em ngắt nắng xem hoàng hôn rớm máu

Cơn đau ấy- anh xin- đừng ẩn náu

Mưa một mùa nước mắt mấy mươi năm”.

Có lẽ đây là bài thơ tác giả ưng nhất, nên đã lấy hai câu thơ làm lời đề từ cho cả tập thơ. Anh lấy giọt giọt tuổi trẻ để viết tên em giữa bao buổi chiều mây trắng lãng đãng. Dù tình yêu là thứ sinh mệnh mong manh, ngắn ngủi  nhất, thì cũng chính là cảm thức mãnh liệt hơn tất thảy. Khi trao trái tim vào em, anh phó mặc cuộc đời cho em. Câu thơ thổn thức, em là ánh sáng, em là bầu nắng chứa chan, em cầm nút sinh mệnh đời anh- những hoàng hôn rớm máu, tên em lại thầm thì trong vết xây xước trái tim anh. Nguyễn Tiến Thanh, chỉ với hai câu thơ, trong sự thức gọi của một buổi chiều không tên, rất phiếm chỉ, vô định, đã nhập nhòa giữa có và không, hư với thực, cõi yêu vô hình, lại hữu hình, trong lòng tay đấy, rồi tan biến hư không. Vết mực tuổi trẻ đã trở nên bức phác thảo tình yêu đủ đầy nhất của một tuổi đời đi trong mãnh liệt, nồng nàn.

Ngọt ngào tưởng đến mê mù “thắp một niềm tín mộ”, song le tình yêu lại là nỗi buồn. Gương mặt tình yêu được nhận diện qua những khoảnh khắc vui ngắn ngủi và nỗi buồn vĩnh viễn gọi tên những cuộc tình thế gian. Con đường tình dù dài rộng lắm lối, hay buồn đau tận tuyệt thì cuối cùng hành trang vẫn là những giọt khóc đầy vơi, thậm chí đã chạm khắc thành bia mộ.

“Tình xưa” đã kể về một quá vãng như thế. Tác giả đưa người đọc đến với một không gian rộng lớn. Có lấp lóa bảy sắc cầu vồng, mưa bụi trắng trời, những lá trút trong niềm lặng như vô, rượu, nến trắng, gót chân trần vô tình. Tất cả gắn với địa danh Hà Nội. Với lứa sinh viên 7x chúng tôi, Hà Nội đẹp giản dị trong huyền ảo tuổi mộng. Đó là giảng đường mở ra những ước mơ lãng mạn, háo hức tuổi trẻ, lại là những con đường, góc phố, công viên, tất cả phơi trải trong những trang sách tình yêu ngà ngọc, khi chưa bị nợ áo cơm giày vò. Bài thơ vì thế, tôi tin, đã chạm tới bất kì ai đã đi qua năm tháng sinh viên giữa mảnh đất Hà thành tấp nập mà ưu tư, trầm mặc. Tình ấy, vì yêu em, thành rượu đắng, đi qua những nốt lặng câm mùa lá đổ, khiến anh đến nửa đời phiêu bạt. Nhưng em mải mê gót chân rong ruổi, tim anh đành đắp mộ phần. Sức phá hủy của tình yêu thật khó đo đếm, tuổi trẻ của anh đã từng đào huyệt để tuyệt tự, xây bia mộ cho một lần thất bát. Dẫu biết mọi lẽ đều vô thường, nhưng tình yêu dao nhọn, sao không ai đủ dũng cảm để chối từ? Bài thơ tình buồn nhưng đã nói đủ đầy những “cái chết trống rỗng” khi một cuộc thiên tai ngang qua nẻo yêu.

Đi qua huyệt mộ ái tình, vẫn thấy những sắc xuân từ cánh đào phai mong manh. Xuân trong Nguyễn Tiến Thanh dù không mùa, dẫu hoa đào nhưng lại dang dở độc hành. “Tay trắng bàn tay/ Nước mắt đầy đò sang sông”. Cảm thức xuân bắt đầu từ cái rét đài, rét lộc tái tê.

“Trèo lên nỗi nhớ mà trông

Triệu năm hóa đá mong chồng là em

Bây giờ chưa chín nghìn đêm

Xanh xao tuổi lá em quên tôi rồi”

Tác giả chạm trổ vào bầu xuân thắm sắc đào bức tượng Vọng phu. Một nỗi thương cho thân phận đàn bà, thử hỏi trên dải đất này, đã có bao người đàn bà hóa đá trong tình yêu và hôn nhân giữa niềm mỏi mong tuyệt vọng? Câu thơ đã khái quát một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, ẩn ức về những hệ lụy hủ nho. Nhưng cũng là niềm đau, sự bẽ bàng của em. Tạ từ anh, đời em từ đó hun hút, quạnh hiu, “chín nghìn đêm” trông nhớ, bơ vơ. Tình yêu  là thế, rời bỏ, chạy theo, cũng chỉ gặt đầy tim những đêm đàn bà đếm buồn trôi trượt qua hư không. Mùa xuân, hoa đào, tháng Giêng, một thế giới vỡ tan tành. Mảnh xuân neo vào tâm hồn độc giả và nỗi buồn yêu thật lộng lẫy vì không hề u ám. Nó mang gương mặt hoa đào. Nguyễn Tiến Thanh là thế, đóa hoa tình, dù đêm hẹn ước diệu kỳ hay ngày chia xa nát tan vẫn bắt đầu một sự hồi sinh. Ấy gọi tên “nỗi buồn tươi sáng” (Beelinxki). Và tuổi trẻ thần thánh, dẫu ở tàn tích nào vẫn nhìn ra màu thời gian đẹp, nở đóa hoa sinh mệnh để từ đổ nát xây nên những thành quách nguy nga.

Trong “CHIỀU KHÔNG TÊN NHƯ GIỌT MỰC GIỮA ĐỜI”, tôi tìm thấy mình, chạm tới ngày tháng cũ của tuổi thơ ngây, “viên phấn, giọt mực rơi tím áo, tên hai đứa viết trên bàn”. Tác giả gọi tên thời đơn sơ của thế kỉ trước, khi những cô cậu học trò tấp tểnh sân trường, lần đầu tiên thấy mình trong ánh mắt nhau ngượng ngập, bồi hồi. “Viên phấn tím” tưởng vô lý mà có lý, vì thấm mực tím học trò, trên hết đó là “vết mực” tím tình yêu. Đến đây, độc giả thêm một lần thức nhận về sự biến hình của tuổi trẻ: không chỉ là vết mực mà còn là viên phấn tím, là tất cả những gì mà sự sống hiển hiện. Phấn đậm như giọt mực, thanh như nét viết tên nhau trên mặt bàn, qua bao đêm chong đèn để rồi khắc trọn nơi trái tim run rẩy. Tình ban đầu xao xuyến trong thế giới học trò mộng mơ, mà mỗi khi trở lại, ai trong chúng ta đủ để đi ngoài niềm lưu luyến?

Nếu nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, được mệnh danh là “người pha mực tím”, từng nôn nao bởi sắc tím hoa súng:

“Em biết không tất cả đã xa rồi

Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ

Tuổi thơ ai ra đi cao ngạo thế

Hoa súng tím vào trong mắt đắm mê say”

Thì Nguyễn Tiến Thanh cũng đầy ấn tượng trong niềm nhớ thời thanh tân từ “Viên phấn tím”:

“Một thời từng vương vấn lối nhện giăng

Không gìn giữ để rồi phai nhạt hết

Bụi phấn bay qua tháng năm mờ nét viết

Tên anh bây giờ ai xóa khỏi đời em?”

Chỉ một nét phấn thôi nhưng gọi dậy cả một thời tuổi mộng, một trời tuổi mộng.

Thơ Nguyễn Tiến Thanh ở chặng đầu cuộc người không chỉ xôn xao tình yêu, mà còn dành khắc khoải cho nỗi nhớ mẹ. Tình mẹ không có chân trời, nhân loại thổn thức vì yêu, gửi nhớ nhung cho thơ nhưng viết về mẹ thì mọi ngôn ngữ đành bất lực. Tác giả nhận ra mẹ từ “Sân ga chiều đừng mưa”. “Nẻo thời gian mẹ đợi những con tàu”- câu thơ ứa lệ. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn của mẹ không đếm nổi bao lần tàu đổ bóng sân ga. Và mình bóng mẹ cũng làm nên chia ly- tiễn chồng ra trận, tiễn con bước vào cuộc đời, mẹ còn lại gì? Gia tài của mẹ là vành khăn tang trắng và bao bà mẹ trong những đêm trường chiến tranh đã tự tạc mình thành nỗi đau Vọng Phu? Tưởng là một bà mẹ, nhưng đến đây tác giả đã xây dựng thành bà mẹ điển hình trong nỗi đau mất mát. Thức nhận từ nỗi đau của mẹ, tác giả tự thấy mình bé nhỏ và ích kỉ:

“Sẽ chẳng bao giờ ai hiểu hết được đâu

Giọt nước mắt mẹ rơi giữa ngày chiến thắng

Mây đã trắng khăn tang chồng chết trận

Trăm cuộc đời chung một hướng Vọng phu

Chiều sân ga mẹ khan tiếng rao mời

Ta như kẻ vô tình ta đứng đó

Chợt thấu hiểu nỗi đau mình bé nhỏ

Dẫu ngày mai  em hát lý qua cầu…”

Thơ Nguyễn Tiến Thanh là sự sẻ chia, để mỗi ngườicon bước ra khỏi cái vỏ ốc vô hình chật hẹp mà yêu thương cảm thông trước nỗi mất mát của mẹ mình. Sự hy sinh của mẹ cho con nằm trong quy luật tất yếu “nước mắt chảy xuôi”, nhưng tình yêu của con dành cho mẹ cũng là cách tác giả lay gọi trách nhiệm, ý thức tự thân của những đứa con trước đấng sinh thành.

Những tưởng tác giả chỉ trải mình dưới những viên ngói thời gian lãng đãng, nhưng không, ta gặp một Nguyễn Tiến Thanh trong “Chặng đường tuổi 20” có những niềm xa xót lặn vào trong chữ. Có nỗi mất mát không hề nhỏ, nó khiến tuổi 20 từng “thê lương, u ám, đớn đau” là viên đá lát hè đường mặc người đời dẫm đạp hay chính những trái ngang bộn bề, giả trá cuộc đời khiến trái tim tuổi 20 thất vọng, trơ trọi, hoang vu trong nỗi đau hóa đá.

“Trái tim đau lát đá xám hè đường

Chân ngập ngụa trong đất lầy nhơ nhớp

Hạnh phúc chỉ lóe lên trong ánh chớp

Cây bên đường trơ trụi trút đắng cay”

Khủng khoảng tâm lý tuổi 20 là điều dễ thấy, hơn nữa, trong lồng ngực anh là trái tim thi sỹ, nên nỗi đau đời là có thật. Trước Nguyễn Tiến Thanh, đã bao thi sỹ từng bối rối, mông lung trong “nhận đường”. Đi hay dừng, sống hay không sống? là điều anh thức nhận.

“Để một ngày như lá rụng bên thềm

Hai mươi tuổi ném thân vào cô độc”

Thơ anh nhắc tôi nhớ đến Lưu Quang Vũ, những ngày từng có khoảnh khắc nỗi “rách nát tâm hồn” chạy qua.

“Có những lúc tâm hồn tôi rách nát

Như một chiếc lá khô như một chồng gạch vụn

Một tấm gương chẳng biết soi gì

Một đáy giếng cạn không một hốc mắt đen sì

Trời chật chội như chiếc lồng trống rỗng

Thành phố đầy bụi bặm

Những mặt người lì nhẵn chen nhau.”

Dù gì tôi vẫn luôn trân trọng những nỗi niềm tuổi 20 của hai thế hệ thơ. Vì suy cho cùng, buồn đau, thất bát hay cô độc chính là nỗi tự cảm rất nghệ sỹ, rất tuổi trẻ để tìm cho mình một lối đi riêng, cách kiến tạo cuộc đời bằng chính năng lực bản thể. Khi ấy buồn đau, mất mát chính là một món quà, một ân huệ của cuộc đời. Nhà thơ Thanh Thảo đã từng có tuổi 20 cháy đỏ:

 “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Tuổi 20 làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc”

Và Nguyễn Tiến Thanh cũng thao thiết trong cánh sóng “Gửi Trường Sa”, gửi yêu thương ước vọng đến những người bạn của anh.

“Bạn ở xa cách ngàn hải lý

Ngửa bàn tay trông tím biếc chân trời

Hút tầm mắt là hình hài cát gió

Biển bạc đầu hát với tuổi 20”

Nghe trong khúc hát tuổi 20 có nỗi đau, niềm tự hào hiến mình cho cột mốc chủ quyền Tổ quốc. Sinh mệnh của bạn là giọt máu loang, biển mặn, biển dữ dội trong mặn mòi máu và nước nước, có bình yên nào không đớn đau?

“Bạn ở xa, theo hướng những con thuyền

Bay đi nhé những đàn chim di trú

Môi thương mến nhắc ngàn lần chưa đủ

Bạn ở xa, nhưng đất mẹ rất gần”

Có những tuổi 20 an nghỉ trong ngôi mộ gió, và còn đây đất mẹ, còn đây chủ quyền. Nguyễn Tiến Thanh viết câu chuyện của lịch sử bằng giọng trữ tình, sâu lắng, từ hy sinh của những người bạn đã khiến anh chi chút cả những hạnh phúc nhỏ bé đời thường. Bày tỏ lòng biết ơn với những người đã hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc đó chính là sự tự thức nhận của cá nhân về những giá trị vĩnh hằng, bất biến của lịch sử dân tộc.

Đi qua những bộn bề của tình yêu, tuổi trẻ, tình mẹ, cuộc đời và lịch sử, Nguyễn Tiến Thanh không ngại ngần bộc bạch, đào sâu vào con người bên trong con người của anh qua lời “Tự mộ”. Trong anh là cả một thế giới mâu thuẫn, đủ đầy mà thiếu hụt, ánh sáng và bóng tối, hạnh phúc với khổ đau…tất cả, tất cả gọi trang trọng mà giản dị: CON NGƯỜI. Anh nhận ra quy luật của hoại diệt, khởi sinh, nỗi vô thường từ cõi sống bao la của muôn loài và muốn thắp lên ánh sáng giữa đêm thăm thẳm. Thơ với anh là nước mắt là khúc hát. Bởi vậy độc giả vẫn thấy một nhà báo làm thi sỹ. Có lẽ vì thế tâm hồn anh đã được thêm cơ hội thanh tẩy để lãng đãng với những buổi chiều mây trắng, vắt mực để viết nên câu thơ cuộc đời chăng?

Nguyên Tô

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống