Tâm trạng tiềm ẩn trong một nhân cách thơ năng động, có trách nhiệm và luôn biết sống hết mình (Đọc “Hoa đời mùa sau”, Nguyễn Hồng Vinh)

Trong cuộc đời, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh là một nhà hoạt động chính trị - xã hội đa năng, nhạy bén khi bắt nhịp các loại hình công việc khác nhau, thuộc nhiều lĩnh vực trí tuệ và tinh thần phức tạp, đòi hỏi nhiều lúc phải suy tư, tranh biện. Nhưng trong thơ, người đọc rất ngạc nhiên khi được chứng kiến cách anh xử lý các bài thơ thật nhẹ nhàng, tinh tế, với lối viết thoải mái, hồn hậu, tự nhiên.

Hình như, đây đích thực là chỗ cho phép người ta được mở lòng thư giãn, để nhà thơ được trở về tận bản thể rất riêng, tiềm ẩn thầm kín bên trong, dẫu rằng ở trong đời hay trong thơ, thì tâm thế của tác giả vẫn chỉ là một, nó thôi thúc người viết luôn biết cách ứng xử năng động hết mình, có trách nhiệm cao với mọi người cũng như với cuộc sống xung quanh và xã hội.

Tâm trạng tiềm ẩn trong một nhân cách thơ năng động, có trách nhiệm và luôn biết sống hết mình (Đọc “Hoa đời mùa sau”, Nguyễn Hồng Vinh) - 1

Tác giả Nguyễn Hồng Vinh

Âm hưởng chủ đạo của tập thơ “Hoa đời mùa sau”, tập thơ thứ 12 của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, có lẽ cũng vì lý do đó, mà có xu hướng trở về tâm trạng an nhiên tự tại ngay từ trong nội tâm, bỏ qua mọi thủ pháp phô trương ồn ào hoặc diễn giải cao giọng, cũng không hề có ý định gây sốc trong cấu tạo hình tượng hoặc trong phép tu từ. Với tầm cao của tư duy, tầm sâu của cảm xúc, có điểm xuyết chút ánh sáng soi rọi của thiền, tác giả đã đạt tới cái tâm nhuần nhụy, trong trẻo, đủ bản lĩnh “ngộ” ra bản chất và nhiều mọi điều đáng chiêm nghiệm trong cõi nhân sinh này.

 Ngay từ bài đầu tiên, khai mở tập thơ, tác giả đã xác định một điều cốt lõi: 

“Đời - cuốn sách nhiều trang

Chứa vui buồn năm tháng

Văn là hồn kết gắn

Dòng suối mát gặp sông...”

Gắn kết hồn mình với thực tại, nhà thơ lại cũng lạc quan tiên định tương lai: 

“Trang sách đời chưa kết

Thơ vang khúc nhạc đầu

Hạt ủ thầm trong đất

Nở hoa đời mùa sau !...” 

(Hoa đời mùa sau)

Đọc trọn vẹn tập thơ, ta càng trân trọng sao Nguyễn Hồng Vinh đặt tên cho “đứa con tinh thần”, ở tập này là “Hoa đời mùa sau”. Phải chăng, tác giả muốn ngụ ý nói rằng, mình vẫn chỉ là người âm thầm “gieo hạt” ở các tập thơ trước để tới tập này, vẫn cần mẫn vun xới mầm thơ, mong thật sự có vườn “hoa đời” mang sắc hương đa dạng, để ngời đời mùa sau vẫn nhớ trong tâm thức?!

Và khi đã sống tình nghĩa với đời như thế, thì dù ở hoàn cảnh nào, con người cũng đều vững tâm, biết tự tin làm chủ mình và làm chủ cả hạnh phúc của mình:

“Đời là vui - buồn nối nhau, hỡi em!

Khi phượng tàn, thì hoa ban bung nở,

Dù lạnh giá mùa đông

Riêng tình ta mãi mãi ấm nồng...”

(Tình ta mãi ấm)

Với bút pháp thiên về biểu cảm nội tâm, tác giả thường đưa các bài thơ của mình vào dạng thức một bài thơ tình, làm nó mềm mại, dịu nhẹ hơn, dễ cảm thông và dễ lan tỏa hơn. Xu thế ấy mở ra cho khá nhiều bài thơ có sự gợi trong tập như: “Hoa đời mùa sau”, “Nhân mãi niềm vui”, “Nghịch lý”, “Hương dừa”, “Muốn bay lên theo”, “Tự vấn”, “Giữa dòng Thiền mênh mang”, v,v…

Ở trên, chúng ta cũng đã có nhận xét rằng, nhà thơ ưa thích đưa hồn thơ mình về với trạng thái an nhiên, thư thái, để cái tâm của mình được gắn vào triết lý thanh tĩnh của thiền. Thì đây, trong bài thơ “Giữa dòng Thiền mênh mang”, ta bắt gặp, dù chỉ là mấy câu ngắn, đủ minh họa cho ý ấy:

“Tìm em nơi cửa Thiền

Không bóng người qua lại...

..Tìm an nhiên thư thái

Giữa dòng đời nổi trôi! “

(Giữa dòng Thiền mênh mang)

An nhiên thư giãn như thế, là ở trong những phút giây tác giả được phép vô tư mở ra trọn vẹn lòng mình. Nhưng đâu phải lúc nào cũng nhẹ nhàng như vậy? Khi đã giữ một tâm thế dám sống hết mình trong mọi hoàn cảnh, thì không thể không có những thời điểm khắc nghiệt, khi tác giả nhớ lại từng giây phút đau thương đến thắt lòng trong cuộc chiến tranh dài dặc vừa đi qua. Đoạn hồi tưởng lúc còn nằm dưới căn hầm chữ A ở Thành cổ Quảng Trị vô cùng sống động: 

“Căn hầm chữ A nứt toác

Bom rải, pháo gầm triền miên,

Góc hầm ngập bùn nhão nhoét

Thay nhau chỉ một người nằm!”

(Ngày ấy sao quên)

 Hòa vào một tâm trạng đau xót khác của người lính chiến, khi nhân vật của tác giả bị thương rất nặng, chỉ có thể về được tới quê, khi ở nhà nhận được tin đã bị báo tử; khi người yêu cũ không còn gì chờ đợi nữa, đã buộc phải đi lấy chồng: 

“Đất nước chiến tranh

Anh vào Trường Sơn trận mạc,

Kỷ niệm mang theo duy nhất

Hơi ấm bàn tay trước lúc lên đường...

Tiếng súng ngừng, anh về lại quê hương,

Đôi nạng thương binh gập ghềnh qua nhiều huyện, tỉnh,

Dù biết em đã nhận tin báo tử,

Vẫn le lói niềm hy vọng mong manh!”

“Hy vọng mong manh” ấy nay không còn nữa, vậy thì điều quan trọng trước mắt là “anh” không được phép bi lụy, mà phải nhanh chóng ép lòng, can đảm lấy lại bình tĩnh, sau phút giây ngỡ ngàng bất lực, ngỡ như “mặt trời tự dưng tắt lịm”:

“...Anh vỗ vai em:

“Đừng bận tâm nhiều về anh,

Phận đời, trời đã định,

Mong mẹ con hãy sống an lành!”

(Phận người bên một dòng sông)

Sau khi tự trải mình cùng những bi kịch phải đi tới tận đáy như vậy, thơ Nguyễn Hồng Vinh lại cho ta trở về cảm giác ấm áp, an nhiên tự tại và tĩnh tâm, chứa chan tình đời, dù vẫn biết cuộc đời không ngớt phải trải qua nhiều bão tố:

“Giữa xuân, cây Sưa trước thềm

Đã rụng lá, đợt đầu thưa thớt,

Vẫn biết quy luật đất trời không thể khác

Nhưng nhìn lá rơi, lòng thấy bâng khuâng...

...Đứng ngắm cây Sưa giữa buổi hừng đông

Những lá xanh non lan thêm tán mới,

Càng hiểu ra, dù biết bao lá vàng đã rụng,

Cây chẳng cạn vơi nhựa sống một đời!”

(Ngắm cây Sưa, ngẫm chuyện đời)

Có lúc, nhà thơ phải trải nghiệm và chấp nhận cả tâm trạng thấy bóng hoàng hôn đang dần sẫm tối, nhưng vẫn rất điềm tĩnh, lòng tràn đầy thương cảm cho bạn mình, khi người bạn ấy chỉ biết có tủi hờn, tiếc một Ban Mai đã mất:

“Tâm hồn anh vẫn bay

Mặc chiều tà đang tới

Tình ta vẫn cứ say

Ngắm bông hồng năm mới.

Mắt ta nhòa gió núi

Sương giá trùm Trường Sơn

Thương em lúc tủi hờn

Sao Ban Mai cứ trốn?!...”

(Gọi ban mai)

Có được cảm giác luôn biết nhìn về hướng lạc quan và không chịu bi lụy về “cái tôi” riêng tư như vậy, hẳn vì tác giả đã thấm đượm một triết lý nổi tiếng của phương Đông từ xưa, là biết “khổ trước thiên hạ, sướng sau thiên hạ”, như lời triết gia Phạm Trọng Yêm từ đời Tống: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Trong cuộc sống hôm nay, may mắn thay, chúng ta cũng có những con người dám sống hết lòng, gắn mình với mọi người, sống tận tụy cùng cộng đồng, không hề biết cô đơn, cho dù sống ngay cạnh bóng cây “Cô đơn” kia:

“Một mình - trên triền đê bao thập niên

Giữa cánh đồng trống trải mênh mông

Mưa nắng bão giông dầu dãi

Dân gọi là: cây “Cô đơn”

Anh đứng một mình, đâu hề cô đơn?

Đem cả bản lĩnh và tài năng

Lôi cuốn nhân dân cùng gánh vác

Lúa tốt tươi, đường ngõ phong quang...

Có lúc gặp vấp váp, sai lầm,

Dũng cảm nhận về mình trách nhiệm

Vui vẻ làm người lính tiên phong

Khổ trước, sướng sau, đời toại nguyện! “

 (Ngẫm ngợi từ “Cây cô đơn”)

Đây là bài thơ mang tính thời sự nóng hổi, mà với tinh thần dũng cảm “nhìn rõ sự thật, nói đúng sự thật” về thực trạng đội ngũ cán bộ hiện nay, có người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhưng cũng còn không ít người ỷ lại, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, thì chính họ mới là “người cô đơn” bị dân xa lánh. Đã gắn mình cùng số phận mọi người, dẫu có lúc phải hóa ra “chim lạc đàn”, thì vẫn tìm được đường về với mẹ. Với triết lý sống nhân văn ấy, tác giả tìm ra lời giải mã lạc quan cho một mối tình riêng đã dang dở hơn 20 năm, mà một buổi chiều tà, ngồi suy ngẫm bên Hồ Gươm, tự nhiên nhớ lại và day dứt khôn nguôi:

“Hơn 20 năm mới có dịp ngồi lâu ngắm Hồ Gươm 

Tháp Rùa vẫn rêu phong trầm mặc...

Nhớ ngày ấy, tóc em trùm vai mướt đen

Mắt đắm đuối nhìn anh, muốn nói điều sâu lắng

Nhưng bỗng mưa bất chợt

Chuyện tâm tình đành dang dở trôi đi...

 Anh ngồi lặng giữa chiều tà buông xuống 

Gió lướt qua tán liễu xạc xào

Tim hỏi thầm: Em đang ở nơi nao

Giá được gặp em, cùng tâm tình chia sẻ...”

 (Hồi tưởng bên Hồ Gươm)

Rồi, bỏ qua mọi “hiểu lầm”, mọi “hồi tưởng” đắng cay, tác giả lại tin vào logic của tự nhiên, “sau mưa trời sẽ nắng”, cho dù phải “lên rừng xuống biển”, nhưng nếu biết sống đúng quy luật của đời, thì “bến đỗ bình yên sẽ đến với em” như một hệ quả tất yếu. Bài thơ đẹp, vượt qua chút bùi ngùi xa vắng, giữ được vẻ điềm tĩnh an nhiên và tự tin từng trải, cũng vốn là nét nhạc chủ đạo đáng quý của cả tập thơ này. Và tâm trạng ấy còn nối dài thêm nữa, khiến ta vương vấn mãi với màu hoa đại tinh khiết, giữa nghĩa trang hay giữa một sân chùa, khi nghe tiếng chuông cất lên, tâm hồn ta bỗng dưng bồi hồi, rồi lắng lại: 

“Nghĩa trang nở bung hoa đại

Thơm mát phần mộ anh nằm 

Sân chùa nối nhau hàng đại

Truyền niềm thanh thản trong tâm.

Chuông chùa văng vẳng thinh không

Quên đi nỗi lo thường nhật

Tiếng đời như ngưng náo nức

Mà sao đêm vẫn vấn vương?!”

(Hoa đại và đời)

Tuy nhiên, nhà thơ không dễ bằng lòng - chỉ với triết lý “tự nhiên nhi nhiên” trong tình yêu và trong đời thường - đơn giản như vậy! Đến một lúc nào đó, khi “cái hữu hạn đã thành vô hạn”, mà “cái vô hạn lại như bị đóng khung”, thì tác giả không thể còn điềm tĩnh một cách an nhiên như trước được nữa. Giọng thơ trở nên quyết liệt, tuy vẫn bình tĩnh tự tin, nhưng chủ động và xác quyết hơn nhiều: 

“Anh sẽ đến tận cùng miền cửa sông gặp bể,

Tìm em, nơi có những cánh buồm

Và leo lên đỉnh Phanxipăng giữa mùa gió tuyết

Đón em về, sưởi bằng trái tim anh...”

(Có thể thế chăng?)

Sự chủ động, xác quyết ấy là có lý, nhưng bên cạnh cái quy luật đúng theo logic “sau mưa, trời sẽ nắng” như ở trên, bài thơ này còn ngộ ra, là phải có sự nhẫn nại, kiên trì, thủy chung tới cùng nữa, thì con người mới mong đạt tới đích:

“Đời là chuỗi cộng trừ 

Với bao điều được mất

Nhẫn nại và thủy chung

Sẽ cùng đi tới đích.

Sau mưa, trời đã hửng

Lấp lánh những vần thơ

Sáng lên niềm hy vọng

Sau tháng năm đợi chờ!...”

(Có bao giờ trọn vẹn)

Và tiếp nữa, dù đạt tới cái đích tổng thể trong đời rồi, thì cuộc đời cũng vẫn chưa trọn vẹn, nếu chúng ta không biết làm bốn phép tính đơn giản như sau:

Cộng mọi niềm vui nhỏ nhoi

Trừ đi những điều bất hạnh

Nhân lên việc làm tâm thiện

Chia ra trái ngọt cho người !... 

(Tự vấn)

Toàn bộ triết lý trong tập thơ, như ta thấy, không có chỗ nào mang tính tư biện, đơn thuần trích dẫn sách vở, mà đều là những chiêm nghiệm thiết thực, gắn bó cùng các mảng của đời sống bình thường quanh ta, điều đó càng làm cho tập thơ dễ được tiếp nhận và dễ được lưu lại bền lâu trong lòng bạn đọc.

Tâm trạng tiềm ẩn trong một nhân cách thơ năng động, có trách nhiệm và luôn biết sống hết mình (Đọc “Hoa đời mùa sau”, Nguyễn Hồng Vinh) - 2

Bìa tập thơ

Tác giả Nguyễn Hồng Vinh đồng thời cũng biết sử dụng thế mạnh của thông tin báo chí khi đưa vào hợp lý và đúng chỗ, làm sống động thêm các chi tiết cho nhiều bài thơ; mặt khác, lại cũng biết làm chủ liều lượng tư duy hùng biện của một nhà lý luận triết học, để cân bằng nó với những lý lẽ minh triết rút ra từ thực tiễn, nâng lên từ cuộc sống hằng ngày. Giọng thơ vì thế có sức lôi cuốn tự nhiên, dễ tiếp nhận, lại kết hợp với tiết tấu và nhạc điệu, cùng với cách cấu tứ khéo léo, làm thơ anh trở nên có sức sống riêng, tạo một phong cách riêng của tác giả.

Mỗi bài thơ giống như một bức phác họa phóng túng và có đường nét, hợp thành cả bức tranh toàn cảnh, khám phá ra các khía cạnh nội tâm thầm kín từ bên trong của nhà thơ. Đôi khi, cũng do cấu tứ bài thơ khá kín đáo, tác giả đã dành chỗ cho bạn đọc đi theo mình, để được cùng thú vị tìm kiếm và khám phá những điều còn ẩn kín, những ý tưởng ngoài lời ở phía sau mỗi bài thơ, hoặc mỗi dòng thơ. Đạt tới được độ hàm súc ấy là một thành công lớn, đáng ghi nhận của tác giả.

Tập thơ mới nhất “Hoa đời mùa sau”, với những ưu điểm như vậy, xứng đáng là một tập thơ có đóng góp tích cực vào không gian thơ hôm nay trong nền thơ ca đương đại chúng ta. Xin chúc mừng tác giả Nguyễn Hồng Vinh và chúc anh, với những nỗ lực vươn cao và vươn xa, “chân cứng đá mềm”, sẽ còn tạo nên những bước đi đột phá trong thơ mạnh mẽ và nhiều ấn tượng hơn nữa, xứng đáng là một nhân cách thơ năng động, có trách nhiệm, luôn dám sống hết mình với thơ ca và với văn học, bên cạnh việc còn gánh vác các hoạt động chính trị - xã hội bộn bề khác.

Bằng Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất