Tiếng hoa

(Đọc “Tiếng Mưa”, Thơ Vũ Trần Anh Thư, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2022)

I. TẠI SAO

1.

Tại vì, tôi biết Vũ Trần Anh Thư qua mạng, qua bút nhóm Facebach.

Người ấy hay đăng ảnh mình chụp cùng hoa. Lộng lẫy và duyên dáng. Nhưng đó là những “bản thế vì” ấy mà - sản phẩm thời 4.0 ấy mà.

Tiếng hoa - 1

Tác giả "Tiếng mưa" - Vũ Trần Anh Thư

2.

Tại vì, sau lần offline với Thư cùng nhóm Facebach tại Hà Nội - đầm ấm và vui vẻ - tôi đã “phải lòng” đóa sen trong một khúc ru của nàng (rút từ "Tiếng Mưa"):

         

RU HẠ

Ta nâng niu tách trà sen cuối hạ

Hạ đi chưa mà hương ngọt trên môi

Ngoài kia nắng vẫn vàng như thể

Chẳng biết đầm sen hoa sắp nhạt rồi

Quán độc ẩm nhạc không lời dìu dặt

Bình gốm men xanh khép mắt mơ màng

Ngủ nhé hạ ơi dẫu có ai níu lại

Gối lên sen, hạ mơ giấc nồng nàn

Ngủ đi nhé, ru hạ từ trong phố

Để mùa thu tỉnh giấc thật dịu dàng

Khoác chiếc áo giao mùa mỏng mảnh

Chở làn hương thương nhớ theo sang.

3.

Tại vì, Trần Anh Thư - tôi vẫn cứ muốn gọi tác giả bằng cái tên này, bởi nó thật thân quen với tôi - yêu hoa thật sự, như là tôi đã biết ngoài đời.

Tiếng hoa - 2

Tập thơ "Tiếng mưa"

II. THẾ NÊN

Tôi đã ngơ ngẩn trên những nẻo đường hoa mà “Tiếng Mưa” dắt tôi đi. Và càng đi, tôi càng không muốn lỡ một “mùa” hoa nào, dù nó ở nơi sơn cước xa xôi:

“Không thể lỡ với cúc quỳ được nữa

những yêu thương thắp nắng lên rồi

em không muốn chín vàng ngày đợi

bởi non xanh mắt nhớ đã bời bời”

(“Chỉ cúc quỳ thổ lộ”)

Tiếng hoa - 3

Hoa dã quỳ

Và rồi bỗng thốt gọi theo “Tiếng Mưa”:

“Cúc quỳ ơi

cúc quỳ ơi

tắm trong tiếng gió đại ngàn

gội sương Ba Vì mà nở

Cúc quỳ ơi

cúc quỳ ơi

có người vừa thơm nụ mắt

Ngày rừng mơ tiếng cúc quỳ

có người nghiêng vai tháp cổ

gọi nắng đơm miền miên di.”

(“Ngày rừng mơ tiếng cúc quỳ”)

Thế rồi tôi bỗng thấy mình đang đi giữa cố đô:

HUẾ

Ngày em đi

loa kèn dụm dành cuối vụ

hương Hà thành vương trong hành trang

Huế này anh

đường phố nhỏ xinh chùm điệp vàng đơm nắng

cô gái bên đường dịu ngọt lời yêu

Này anh!

Huế trầm mặc rêu phong

Huế mộng, Huế mơ…

đợi em về, sẽ hiểu

Huế thơm hương cả áng tóc nâu trầm.

Tiếng hoa - 4

Cảnh đẹp Huế

Đợi em về sẽ hiểu/ Huế thơm hương cả áng tóc nâu trầm- chu cha là “điệu”!

Nhưng mà này, đã nhanh quên hương loa kèn Hà Thành “dụm dành cuối vụ” thế sao?

Đùa cho vui, chứ tôi thấy "Tiếng Mưa" rất có cảm tình với đóa loa kèn - nó nở cả thảy năm lần, nhiều hơn bất cứ loài hoa nào trong tập (Tĩnh vật tháng tư, Khúc giao mùa, Tháng tư chở em đi đâuHoa thiếu nữ).

Trong những mùa loa kèn đó, tôi thích nhất mùa “Hoa thiếu nữ”:

“Có bao giờ em tự hỏi rằng

hoa loa kèn vì sao trắng quá

trắng đến tinh khôi

trắng đến dịu dàng

dẫu mùa nối mùa đi mãi

Hoa như thời con gái

toả hương ngào ngạt

mà không biết mình thơm”

Tiếng hoa - 5

Hoa kèn.

Không biết mình thơm? Kiêu nó vừa vừa thôi các nàng ạ! Kẻo anh em đàn ông chúng tôi… đau đớn!!!

Thì xuôi về phương Nam. Có lẽ các thiếu nữ miền Tây đỡ cao kì bắc bậc hơn ngoài ta chăng?

“MÙA NƯỚC NỔI MIỀN TÂY

 Hò ơ…ơ…ơ

thuyền em lướt thảm bèo xoan

mái chèo khỏa nước lan lan bến bờ

Hương tràm bát ngát

hò ơ…ơ…ơ

bóng chim điên điển ngu ngơ lạc bầy

Vạn ngàn chớp trắng chân mây

ráng chiều chấp chới ngọn cây cò về

Trúng bùa ngải

trót si mê

tràm nghiêng hoa nắng kết bè sang nhau

Ngút ngàn mắt lá trước sau

quấn bện em giữa thẳm sâu đại ngàn

Hoàng hôn phía ấy luênh loang

từng vạt yêu đổ miên man bãi bờ

Hò ơ…ơ…ơ

ai về Cần Thơ

ai qua An Giang

ai xuôi Đồng Tháp

gió hương tràm da diết quá

hò ơ…ơ…”

Đó đó, thấy chưa, nghe giọng hò dễ thương của mấy em là biết liền à!

Ủa mà sao quen quen!

Trời đất ạ, giọng của "Tiếng Mưa"!

"Tiếng Mưa" cất một giọng hò rất chi là miền Tây sông nước thế có nghĩa là gì?

Chỉ có nghĩa là "Tiếng Mưa" có một giọng điệu khá đa dạng. Một giọng riêng trong chính đa dạng giọng mình- là mơ ước lớn lao của bao nghệ sĩ. Cầu mong "Tiếng Mưa" là như vậy!

Nhưng mà tôi đặt khứ hồi rồi. Công việc của “sip bơ” là phải rất nghiêm túc. Tôi phải bay cùng Tiếng Mưa ra ngoải để góp một mùa hoa:

SHIP MỘT NHÀNH MAI

Anh gửi nắng về rồi đấy phải không

mà tháng Giêng gọi mời trước ngõ

xuân khẽ nhón chân qua thềm cửa

vén tà lên nhẹ bước kiêu sa

Thược dược mỉm cười nghiêng vai vẫy gió

hồng yêu kiều làm dáng giữa vườn xuân

đào dịu dàng khoe đôi tà cánh mỏng

cánh bướm vươn mình kiêu hãnh đón hừng đông

violet miên man ngàn chớp mắt

này nắng phương Nam, nhớ nhiều không?

Sân ga cuối có người vừa kịp

ship một nhành mai ra Bắc thương.”

Và “sip bơ” phải vội vã về quê ăn tết đây!

Tiếng hoa - 6

Tác giả Vũ Trần Anh Thư

III. HOA QUÊ

“Ta về đây tháng Chạp ơi

làng vừa chớm Tết lòng người đã hoa

Trạng nguyên trước ngõ la đà

cầu ao đợi gót chân xa ngày về”

("Tóc vương hương mùi")

Ý tôi là, khu vườn "Tiếng Mưa" còn rất nhiều loài hoa khác: Sữa, sưa, phượng, lộc vừng, quỳnh… Nhưng mà tôi xin trích gửi bạn đọc vài loài hoa gắn với tuổi thơ đồng ruộng của tôi.

Đó là một "CHÂN DUNG THÁNG BA":

Tháng Ba

sương mù không rõ mặt

nhưng nỗi nhớ em xuyên thấu con đường

Tháng Ba

Google lạc dấu

nhưng nỗi nhớ vẽ lối vào anh

Tháng Ba

hoa bưởi phất làn hương khôi nguyên

lên tấm toan thời gian

tích tắc

anh vẽ khuôn mặt em

lên tháng Ba phong phanh

Nỗi nhớ hối hả trong anh

thoa lên gương mặt em bao nhiêu là nắng

nét vẽ cuối cùng run tay

xao động

cánh gạo vừa rơi trên đoá môi cười.”

Tiếng hoa - 7

Hoa gạo.

Và lại trạng nguyên, nhưng từ ngõ nhà mình nở ra ngày hội:

CON VỀ ÔM LẤY THÂN THƯƠNG

Con về ngày làng mình mở hội

đền Vua Rộc xin dâng nén hương thơm

cổng Hạ Mã uy nghi cổ kính

hai giếng mũi rồng vẫn đó mấy trăm năm

Con về nghe lòng mình lắng lại

í a câu chèo da diết tâm can

góc sân đền các cụ ngồi thảo chữ

con cầu cho mình một chữ AN

Mùa này hoa trạng nguyên son sắt

nụ bưởi ủ hương đợi đến tháng Ba

cây táo chín chờ con về hái quả

chùm khế ngọt đong đưa trước hiên nhà

Sớm mùng sáu con hít đầy lồng ngực

hương xưa vị Tết thân thương

ngoài đồng xa mưa xuân tươi luống mạ

nghe quê mình xanh nhịp tim rung...”

Nói thực tình, tôi vừa cóp pết văn bản này vừa khóc. Thơ ca không bao giờ có nhiệm vụ lấy nước mắt. Ấy là tại tôi thôi, trong thời điểm này, của một thằng xa xứ. Xa lâu, xa lắm.

Cho nên, tôi cực kì kính trọng một bông hoa trong "Tiếng Mưa" - một bông hoa quê bình dị tột cùng:

SỨ GIẢ CỦA MÙA VUI

Kính tặng Cha

(…)

Hoa mướp thương cha hoa mướp lại nở vàng

lích rích tiếng chim trong vườn đáp lại

cha biết không trong tim con khi ấy

mảnh vườn cha - sứ giả những mùa vui.”

Tôi tin rằng Trần Anh Thư nữ sĩ đã được gieo những mầm tốt từ quê hương, tổ tiên của mình để nở những mùa hoa trong "Tiếng Mưa". Và chị lại tiếp tục gieo:

“CÁNH ĐỒNG CỦA MẸ

Cho con trai N.M

(…)

Hạt giống nhân văn

mẹ gieo trên cánh đồng con

hồi hộp chờ vỏ hạt tách mầm trỗi dậy

Những chữ nghĩa yêu thương dào dạt

không cần sắp đâu con

cứ để nó cuộn trào

(…)”

Vâng, nữ sĩ đã nói rất trúng về nghề chữ nghĩa, một khi mình cảm xúc chân thành. Và tôi xin có lời phản đối Tiếng Mưa khi trích “mùa” hoa cuối cùng trong bài viết:

ẨN DỤ

Em

bông ngọc lan đầu mùa

dịu dàng tinh khiết

lặng lẽ góc phố thâm trầm

Trắng muốt nhỏ nhoi

ẩn mình e ấp

như tình đầu vừa chạm ánh nhìn đã vội quay đi

Hà Nội thơm thơm

Hà Nội tóc ngang vai

đường Cổ Ngư một chiều loang gió

hoa ngọc lan ẩn dụ lối về

(…)”

Tiếng hoa - 8

Hoa ngọc lan

Phản đối là: Giờ mình đã nở bung rồi, chả còn trong “tình trạng” ẩn dụ nữa. Bởi mình đã chọn một lối về: LỐI VỀ THƠ CA.

Hiến Văn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).