“Tự tình với bình minh” và sự ám ảnh người đọc

Từng có nhiều bài thơ hay về biển mà đọc bài thơ Tự tình với bình minh của nữ nhà văn Như Bình, tôi vẫn bị ám ảnh mãi. Ở đâu, cứ thông thoáng, thảnh thơi đầu óc, trong tôi lại vang lên những vần thơ thật độc đáo, bạo liệt mà vẫn đầy nữ tính, e ấp, dịu dàng của chị.

TỰ TÌNH VỚI BÌNH MINH

Đại dương sâu rạn vỡ

Biển xanh như không màu

Em trườn trên sóng trắng

Khỏa thân cùng biển sâu

Cát tươi ánh vàng mơ

Nắng ngọc cười lấp lánh

Hôn mãi lưng trần em

Hôn gót chân sóng sánh

Biển tinh mơ vắng lặng

Chỉ mình em tự tình

Hẹn nhau từ kiếp trước

Chờ em biển bình minh

Như Bình

“Tự tình với bình minh” và sự ám ảnh người đọc - 1

Ảnh minh hoạ

Từng có nhiều bài thơ hay về biển mà đọc bài thơ Tự tình với bình minh của nữ nhà văn Như Bình, tôi vẫn bị ám ảnh mãi. Ở đâu, cứ thông thoáng, thảnh thơi đầu óc, trong tôi lại vang lên những vần thơ thật độc đáo, bạo liệt mà vẫn đầy nữ tính, e ấp, dịu dàng của chị.

Ngay câu đầu tiên đã gây cho tôi ấn tượng mạnh bởi cái từ “rạn vỡ”. Theo logic thông thường, người đọc chờ đợi đại dương sâu thăm thẳm hoặc đại dương rộng mênh mông hay gì gì đó. Vậy mà lại “đại dương sâu rạn vỡ”. Hóa ra đại dương như một cái chậu, cái bình khổng lồ và như đã bị va đập, bị một lực nào đó tác động vào nên mới “rạn vỡ”.

Cái lực đó – ma lực thì đúng hơn – phải chăng chính là do “em trườn trên sóng trắng/Khỏa thân cùng biển sâu”? “Em trườn trên sóng trắng” mà khiến cả “đại dương sâu rạn vỡ” thì động tác đó của em phải rất mạnh mẽ, tự do, thoải mái, hết mình. Người ta sẽ hình dung em thỏa sức vẫy vùng giữa cái “biển xanh không màu” đó. Và em đã thả lỏng toàn bộ cơ thể mình ở trạng thái hoang sơ, tự nhiên nhất để “khỏa thân cùng biển sâu”.

Cũng từ cái cơ thể thiên nhiên của em đang “trườn trên sóng trắng” mà người ta thấy ở chốn đó chỉ có một mình em với biển. Ngoài ra không có gì hết. Một khát vọng tự do mãnh liệt được thắp sáng bằng những câu thơ đầy tính tạo hình. Khổ thơ đầu tiên này như một bức tranh được tác  giả vẽ bằng ngôn từ thay cho đường nét, màu sắc. Thơ của chị giàu yếu tố tạo hình và giàu nhạc điệu là thế. Không ngạc nhiên khi chị đồng thời còn là một họa sĩ. Tranh của chị cũng gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người xem tuy không hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực hội hoạ.

Khổ thơ đầu của bài tưởng cũng đã là đủ. Nhưng không! Nhu cầu, khát vọng sáng tạo của tác giả đã không có điểm dừng - đó là ước muốn chân chính của bất cứ nghệ sỹ đích thực nào. Như Bình đã đẩy cái sự tự do, vẫy vùng - hãy chỉ khoanh trong khuôn khổ giữa “biển xanh không màu”- lên thêm một nấc nữa.

Ở trên, “em trườn trên sóng trắng” và “khỏa thân cùng biển sâu” dẫu sao cũng là để em tự thỏa em. Và bây giờ em phải để cho thiên nhiên - tức là ngoài em - được thỏa nữa chứ. Thế nên mới xuất hiện “cát tươi ánh vàng mơ” và “nắng ngọc cười lấp lánh”. Tôi chưa thấy cát và nắng ở đâu đẹp như trong câu thơ này bởi vì cát vừa tươi lại có màu vàng mơ (cát vàng như màu quả mơ tươi, lại được ánh lên dưới nắng mặt trời. Và nắng cười lấp lánh đẹp như ngọc).

Cả cát và nắng cực đẹp ấy cùng “hôn mãi lưng trần em, hôn gót chân sóng sánh” thì tưởng như cả đại dương lúc ấy chẳng khác gì chốn bồng lai tiên cảnh. Chỉ thêm một từ “sóng sánh”, đã khiến câu thơ trở nên mê cuồng mà lại tao nhã biết chừng nào. Và thế là cả cát, nắng và sóng nước cũng được thỏa khát vọng giữa đại dương mênh mông. Khổ thơ thứ hai này cũng rất dễ theo đó mà vẽ nên một bức tranh thiên nhiên thật thơ mộng trong đó có cát, có nắng với tấm “lưng trần” và “gót chân sóng sánh” của em.

Cũng như người sáng tác nhạc phải biết tránh sự đơn điệu (monotone) trong tác phẩm thì người làm thơ cũng vậy, cần thay đổi cung bậc cảm xúc để đem đến cho người đọc sự sinh động, thú vị. Như Bình rất biết điều này nên chị đã viết tiếp khổ thơ thứ 3 và cũng là cuối cùng có giọng điệu khác với hai khổ trên. Nếu ở trên là sự bạo liệt, có phần mạnh mẽ thì ở khổ thứ ba lại dịu dàng, e ấp, thật nữ tính. Nếu ai có dịp dậy sớm, lúc “tinh mơ” mà ra ngắm biển thì thấy rõ sự “vắng lặng” như tác giả quan sát rất đúng. “Em” ở hai khổ thơ trên dào dạt, đam mê, cuồng nhiệt, say đắm là thế mà lúc “tinh mơ” lại thấy biển “vắng lặng”. Hóa ra em cũng thấy cô đơn.

Khổ thơ thứ 3 này (và ngay cả hai khổ trên) hiện rõ phong vị cô đơn của tác giả. Tôi cũng có dịp đọc thêm một số bài thơ khác của Như Bình đều thấy rõ phong vị này, ví như bài Tháng giêng chẳng hạn. Xin chớ nên hiểu một cách thông thường về trạng thái cô đơn của con người gắn với sự bất hạnh khi không có “một nửa” bên cạnh.

Đối với người nghệ sĩ, càng nhạy cảm, đa cảm, giàu năng lực sáng tạo, càng dễ xuất hiện cảm giác cô đơn. Đây là trạng thái tâm hồn mang tính thẩm mỹ hơn là tâm lý thông thường. Cô đơn nói ở đây chính là cảm giác “hai người cũng chẳng bớt bơ vơ” hoặc “Dù tin tưởng ở một đời một mộng/Em là em, anh vẫn cứ là anh/Có thể nào qua vạn lý trường thành/Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật” (Xuân Diệu). Không nên đồng nhất cô đơn và bất hạnh. Không. Người bất hạnh có thể vẫn không cô đơn và ngược lại, người hạnh phúc vẫn có thể cô đơn như những trường hợp vừa nói.

“Tự tình với bình minh” và sự ám ảnh người đọc - 2

Nhà văn Như Bình.

Trở lại với bài thơ Tự tình với bình minh. Rõ là có “đối tác” để “tự tình” là bình minh, biển và cả cát, nắng. Vậy mà tác giả nói là “chỉ mình em”. Thương sao cái từ “chỉ”! Đúng là có còn ai nữa đâu. Cho nên biển mới “vắng lặng” mặc dù có thể có lúc sóng to, dữ, ầm ào, dào dạt.

Hai câu cuối cùng khiến tôi khi đọc xong bài thơ đã không dễ dàng dứt ra để theo đuổi ý nghĩ khác, sự việc khác mà cứ bị chi phối: 

“Hẹn nhau từ kiếp trước

Chờ em biển bình minh”

Toàn bộ bài thơ ở trên là thực, là việc “em” ra biển để “trườn trên sóng trắng”, để “khỏa thân cùng biển sâu”. Đến đây thấy lại là chuyện vì hẹn nhau từ kiếp trước nên “em” mới nhủ “biển bình minh” là hãy chờ em. Đây rõ là hư chứ không còn là thực. Biển bình minh chờ em hay anh chờ em giữa biển bình minh đây? Nếu là nghĩa trước thì biển bình minh đã được nhân cách hóa thật hay. Tôi nghĩ rằng nhà thơ sẽ hướng người đọc đến nghĩa thứ nhất, bởi nếu nghĩa thứ hai thì quá bình thường, không thống nhất với phong cách thơ của Như Bình: Luôn rất khó tính trong tìm tòi ý tứ và chắt lọc chữ nghĩa, tu từ tới mức gần như là tuyệt đối.

“Tự tình với bình minh” và sự ám ảnh người đọc - 3

Giọng thơ Như Bình vừa góc cạnh, mạnh mẽ, lại vừa mềm mại, nữ tính tạo nên vẻ phong phú, sinh động.

Như Bình là nhà văn quen biết, từng có nhiều thành công trong lĩnh vực văn xuôi. Chị làm thơ không nhiều nhưng nhanh chóng gây ấn tượng sâu đậm cho người đọc bởi lối viết phóng túng, luôn vươn tới những cách biểu hiện mới mẻ, không nệ ở mọi khuôn mẫu và có nhiều tìm tòi đáng kể trong cấu tứ, huy động từ ngữ. Chị luôn chuyển tải những nội dung thú vị, sâu sắc trong mỗi bài. Giọng thơ vừa góc cạnh, mạnh mẽ, lại vừa mềm mại, nữ tính tạo nên vẻ phong phú, sinh động.

Tự tình với bình minh là bài khá tiêu biểu cho phong cách thơ của chị. Làm chưa nhiều mà đã sớm khẳng định được phong cách thơ riêng. Đó là điều không dễ đạt được ở bất cứ người làm thơ nào. Thơ chị còn giàu màu sắc hội họa và nhạc điệu (“thi trung hữu họa”, hữu nhạc) mà Tự tình với bình minh là một chứng minh rõ. Vậy nên tôi đã phổ của chị 2 bài mà gần như không thay đổi về ca từ bởi đã rất hài hòa với âm nhạc, không cần thêm bớt gì (Bài khác là Tháng giêng).

Thơ tình dễ làm mà khó hay. Với Tự tình với bình minh, Như Bình đã bước đầu khẳng định được sở trường làm thơ tình của mình để người đọc dễ dàng nhận ra  gương mặt riêng của chị, không thể lẫn.

Nguyễn Đình San

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ nhìn nhận: "…Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường. Nhìn thấy nó đã khó, mà diễn tả được...

Tin liên quan

Tin mới nhất