Về vợ chồng nhà thơ đặc biệt trên văn đàn

Thật hiếm có vợ chồng nhà thơ nào đặc biệt như Đoàn Kim Vân – Nguyễn Duy Yên khi đã có 3 lần được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng bằng xác nhận cho các hạng mục “Cặp vợ chồng nhà thơ cao tuổi nhất còn sáng tác và xuất bản thơ ca”, “Cặp vợ chồng nhà thơ cao tuổi có thơ được phổ nhạc nhiều nhất”, “Tác phẩm dịch thơ và thơ dịch bằng nhiều ngôn ngữ nhất”.

Ngày 16/3 vừa qua, rất đông người thân, bạn bè và những người yêu mến vợ chồng nhà thơ Đoàn Kim Vân – Nguyễn Duy Yên đã tụ hội về quê nhà của nhà thơ ở thôn Thuỵ Lôi, xã Thuỵ Lôi, Huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên để đón chào sự kiện hết sức vinh dự và tự hào. Đó là Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng vợ chồng nhà thơ “Tác phẩm dịch thơ và thơ dịch bằng nhiều ngôn ngữ nhất” cho tập thơ “Xuân vô tận” (gồm 6 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Trung, Nga, Đức và Nhật) mà trước đó hai ông bà đã bỏ biết sao công sức. Thật tiếc là nhà thơ Nguyễn Duy Yên đã không được chứng kiến phút giây hạnh phúc đó, khi ông đi xa cách đây 3 năm.

Từng kinh qua nhiều vị trí trong hệ thống nhà nước, sau đó về hưu ông bà hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nội thất nhưng họ lại rất mê thơ, yêu thơ và coi thơ như một phần không thể thiếu được của cuộc sống. Họ coi thơ ca là phương tiện truyền tải nỗi niềm trước cuộc sống, trước nhân tình thế thái. Thơ ca chính là tiếng nói trách nhiệm và đầy yêu thương của hai nhà thơ trước xã hội hay nói rộng ra là trước Tổ quốc thân yêu. Tôi không có may mắn được trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Duy Yên nhưng thông qua người bạn đời của ông, tôi đã thấy một cuộc sống ngập tràn hạnh phúc của cặp đôi trai tài, gái sắc này. Họ giỏi giang trong kinh doanh, tài năng trong thơ phú. Thiết nghĩ, kinh doanh và thơ ca là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau khi một lĩnh vực liên quan đến con số và một lĩnh vực liên quan đến con chữ, nhưng không, qua lời giải thích của nhà thơ Đoàn Kim Vân lại thấy chúng hết sức gần gũi, có mối quan hệ thân thiết với nhau: “Thơ ca giúp tôi kinh doanh nhân văn hơn vì suy cho cùng kinh doanh và thơ ca đều hướng đến con người, vì sự tốt đẹp của xã hội”.

Về vợ chồng nhà thơ đặc biệt trên văn đàn - 1

Nhà thơ Nguyễn Duy Yên – Đoàn Kim Vân

Trong gia đình các nhà thơ hầu hết chỉ có một người làm thơ, còn một người đóng vai trò là “độc giả”. Còn riêng gia đình Đoàn Kim Vân – Nguyễn Duy Yên thì họ đồng hành cùng nhau trong cả đời sống lẫn thơ ca. Có những bài thơ sáng tác riêng nhưng cũng có bài thơ hai người cùng trao đổi và sáng tác. Hơn 60 năm chung sống cùng nhau, họ đã sáng tác và cho ra mắt nhiều tập thơ, như “Tiếng lòng” (NXB Văn hóa Thông tin, năm 1997), “Dặm đời” (NXB Văn học, năm 2000), “Chân trời mới” (NXB Văn học, năm 2003); “Biển đời” (NXB Văn học, năm 2008), “Hạt nắng tình thơ” (NXB Thanh niên, năm 2019)…

Trong 2 kỷ lục mà tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là cặp vợ chồng tuổi cao, nhưng vẫn sáng tác 5.000 câu thơ lục bát phong phú, mang đậm tâm hồn dân tộc hài hòa, trung thực và sâu sắc và cặp vợ chồng tuy tuổi cao nhưng có nhiều bài thơ được phổ nhạc nhất, tôi đặc biệt ấn tượng với kỷ lục thứ 2. Những cái tên nhạc sĩ như Trần Hoàn, Huy Du, Trọng Bằng, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Hồng Đăng, Thuận Yến, Huy Thục, Hồ Bắc, Văn Dung, Đoàn Bổng, Hoàng Lân, Xuân Khải, Dân Huyền… đã cùng “gặp nhau” trong những bài thơ của Đoàn Kim Vân – Nguyễn Duy Yên để cho đời những ca khúc trữ tình, da diết. Đây thực sự là điều hết sức hiếm có.

Trong bài viết “Từ thơ đến ca” là lời tựa trong tập “Tình khúc phổ thơ xuân với tôi” (NXB Âm nhạc), PGS.TS, NGND Dương Viết Á khẳng định: “Thế giới tình cảm trong thơ của Đoàn Kim Vân – Nguyễn Duy Yên còn mang sức lay động sâu xa nữa đối với các nhạc sĩ – đó là sự đồng điệu trong cách cảm nhận cuộc sống. Từ nét hồn nhiên, chân chất của mối tình của một thời – dăm chục năm trước – của hai tác giả thơ đã gợi thức trong ký ức các nhạc sĩ những mối tình thơ mộng, thơ ngây của một thời son trẻ về trước mấy chục năm…”.

Trong số những nhạc sĩ phổ thơ của Đoàn Kim Vân – Nguyễn Duy Yên, tôi đặc biệt gần gũi và thân thiết với nhạc sĩ Đoàn Bổng. Bản thân tác giả “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” đã phổ 3 bài “Hương sắc Sa Pa” và “Thôn nữ ơi!”, “Tiễn người em gái”. Theo đánh giá của ông thì lời thơ của Đoàn Kim Vân – Nguyễn Duy Yên đã chất chứa sẵn giai điệu và việc của ông chỉ là sắp đặt chúng trên khuông nhạc.

“Đọc thơ của hai vợ chồng nhà thơ tài hoa này, tôi thấy ca từ gần gũi, giản dị, mộc mạc đúng như con người và tính cách của họ. Tôi gần như không phải thêm lời của bài hát mà tự khắc chúng đã thành những lời ca rất đẹp và bay bổng rồi. Tôi coi vợ chồng nhà thơ Đoàn Kim Vân – Nguyễn Duy Yên như những người anh chị trong gia đình mình và đánh giá một cách công bằng thì họ là vợ chồng đặc biệt trên văn đàn”, nhạc sĩ Đoàn Bổng nhấn mạnh.

Là một trong những người trẻ tuổi phổ thơ bài thơ “Phải duyên” của nhà thơ Đoàn Kim Vân, nhạc sĩ Đoàn Thu Trà (Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam) cho rằng, chị đã rung động trước tình yêu và sự khát khao được yêu trong vợ chồng nữ sĩ này. “Những câu thơ rất đỗi bình dị nhưng chất chứa trong đó là tình cảm sâu nặng của người con gái muốn nói với người yêu, người bạn đời tương lai: “Phải duyên nên mới gặp nhau/ Qua sông bắc những nhịp cầu yêu thương/ Sánh đôi dạo bước trên đường/ Mải vui quên cả mưa sương ướt đầu…/ Mai đây hai đứa chúng mình/ Bên nhau như bóng với hình trời quê…/ Mong sao hạnh phúc vẹn toàn/ Như vầng trăng sáng giữa ngàn vì sao”. Vì thế, khi đọc được những vần thơ mộc mạc và chân tình đó trong bài thơ “Phải duyên” của nhà thơ Đoàn Kim Vân, tôi đã bị cuốn hút ngay. Bài thơ đã gây cho tôi rất nhiều cảm xúc và tôi đã bật lên những nét nhạc của ca khúc “Phải duyên”. Qua bài thơ “Phải duyên”, tôi thấy hiện lên một tình yêu đẹp, tình yêu vượt qua những giông bão của cuộc đời để hiên ngang sánh bước cùng nhau đến “đầu bạc răng long”, nhạc sĩ Đoàn Thu Trà bộc bạch.

Cùng với những câu thơ được phổ nhạc, thơ ca của Đoàn Kim Vân – Nguyễn Duy Yên đã được chuyển soạn dân ca một cách đằm thắm, mượt mà và bay trên cánh sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Như chia sẻ của nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam thời còn làm việc tại Đài: “Chúng tôi đã chọn và sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam những bài thơ của Đoàn Kim Vân – Nguyễn Duy Yên rồi lồng vào chúng các làn điệu hát xẩm, hát văn, vè Huế, hò bài chòi…”. Như vậy có thể nói, thơ ca của họ không chỉ sẵn chất nhạc mà còn mang đậm hồn quê, mang được cốt cách, tinh thần của những người nông dân “hai sương, một nắng”.

Về vợ chồng nhà thơ đặc biệt trên văn đàn - 2

Nhà thơ Đoàn Kim Vân nhận kỷ lục “Tác phẩm dịch thơ và thơ dịch bằng nhiều ngôn ngữ nhất” cho tập thơ “Xuân vô tận”.

Trong căn nhà nhỏ ở phố Y Miếu (Hà Nội), tôi được trò chuyện nhiều hơn với nhà thơ Đoàn Kim Vân. Điều khiến tôi thật sự ngạc hiện là hiện nay khi bước vào tuổi gần 90 nhưng nhà thơ Đoàn Kim Vân vẫn có một trí nhớ tuyệt vời khi vẫn đọc vanh vách những câu thơ trao duyên, câu thơ tỏ tình mà ông bà đã trao cho nhau hơn 60 năm qua. Những câu thơ bỏng cháy, đầy khát khao ấy cứ khắc khoải trong tôi sự ngưỡng mộ trước một tình yêu đẹp của vợ chồng nhà thơ đặc biệt trên văn đàn.

Nhà thơ Nguyễn Duy Yên sinh năm 1931 tại làng Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên trong gia đình truyền thống khoa bảng. Ông nội là Nghị viên Bắc kỳ, Đô úy vùng Tuyên Quang, ông ngoại là danh nhân Việt Nam - Nhà văn hóa Phan Kế Bính. Năm 1949, tốt nghiệp Trung học, ông gia nhập quân đội, học viện lục quân Trần Quốc Tuấn (Khóa V), sau đó ông chuyển ngành sang Bộ Nông Lâm, Bộ Thủy Lợi.

Nhà thơ Đoàn Kim Vân sinh năm 1936 tại làng Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Bà từng công tác tại Vụ Bảo tồn Bảo tàng, Thư viện Quốc gia (Bộ Văn hóa), Nhà máy hoa quả (Bộ ngoại thương), Trung ương Hội Đông y Việt Nam.

Ngô Khiêm

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát biểu của TS. Đoàn Thanh Nô tại Lễ trao Giải thưởng Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên”

Phát biểu của TS. Đoàn Thanh Nô tại Lễ trao Giải thưởng Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô Chiến sĩ Điện Biên”

Tối 5/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp Thời báo Văn học nghệ thuật long trọng tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi vẽ tranh “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, đây là một trong những hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Thời báo Văn học nghệ thuật xin giới thiệu bài phát biểu của