Đề cương về văn hóa Việt Nam: Tiền đề phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới

Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhân dịp kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), sáng 2/3, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự hình thành, phát triển của nền văn học nghệ thuật Việt Nam”.

Tham dự tọa đàm có: Đồng chí Trần Thanh Lâm - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam…

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Tiền đề phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới - 1

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Phạm Hằng 

Nhìn lại chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật dưới ánh sáng soi rọi của Đề cương về văn hóa Việt Nam 

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, 80 năm trước, vào tháng 2 năm 1943, Đảng ta đã ban hành bản Đề về văn hóa Việt Nam, văn kiện ra đời trong bối cảnh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của nhiều luồng tư tưởng, không tìm ra lối thoát cho sự phát triển của văn hóa dân tộc.

Có thể xem Đề cương là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trước khi cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, là văn kiện khai phóng, cắm mốc lịch sử tư duy chiến lược sâu sắc về việc Đảng vô sản phải kịp thời nắm quyền lãnh đạo văn hoá, văn nghệ, tổ chức tập hợp đội ngũ trí thức văn hoá, văn nghệ sĩ trong mặt trận dân tộc thống nhất, đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, chấn hưng nền văn hoá mới của dân tộc, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân lao động.

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Tiền đề phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới - 2

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu đề dẫn tọa đàm. Ảnh: Phạm Hằng 

“Đề cương về văn hóa Việt Nam đã tạo nền tảng lí luận quan trọng hình thành các chủ trương, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng gắn với mỗi giai đoạn cách mạng. Dưới ánh sáng của Đề cương soi rọi, Toạ đàm hôm nay sẽ nhìn lại chặng đường phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà - những thành tựu đã đạt được, những điều còn hạn chế trong việc thực hiện tư tưởng chủ đạo của Đề cương là “Dân tộc hoá, Đại chúng hoá và Khoa học hóa” nền văn hóa”, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhấn mạnh.

Năm 2023 - dấu mốc 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam cũng là dịp Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (tiền thân là Hội Văn nghệ Việt Nam) nhìn lại lịch sử và chặng đường 75 năm hình thành, phát triển cùng những thành tựu, những đóng góp cần ghi nhận của văn học nghệ thuật Việt Nam vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, hiện thực và nhân văn; phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, hội nhập quốc tế vào văn minh nhân loại bằng bản sắc độc đáo và những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định, tọa đàm nhằm nhận thức sâu sắc hơn những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa, văn nghệ và giá trị lý luận thực tiễn của Đề cương trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác văn hóa, văn học nghệ thuật; đặc biệt là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Văn học nghệ thuật cần được quan tâm, đầu tư đúng mức để đồng hành hơn nữa với sự phát triển của đất nước 

Phát biểu tại tọa đàm, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết, hiện nay nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hoá, văn học còn rất thấp, chưa đa dạng hóa; thiếu trọng tâm trọng điểm. Nguồn lực tái sinh để tái đầu tư từ chính sự nghiệp phát triển văn hóa, do phát triển công nghiệp văn hóa đưa lại cũng còn rất hạn chế.

NSND Trần Quốc Chiêm cho rằng, không chỉ các cấp quản lý, ngành, địa phương, mà ngay cả cộng đồng và thậm chí trong gia đình chưa thực sự quan tâm, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng.

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Tiền đề phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới - 3

NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Phạm Hằng 

"Trong chặng đầu của thời kỳ đổi mới, điều này có thể cảm thông được khi chúng ta phải dồn góp toàn lực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị và giữ vững quốc phòng, an ninh nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng sau đó, cả một thời gian dài, dưới áp lực tăng trưởng và tác động của kinh tế thị trường, toàn xã hội vẫn đặt ưu tiên tuyệt đối cho các mục tiêu kinh tế mà “bỏ quên” văn hóa", NSND Trần Quốc Chiêm nói.

Bàn về giải pháp phát triển văn học nghệ thuật, NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ như hiện nay. Trong điều kiện kinh tế đã khá lên, tiềm lực khá lên, vị thế đất nước khá lên, quan hệ thế giới rộng mở, hình ảnh đất nước bước ra thế giới ngang bằng với nhiều quốc gia khác, nếu văn hoá được quan tâm và đầu tư đúng mức thì sẽ đồng hành với sự phát triển của đất nước tốt hơn.

“Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến vấn đề số lượng nhiều nhưng tác phẩm để lại dấu ấn, hay những tác phẩm đi cùng năm tháng chưa có, chưa xuất hiện. Vậy phải tạo ra thần thái của xã hội như thế nào để người nghệ sĩ dốc lòng sáng tác?”, NSND Vương Duy Biên đặt vấn đề.

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Tiền đề phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới - 4

NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Phạm Hằng 

NSND Vương Duy Biên cho rằng, cần đầu tư cho văn học nghệ thuật bằng sự quan tâm, bằng lòng tin, bằng kích thích vô hình, cảm nhận của nghệ sĩ, để văn hóa thực sự ngang hàng với kinh tế. Cần có sự quyết liệt chỉ đạo việc thực hiện các Nghị quyết đã có của Đảng về văn học nghệ thuật nói riêng và về văn hoá nói chung, có sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ những cơ quan làm văn hoá, quản lí văn hoá và những cơ quan cấp kinh phí. Những thủ tục hành chính rườm rà, phiền nhiễu cần được loại bỏ.

Nhìn thẳng vào sự thật để nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn phát triển mới

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm khẳng định, dưới ánh sáng của Đề cương, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ đã chung tay xây dựng được nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam xã hội chủ nghĩa với những thành tựu to lớn, toàn diện. Đề cương đã thực sự trở thành một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của nền văn nghệ dân tộc trong suốt 80 năm qua và đang tiếp tục là kim chỉ nam cho sự phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, dưới sự tác động mạnh mẽ từ mặt trái của cơ chế thị trường, toàn cầu hóa, và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền văn học, nghệ thuật nước nhà đang đứng trước những khó khăn, thử thách rất lớn và còn không ít hạn chế, yếu kém. Với tinh thần biện chứng, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, từ đó nhận thức rõ yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn phát triển mới.

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Tiền đề phát triển văn học nghệ thuật trong giai đoạn mới - 5

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm phát biểu kết luận tọa đàm. Ảnh: Phạm Hằng 

Qua lắng nghe ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ tại tọa đàm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đã chỉ ra một số yêu cầu lớn đối với văn học nghệ thuật trong giai đoạn phát triển mới:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ chỉ đạo, quản lý về bản chất, đặc trưng của văn học, nghệ thuật, vị trí, vai trò của lĩnh vực quan trọng này đối với sự phát triển bền vững đất nước. Văn học, nghệ thuật phải được xem là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và của từng ngành, từng địa phương. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Đẩy mạnh công tác thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp với thực tiễn, có khả năng điều chỉnh sự phát triển lành mạnh của lĩnh vực này.

Thứ hai, yêu cầu tiếp tục tiếp thu toàn diện, có chọn lọc lý thuyết văn nghệ nước ngoài, trên cơ sở đó tập trung nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam. Phát huy mạnh mẽ vai trò của phê bình văn học, nghệ thuật.

Thứ ba, yêu cầu phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng tài năng văn học, nghệ thuật; tập trung cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ. Vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa thành luật và những cơ chế chính sách cụ thể hơn nữa nhằm hướng đến xây dựng môi trường văn hóa sáng tạo để phát huy cao nhất tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ.

Thứ tư, yêu cầu về việc tiếp tục nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng, nhất là công chúng trẻ; yêu cầu về việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đối với các lĩnh vực dịch vụ văn học, nghệ thuật trong bối cảnh mới để tạo động lực cho sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực quan trọng, tinh tế này trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất