Hồi sinh Văn Miếu giai đoạn 1898-1954: Câu chuyện gìn giữ di sản

Sáng 14/2, nhân dịp chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp (1973-2023), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) tổ chức khai mạc Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954”.

Sự kiện có sự tham dự của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội; Ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa; Ông Nguyễn Văn Phong, Phó bí thư thành ủy Hà Nội; Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Ông Nicolas FIÉVÉ Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp; Bà Cecile Vigneau, Phó Đại sứ Pháp tại Việt Nam; PGS. TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; PGS. TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Hồi sinh Văn Miếu giai đoạn 1898-1954: Câu chuyện gìn giữ di sản - 1

Các đại biểu tham dự triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương) 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954” là kết quả của sự hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Pháp, được ra mắt công chúng như một minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, trong giai đoạn hiện nay.

Triển lãm kể lại hành trình gìn giữ di sản, đồng thời nêu bật ý chí của những người Việt Nam, cùng công việc của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dành những thời gian, trí tuệ để bảo tồn di sản này. Nhờ những con người luôn có niềm đam mê với di sản như vậy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng giống như chim phượng hoàng, đã có thể hồi sinh mạnh mẽ hơn, uy nghi hơn như những gì mà chúng ta đã và đang từng chứng kiến, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh.

Hồi sinh Văn Miếu giai đoạn 1898-1954: Câu chuyện gìn giữ di sản - 2

Lễ cắt băng khai mạc Triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)

Sự hồi sinh của khu di tích là một câu chuyện rất thú vị được thể hiện thông qua cuộc triển lãm. Trước đây Văn Miếu chỉ được người Pháp gọi là Chùa Quạ vì mức độ hoang phế, nhưng đối với với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp đây lại là một di tích quan trọng. Trong giai đoạn 1898-1954, Di tích Văn Miếu và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp có mối liên hệ chặt chẽ trong việc bảo vệ, tu bổ thường xuyên khu di tích, phục hồi chức năng thờ tự và luôn duy trì được vai trò quan trọng của địa điểm này đối với cảnh quan của Hà Nội. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương lúc bấy giờ, các công việc trùng tu, duy tu, bảo tồn và bảo vệ khu di tích được thực hiện.

Hồi sinh Văn Miếu giai đoạn 1898-1954: Câu chuyện gìn giữ di sản - 3

Văn Miếu Môn - cổng chính của Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 1920. (Ảnh tư liệu)

Năm 1906, Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được Toàn quyền Đông Dương xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Khu di tích đã được tu sửa vào năm 1920 và năm 1947 với sự trợ giúp của Viện Viễn đông Bác cổ Pháp. Năm 1956 khu di tích lại được trùng tu, và năm 1962, khu di tích được Bộ Văn hóa và Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa. Sau nhiều lần trùng tu, tu sửa cùng với việc hoàn thành xây dựng công trình nhà Thái Học trên nền cũ của trường Quốc Tử Giám xưa vào năm 2000, khu di tích có diện mạo như ngày nay.

Hồi sinh Văn Miếu giai đoạn 1898-1954: Câu chuyện gìn giữ di sản - 4

Một số hình ảnh tư liệu được trưng bày tại triển lãm.

Hồi sinh Văn Miếu giai đoạn 1898-1954: Câu chuyện gìn giữ di sản - 5

Sự hồi sinh của khu di tích là một câu chuyện rất thú vị được thể hiện thông qua cuộc triển lãm.

Thông qua bộ sưu tập ảnh Việt Nam của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, triển lãm kể lại hành trình của những con người tham gia vào việc bảo tồn Văn Miếu. Nhờ những con người ấy, di sản này đã có thể hồi sinh mạnh mẽ hơn, uy nghi hơn.

Hồi sinh Văn Miếu giai đoạn 1898-1954: Câu chuyện gìn giữ di sản - 6

Không gian triển lãm với đông đảo công chúng đến tham quan. (Ảnh: Huyền Thương)

Công chúng đến với triển lãm sẽ hiểu về những công việc đã thực hiện ở Văn Miếu trong giai đoạn này, công việc của các nhà nghiên cứu lúc bấy giờ, đồng thời cung cấp cho người xem một cách nhìn đương đại về công tác nghiên cứu ngày nay. Cùng với đó là chân dung của những con người luôn có niềm đam mê với di sản, đã góp phần cho bảo tồn khu di tích - sự quyết tâm, nỗ lực không mệt mỏi nhằm đối phó trước những tác động mạnh mẽ của thời gian lên di sản.

Hồi sinh Văn Miếu giai đoạn 1898-1954: Câu chuyện gìn giữ di sản - 7

Nhiều du khách nước ngoài bày tỏ niềm thích thú với các hình ảnh trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)

Chia sẻ với phóng viên về câu chuyện hồi sinh di sản trong thành phố, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội cho biết: "Sự độc đáo, thú vị của những câu chuyện gắn liền với địa phương chính là những sản phẩm rất độc đáo cho du lịch. Chính vì vậy các địa phương luôn xem các lễ hội, các di tích của mình như là nguồn lực để phát triển, đẩy mạnh du lịch văn hóa. Rõ ràng trong bối cảnh hiện nay, khi du lịch phải luôn luôn lựa chọn những sản phẩm độc đáo, không có sự cạnh tranh thì chính các lễ hội và các di tích này đã đảm bảo được yếu tố đó để cho các địa phương tập trung và khai thác, phát triển du lịch cho chính mình".

Hồi sinh Văn Miếu giai đoạn 1898-1954: Câu chuyện gìn giữ di sản - 8

PGS.TS Bùi Hoài Sơn và các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)

Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh của di sản Hà Nội giai đoạn 1898-1954” là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa, mở đầu cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam và Pháp.

Hồi sinh Văn Miếu giai đoạn 1898-1954: Câu chuyện gìn giữ di sản - 9

Trao tặng những bó hoa tươi thắm thay lời cảm ơn tới các tập thể và các cá nhân thực hiện triển lãm. (Ảnh: Huyền Thương)

Triển lãm được tổ chức tại Tiền đường nhà Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ nay đến ngày 30/04/2023.

Văn Miếu được thành lập vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông là nơi thờ các bậc tiên thánh, tiền hiền, và nơi Hoàng thái tử đến học. Quốc Tử Giám được xây dựng phía sau Văn Miếu vào năm 1076 dưới thời vua Lý Nhân Tông, là nơi học tập của con em hoàng gia và tầng lớp quý tộc, sau này thu nhận thêm con em xuất sắc của các tầng lớp bình dân khác.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày nay trở thành di tích lịch sử, văn hoá tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và cả nước, biểu tượng của trí tuệ và nền học vấn lâu đời của người Việt. Di tích luôn được bảo tồn, gìn giữ qua những thăng trầm của thời gian và biến cố lịch sử.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.