Làng tranh Đông Hồ đìu hiu mùa “Cô-vít”

Theo nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế, gần một năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khách đến tham quan và mua tranh thưa vắng.

Làng tranh Đông Hồ đìu hiu mùa “Cô-vít” - 1

Phòng trưng bày thưa vắng khách.

Tuy nhiên, gia đình vẫn duy trì không gian trưng bày, dự trữ vỏ điệp, giấy dó..., sẵn sàng đón khách ngay khi cuộc sống trở lại bình thường.

Ông Nguyễn Đăng Chế (86 tuổi), cựu giảng viên Trường Mỹ thuật Việt Nam, vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) vì những cống hiến trong hơn 60 năm bảo tồn và phát triển tranh dân gian Đông Hồ.

Nặng lòng với giấy dó, màu son, ông đã vận động con cháu cùng góp của, góp công đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng Trung tâm Lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ trên quê hương Song Hồ.

Hoài niệm chợ tranh Tết

Theo NNƯT Nguyễn Đăng Chế, nghề làm tranh ở làng Đông Hồ ra đời từ khoảng thế kỷ thứ XVI. Thế nhưng, hơn 500 năm qua, chưa ai nghe nói đến tổ nghề của tranh Đông Hồ. Tất cả tinh hoa của dòng tranh này đều qua bàn tay các nghệ nhân dân gian mà lưu truyền, phát triển từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ kia.

Thời kỳ cực thịnh của tranh Đông Hồ là vào khoảng những năm 1940. Thời điểm ấy cả 17 dòng họ trong làng đều làm tranh. Xưa, cứ đến tháng Chạp làng lại mở đến 5 phiên chợ bán tranh Tết vào các ngày mồng 6, 11, 16, 21 và 26.

Để chuẩn bị cho các phiên chợ, các gia đình làm tranh trong làng tất bật từ tháng 6, tháng 7 âm lịch. Từ sân nhà đến sân đình, trên triền đê sông Đuống đâu đâu cũng sáng bừng sắc màu của tranh: Sắc đỏ của sỏi son, sắc xanh từ lá chàm hoặc gỉ đồng, sắc vàng của hoa hòe, màu đen của tro rơm nếp và lá tre, màu trắng óng ánh từ vỏ sò, vỏ điệp.

Đây là những màu cơ bản, không pha trộn. Do số lượng màu tương ứng với số bản khắc của một bức tranh, nên thường tranh Đông Hồ chỉ dùng 4 màu. Nét dân gian của tranh Đông Hồ không chỉ nằm ở bố cục, hình ảnh rất đặc trưng, mà còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Người làng Đông Hồ thường mua giấy dó, sau đó lấy vỏ sò tán nhuyễn trộn với hồ nếp và quét lên giấy dó, đem đi phơi khô để in tranh.

Theo phong tục xưa, mỗi khi Tết đến, Xuân về, người dân nông thôn lại lột bỏ tranh cũ, mua tranh mới về dán lên tường, chơi Tết. Họ gửi gắm vào tranh mong muốn một năm mới nhiều may mắn. Người am tường chọn mua tranh theo bộ, theo đôi như: “Vinh hoa” với hình ảnh bé ôm gà và “Phú quý” với hình ảnh bé ôm vịt.

Cũng có người lại chọn những bức tranh đơn như: “Gà dạ xướng” có dòng chữ: Ngũ canh hòa dạ xướng (năm canh con gà gáy đúng thời khắc) lại là lời nhắc nhở về chữ tín mà người đời cần nhớ qua biểu hiện tiếng gà năm canh, dù nắng mưa hay giá rét không bao giờ sai... Năm tháng qua đi, những chợ phiên ngày ấy nay đã không còn nữa.

Làng tranh Đông Hồ đìu hiu mùa “Cô-vít” - 2 Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Đăng Chế. Đìu hiu mùa “Cô-vít”

Suốt mấy thập kỷ, tranh Đông Hồ lắt lay với “cơn gió thị trường”. Năm 1967, Sở Văn hóa - Thông tin Hà Bắc (cũ) ký hợp đồng với Nhật Bản thành lập đội sản xuất tranh. Thời gian đầu, đội chỉ in cầm chừng mỗi tháng được trên dưới 1.000 tờ. Từ năm 1970 - 1985, tranh Đông Hồ được xuất sang các nước trong khối xã hội chủ nghĩa.

Thời kỳ này, việc xuất khẩu tranh đạt được kết quả nhất… Sau hơn nửa thiên niên kỷ tồn tại và phát triển từ thời 17 dòng họ trong làng đều làm tranh, nay hầu hết đều bỏ nghề còn lại hai gia đình, trong đó có gia đình NNƯT Nguyễn Đăng Chế.

Dòng họ Nguyễn Đăng đến nay đã qua 20 đời nối nghiệp giữ nghề làm tranh. Nặng lòng với giấy dó, màu son, NNƯT Nguyễn Đăng Chế đã vận động con cháu cùng góp của, góp công đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng Trung tâm Lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

Trung tâm tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 7.000m2 nằm sát đê sông Đuống, gồm khu trưng bày, xưởng khắc và xưởng in tranh. Giờ nơi đây thành điểm đến du lịch, thu hút khách tham quan, trải nghiệm vừa là nơi lưu giữ, giới thiệu những nét đẹp của nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ.

Điều khiến NNƯT Nguyễn Đăng Chế tiếc nuối là chiến tranh đã làm những bản khắc cổ có giá trị bị hư hỏng, thất lạc khá nhiều. Đến nay cũng chưa ai thống kê chính xác số mẫu tranh Đông Hồ có bao nhiêu thể loại. Riêng ông, được thừa hưởng từ các bậc tiền nhân nên đang sở hữu hàng trăm bản khắc, khuôn tranh. Trong đó, nhiều bản khắc gỗ cổ, quý hiếm cách đây trên 200 năm.

Mới đây, một nhà nghiên cứu người Pháp sau khi đến thăm trung tâm đã gửi tặng nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế gần 30 mẫu tranh Đông Hồ mà ông sưu tầm được. Đây đều là các mẫu tranh lạ mà ông Chế chưa từng thấy. Điều này khẳng định, mẫu tranh Đông Hồ qua các thời kỳ rất đa dạng, nhưng do biến cố lịch sử đã bị mai một.

Tâm huyết với di sản quý của cha ông để lại, muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống nên NNƯT Nguyễn Đăng Chế rất ý thức việc dạy các con nghề làm tranh. Các con ông, dù dâu hay rể, ai cũng biết pha màu, in tranh, thông thạo nhiều công đoạn.

Thế nhưng, gần một năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khách đến tham quan và mua tranh thưa vắng. Những lao động trực tiếp làm tranh trong gia đình ông phải nghỉ việc. Con cháu trong nhà chỉ làm những việc phụ, làm thêm vàng mã, in gia công và chuẩn bị trước nguyên liệu cho việc in tranh.

Ông Chế bảo, năm nay không dám làm lịch cổ năm Tân Sửu vì sẽ ít khách đến mua, trong khi các năm trước làm vài nghìn bộ. Vậy nhưng gia đình vẫn duy trì không gian trưng bày, dự trữ tám tấn vỏ điệp, hai vạn tờ giấy dó, sẵn sàng đón khách ngay khi cuộc sống trở lại bình thường.

Theo GDTĐ

Tin liên quan

Tin mới nhất