Số hóa di sản - ''cây cầu'' nối tương lai

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cho thấy tính ưu việt và hiệu quả ngoài mong đợi. Đáng mừng là hầu hết dự án ứng dụng công nghệ gắn với bảo tồn di sản văn hóa cho thấy sự quan tâm của thế hệ trẻ đối với di sản của cha ông, như trong công tác số hóa di sản - “cây cầu” nối quá khứ với hiện tại và tương lai.

Số hóa di sản - ''cây cầu'' nối tương lai - 1 Du khách quét mã QR code để nhận thông tin về di tích và hiện vật khi tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Linh Tâm “Làn gió mới” trong công tác bảo tồn

Trước đây, bảo tồn di sản văn hóa thường được mặc định là công việc của giới nghiên cứu và các cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng ngày nay, trước sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ cùng với ý thức và niềm tự hào về văn hóa truyền thống của người dân ngày càng được nâng cao, việc bảo tồn di sản không còn là trách nhiệm riêng của các nhà chuyên môn.

Cách đây 5 năm, khi chàng trai 9x Nguyễn Trí Quang cho ra mắt clip sử dụng công nghệ thực tế ảo 3D (Virtual Reality 3D-VR3D) tái hiện không gian đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) đã khiến giới chuyên môn và cơ quan quản lý Nhà nước phải giật mình. Bằng công nghệ VR3D, người xem có thể tương tác, xoay lật mọi góc nhìn để quan sát hiện trạng di tích một cách cụ thể trong không gian 3 chiều. Công trình này được coi là “phát súng” mở màn cho xu hướng ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản văn hóa.

Cuối năm 2020, nhóm Sen Heritage đã giới thiệu tới công chúng trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo” với những trải nghiệm phong phú, sinh động. Bước vào không gian thực tế ảo sử dụng công nghệ VR3D, người xem được “đứng trong di sản, bước đi trong di sản, chạm và ngắm di sản” để có thể hình dung vào 8 thế kỷ trước, công trình nổi tiếng này lộng lẫy thế nào. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định: “Qua cuộc trưng bày, các bảo tàng và di tích có thể nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thực tế ảo vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay”.

Số hóa di sản - ''cây cầu'' nối tương lai - 2 Thông tin hiện vật hiện trên màn hình điện thoại của du khách. Số hóa di sản - ''cây cầu'' nối tương lai - 3 Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu (áo vét) hướng dẫn du khách quét mã QR code để nhận thông tin hướng dẫn về hiện vật. Thay đổi để thích nghi

Không đứng ngoài xu thế chung, các di tích, các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội cũng nhanh chóng vào cuộc, ứng dụng công nghệ số vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Mới đây nhất, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR code (mã vạch hai chiều) trên 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích.

Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại của du khách thông tin cơ bản về hiện vật đó. Du khách Trần Thị Huyền Trinh đến từ phường Ea Tam (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Lần trước đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tôi chỉ tham quan mà không hiểu kỹ về giá trị của di tích, nhưng lần này tôi đã tiếp nhận thông tin cụ thể một cách thuận lợi nhờ sử dụng mã QR code”.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ: “Chúng tôi đang tập trung vào việc số hóa thông tin di tích, hệ thống bia Tiến sĩ, cây xanh, cổng cùng các công trình kiến trúc khác. Trung tâm lo chuẩn bị nội dung, còn hệ thống kỹ thuật được huy động từ nguồn xã hội hóa. Công nghệ này không những góp phần lan tỏa giá trị di sản mà còn đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại trong tương lai”.

Ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhiều điểm đến khác của Hà Nội từ lâu cũng áp dụng công nghệ số phục vụ khách du lịch như: Ban quản lý Phố cổ Hà Nội và Khu di tích Hoàng thành Thăng Long xây dựng các app (ứng dụng) du lịch giới thiệu các điểm tham quan, khu di tích và hiện vật nhằm giúp du khách tiếp nhận thông tin một cách chủ động. Làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là làng nghề đầu tiên ứng dụng công nghệ VR3D giúp du khách tham quan làng nghề và hòa mình vào lễ hội làng với đầy đủ các phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua trải nghiệm công nghệ thực tế ảo.

Số hóa di sản - ''cây cầu'' nối tương lai - 4 Hướng dẫn khách trải nghiệm trưng bày “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo”.

Bên cạnh đó là sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu như: Viện Bảo tồn di tích xây dựng Ngân hàng dữ liệu số về di tích, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam với Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa... Đây là những minh chứng cho thấy sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của các cơ quan quản lý trong việc ứng dụng công nghệ vào phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Xu thế của tương lai

Đánh giá cao hiệu quả mà công nghệ số mang lại cho công tác bảo tồn di sản, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: Việc số hóa di sản giúp giảm tối đa các phương tiện lưu trữ cồng kềnh, kém hiệu quả của phương pháp truyền thống. Ngoài ra, việc số hóa di sản đòi hỏi chi phí thấp hơn so với các phương pháp bảo tồn khác và cho tính trực quan, độ tin cậy cao. Thêm vào đó, các di sản ở dạng số hóa có thể được quảng bá nhanh chóng thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ...

Số hóa di sản - ''cây cầu'' nối tương lai - 5 Đình Tiền Lệ được phục dựng bằng công nghệ thực tế ảo 3D.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi mà việc số hóa di sản mang lại, Thạc sĩ Nguyễn Hải Ninh, Phó Trưởng phòng Quản lý bảo tàng (Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cũng đề cập đến một số rào cản của quá trình số hóa di sản như: Vấn đề về bản quyền sau khi di sản được số hóa và sử dụng rộng rãi; tính chính xác trong quá trình số hóa di sản, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể. Khác với việc số hóa di sản văn hóa vật thể, số hóa di sản văn hóa phi vật thể đòi hỏi những phương pháp và kỹ thuật riêng.

“Chúng ta có thể số hóa được phần nào không gian Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên với phim, ảnh số, bản ghi âm... nhưng rất khó số hóa kỹ năng chỉnh chiêng hay tài năng của nghệ nhân trong việc sử dụng cồng, chiêng trong các lễ hội”, ông Nguyễn Hải Ninh chia sẻ.

Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn phải đối mặt trong quá trình số hóa di sản, không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ mang lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch. Có thể thấy rõ điều này trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát lần thứ nhất. Khi cả nước trong giai đoạn thực hiện lệnh giãn cách xã hội, rất nhiều người đã ở nhà và thỏa mãn nhu cầu đi du lịch của mình thông qua các trang du lịch trực tuyến giúp du khách có thể tham quan và tương tác 360o với các di sản nổi tiếng. Đó là cách bảo tồn di sản hiệu quả đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam và khẳng định thương hiệu Điểm đến di sản hàng đầu châu Á do World Travel Awards (Giải thưởng Du lịch Thế giới) trao tặng cho Việt Nam hai năm qua.

Số hóa di sản - ''cây cầu'' nối tương lai - 6 Du khách trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tại làng Bát Tràng.

Ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn di sản được các nhà chuyên môn đánh giá là xu hướng của tương lai. Nói như Tiến sĩ Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm: “Đây là xu hướng tất yếu trên thế giới, Việt Nam không ngoại lệ. Việc số hóa di sản bằng công nghệ VR3D chính là một cách thổi sức sống vào di sản, để di sản không nằm im trong bảo tàng...”. Với sự phát triển mạnh mẽ như hiện nay, tin rằng, công nghệ số sẽ thực sự là “cây cầu” kết nối các thế hệ trong việc bảo tồn lưu giữ di sản của cha ông.

Theo HNM

Tin liên quan

Tin mới nhất

Con cóc hoàng tử

Con cóc hoàng tử

Công chúa Ngủ đang ngon giấc trên một chiếc giường đầy hoa, có nắp đậy bằng pha lê. Nàng xinh đẹp, phúc hậu và thông minh, tuy vậy cái sắc đẹp, cái phúc hậu và cái thông minh đang ngủ cùng nàng. Nàng đã tồn tại, song nàng ngủ li bì, cho nên coi như không có nàng. Chỉ có sắc đẹp của nàng hiện lên qua nắp pha lê trong suốt, nhưng đó không phải là nét ưu trong tính cách của nàng. Từ thuở n

Lời cảnh báo 300 tỷ USD từ Warren Buffett

Lời cảnh báo 300 tỷ USD từ Warren Buffett

Warren Buffett, người đã xây dựng danh tiếng nhờ vào những khoản lợi nhuận vượt trội trong suốt hơn 70 năm, đang gửi đi một lời cảnh báo lớn đến các nhà đầu tư chứng khoán.