Thiết kế String Art - Toán Nghệ thuật: Chuyên đề Giáo dục STEAM thiết thực và ý nghĩa
(Arttimes) - Sáng 30/12, tại Nhà Văn hóa Huyện An Dương (Hải Phòng), trường THCS An Hưng long trọng tổ chức Chương trình Chuyên đề Giáo dục STEAM cấp thành phố chủ đề “Thiết kế String Art- Toán nghệ thuật”. Nhân dịp này, Phóng viên Thời báo Văn học Nghệ thuật đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Đỗ Văn Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng về ý nghĩa và tầm quan trọng của Giáo dục STEAM.
Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Giám đốc Sở, xin Ông cho biết Sở GD&ĐT thành phố đã chỉ đạo chương trình giáo dục STEAM vào hoạt động dạy học tại các nhà trường như thế nào? Sự khác biệt giữa giáo dục STEM và STEAM là gì và ý nghĩa của giáo dục STEAM đối với sự nghiệp giáo dục hiện nay?
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Lợi:
Hiện nay, ngành GD&ĐT đang thực hiện chương trình đổi mới theo hướng giáo dục phổ thông 2018, trong đó, việc dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Để học sinh có thể phát triển được phẩm chất và năng lực của mình, trong quá trình dạy học, cần phải cho học sinh có môi trường thực hành và làm việc nhiều hơn. Hiện nay, Sở GĐ&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường đưa các chuyên đề giáo dục STEAM vào hoạt động dạy học.
Phó GĐ Sở GD&ĐT Hải Phòng – Đỗ Văn LợiSTEAM được tạo thành từ thuật ngữ “STEM” và “Nghệ thuật - Art”. Ra đời từ thập kỷ trước, STEM (viết tắt của Khoa học - Science, Công nghệ - Technology, Kỹ thuật - Engineering, và Toán học - Mathematics) đã luôn là một phương pháp giáo dục hàng đầu tại thời điểm lúc bấy giờ. STEM tập trung vào việc đào tạo cho học sinh về 4 lĩnh vực trên. Tuy nhiên, chủ trương của nền giáo dục hiện đại, ngày nay lại đánh giá cao tầm quan trọng của Nghệ thuật trong việc thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, đó cũng chính là lý do tại sao phương pháp giáo dục STEAM ra đời. Đổi mới từ STEM sang STEAM là điều vô cùng cần thiết để cải thiện nền giáo dục của chúng ta vì sự sáng tạo là điều kiện cần cho sự phát triển giáo dục.
STEAM không chỉ đơn giản là “thêm” yếu tố nghệ thuật vào các phương trình hoặc sử dụng một một yếu tố nghệ thuật vào môn học. Đó là tìm kiếm các tiêu chuẩn tự nhiên liên kết giữa Art và các khu vực nội dung STEM và đưa vào giảng dạy. Rõ ràng, đây là một quá trình mạnh mẽ và có ý nghĩa nhiều hơn so với một dự án độc đáo bao gồm một cái nhìn về thiết kế nghệ thuật. Nghệ thuật chính là một thành phần quan trọng trong giáo dục STEM – STEAM. Nghệ thuật chính là chiếc chìa khóa vàng khơi mở sự hứng thú để học tập – là cơ hội để các em học sinh thể hiện bản thân trong một lĩnh vực, mở rộng tầm nhìn.
Đối với chuyên đề Giáo dục STEAM cấp thành phố chủ đề “Thiết kế String Art- Toán nghệ thuật” của trường THCS An Hưng ngày hôm nay, Sở GD&ĐT thành phố đánh giá cao sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT An Dương, trường THCS An Hưng, đặc biệt là các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy đã có định hướng và ý tưởng để các em học sinh áp dụng kiến thức môn Toán đã được học từ lớp 6 đến lớp 9, đặc biệt là kiến thức về hình học và đại số vào trong các hình vẽ. Từ đó, các em áp dụng các kiến thức trong môn học nghệ thuật để trang trí các hình vẽ, tạo nên những bức tranh đẹp, sinh động và có ý nghĩa. Qua đó, có thể thấy rằng việc đưa chương trình giáo dục STEAM vào trường học đã được triển khai đúng hướng, có ý nghĩa rất lớn trong việc tuyên truyền, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một trong số sản phẩm của các em học sinh trường THCS An Hưng trong Chuyên đề
Phóng viên: Xin ông cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai chương trình giáo dục STEAM trong các trường học?
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Lợi:
Những năm học gần đây, Sở GD&ĐT Hải Phòng đang có các văn bản chỉ đạo về việc đưa chương trình giáo dục STEM vào các nhà trường. Tuy nhiên, đối với chương trình giáo dục STEAM là một chương trình hoàn toàn mới. Trong quá trình triển khai, điểu thuận lợi chính là vì đây là nội dung mới cho nên đã tạo được sự hứng thú đối với các thầy cô giáo và các em học sinh, các em rất tích cực trong việc tìm tòi, sáng tạo và đưa các ý tưởng đó vào thực tiễn, tạo thành các sản phẩm có ý nghĩa.
Tuy nhiên, việc một số giáo viên và học sinh ngại đổi mới chính là khó khăn lớn nhất khi đưa chương trình giáo dục STEAM vào giảng dạy tại các nhà trường. Bởi lẽ, giáo dục STEAM đòi hỏi mỗi người thầy, người cô và mỗi học sinh phải dành nhiều thời gian và tâm sức hơn.
Khó khăn thứ hai, chính là sự chỉ đạo quan tâm của lãnh đạo các nhà trường. Tại những đơn vị có được sự quan tâm, đồng thuận của các đồng chí lãnh đạo, việc áp dụng và triển khai chương trình giáo dục STEAM diễn ra thuận lợi và đạt được những kết quả hết sức khả quan. Đối với những đơn vị không nhận được sự thấu hiểu, sẻ chia từ Ban lãnh đạo thì sẽ rất khó để có được những chuyên đề như ngày hôm nay.
Phóng viên: Để có thể đưa chương trình giáo dục STEAM trở thành chương trình giáo dục thường xuyên và phổ biến trong các trường THCS nói riêng và các cấp học nói chung, cần phải trang bị những gì, thưa ông?
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Lợi:
Sau khi Chuyên đề kết thúc, Sở GD&ĐT Hải Phòng cùng với toàn thể các thầy cô giáo tham dự chương trình sẽ có một cuộc họp để tổng kết, rút kinh nghiệm để từ đó nhân rộng mô hình này ra toàn thành phố. Kế hoạch của Sở GD&ĐT thành phố là đến tháng 4/2021, sẽ tổ chức ngày hội STEAM trong thành phố cấp trung học và tiểu học.
Những sản phẩm của các em học sinh trong chuyên đề ngày hôm nay sẽ được trưng bày trong phòng truyền thống của nhà trường. Sau đó, sẽ đưa lên website của trường để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến toàn thể các em học sinh, các bậc phụ huynh và các đối tác. Về phía Sở GD&ĐT thành phố cũng sẽ có định hướng để tuyên truyền, nhân rộng mô hình hết sức ý nghĩa này ra toàn thành phố, từ đó tạo động lực, sự phấn chấn và niềm say mê học tập cho các em học sinh.
Để có thể đưa chương trình giáo dục STEAM trở thành chương trình giáo dục thường xuyên và phổ biến trong các trường THCS nói riêng và các cấp học nói chung, trước hết, các nhà trường cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng và và định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh. Để làm được điều này, yếu tố đầu tiên chính là người giáo viên phải có năng lực dạy học theo quan điểm giáo dục STEAM. Các giáo viên thực hiện giáo dục STEAM trước hết bắt đầu bằng việc xây dựng nền tảng khái niệm hiểu biết về giáo dục STEAM bằng cách dạy các lý thuyết học tập chính, phương pháp sự phạm và nâng cao nhận thức về kết quả nghiên cứu của các sáng kiến giáo dục STEAM. Các chính sách, chế độ hỗ trợ giáo viên chính là động lực giúp giáo viên sáng tạo và chuyên tâm trong giảng dạy.
Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức xã hội về cách học cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp việc triển khai và áp dụng chương trình giáo dục STEAM vào thực tế giảng dạy được thuận lợi. Trong giáo dục STEAM, học sinh học tập chủ yếu dựa vào quá trình giải quyết nhiệm vụ. Chương trình STEAM thành công ở khả năng truyền cảm hứng cho học sinh. Do đó, thông qua những hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc nhiều chủ đề khác nhau, giúp học sinh rèn luyện tư duy, sáng tạo dựa trên những tìm tòi, nghiên cứu và khám phá. Điều này, sẽ có lợi ích rất lớn nhằm giúp học sinh biết ứng dụng vào thực tiễn để giải quyết vấn đề.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông!
NoneBình luận