60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 2 - Chuyện kể của người lái xe từng ở hai đại đội anh hùng

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022), Arttimes.vn trân trọng giới thiệu tới bạn đọc loạt bài "Khúc tráng ca về Đường 7 - Cánh đồng Chum" của cụm 5 tác giả đều từng là cán bộ chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận Cánh đồng Chum - Lào (Châu La Việt, Phạm Trung Nhân, Nguyễn Ngôn, Hoàng Ngọc Chấp, Nghiêm Xuân Thép).

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 1 - Bản hùng ca về Binh trạm 13 và Cánh đồng Chum

Tên tôi là Nghiêm Xuân Thép, sinh ngày 18/12/1950. Quê quán: thôn Khánh Vân, xã Trần Phú, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hòa Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Sau đây là những ký ức của tôi về đời lái xe quân sự của mình, nhất là những năm tháng trên tuyến đường 7, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở Đại đội 53 anh hùng - thuộc Binh trạm 13 - CVT - TCHC tại Mặt trận thượng Lào, Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 2 - Chuyện kể của người lái xe từng ở hai đại đội anh hùng - 1

Lái xe Nghiêm Xuân Thép và đồng đội trở lại Cánh đồng Chum

Binh trạm 13 - CVT là một đơn vị vận chuyển hợp thành. Nhiệm vụ chính trọng tâm của đơn vị là vận chuyển vũ khí, khí tài, lương thực, quân dụng chi viện cho mặt trận thượng Lào từ đường 7 đi các hướng chiến trường. Từ chiến dịch mùa khô 1970-1971, 1971-1972 và đến kết thúc chiến dịch mùa khô 1972-1973.

“Chiến dịch mùa khô vận chuyển trên đất Lào thường là 6 tháng, từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau”.

Binh trạm được biên chế 2 đại đội xe để vận chuyển chi viện chiến trường là: Đại đội 52 và Đại đội 53 (mỗi đại đội có từ 36 đến 40 để vận chuyển).

Có hai tiểu đoàn công binh là D2 và D4, 2 Đại đội thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến có nhiệm vụ mở đường và bảo vệ đường luôn thông suốt phục vụ vận chuyển. Sẵn sàng đánh địch đổ bộ và chống phá hòng ngăn chặn đường vận chuyển của ta.

Có 2 tiểu đoàn pháo cao xạ để đánh máy bay, bảo vệ cầu đường, bảo vệ cho các đoàn xe vận chuyển chi viện cho các mũi chiến trường.

Năm 1969, tôi vừa 19 tuổi, đương làm Trung đội trưởng dân quân của HTX nông nghiệp Khánh An (Hợp nhất) thuộc xã Trần Phú và mới được kết nạp và Đảng. Tôi làm đơn tình nguyện lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc

Tôi trúng tuyển và nhập ngũ ngày 17/7/1969. Sau 3 tháng học lái xe vận tải quân sự tại trường D 255 - Cục quản lý xe máy (Huyện Ba Vì – Sơn Tây). Tháng 11/1969, tôi được điều về lái xe tại Đại đội 5 (C5) trực thuộc Cục vận tải quân sự (CVTQS ) ở thôn Quảng Bá, xã Quảng An, Từ Liêm, Hà Nội. Tôi được nhận 1 xe gát 63 vận tải và cùng với đơn vị vào đường 7 vận chuyển tăng cường cho BT 11 và đường 217 đi qua cửa khẩu Na Mèo sang Quân khu Sầm Nưa nước bạn Lào.

Đến tháng 5/1970, tôi cùng với C5 sáp nhập vào Tiểu đoàn 743 ở xã Nghi Ân - Nghi Lộc - Nghệ An. C5 của chúng tôi được đón danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ở Nghi Ân trong thời điểm đó. Sau đó, tôi được nhận một xe gát 53 cùng đơn vị vận chuyển hàng từ kho Cửa Lò, kho Núi Quyết (Thành phố Vinh) vào làng Ho, Quảng Bình cho BT 17.

Đến ngày 09/10/1970, tôi cùng với 9 đồng chí lái xe trẻ tuổi của C5 - D743 được điều về C53 - Binh Trạm 13 - CVTQS ở rừng Bản Ban (Thượng Lào). Binh trạm 13 mới được thành lập, có hai đại đội xe vận tải là C52 biên chế xe zil 157, C53 biên chế xe gát 63 và xe Vọt tiến 2 cầu để vận tải thọc sâu vào chi viện  mặt trận. Thời kỳ này, đồng chí Nguyễn Văn Minh, quê ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa làm đại đội trưởng. Đồng chí Nguyễn Quang Sử, người Gia Lương, Hà Bắc làm chính trị viên.

Về C53, tôi được nhận một xe gát Vọt tiến, biển kiểm soát BB-3186, do đồng chí Nguyễn Hữu Giống - tiểu đội phó (quê Thái Bình) chuyển giao cho để làm nhiệm vụ. Chiếc xe này cũng không hoạt động được vì đã qua hoạt động mùa khô ở BT 11 (1969-1970), bị bắn hỏng nhiều chỗ và thiếu vật liệu thay thế. Đồng chí Vũ Quang Bờm (quê Hải Dương) là tiểu đội trưởng và anh em trong tiểu đội đã tận tình đi sưu tầm vật liệu ở những xe bị đánh hỏng, đánh cháy dọc đường giúp tôi nhanh chóng khôi phục lại cho xe chạy.

Chiến dịch mùa khô 1970-1971, BT 11 có 2 đại đội xe vận tải, gồm C51 và C54 xe zil 130 và xe gát 53 vận chuyển từ ga Si, Tân Kỳ, Anh Sơn lên Mường Xén và Noọng Hét (Lào). Binh trạm 13 có hai đại đội xe vận tải là C52 và C53, C52 xe zil 157 vận chuyển cũng từ Noọng Hét, Khăm Bá Niên, đèo Đá lên Nậm Tiền, Nậm Mật, Bản Ban, Hang Na Đu. C53 xe gát 63, xe gát Vọt tiến vận chuyển cũng từ Nậm Tiền, Nậm Mật, Bản Ban, Na Đu lên Khang Khay, Pôn Sa Vẳn, Cánh Đồng Chum chi viện trực tiếp cho mặt trận.

Trên cung vận chuyển này, xe chúng tôi phải đi qua 6 trọng điểm máy bay địch thường xuyên đánh phá rất ác liệt, như: ngầm Bản Ban, đèo Phu Lốc Cốc, đèo Phỉ, Ngã ba Noọng Pết, Cầu số 7. Ban ngày, các loại máy bay địch như OV10, L19 đi trinh sát đo tọa độ. Nếu phát hiện quân ta để lộ mục tiêu chúng bắn pháo khói gọi máy bay cường kích đến oanh tạc ngay.

Xe chúng tôi chỉ hoạt động vận chuyển vào ban đêm, ban ngày cất dấu vào rừng để sửa chữa, củng cố xe. Ban đêm máy bay AC 130 của địch đi dọc theo đường vận chuyển của ta để bắn phá.  Nếu phát hiện được xe thì chúng bắn cho bằng cháy, hoặc xe không cháy thì cũng hư hỏng nặng. Nếu chưa thấy xe ta bị bắn cháy thì chúng bắn rất dai hàng tiếng đồng hồ. Nếu phát hiện có nhiều xe bị ùn tắc đường không chạy được, chúng gọi máy bay cường kích đến ném bom phá, bom bi, bom phát quang. Chúng còn thả nhiều pháo sáng để phát hiện mục tiêu xe và đánh phá ác liệt.

Khi đường 45 (đường xế) tránh đèo Phu Lốc Cốc và đèo Phỉ được bí mật khai thông, C53 được lệnh bí mật di chuyển qua đường 45 lên đóng quân tại cách Ngã ba Noọng Pết về phía đường số 4 khoảng hơn 1 km để tiếp cận vận chuyển phục vụ cho mặt trận Cánh Đồng Chum, Xẩm Thông, Long Chẹng, Mường Sửu.

Vào chiến trường, xe chúng tôi chỉ có đèn gầm, đèn phòng thủ, đèn dìa. Khi chạy ban đêm chúng tôi chạy bằng đèn gầm, khi qua trọng điểm hoặc những đêm trăng sáng đẹp trời, đường chạy đã quen chúng tôi có thể tắt đèn (đi mò) để cho máy bay địch khó phát hiện.

Đầu và giữa chiến dịch vận chuyển mùa khô 1970-1971, máy bay AC130 bắn xe ô tô vận tải của ta bằng pháo 20mm, chúng tôi thường gọi là “Thằng bắn mò”. Tuy cỡ đạn không to nhưng mật độ đạn bắn xuống rất dày và nhanh, trúng vào xe ô tô có thể bốc cháy ngay và sát thương cho lái xe hoặc tử vong.

Cuối mùa khô 1970-1971 và sang mùa khô 1971-1972 , sự oanh tạc của máy bay AC130 đối với xe vận tải ở chiến trường ta nâng lên tầm cao mới, chúng bắn phá ô tô bằng đạn 40 mm và 75 mm điều khiển bằng tia hồng ngoại rất trúng mục tiêu.

Khi máy bay Mỹ còn bắn xe bằng pháo 20mm, chúng ta phát hiện có máy bay AC 130 thì lái xe có thể nhanh chóng đánh xe áp sát vào tà ly dương (vệ đường bên núi) để dấu xe, hoặc lái xe chạy vào đường xế, lùm cây…tránh khỏi mặt đường chính là có thể dấu xe được. Nhưng đến khi chúng chuyển sang bắn bằng pháo 40 mm và 75 mm, thì việc cất dấu và sơ tán xe khỏi mặt đường là khó khăn rất nhiều vì chúng bắn bằng tia hồng ngoại rất trúng mục tiêu.

Cánh lái xe chúng tôi bảo nhau khi chạy xe trên đường, gần đến trọng điểm đánh phá của địch là dừng xe lại ở ngang dốc tắt máy để nghe máy bay. Nếu thấy có máy bay AC130 đến oanh tạc thì đánh xe vào đường xế hoặc lùm cây, bìa rừng để tránh bị phát hiện, bảo đảm an toàn. Nếu không thấy có máy bay AC130 đến thì mở khóa điện, cài số 2 nhả côn máy cho xe chạy luôn, không mất thời gian quay máy hoặc đề máy nổ (vì đa số xe chỉ đi có 1 người lái). Khi đến chân đèo phải giảm tốc độ xe, tính toán xem xe mình có hàng nặng thì phải cài số mấy thì xe mới lên được dốc, dốc trơn lầy thì phải cài thêm cầu trước, dốc quá cao thì phải cài số phụ (súp) xe mới có thêm sức để lên được dốc.

Cánh lái xe chiến trường chúng tôi đã rút kinh nghiệm và bảo nhau, khi đang chạy trên đường mà bị máy bay AC130 oanh tạc, nếu chúng đánh ở phía đằng sau xe thì ta cứ tiếp tục cho xe chạy, nó bắn chưa chắc đã trúng mà có trúng xe chưa chắc đã chết người, có như thế mới phân tán được lượng xe và bảo đảm an toàn cho người và hàng hóa trên xe.

Được sự động viên giúp sức của đồng đội và nhất là sự kèm cặp giúp đỡ của đồng chí Vũ Quang Bờm - tiểu đội trưởng, tôi đã cố gắng cùng với chiếc xe vận tải BB 3186 luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển chi viện cho chiến trường mà cấp trên giao phó.

Với tinh thần đánh địch mà đi, mở đường mà tiến và phong trào thi đua vận chuyển: Tăng vòng, tăng chuyến, lấn sáng, lấn chiều  đưa hàng hóa tới đích an toàn, hoàn thành nhiệm vụ đã trở thành truyền thống của đơn vị chúng tôi.

Rất may cho tôi và chiếc xe BB 3186 mà tôi được giao để làm nhiệm vụ đã trải qua hai mùa khô chiến dịch vận chuyển 1970-1971 và 1971-1972. Mặc dù đã bị máy bay Mỹ đánh trúng nhiều lần, bị vỡ kính, bục lốp, thủng đáy máy, thủng két nước…Nhưng chỉ sửa chữa thay thế một số vật liệu là lại chạy được chứ không bị đánh cháy, hoặc phải hủy xe, bảo đảm ngày công vận chuyển cao hàng tháng.

60 năm quan hệ Việt - Lào: Bài 2 - Chuyện kể của người lái xe từng ở hai đại đội anh hùng - 2

Bộ đội Việt Nam tại chiến trường Lào năm 1972 ( ảnh tư liệu của Quang Hường)

Đến tháng 4/1972 cuối chiến dịch mùa khô 1971-1972, tôi được ra Hà Nội báo cáo điển hình (tại Đại hội mừng công Cục Vận tải), thì đồng chí khác là lái xe ở cùng tiểu đội lái thay và bị bắn cháy ở gần suối Lạt Buộc (Thượng Lào).

Tháng 1/1971, tôi được dự hội nghị "Những tập thể và cá nhân đánh thắng trận đầu của BT 13", tổ chức tại hầm của Binh trạm bộ ở Dốc Chum, cạnh trục đường 45. Thời kỳ này đồng chí Dư Cao làm chính ủy BT. Đồng chí Việt Sinh là binh trạm Trưởng, đồng chí Lê Xuân Nghiêm Phó chính ủy kiêm chủ nhiệm chính trị, đồng chí Nguyễn Phú Nho Phó chủ nhiệm chính trị BT.

Tổng kết chiến dịch vận chuyển mùa khô 1970-1971, tôi được tặng danh hiệu chiến sỹ quyết thắng, được tặng huân chương chiến công hạng 3 (của Chủ tịch nước) và được thăng quân hàm vượt cấp từ Binh nhất lên Trung sỹ, được nhà báo Đoàn Phục, nhà báo Trần Nhương đến tận đơn vị (ngã ba Noọng Pết) phỏng vấn viết bài đưa tin đăng trên báo Quân đội, báo Tiền phong, báo Nhân dân thời bấy giờ. Tôi còn nhớ bài báo của đồng chí Đoàn Phục đăng trên báo Quân đội: "Nghiêm Xuân Thép với chiếc xe BB 3186”.

Kết thúc chiến dịch vận chuyển mùa khô năm 1971-1972, tôi được tặng danh hiệu lá cờ đầu về phong trào giữ gìn xe, máy tốt, bền, dũng cảm cứu xe, cứu hàng, vượt cung, tăng chuyến của BT13. Được tặng danh hiệu chiến sĩ quyết thắng và được tặng Huân chương chiến công hạng 3 do Chủ tịch nước ký. Sau đó tôi được đi báo cáo điển hình tại đại hội thi đua quyết thắng của Cục vận tải ở Quần Ngựa - Hà Nội.

Xong đại hội, tôi được đồng chí Kim Quốc Hoa (nhà báo) phỏng vấn để ghi âm cho tôi được phát biểu trên Đài tiếng nói Việt Nam thời bấy giờ. Lời phát biểu ấy được phát thanh trong buổi phát thanh quân đội nhân dân nhiều lần. Tôi còn nhớ lời giới thiệu của đồng chí Kim Quốc Hoa như sau:

“Thưa các đồng chí và các bạn: cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta dù đã phải trải qua nhiều gian khổ, ác liệt và hy sinh, xong đã giành thắng lợi hết sức vẻ vang, trong chiến công chung to lớn ấy có bộ đội vận tải Trường Sơn đóng góp một vai trò rất quan trọng. Với ý chí không có gì quý hơn độc lập tự do, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh giặc Mỹ xâm lược đa trở thành hồi kèn xung trận, vang dậy núi sông, thể hiện cho ý chí kiên cường đó là bộ đội vận tải Trường Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước. Sau đây tôi xin giới thiệu đồng chí Nghiêm Xuân Thép là lá cờ đầu về phong trào giữ gìn xe, máy tốt bền, dũng cảm cứu xe, cứu hàng, tăng cung tăng chuyến đưa hàng tới đích an toàn hoàn thành nhiệm vụ, đã từng được anh em bộ đội lái xe Trường Sơn gọi với cái tên “cánh Thép Trường Sơn”, sau đây là lời phát biểu của đồng chí Nghiêm Xuân Thép đề nghị các đồng chí và các bạn cùng theo dõi”.

Sau đó là lời phát biểu của tôi, nói lên trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Trong quá trình làm nhiệm vụ vận chuyển chiến đấu và phục vụ chiến đấu thực hiện mục tiêu vận chuyển: Nhanh chóng, chính xác, an toàn và tiết kiệm.

Đến năm 1973, tôi cùng với C53 được chuyển về thành phố Vinh sắp nhập với BT8 thành BT18 - CVT. Thời kỳ này tôi được đề bạt lên chức trung đội trưởng. Đơn vị vẫn tiếp tục vận chuyển đi đường 7 chi viện cho nước bạn Lào.

Năm 1974, tôi lại cùng Đại đội 53 anh hùng được điều về Tiểu đoàn 972 thuộc Trung đoàn 526 - CVT (ở xã Vĩnh Chày, huyện Vĩnh Linh) chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Lúc này tôi được đề bạt làm đại đội phó C53 anh hùng (như vậy là tôi đã được tham gia công tác ở 2 Đại đội anh hùng là C5 và C53).

Vì yêu nghề lái xe, ngành lái xe quân đội, yêu BT 13 trên tuyến đầu vận tải,  trời lại phú cho tôi có một sức khỏe tốt và yêu văn hóa, nghệ thuật… Nên suốt thời kỳ là chiến sĩ lái xe quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi đã tạo cho mình có một tinh thần lạc quan yêu đời để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ác liệt hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

>>> Mời độc giả đón đọc bài 3: Lưới lửa phòng không trên tuyến đường 7

Nghiêm Xuân Thép

Tin liên quan

Tin mới nhất