"Cánh buồm xanh" - Một đóng góp mới cho thơ thiếu nhi của Văn Quyền

Nhà báo - nhà thơ Văn Quyền sinh năm 1946 quê ở xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học Quốc gia Tirana của Albania, về nước, anh đã từng làm việc tại Báo ảnh Việt Nam, Báo ảnh Giải phóng và Báo Nghệ An. Với niềm đam mê thi ca, chỉ trong vòng 10 năm, tính từ 2010 trở lại đây, anh đã cho ra mắt bạn đọc 15 tập thơ. Đó là các tập: Lục bát ru mình, Lưng chừng em và tôi, Trăng nón nhú mùa, Duyên quê giăng mắc, Gom dọc miền yêu, Thơ - Đời muôn mặt, Miền có nhớ, Ru cái dùng dằng, Thạch Động làng tôi, Tình thơ xanh, Trường khúc rượu, Tình gửi gió, Giọt thời gian, Bến đời, Cánh buồm xanh. Ở bài viết này tôi xin có một số ý kiến về tập thơ viết cho thiếu nhi mới nhất của Văn Quyền, với 61 bài thơ, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2019, tập thơ: Cánh buồm xanh.

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc tập thơ này: Cánh buồm xanh là một trong những tập thơ thành công của mảng thơ viết về thiếu nhi ở nước ta trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nói Cánh buồm xanh thành công là vì tập thơ đã thực sự đến được với các em thiếu nhi: Cánh buồm xanh đến được với thế giới tuổi thơ bởi vì thơ Văn Quyền đã nói lên được suy nghĩ và tình cảm của các nhân vật trữ tình trong thơ bằng cách nghĩ, cách cảm, cách suy tưởng hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ và trung thực của lứa tuổi  học trò.

Đứng trước bến quê trong thời khắc đầu tiên của buổi sáng mà tác giả đã cho các em có được cảm giác khác thường sau một trận mưa của làng quê hệt như cách cảm nhận của trẻ thơ: 

Bỗng hôm qua có một trận mưa đêm

Nước ngập bờ kênh cuốn phăng bến lá

Nhìn những cánh buồm xanh tơi tả

Em ngồi buồn nhặt lá nhớ thuyền xanh

                                   (Cánh buồm xanh)

Cho đến cách lý giải các hiện tượng tự nhiên của tác giả ở nhiều bài trong tập thơ cũng là một lối lý giải phù hợp với nhận thức của các em, được các em dễ dàng chấp nhận:

Cây lại thổi gió tới 

Cánh buồm lại giương cao

Vừa chạy vừa vẫy chào

Cảm ơn cây cho gió

                                  (Cánh buồm và hàng cây)

Hoặc trong bài Sóng và biển tác giả đã so sánh sóng cũng giống con người, cũng có khát khao mong muốn như chính các em:

Sóng như là cháu thôi

Vui đùa không biết mệt

Kìa biển rộng mông mênh

Là sân chơi tuyệt đẹp

Thơ viết cho thiếu nhi thành công và sẽ được các em đón đọc khi người làm thơ biết dùng những ý tứ, hình ảnh thơ đánh thức được thị hiếu lành mạnh của trẻ nhỏ, bởi lứa tuổi của các em là lứa tuổi thích khám phá, giàu tưởng tượng nên thơ cho các em phải chắp cánh cho trí tưởng tượng của các em.

"Cánh buồm xanh" - Một đóng góp mới cho thơ thiếu nhi của Văn Quyền - 1

Tập thơ Cánh buồm xanh của nhà thơ Văn Quyền 

Thơ Văn Quyền trong Cánh buồm xanh có nhiều bài đã đáp ứng được các thị hiếu đó của các em. Trả lời câu hỏi khi đứng trước biển: “Biển đổ nước về đâu” nhà thơ đã lý giải:

Đám mây cười ha hả

Biển đổ ngược lên trời

Tôi lấy nước trên đó

Đổ xuống thành mưa rơi

                             (Biển đổ nước về đâu)      

Mặt khác thơ viết cho thiếu nhi của Văn Quyền đã có một lối đi riêng để góp phần giáo dục thẩm mỹ, bồi đắp tình cảm tốt đẹp cho tâm hồn của các em. Câu thơ, hình ảnh thơ đều góp phần đánh thức và hình thành bồi đắp tình cảm yêu thương chia sẻ cảm thông với đồng loại cho các em. Lấy bài thơ sau đây làm dẫn chứng ta sẽ thấy rõ điều đó. Đoạn thơ được trích sau từ một bài thơ nói về chuyện loài kiến nhưng thực ra là nói chuyện về con người: 

Tội nghiệp gia đình kiến

Chưa kịp chạy lên cao

Mưa trút xuống ào ào

Cuốn trôi luôn cả tổ

                                             (Cơn mưa)

Diễn tả niềm vui của của chim mẹ khi chim con ra ràng (khi đủ lông, đủ cánh để bay lên bầu trời xanh bao la) cũng là nói về niềm vui của các bà mẹ khi con mình bước vào tuổi trưởng thành:

Chim mẹ mừng ngước mắt

Vỗ cánh chào him con

Cả đàn chim vui sướng

Cùng vang hót véo von

                             (Chim con ra ràng)          

Để lý giải các hiện tượng tự nhiên bằng cách giải thích làm sao cho các em dễ hiểu và chấp nhận, Văn Quyền còn sử dụng phương pháp tu từ nhân cách hóa nói chuyện về vật mà như nói chuyện về con người để các em hiểu hơn và có sự tưởng tượng rõ hơn về đời sống của loài vật, từ đó để mong gửi đến các em những bài học giáo dục về đạo đức một cách nhẹ nhàng, với mong muốn sau này khi lớn lên các em sẽ rút ra được những bài học quý giá về quan niệm sống.

Đoạn thơ sau đây trước mắt là giúp các em tưởng tượng ra ý tứ về nội dung đối thoại giữa chim sẻ và chào mào lý sự về cách tìm mồi. Nhưng xa hơn là để sau này khi trưởng thành các em sẽ rút ra được một bài học quý về thói đời của con người. Những lời nói của chim sẻ chính là một quan niệm sống của một bộ phận dân cư ích kỷ. Đó là quan niệm hãy bằng mọi giá để sống, để hưởng thụ. Từ đó tự mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một lối sống tử tế hơn: 

Sẻ hỏi chào mào

Đậu trên cành khế:

"Quả chu chua thế

Cậu ăn được sao?"

Chào mào gật đầu:

“Tìm quả chín nhất

Tớ moi lấy hạt

Ăn thật là ngon”

Sẻ giương mắt tròn

"Ăn thế tớ chịu”

                                            (Chào mào và chim sẻ)

Thành công thứ hai của Văn Quyền là thơ trong Cánh buồm xanh đã nói hộ, đã phản ánh đúng tâm tư và các cung bậc tình cảm và khát vọng của trẻ thơ nên đã tạo được sự đồng cảm của các em: Đó là nỗi nhớ trường lớp của các em trong kỳ nghỉ hè hàng năm. Các em mong muốn mùa hè qua nhanh để các em trở lại trường gặp thầy cô bạn bè. Bài thơ Mau tắt tiếng ve và bài thơ Bê con đòi bay là điển hình cho loại các bài thơ đánh đúng tâm lý của các em đang ở tuổi học trò: 

Khi thì các em da diết nhớ trường:

Nhìn cổng trường khép cửa

Da diết nhớ bạn bè

Mong mau tắt tiếng ve

Cánh cổng trường lại mở    

Để em cùng sách vở

Cùng bầu bạn đến trường

Cùng thầy cô mến thương

Vui vào năm học mới

Khi thì các em muốn bay lên theo đàn cò trắng, bởi lứa tuổi các em là lứa tuổi tràn đầy khát vọng:

Bỗng đàn cò trắng bay qua

Bê con nhảy cẫng “Chờ ta bay cùng”

Đàn cò trố mắt “Thật không”

Cò kia sà xuống bê vùng chạy xa.

                           (Bê con đòi bay)

Cánh buồm xanh của Văn Quyền không chỉ dừng lại đáp ứng nhu cầu cảm thụ văn học của những em bé cùng một độ tuổi mà đã đáp ứng nhu cầu cho trẻ em có độ tuổi từ bậc học mầm non đến cuối bậc trung học cơ sở:

Thơ cho các em mẫu giáo:

Cún con đòi học mẹ

Vào bếp giỡn mèo chơi

Mèo thét giơ nanh vuốt

Cún hết hồn tháo lui

Thơ cho nhi đồng: 

Xa nhà nhớ mẹ dẫu buồn  

Có thêm bạn mới quên luôn khóc nhè

   (Ngày đầu tiên đi học)

Thơ cho thiếu nhi:

Không bao giờ đứng một mình

Tựa nhau tre đứng giăng thành lũy tre.

(Em yêu lũy tre làng)

Đến với Cánh buồm xanh của Văn Quyền người đọc còn thấy rõ để phù hợp với sự nhận thức của các bạn đọc nhỏ tuổi. Tác giả chủ yếu dùng 2 thể thơ để biểu đạt những thông điệp mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc đó là thể thơ lục bát và thể thơ 5 chữ. Dùng 2 thể thơ này tác giả đã cho thơ của mình cùng chảy chung vào dòng sữa trong mát ngọt lành của những bài dân ca và những bài đồng dao mà các em thường ngày đã được nghe những người thân trong gia đình và và bạn bè cùng trang lứa đã từng  ngân nga, do đó thơ của Văn Quyền đến với các em một cách tự nhiên và đã đễ dàng được các em yêu mến.

Trong tình hình hiện nay trước sự thiếu hụt của mảng văn học viết cho thiếu nhi của nền văn học nước nhà, tập thơ Cánh buồm xanh của Văn Quyền - hội viên Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An là một đóng góp đáng ghi nhận. Hy vọng với sự từng trải của Văn Quyền một nhà thơ, một nhà báo đã nhiều năm gắn với lĩnh vực văn hóa, giáo dục; trong thời gian tới bạn đọc trẻ tuổi nước nhà sẽ được tiếp tục đón đọc thêm những tác phẩm mới có giá trị của anh.

Nguyễn Đình Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật

Lịch sử thế giới qua 100 hiện vật

“Tận mục sở thị” những gì mà các nền văn minh kim cổ để lại, độc giả của cuốn sách sẽ có được một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử tiến hóa và phát triển của loài người từ thuở sơ khai đến thời kỳ công nghệ phát triển mạnh mẽ. Đây chỉ có thể là “một” lịch sử về thế giới, nhưng nó cố gắng tạo nên câu chuyện lịch sử mà cả thế giới đã tham gia trong chừng