Con đường – con người và những trang viết

Người ta nói: “Giao thông là huyết mạch của một quốc gia” vậy có thể suy ra “huyết mạch quốc gia có được khỏe khoắn và lưu thông không nghỉ không ngừng là nhờ vào những con người giao thông”. Cũng lại có người nói: “Văn học là nhân học”.

Vậy cuộc đời số phận của những - người - giao thông ấy (kỹ sư và công nhân) phải nhảy vào các trang văn, trang thơ, là tất yếu, như người nông dân, người bộ đội, người trí thức? Thế mà kể từ khi Cụ Hồ viết bài tứ tuyệt Phu Đường đến nay, những tác phẩm văn thơ viết về những người giao thông hình như là rất hiếm? Chân dung họ may lắm được xuất hiện đây đó trên các trang báo chỉ vào những dịp nọ kỳ kia, hiếm hoi có nhà văn, nhà thơ nào khắc họa số phận ngọt bùi ít, đắng cay nhiều của họ, trong những tác phẩm dày dặn của mình. Thì cũng đúng như Hồ Chủ tịch đã nói: “Biết cảm ơn anh được mấy người?” trong bài thơ Phu Đường của Người.

Tư duy ấy có hoàn toàn đúng không? Cuộc sống của những gã thợ cầu, cánh lái xe mọi thời đại, những phu phen ở khắp các cung đường, rồi những chàng kỹ sư cường tráng, phong độ trong bộ quần áo lao động màu xanh và chiếc mũ bảo hộ giữa công trường màu vàng, màu trắng; những cô kỹ thuật viên duyên dáng, kiêu kỳ thoăn thoắt những ngón tay búp măng lướt trên bàn phím PC trong các văn phòng thiết kế; những chàng khảo sát bô - hê - miêng (lang bạt) tay mia, tay máy lang thang khắp chốn rừng sâu núi thẳm vạch tuyến, tìm đường; đám thợ lặn đáy sông ngày hè cũng như ngày đông, săm soi từng vết ghép khung vây thùng chụp, từng vết rạn của đám cọc chân trụ, móng cầu; những phu đường phu cầu hai mùa nắng gắt mưa dầm lang thang trên các mạng đường đô thị chằng chịt... Biết bao giờ ngạo nghễ đứng vào được những trang văn, trang thơ?

Và rồi, trong những năm tháng chiến tranh hào hùng với những đêm trắng đảm bảo giao thông trên khúc cầu phao, san lấp hố bom giữa đèo, xếp lại ngầm cho xe đi qua lòng suối, những cô gái lấy thân mình làm cọc tiêu cho xe vượt bom nổ chậm hay lấy lửa từ trái tim mình thắp sáng ngọn đèn dẫn đường cho những đoàn xe ra mặt trận... Cuộc sống của những con người ấy thật bình dị, nhưng đầy ắp chất lãng mạn của văn học, lại cũng đầy hình ảnh của chất thơ, vì vốn nó là nhân văn, nó bao trùm nhiều số phận.

Con đường – con người và những trang viết - 1

Ảnh minh họa

Nhiều nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp, ước ao có được chỉ một dịp dăm ba ngày sống cùng với họ, lo lắng công việc của họ, giằng co từng tấc đất trong các trận bom hủy diệt với quân thù, để trả lại sức sống kỳ diệu của con đường huyền thoại... để mong viết nên những tác phẩm để đời. Nhưng ít ai làm được như thế, dấn thân như thế. Nên đã nhiều thập kỷ, chân dung của những - người - giao - thông vẫn hoàn toàn mờ nhạt trên văn đàn..

Nhưng cuộc đời cũng khá công bằng, trong môi trường cuộc sống lăn lộn để xây dựng nên những tuyến đường, những cây cầu, chở một chuyến hàng vào tuyến lửa hay lên vùng cao... đã xuất hiện những kỹ sư giao thông có chút hơi hướng và “máu” văn chương, đã dành chút thời gian ít ỏi cặm cụi viết nên những trang thơ, trang truyện, như tự kể về mình, như để trả nợ cuộc sống. Họ viết không mệt mỏi như họ đã hành nghề không mệt mỏi, để khắc họa chân dung những bạn bè đồng nghiệp; họ chưa nổi tiếng trên văn đàn, nhưng họ đã trở thành những tri âm của đồng nghiệp xa gần. Hơn sáu chục năm qua đến nay, lớp cũ đã già, lớp mới đang sung sức, họ vẫn đang làm nghề cầu đường và cũng vẫn viết vì nghề, vì nghiệp.

Thử tìm lại những cái tên từ gần nửa thế kỷ trước. Khánh Hữu làm thơ và Hoàng Trọng Kiệt thì viết văn. Họ xuất hiện rất sớm trên văn đàn, là vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước. Khánh Hữu vừa làm thơ vừa viết truyện ngắn, một ông kỹ sư - Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Già rồi vẫn đủng đỉnh sống mạnh và viết khỏe, ở thành phố biển Nha Trang cho đến khi mất cách đây đúng 10 năm, mùa hè năm 2014. Thơ và truyện của ông, các nhà xuất bản thay nhau in, dễ đã trên chục cuốn. Bạn bè nhớ ông nhiều nhất là bài thơ Sau ngày cưới - bài thơ được giải nhất của cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ năm 1960, viết về người kỹ sư đi khảo sát đường trên vùng cao Tổ quốc.

Còn Hoàng Trọng Kiệt (còn có bút danh Trần Hoàng), Nhà xuất bản Thanh Niên in của ông tập truyện ngắn đầu tiên là tập Lỗi hẹn năm 1959 khi ông vừa 21 tuổi. Lúc đó ông là một kỹ sư trẻ mới ra trường, đang lăn lộn trên những nẻo đường kiến thiết sau chiến tranh chống Pháp. Rồi ông sang làm báo chuyên nghiệp ở Tòa soạn Báo Giao thông cho mãi đến khi đất nước thống nhất hoàn toàn. Ông chuyển vùng vào phía Nam, làm báo và viết văn ở Hội Văn nghệ Long An. Năm 2002, ông đã vĩnh biệt vợ con và những người bạn để ra đi vào cõi vĩnh hằng. Người viết bài này đã có dịp gặp ông trên các công trường xây dựng, trên các cung đường khói lửa ở Thanh Hóa, Hà Nội và cũng đã gặp ông sau này ở Long An, Sài Gòn. Khi ông vừa mất, cũng đã kịp đến thắp nén nhang viếng bạn ở nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Chưa ai nghĩ đến việc tập hợp lại những tác phẩm của ông, một biên bản của một thời trải tuổi xuân cùng những cung đường.

Vào đầu những năm 60 (thế kỷ XX), có những ngôi sao xuất hiện: Kỹ sư cầu đường Hoàng Hiền với truyện ngắn Đường tim được giải nhất cuộc thi truyện và ký của báo Tiền Phong năm 1962. Sau đó đất nước vào chiến tranh, báo Văn Nghệ in truyện Ở túi bom của ông năm 1966 viết về cuộc sống của những kỹ sư và công nhân đảm bảo giao thông trên cung đường đèo Khe Nét, miền Tây Quảng Bình. Rồi chiến tranh trở nên ác liệt, lôi ông đi bảo đảm giao thông trong những Túi Bom đó khắp miền khu 4, ông không có thời giờ mà viết nữa. Bây giờ ông đang sống ở Vinh, và vẫn gắn với nghiệp cầu đường.

Nguyễn Hải Thoại, cũng là một kỹ sư cầu đường, vừa đảm bảo công việc bề bộn ở công trường, vừa dành những phút rảnh rỗi ban đêm để thoả mãn cái lòng yêu thích viết của mình. Ông viết nhiều ghi chép như những trang nhật ký của một kỹ sư. Nhưng cái tài năng viết của ông thực sự chỉ lóe lên cũng vào cái năm đầu đảm bảo giao thông đó bằng một truyện ngắn rất cảm động: Câu chuyện bên bến đò ngang. Nhưng rủi ro cho ông, số báo của tờ báo in truyện ngắn của ông năm ấy lại bị buộc không phát hành, ông chỉ còn giữ được một tờ báo biếu tác giả làm kỷ niệm. Sau, Hải Thoại không thấy viết nữa, nhưng đi cùng với ông, nghe ông chuyện trò mà cứ ngỡ ông đang kể lại thuộc lòng những câu truyện đã in ở đâu đó về một số phận của một kỹ sư cầu đường nào đó. Thật tiếc, ông cũng không có thì giờ và cũng thật đáng trách (một chút) ông đã không dũng cảm bứt ra để viết, vì ông viết rất được, ai đã đọc truyện ngắn duy nhất ấy của ông, nhất định sẽ nhớ mãi.

Trường Giang (họ Đặng) quê gốc ở Nam Định, sinh ra và lớn lên trên đất Nghệ An, cùng học một khóa cầu đường với Hải Thoại, nhưng Trường Giang đã phát về thơ từ ngày còn học ở trường. Khi các học sinh khóa 7 tốt nghiệp, trong buổi liên hoan tiễn các bạn ra trường, Trường Giang đã lên ngâm - đọc một bài thơ, ở bài thơ gần như đầu tay này đã mang le lói dấu hiệu của tài năng: Mời bạn về thăm quê tôi, đó là vào dịp cuối năm 1957. Ra trường, Trường Giang đi làm đường một chặng dài, theo nghiệp chính, nhưng rồi ông lại rẽ ngang theo nghiệp phụ - đã - biến - thành - chính: Làm thơ và viết văn. Khó đếm được những tập thơ và ký mà ông đã in. Nhắc đến ông, người ta cứ gọi là nhà thơ chứ không ai nhớ ông đã là một kỹ sư xây dựng biết bao nhiêu con đường ở miền Trung, Việt Bắc, Tây Bắc...

Vũ Đức Thắng tốt nghiệp kỹ sư cầu đường khóa 3 Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 1961. Ông này “ghê” hơn ở chỗ đã ở công ty làm cầu thì làm cầu lớn nhất nước (Cầu Thăng Long), đã về Sở thì ở Sở có nhiều cầu đường nhất (Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh) và về làm báo thì làm luôn ở báo Sài Gòn giải phóng, mà vừa làm cầu, vừa làm báo vừa viết văn. Đến nay, nghỉ hưu nghiệp cầu đường rồi nhưng ông vẫn viết, viết báo và viết tiểu thuyết. Ông đã có dăm bảy cuốn tiểu thuyết dày cỡ 400 - 500 trang được in, và gặp ông người ta cứ vẫn thường gọi là kỹ sư. Đúng vậy, ông vẫn viết về số phận của những con người cầu đường.

Nguyễn Khắc Phê vốn là dòng dõi danh gia, ông là em trai của Viện sĩ Nguyễn Khắc Viện, ông cùng học một khóa cầu đường với ông Thoại và ông Giang; ra trường năm 1959, ông về đầu quân cho Ty Giao thông Quảng Bình và lăn lộn ở vùng đất nóng bỏng đó cho đến khi giải phóng miền Nam. Những con đường, bến phà, cây cầu và hơn tất cả, những người con trên mảnh đất anh hùng tuyến đầu Tổ quốc những năm đánh Mỹ, đã lần lượt vào trong những trang tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phê. Ông có đến 5, 6 bộ tiểu thuyết về những người con giao thông trên đất này. Đọc ông, những ai đã từng đi trên những nẻo đường chống Mỹ đều bắt gặp những gương mặt thân quen, bắt gặp những cảm xúc cháy bỏng tình người trong những năm đất nước nguy nan. Nguyễn Khắc Phê bây giờ vẫn dẻo dai trên những con đường của Bình Trị Thiên khói lửa, đi và xem, nghiền ngẫm để viết về những truyền thống cổ xưa, lật tìm những giá trị văn hóa đích thực. Và không thể khác được, ông vẫn đào xới những vỉa quặng nặng nghĩa tình giao thông trong ông, để viết về những con người đã có một thời thật hào hùng, bằng mồ hôi và máu của mình đã tô đậm màu cho những con đường Tổ quốc. Những ngày này, lật giở những trang trên Sông Hương, Văn Nghệ... ta vẫn bắt gặp những đoạn văn tài hoa đằm thắm của tác giả Đường giáp mặt trận dù là ông viết ca ngợi con người và cuộc sống, hay những chuyên đề đấu tranh vạch trần những cái ác, cái xấu đang ẩn núp hay đã lộ mặt quanh ta.

Cũng là một kỹ sư cầu đường, nhưng đã có thời gian cầm súng đánh nhau thật sự, rồi lại trở về nghiệp cầu đường khi đất nước đã yên hàn, Dương Danh Dũng thì lại chỉ đắm đuối với thơ tình. Tình của “chàng trai ba D” này không chỉ dành cho “Em” mà còn dành nhiều cho mẹ, cho đồng đội, đồng nghiệp và Tổ quốc thân yêu. Những tấm tình đó, ông gửi vào hai tập thơ dày Làm con thuyền láMười ba bến nước, chưa nói đến nhiều bài thơ ông in chung với nhiều tác giả khác. Ông đồ Nghệ này thật thâm trầm, nhưng không kém phần quyết liệt. Khi thấy cái tài năng (kỹ thuật) của mình không được dùng nữa, ông đã làm đơn xin về nghỉ. Ông bảo nghỉ để làm thơ, để tự say với mình, với những cuộc đời nhiều truân chuyên, và nhất là để tri ân những người đã giúp đỡ mình trong cuộc đời đầy trắc ẩn này.

Tôi ngại nhắc đến tên anh Phạm Thế Minh vì một nhẽ. Ấy là vì dù ông đã có dính với nghiệp văn thơ từ lúc mới tốt nghiệp trường Đại học Giao thông, bước vào nghiệp lênh đênh sông nước trên những con thuyền vận tải, cái nghiệp mà “lúc rảnh rỗi ra thì chỉ biết làm thơ và uống rượu”, nhưng vì ông đã từng lên cao ngất ngưởng, nhỡ ra tán dương ông lại rơi vào trường hợp “khen phò mã tốt áo”. Nhưng rồi không đành không nhắc đến. Không đành cũng vì hai lẽ: ông Minh nghề đường sông, thì cũng vẫn là đường, vả lại ông đã làm đến Thứ trưởng, ngang ngang với chức quan Tòng Nhị phẩm trong triều đình xưa kia, trong ngành giao thông thì cũng coi như nội tộc nhà cầu đường. Lẽ thứ hai là ông đã từng có những câu thơ để mọi người tâm đắc, trong bài thơ ông tự trải lòng mình: “... Đã ăn nhầm bả hư vinh/Thì đâu có biết tự mình trắng, đen?/ Đã vào vòng xoáy bon chen/ Phẩm hàm cao, cái thấp hèn càng cao”. Phạm Thế Minh làm nhiều thơ (đã in thành nhiều tập, mà toàn in ở các nhà xuất bản có tiếng cả: Hội Nhà văn, Văn học, Hà Nội... ) và cũng đã có nhiều bài ký sự khá “nặng cân” viết trên báo Người Hà Nội (nay là tạp chí Người Hà Nội), báo  Văn Nghệ, đã in thành nhiều tập... Bây giờ thì ông đã về hưu, và vẫn làm thơ, viết văn. Ông còn chịu khó ngồi gọt dũa và chẻ chữ nữa - “để thấy cái đẹp, cái thâm thúy của ngôn từ trong tiếng Việt mình” như ông nói.

Tôi còn muốn đụng đến nhiều gương mặt nữa mà trong thâm tâm tôi rất yêu mến, trước hết vì họ chí tình với nghiệp cầu đường: Mai Hồng Niên, làm thơ; Vũ Lương, Ngô Đức Nguyên, làm báo; Phạm Ngọc Chân, làm thơ theo nghiệp Bút Tre (ông đã in cả một tập thơ Hậu Bút Tre và nhiều tập thơ trữ tình khác đó sao?); Trịnh Ngọc Dự, kỹ sư - nhà thơ xứ Thanh, đã trưởng thành cả về nghiệp cầu đường và nghiệp văn chương sau những ngày lăn lộn trong làm đường chống Mỹ ở miền Tây Hà Tĩnh - Quảng Bình. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đào, làm nhạc (ông đã có đến hàng chục album riêng của mình) và Lê Xuân Thọ, Ngọc Tước, Phạm Ngọc Huệ, Hà Ngọc Trường... các nhạc sĩ sáng tác và biểu diễn đã có nhiều dịp tung hoành trên các sàn hội diễn ngành và hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc... Và điều này nữa hình như những cây bút cầu đường, dù là văn, thơ hay nhạc, họ viết chỉ mang tính nghiệp dư, viết chơi, thế thôi, nhưng Trường Giang và Khánh Hữu, Nguyễn Khắc Phê và Vũ Đức Thắng, Mai Hồng Niên và Dương Danh Dũng, Phạm Thế Minh và Nguyễn Xuân Đào... thì lại hơi khác một chút, họ viết chơi và cũng viết thật, và họ đã ung dung ngồi trong hàng ghế hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên nghiệp từ nhiều năm trước.

Nhưng tất cả những người tôi đã nhắc đến trên đây, dù hầu hết vẫn còn sung sức viết, nhưng tất cả đều đã già, đã nghỉ hưu, nghĩa là đã chính thức xa lánh nghiệp cầu đường. Và nhiều bạn trong số đó đã mất, như Khánh Hữu, Hoàng Trọng Kiệt, Mai Hồng Niên, Trường Giang, Nguyễn Xuân Đào. Vậy lớp trẻ đâu rồi? lớp kỹ sư trẻ đầy ắp kiến thức và lòng yêu nghề của nghiệp cầu đường hiện đang lăn lộn ở khắp mọi cung đường, công trường... có ai trong số họ có chút “máu văn chương” đêm đêm lại dứt ra từng chút phút giây vàng ngọc của riêng mình để mà cặm cụi viết văn và làm thơ? Hay cuộc sống bây giờ người ta phải nghĩ nhiều, nói nhiều đến cơm áo gạo tiền, nhân tình thế thái... quá mà che đi những gương mặt đầy mẫn cán, tận tụy, hy sinh cái riêng nhỏ bé để xây nên nghiệp lớn cầu đường? Trên đất nước ta có bao nhiêu dòng sông, bao nhiêu con đường? Và có bao nhiêu con người gắn liền số phận mình với những con đường vạn dặm ấy đang gửi gắm vào những người làm thơ và viết văn, viết nhạc... trong và ngoài hàng ngũ họ. Tôi mới chỉ kể ra được một dúm người mà tôi quen và thân và biết. Còn bao nhiêu những cây bút khác đang âm thầm hay đã rạng ngời tên tuổi, xuất thân từ dân cầu đường giao thông, mà tôi không có hân hạnh được biết, được quen và được thân, đang chắt chịu hiến dâng tài năng của mình cho cuộc sống này? Xin lấy tư cách một dân cầu đường gốc cảm ơn tất cả những người đáng trọng ấy!

Vũ Phạm Chánh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Gần 1.500 nghệ sĩ tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 - đợt 2

Gần 1.500 nghệ sĩ tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 - đợt 2

Tối 29/9, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2024 - đợt 2 đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh Bình Dương. Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức.