Đặc sắc truyện ngắn Kim Lân

Kim Lân (1920 - 2007) là nhà văn chuyên viết truyện ngắn, thường viết về nông thôn và người nông dân, có sáng tác trải qua hai thời kỳ: trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và sau năm 1945. Muốn đánh giá đúng đóng góp của Kim Lân, cần phải đặt những sáng tác của ông vào trào lưu văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930 đến 1945 và nền văn học cách mạng giai đoạn từ 1945 đến 1975.

Trước năm 1945, Kim Lân là nhà văn hiện thực xuất hiện ở chặng đường cuối cùng của trào lưu văn học hiện thực: từ 1940 đến 1945. Hoàn cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội  từ 1940 đến 1945 không thuận lợi cho sự phát triển của bộ phận văn học công khai nói chung và văn học hiện thực nói riêng. Tình hình chính trị xã hội ngột ngạt của thời kì này đã tác động mạnh mẽ, làm cho bộ phận văn học công khai có sự phân hóa hết sức phức tạp.

Đặc sắc truyện ngắn Kim Lân - 1

Nhà văn Kim Lân

Một số cây bút hiện thực tỏ ra hoang mang, dao động. Đội ngũ các nhà văn hiện thực có sự thay đổi lớn. Vũ Trọng Phụng mất năm 1939. Ngòi bút Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố không còn xông xáo và có tính chiến đấu cao như ở chặng đường trước (1936 – 1939). Đây là một trong những chứng cứ để có một số nhà nghiên cứu nhận xét, chặng đường cuối cùng, văn học hiện thực từ 1940 -1945 bị lâm vào tình trạng suy thoái, bế tắc.

Sự thực thì, giá trị tư tưởng và nghệ thuật của văn học hiện thực 1940 – 1945 lại đạt tới một chiều sâu mới. Bên cạnh nhà văn Nguyên Hồng đã xuất hiện từ trước, đến đây vẫn còn sung sức, nhiều nhà văn trẻ đầy tài năng khác xuất hiện, đã đem đến cho văn học hiện thực ở chặng đường này một diện mạo mới với những đặc điểm mới. Nhà văn Kim Lân là một trong số những cây bút đó.

Trước năm 1945, thế giới nghệ thuật của Kim Lân chỉ tập trung ở khung cảnh làng quê cùng với những người nông dân. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ngắn Đứa con người vợ lẽ, một truyện ngắn có tính chất tự truyện, đăng trên "Trung Bắc chủ nhật”, số 120, ngày 26-7-1942. Cùng với Đứa con người vợ lẽ, các truyện ngắn Đứa con người cô đầu, Cô Vịa, Cô Dí, Người kép già, v.v…, thường gắn với những câu chuyện riêng của gia đình ông và những người gần gũi trong làng xóm của ông nhưng vẫn đặt ra được những vấn đề có ý nghĩa xã hội nhất định.

Những con người của quê hương ông, thân thiết ruột thịt với ông, từ cuộc sống đói nghèo, lam lũ bước vào tác phẩm, tự nó toát lên ý nghĩa hiện thực, mặc dù nhà văn chưa thật có ý thức tự giác về vấn đề này. Cái nhìn nghệ thuật của ông tập trung khai thác về cảnh ngộ buồn tủi của chính bản thân ông, về cuộc sống cùng với nỗi bất hạnh, những cảnh thương tâm của những người nghèo khổ “thấp cổ bé họng” thuộc hạng “đầu thừa đuôi thẹo” bị cuộc đời ghẻ lạnh.

Trong trào lưu văn học hiện thực chặng đường cuối cùng 1940 - 1945, Kim Lân chỉ thực sự có vị trí văn học, tạo được sự chú ý khi ông đi vào đề tài độc đáo, tập trung viết về đời sống phong tục, những thú chơi của người nông dân vùng Bắc Ninh quê hương ông. Khác với Nguyễn Tuân – nhà văn lãng mạn viết về những thú chơi của những con người tài hoa, nghệ sĩ, những con người của thế giới Vang bóng một thời, bị lạc thời, thất thế, lấy cái thú chơi tao nhã của mình để đối chọi lại cái xã hội đầy phàm tục; Kim Lân là nhà văn hiện thực viết rất hay về phong tục và đời sống làng quê.

Đó là những thú chơi và những sinh hoạt văn hoá cổ truyền của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, được gọi là những “thú đồng quê” hay “phong lưu đồng ruộng” của người dân quê như chơi núi non bộ, nuôi chim bồ câu, chọi gà, chó săn, v.v... Tông chim Cả Chuống, Con Mã Mái, Thổi ống sùy đồng, Chó săn, Ông pháo, Đuổi tà, Đôi chim thành, v. v… tạo thành một chùm sáng tác liền mạch về phong tục đồng quê, hấp dẫn người đọc không chỉ vì đã cung cấp được những tri thức về phong tục mà chủ yếu vì đã làm hiển hiện lên cuộc sống và con người của làng quê Việt Nam truyền thống tuy nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời. Những con người thẳng thắn thật thà, chất phác nhưng thông minh, hóm hình và tài hoa biết bao! Họ đã đặt đặt tất cả niềm say mê mãnh liệt của mình vào những thú chơi bình dị mà hết sức tinh vi ấy chẳng khác gì những tâm hồn nghệ sĩ say mê sáng tạo nghệ thuật.

Qua những truyện ngắn đặc sắc này, Kim Lân không chỉ miêu tả phong tục một cách tinh tường mà còn thể hiện khá tinh tế tâm trạng của những con người. Ông đã tạo dựng được cả không khí, gợi lên được hứng thú đầy say mê của người nông dân, làm sáng lên phần nào vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân, đồng thời đã đem vào văn học một vốn ngôn từ riêng.

Viết về thú chơi của người nông dân, Kim Lân đã góp vào đề tài người nông dân một cách nhìn riêng, có khám phá, phát hiện riêng về người nông dân, làm đẹp, làm phong phú thêm cho cuộc đời, “thêm hương thêm hoa” cho hiện thực đời sống vốn đã nhiều bất công, ngang trái và khổ đau. Ông đã viết những truyện này bằng vốn sống, bằng trải nghiệm riêng của mình. Những con người ham chơi, say mê với thú chơi phong lưu đồng ruộng ấy đều có một phần con người ông trong đó, là hình ảnh của ông. Hay như ông nói: ông không viết những gì mà không có ông trong đó.

Đọc Kim Lân, dù là những trang viết về phong tục hay con người, ta vẫn thấy thấp thoáng đằng sau đó cuộc sống và con người của làng quê Việt Nam, tuy nghèo khổ thiếu thốn mà vẫn yêu đời; thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa.

 ***

Những truyện ngắn của Kim Lân trước Cách mạng viết về thú chơi của người nông dân, như trên đã nói, đã khẳng định vị trí của ông trong văn học sử. Tuy nhiên, đúng như ông ý thức: “Đương nhiên, không thể nói là những truyện này có hại. Nhưng tầm nhìn, tầm tư tưởng của một nhà văn còn hạn chế” (Kim Lân, Nghĩ về nghề văn (Thu Hương ghi), in trong Nhà văn nói về tác phẩm (Hà Minh Đức biên soạn), NXB Văn học, Hà Nội, 1998, tr. 276).

Đặc sắc truyện ngắn Kim Lân - 2

Tranh minh hoạ tác phẩm "Vợ nhặt" của Kim Lân.

Kim Lân có lần nói với người viết bài này rằng, cách mạng và kháng chiến đã tạo điều kiện cho ông gặp gỡ những nhà văn lớn, những Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao... Chính thời đại kháng chiến chống Pháp đã tạo điều kiện cho ông mở rộng tầm nhìn, nâng cao tầm tư tưởng.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Kim Lân vẫn tiếp tục viết về nông thôn và người nông dân nhưng với một tầm tư tưởng mới, nhân văn và sâu sắc. Ông quan tâm nhiều đến đời thường, đến quan hệ giữa người với người và đời sống nội tâm của nhân vật. Đọc những truyện ngắn: Vợ nhặt, Làng, Nên vợ nên chồng, Tìm em, Chị Nhâm, Người chú dượng, Con chó xấu xí, Ông Cả Luốn gốc me…; ta có thể nhận ra đa phần những nhân vật chính vẫn là những con người quen thuộc trong thế giới nhân vật của ông, “những con người mà như đầu thừa, đuôi thẹo ở khắp các xó xỉnh cuộc sống” (Người chú dượng), những con người mà ông đồng cảm sâu sắc và luôn có ý thức phát hiện vẻ đẹp trong tâm hồn của họ, chỉ có điều khác với những truyện ngắn trước năm 1945, giờ đây họ không còn bị vùi dập, hắt hủi nữa mà đã thực sự đổi đời nhờ cách mạng.

Kim Lân viết chân thật, xúc động về cuộc sống và người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Qua những truyện ngắn này, ngòi bút Kim Lân không chỉ dừng lại ở việc tố khổ cho người nông dân mà còn tập trung khai thác những phương diện xã hội chính trị của đời sống nông dân gắn liền với vận mệnh chung của đất nước, làm hiển hiện lên những nét tâm lý, tính cách của họ, và bao giờ cũng gửi gắm trong những trang sách nỗi niềm tâm sự sâu kín của mình. Những truyện ngắn xuất sắc của ông sau Cách mạng dù có viết về cảnh đời cùng cực như thế nào cũng đều nhen nhóm trong đó một niềm tin vào con người và cuộc sống.

Sau Cách mạng, những truyện ngắn Ông Cản Ngũ, Ông lão hàng xóm, Con chó xấu xí của Kim Lân, vẫn tạo được sự chú ý, gây nên những dư luận đánh giá nhiều chiều. Ông Cản Ngũ vẫn phát huy được sở trường ngòi bút phong tục của ông với tài năng dựng nhân vật, tạo không khí của những keo vật cùng với một vốn ngôn ngữ nghề nghiệp độc đáo. Cái mới của truyện là ở chỗ, đã làm toát lên cái tinh thần chung, vì sự nghiệp lớn đánh Tây, cứu nước, ẩn kín sâu xa từ những keo vật.

Ông lão hàng xóm viết về những nỗi oan khuất của Đoàn và những người đồng chí của anh trong cải cách ruộng đất. Ngòi bút Kim Lân đã truyền được cái không khí đầy căng thẳng, bức bối, ngột ngạt của những tháng năm đầy bi kịch ở ông thôn miền Bắc nước ta. Khi xuất hiện, truyện bị phê phán gay gắt. Người ta đã quy kết cho tác giả, nhưng sự thực, Kim Lân vẫn gửi gắm trong thiên truyện ngắn này niềm tin vào con người và cuộc đời.

Con chó xấu xí là một truyện ngắn gửi gắm một triết lý nhân sinh, từ chuyện con vật để nói chuyện con người. Kim Lân tâm sự: “Viết truyện Con chó xấu xí tôi gửi gắm rất nhiều tâm huyết của bản thân. Sau Ông lão hàng xóm, tôi muốn viết truyện này cũng là giãi bày tâm sự, tấm lòng của mình, một nhà văn theo cách mạng. Truyện gồm hai tuyến sự kiện song song. Tôi có dụng ý xây dựng như vậy để tạo ra sự đối sánh”[1]. Thiên truyện ngắn này lại tiếp tục gây tai nạn nghề nghiệp cho Kim Lân. Từ đó, ông không còn hứng thú viết truyện ngắn nữa.

Trong số những truyện ngắn viết về nông thôn và người nông dân, Làng, Vợ nhặt xứng đáng thuộc loại những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. Trong hai thiên truyện ngắn này, Kim Lân đã sáng tạo được những tình huống truyện độc đáo, đã miêu tả thành công diễn biến tâm trạng của nhân vật, làm nổi bật chủ đề của tác phẩm.

Trong truyện ngắn Làng, đó là tình huống: ông Hai một người tha thiết yêu làng bị rơi vào tình cảnh có tin thất thiệt về cái làng Dầu của ông đi theo giặc. Từ người rất tự hào, kiêu hãnh về cái làng của mình, giờ đây ông Hai cảm thấy nhục nhã, xấu hổ vì nó. Lúc nào ông cũng nơm nớp lo sợ người ta biết, người ta bàn tán đến cái việc nhục nhã ê chề của làng ông. Và lúc nào ông cũng sống trong mặc cảm chính ông là người có tội, có tội trong cái việc cả làng ông theo Tây chống lại kháng chiến, chống lại cụ Hồ. Ông chỉ còn biết tâm sự với đứa con nhỏ về nỗi oan ức của mình. Dẫu làng ông đã theo giặc nhưng bố con ông vẫn một lòng theo kháng chiến, theo cách mạng.

Từ đau đớn, nhục nhã, ông Hai rất vui sướng khi nhận được tin làng ông bị giặc phá, nhà ông bị giặc đốt, điều đó chứng tỏ rằng làng ông không theo giặc. “Tây nó đốt làng tôi rồi ông chủ ạ. Đốt nhẵn”. Té ra, cái tin cả làng Dầu “Việt gian theo Tây” là thất thiệt, là “láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả”! Ông Hai “cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy cho mọi người”. Vui mừng vì nhà mình bị giặc đốt, làng mình bị giặc phá ! Một niềm vui thật kì lạ, thể hiện một cách đau xót và cảm động tinh thần yêu nước và cách mạng của người dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Đối với họ, trước hết và trên hết là Tổ quốc. Họ sẵn sàng hi sinh tất cả vì Tổ quốc !

Trong truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã sáng tạo ra một tình huống độc đáo. Tình huống đó được bộc lộ ngay trong cái tên của truyện. Không phải vợ cưới mà là một thứ vợ do nhặt nhạnh, nhặt một cách vu vơ mà có được. Đây là một tình huống vừa kì quặc vừa oái oăm, vừa vui mừng vừa bi thảm. Trong lúc mọi người đang đói quay đói quắt, lo nuôi thân còn chẳng xong mà Tràng lại còn “đèo bòng”. Một anh nông dân xấu trai, nghèo xác nghèo xơ, lại là dân ngụ cư (bị khinh bỉ), bỗng nhiên lại có vợ theo không về. Không quen biết, cũng chẳng cần đến ăn hỏi treo cưới, chỉ cần có mấy lời tầm phào và vài bát bánh đúc mà có vợ. Cái giá của một con người thật là rẻ rúng. Quả là anh cu Tràng đã nhặt được vợ như người ta đã nhặt được cái rơm, cái rác vứt bên đường.

Tình huống nói trên của truyện đã làm nổi bật tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Cảnh ngộ của người đàn bà phải theo không Tràng, câu chuyện nhặt được vợ của Tràng và cảnh nàng dâu mới về nhà chồng đã phơi bày tất cả sự nghèo đói và tình trạng thê thảm của thân phận con người. Đặt nhân vật vào tình huống độc đáo, Kim Lân đã miêu tả thành công nhân vật với những tâm trạng khác nhau, mỗi người mỗi vẻ. Tràng thì có vẻ phởn phơ tự đắc, người đàn bà thì ngượng ngập và tủi hổ, còn bà cụ Tứ thì vừa ai oán xót thương vừa lo lắng cho cảnh ngộ của con. Nhà văn đã chăm chú theo dõi diễn biến tâm lí của nhân vật. Chính những trang diễn tả và phân tích tâm lí khá tinh tế, sắc sảo và hóm hỉnh đã đem đến cho thiên truyện một sự hấp dẫn thực sự.

Theo lời Kim Lân, viết Vợ nhặt, ông không muốn dìm người đọc trong cái buồn, cái khổ, cái đói. “Khi viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói người ta khổ cực và chỉ muốn chết. Tôi định viết một số truyện ngắn nhưng với ý khác là khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người”. Ý đồ nghệ thuật ấy đã khiến ngòi bút Kim Lân miêu tả diễn biến tâm trạng của các nhân vật chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Chính niềm vui, niềm tin vào cuộc sống ngày mai ấy đã hướng con người vào những hành động thiết thực để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với truyện ngắn Vợ nhặt, Kim Lân đã có cái nhìn riêng, khám phá riêng về tính cách, số phận và cảnh ngộ của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Vợ nhặt không chỉ miểu tả chân thực, tinh tế tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ. Trong cảnh cùng đường, đói khát, người nông dân vẫn cưu mang đùm bọc lẫn nhau; vẫn không bao giờ mất hết niềm tin, vẫn hướng về sự sống, hướng tới tương lai, vẫn khao khát có một mái ấm gia đình, khao khát hạnh phúc. Nội dung nhân đạo sâu sắc và cảm động đó được thể hiện qua một tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện chân thật mà hấp dẫn, miêu tả tâm khá tinh tế, dựng đối thoại sinh động, giọng điệu và ngôn ngữ nghệ thuật đặc sắc. 

***

Trong cả hai giai đoạn sáng tác, tuy viết không nhiều, nhưng Kim Lân đều có những đóng góp đáng kể trong thể loại truyện ngắn viết về đề tài người nông dân. Những truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân đều in đậm cá tính của ông, từ cách nói, cách nghĩ đến cách xử sự, sâu đậm nhất là cái tâm của ông đối với con người và cuộc đời.

Đặc sắc truyện ngắn Kim Lân - 3

Kim Lân có những đóng góp đáng kể trong thể loại truyện ngắn viết về đề tài người nông dân.

Ông đã tạo nên một kiểu truyện ngắn riêng: thường có tình huống, cảnh ngộ éo le, khó xử; đầy ắp chi tiết toát lên ý nghĩa của hiện thực, của sự thật đời sống; nhân vật chân thực, sống động với thế giới nội tâm khá phong phú, sâu sắc; cái kết của truyện gợi ra một lối mở tự nhiên; ngôn ngữ “ròng ròng sự sống”, một vốn sống tự nhiên của một con người vốn là con đẻ của đồng ruộng một giản dị, chân thực, trong sáng, chắt lọc và có ý tứ bên trong,... Thành công của Kim Lân, ngoài ý thức nghiêm túc về lao động nghệ thuật,  chủ yếu là do năng khiếu bẩm sinh, và lòng đi về với “đất”, với “người”, với “thuần hậu nguyên thủy” (chữ của Nguyên Hồng) của cuộc sống nông thôn.

Kim Lân viết ít. Nhiều người đã lí giải về vấn đề này. Đó là bản lĩnh,  là sự tỉnh táo, là thái độ hết sức nghiêm túc trong sáng tạo nghệ thuật. Như Chế Lan Viên đã có lần nói trong bài Ví với dòng sông: Người làm thơ, “ai lại không men một dòng nào đó/ Chảy bên mình”. Nhưng dẫu có tài năng, tạo dựng được phong cách nghệ thuật độc đáo rồi, vẫn “phải lắng cho tinh, nhìn cho rõ/ Hễ nó cạn rồi thì ta đừng viết nữa/ Kẻo lắm khi con sông chết rồi, thi sĩ cứ đi bên”. “Châu ngọc làm sao hái được nhiều” (Nguyễn Bính). Quy luật muôn đời của nghệ thuật là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Kim Lân, với chùm truyện ngắn đặc sắc trước 1945 về đời sống phong tục, những thú chơi của người nông dân, các truyện ngắn sau năm 1945 như Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí…  đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam hiện đại như một cây bút truyện ngắn tài năng.

Đọc Kim Lân, dù là những trang viết về phong tục hay con người, ta vẫn thấy thấp thoáng đằng sau đó cuộc sống và con người của làng quê Việt Nam, tuy nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời; thật thà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa.

[1] Kim Lân, Nghĩ về nghề văn (Thu Hương ghi), in trong Nhà văn nói về tác phẩm (Hà Minh Đức biên soạn), NXB Văn học, Hà Nội, 1998, tr. 275.

Trần Đăng Suyền

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.