Đạo và Đời trong “Hạc Hồng”

Có những cuốn tiểu thuyết, chỉ thoáng nhìn tên ngoài bìa chẳng hạn như: “Chiến tranh và hòa bình”, “Những người khốn khổ”, “Đi bước nữa”, “Bước đường cùng”, vv… người đọc đã phần nào đoán được nội dung bên trong. Với Hạc Hồng thì ngược lại. Tên truyện lạ quá. Không hiểu tác giả muốn nói với người đọc cái gì.

Cuốn sách của Lê Hoài Nam - giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 Hội Nhà văn Việt Nam gây nỗi ám ảnh. Tôi cứ ngờ ngợ, có lẽ tác giả viết về vùng quê Hải Hậu, tỉnh Nam Định, nơi có xã Hải Thanh, xã Hải Hà giống tên những địa danh trong tiểu thuyết Hạc Hồng. Rồi lại cũng nhiều ngôi nhà thờ đạo Thiên Chúa nữa. Ngày bé, tôi học cấp I, là học trong nhà tràng của nhà thờ bên giáo (1). Hình ảnh nhà thờ và đồng bào theo Ki-tô giáo rất gần gũi. Hàng ngày đi học tôi vẫn gặp những người theo đạo này đeo cây thánh giá màu bạc trước ngực, đi làm, đi chợ. Chủ nhật, họ đi từng đoàn người vào nhà thờ cầu kinh.

Những kỷ niệm cứ ùa về khi lật giở từng trang Hạc Hồng với các địa danh thân quen, nào thị trấn Hải Hà, nào huyện Hải Thanh với những người Công giáo, khi họ nói chuyện với nhau thường kèm những câu đệm, nào “Chúa đã xui khiến”, rồi lại “Giê-su-ma lạy Chúa tôi!”, nào “A men” mà nhà văn đã thể hiện trong những lúc các nhân vật đối thoại với nhau. Huyện Hải Hậu, vùng đồng bằng trù phú cũng như huyện Hải Thanh trong tiểu thuyết, ra khỏi ngõ là thấy những cánh đồng xanh mướt mát của lúa tám xoan, lúa nếp thầu dầu nổi tiếng khắp gần xa, càng làm tôi đinh ninh rằng Lê Hoài Nam viết truyện về Hải Hậu quê hương tôi. Đã nói viết tiểu thuyết là có hư cấu. Vậy mà càng đọc Hạc Hồng càng thấy cuốn sách viết chân thực. Toàn những tình tiết rất đời thường của xã hội nông thôn Việt Nam hôm nay.

Đạo và Đời trong “Hạc Hồng” - 1

Tác giả Lê Hoài Nam và tác phẩm "Hạc Hồng".

Tôi lại cũng đồ rằng có lẽ tác giả Hạc Hồng là người theo Thiên Chúa giáo hoặc ở gần nhà thờ và đọc nhiều sách về đạo này nên mới am hiểu sâu sắc như thế. Nếu ai đã từng đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử Cuộc đời xa khuất cũng của Lê Hoài Nam thì đủ biết tác giả đã viết về chuyện các giáo sĩ Tây phương vào truyền đạo ở Việt Nam và các vua triều Nguyễn đã cấm truyền đạo ra sao. Với tiểu thuyết Hạc Hồng, tác giả lại dành nhiều trang viết về sự ra đời của chúa Giê-su, về phong tục và những người theo Ki-tô giáo. Có nhiều nhân vật là người theo đạo này: Linh mục Dương Khắc Thiệu, mẹ Nhất, xơ Hòa, y tá Lệ.

Tiểu thuyết Xung đột của Nguyễn Khải, Bão biển của Chu Văn… là những cuốn truyện viết về vùng Công giáo và giáo dân, về nhà thờ. Nhưng với Hạc Hồng là cuốn tiểu thuyết nói nhiều về Thiên Chúa giáo hơn cả. Đọc mới biết, tác giả Lê Hoài Nam đã dành rất nhiều công sức và thời gian để tìm hiểu và viết về đạo này. Một cuốn tiểu thuyết hiếm hoi nói nhiều về một tôn giáo. Tác giả quan sát và viết dưới lăng kính và ngòi bút của một nhà văn. Ông dẫn dắt câu chuyện không để bị gò bó, khô khan và lý thú. Lê Hoài Nam đã không mô tả nhân vật Chúa Giê-su như là một đấng huyền bí đâu đâu và cũng không phải ở thời đại xa lắc xa lơ nào, mà cùng với những tông đồ, tội đồ, cũng như bất cứ nhân vật nào khác trong truyện, đều được tác giả tái hiện, kéo họ gần lại như những người đang sống quanh ta ngoài xã hội ngày nay làm vậy.

Trong dòng đời đầy biến thiên, nhiều cạm bẫy, ông Lương Hải Hựu - nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết vẫn giữ được bản chất của mình. Tác giả đã chăm chút xây dựng nhân vật Hựu là một con người đầy bản lĩnh. Ông không bị cuốn vào chuyện tham nhũng, hối lộ. Kiên quyết từ chối “phong bì”. 

Đối lập với nhân vật chính diện Lương Hải Hựu là nhân vật phản diện Hoàng Ngọc Tốt. Mỉa mai thay, tên ông là Tốt nhưng việc làm của ông lại xấu. Ông là tiêu biểu của loại cán bộ thoái hóa, biến chất. Ngòi bút nhà văn đã đẩy tính cách cá nhân chủ nghĩa của Hoàng Ngọc Tốt lên mức điển hình, trở thành kệch cỡm. Khi sắp về hưu, Tốt còn làm một việc (nhưng không thành), là vận động một xã bày mưu đổi chác “giúp họ lắp đặt máy xử lý rác thải” để họ nhượng một nửa mẫu ruộng Bắc Bộ ở đầu làng để Tốt xây miếu thờ thành hoàng. Thành hoàng làng không ai khác chính là Hoàng Ngọc Tốt. Có nghĩa là Tốt muốn mình được thờ sống!

Nhưng xã hội ngày nay đâu chỉ một màu xám với những nhân vật tiêu cực như Hoàng Ngọc Tốt. Nghỉ hưu, Sương - bà cựu Chủ tịch Hội Phụ nữ xã “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hàng ngày tự nguyện mang vợt mang bao đi vớt rác thải nơi công cộng giữ cho môi trường nông thôn xanh, sạch. Ông Hựu nghỉ hưu về ở với con, tặng thửa đất nhà ở cho họ tộc xây từ đường. Các nhà lý luận phê bình thường dùng cụm từ “đậm tính nhân văn”. Trường hợp này, gọi nôm na là tình người. Hạc Hồng là cuốn tiểu thuyết như thế. Đọc tiểu thuyết Hạc Hồng thấy xã hội có nhiều nét đẹp và cái tốt vẫn là chủ yếu.

Trong lúc văn hóa đọc bị văn hóa nghe nhìn lấn át và học sinh coi nhẹ môn Văn, Sử thì cô giáo Lương Hải An đề xuất Sở Giáo dục tổ chức cuộc thi đọc tác phẩm văn học, gây tiếng vang và thành công. Anh bộ đội Dương Khắc Thiệu từ chiến trường Campuchia trở về, bị trầm cảm do chứng kiến chuyện giết người hàng loạt, nạn diệt chủng bên nước bạn, bỏ trại an dưỡng đi lang thang rồi… trở thành một linh mục kính Chúa yêu nước, cùng với Lương Hải Hựu vận động được một ngân hàng mà người giám đốc là đồng đội cũ từ hồi ở chiến trường đứng ra bảo lãnh cho vay lãi suất thấp để lắp máy xử lý rác thải cho địa phương và các xã quanh vùng.

Bác sĩ trưởng trạm xá Hoa Huệ - xơ Hòa chính là nữ quân y sĩ Hoa. Hồi ở chiến trường bị thương nên Hựu vào điều trị ở trạm xá Trung đoàn. Hoa và Hựu quen nhau. Rồi tình yêu nảy nở... Từng bị địch bắt, nhưng đơn vị lại tưởng Hoa hy sinh nên gửi giấy báo tử về xã. Sau này giải ngũ rồi Hoa đi học và trở thành bác sĩ. Người ta thường nói, chuyện ly kì như tiểu thuyết. Ông Hựu về hưu, được con gái đưa vào điều trị tại trạm xá Hoa Huệ do xơ Hòa bác sĩ trưởng phụ trách.

Gặp lại nhau, Lương Hải Hựu lặng đi: “Sao lại có chuyện kỳ lạ đến thế này?”. Quân y sĩ Hoa năm xưa - người đã từng ôm hôn ông lúc tiễn ông rời trạm xá Trung đoàn với lời hẹn: “Anh đừng quên em nhé”. Và bây giờ bác sĩ Hòa, khi nghe Hựu nói: “Hòa, em cho phép anh được hôn em như ngày xưa…”. Hựu dang cánh tay ra… Đến đây, người đọc mừng vui, tưởng như được chứng kiến cảnh “Kim Trọng – Thúy Kiều” tái hợp. Mà hoàn toàn có thể lắm chứ. Rất hợp logic. Ông Hựu về hưu, vợ đã chết vì bệnh. Bác sĩ Hòa đã từng từ chối lời cầu hôn của hàng chục người đàn ông. Hợp lý quá. Nhưng như vậy, câu chuyện đến đây là chấm dứt. Cuốn tiểu thuyết cũng kết thúc. Chẳng còn gì để nói nữa.

Tác giả Lê Hoài Nam tỏ ra là một nhà tiểu thuyết cao tay. Ông dàn cảnh để nhân vật Hòa thẳng thắn: “Anh Hựu, em đã là một nữ tu. Luật của nhà dòng cấm chuyện này. Thông cảm cho em, Hựu nhé!”. Năm xưa, hồi ở chiến trường, khi đang yêu nhau, Hoa đã kiên quyết từ chối chuyện ân ái với Hựu, ngày nay cô lại từ chối cuộc hôn nhân với ông. Nhà văn đã xây dựng nên một nữ nhân vật có bản lĩnh và giàu tình cảm. Quân y sĩ Hoa, người yêu năm xưa, giờ đây là xơ Hòa bác sĩ lại tiếp tục điều trị bệnh cho Hựu đồng thời cũng là người đề nghị cha xứ làm phép thánh cho xơ Lệ y tá được hoàn tục và nhiệt tình vun vén cho người mình từng yêu. “Lệ yêu thương anh lắm đấy” – Hoa nói với Hựu.

Các tình tiết diễn ra, đậm chất nhân văn và đầy kịch tính khiến người đọc hồi hộp, lo lắng và mong đợi xem các nhân vật cư xử với nhau ra sao. Nhà văn sẽ kết thúc câu chuyện thế nào. Từng câu đối thoại nói lên ý nghĩ của mỗi nhân vật ở các cuộc gặp gỡ cứ như một lớp kịch. Với Lệ, Lương Hải Hựu cho rằng vì cô ta còn kém con gái ông bốn tuổi nên ông vẫn giữ khoảng cách bằng xưng hô chú cháu. “Lệ, tuổi trẻ của chú đã trôi đi trong chiến tranh, bây giờ chú đã trở thành một ông già bệnh tật, có còn gì dành cho cháu đâu”.

Đạo và Đời trong “Hạc Hồng” - 2

Nhà văn Lê Hoài Nam

Cuốn tiểu thuyết Hạc Hồng có tình yêu tay ba, nhưng không phải tay ba như những cuốn tiểu thuyết thường gặp, có giành giật, mưu mô, ghen tuông… mà là rắc rối, khó xử, éo le. Nhưng cuối cùng, tác giả Lê Hoài Nam đã tìm ra cho các nhân vật của mình một cái kết nhẹ nhàng, thỏa đáng.

Một chiều mùa đông, trước ngày Hựu xuất viện, xơ Lệ y tá đón ông đi dự tổng duyệt chương trình văn nghệ mùa Noel trong nhà thờ. Họ đi qua những thửa ruộng của đền Thánh lúa tám xoan vừa gặt thấy một đôi chim thanh mảnh, duyên dáng. Lệ thốt lên: “Chú ơi, kia có đôi chim lạ quá. Nó cao như con ngỗng nhưng trông nó đẹp một vẻ diễm lệ” – “Chú đã nhìn thấy loài chim này trong một bộ phim của nước ngoài. Người ta gọi nó là chim Hạc Hồng. Nhiều nơi quan niệm Hạc Hồng là loài chim thiêng đấy. Nơi nào chúng bay đến trú ngụ thường báo hiệu nơi ấy đang có những vận hội may mắn…”

Với tiểu thuyết Hạc Hồng, các nhân vật hiện ra xung quanh ta như những người thật ở ngoài đời mà ta vẫn gặp. Tiểu thuyết là câu chuyện bịa như thật. Hư cấu như Hạc Hồng nhưng lại như là câu chuyện thật ở ngoài đời. Đó là thành công của nhà văn Lê Hoài Nam.

Nguyễn Ngọc Phan

Tin liên quan

Tin mới nhất