Hoài niệm về Linda Lê – nhà văn thuộc về vùng đất vô chủ
Sự ra đi của nữ nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê vào đầu tháng 5 vừa qua đã để lại những nỗi buồn sâu sắc trong giới nhà văn và độc giả nhiều nơi trên thế giới. Những người yêu mến bà đã gặp nhau tại buổi tọa đàm “Linda Lê - Như trong ký ức” tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Buổi tọa đàm về Linda Lê diễn ra trong một không gian ấm cúng
Nhà phê bình Ngô Văn Giá đã kể lại một lần hiếm hoi được gặp Linda Lê vào năm 2010, đã qua hơn một thập kỷ nhưng ấn tượng của ông về nữ nhà văn ấy đến nay vẫn thật rõ ràng.
Đó là một người phụ nữ luôn xuất hiện trong trang phục màu đen, mái tóc đen, quần áo đen và đôi giày cũng là đen. Dù không màu sắc, không lộng lẫy, không tô điểm nhưng gương mặt bà lại hiện lên rất sáng. Dù sở hữu đôi mắt đen tuyền đầy bí ẩn nhưng ở Linda Lê lại toát lên vẻ thân thiện, nhẹ nhàng và vẻ ngoài ấy vẫn còn đọng lại khí chất của người phương Đông.
Nói về văn chương của Linda Lê, nhà phê bình Ngô Văn Giá cho rằng đó là một tác giả luôn luôn đẩy nhân vật của mình vào các tình huống căng thẳng, trong sự giằng xé dữ dội của cả tâm hồn và thể xác. Nhà văn ấy đã tạo nên một cuộc truy sát ngôn ngữ đến tận cùng của sự khủng khiếp, khiến nhiều người phải thốt lên rằng bà chính là “phù thủy của ngôn ngữ” bởi giọng văn cổ điển, tinh tế kết hợp với nghệ thuật phân tích sắc sảo, tài hoa.
Độc giả không chỉ bắt gặp tha hương ở trong tác phẩm của bà mà chính Linda Lê cũng tự chọn cho mình một cuộc sống ngoài lề, “tôi đã lớn lên ở Việt Nam như người ngoại quốc, và tôi đã sống như người ngoại quốc trên đất Pháp”. Bản thân Linda Lê dường như không thuộc về một nơi nào nhất định và cũng không thuộc về một cái gì nhất định, bà vừa là cái này và vừa là cái khác.
Như bà đã từng giãi bày: “không phải là thịt, cũng chẳng phải cá, là ở lại nơi tờ mờ để khỏi bị xếp loại”. Cái “nơi tờ mờ” ấy chính là sự lựa chọn của Linda Lê, bà lựa chọn mình không thuộc về nơi nào cả, bà giống như một “người cưỡi ngựa đi giữa hai thế giới”.
Linda Lê đã viết rất nhiều về cái chết, các cái chết bà cho mọi người thấy đều rất lạ lùng, rất kỳ dị. Trong một lần trả lời phỏng vấn vào năm 2010, khi trả lời nhà văn Vũ Hồi Nguyên, Linda Lê có nói đến về vấn đề cái chết: “Có ai không bị cái chết ám ảnh? Bất cứ người nào có chút tỉnh táo đều phải sống với nỗi ám ảnh là rồi cũng phải đi đến cuối con đường”.
Bà coi cái chết như là một phần của cuộc sống, là một sự tất yếu mà bất cứ ai từng sống cũng sẽ phải trải qua. Vậy nên, dù luôn để cái chết xuất hiện trong các tác phẩm của mình nhưng Linda Lê vẫn luôn tạo cho nhân vật những vùng sáng đến từ nơi khác với niềm biết ơn.
Trong buổi tọa đàm “Linda Lê - Như trong ký ức” này, nhà phê bình Ngô Văn Giá đã đưa ra một giả thuyết về sự ra đi đột ngột của Linda Lê. Ông nói: “Cho đến giờ chắc chưa ai có thể dám trả lời được rằng đây là cái chết mà Linda Lê lựa chọn chủ động hay là do tự nhiên”.
Nhà văn Hiền Trang là một người đã từng đọc rất nhiều các tác phẩm của Linda Lê, cô chia sẻ với độc giả trong buổi tọa đàm rằng càng đọc nhiều sách của bà, cô càng cảm thấy có mối đồng cảm với nữ nhà văn tài ba này. Hiền Trang đã kể về những chi tiết nổi bật trong các tác phẩm của Linda Lê, khiến cho các nhân vật, các câu chuyện của bà sống dậy một cách đầy sinh động và đầy cảm xúc trong tâm trí của độc giả.
Về nhân vật Văn trong tiểu thuyết Sóng ngầm (2018), đó là một nhân vật được chính Linda Lê nhận xét rằng có nhiều điểm tương đồng với bà, anh ta giống như người bạn thân thiết của bà, chỉ có điều lãng mạn và mộng mơ hơn. Văn cũng là một người xa xứ, anh cũng giống như nhiều nhân vật khác của Linda Lê đều bất lực trong việc thích nghi với thế giới đang bao lấy quanh mình. Lấy bối cảnh xã hội đương thời, cuốn tiểu thuyết chỉ ra những mâu thuẫn về ngôn ngữ, văn hóa, sự phức tạp trong các mối quan hệ gia đình, xã hội. Sóng ngầm được đánh giá là một trong các tác phẩm thành công nhất của Linda Lê, đã tạo được tiếng vang lớn trong mùa Văn học 2012 tại Pháp.
Truyện Con ruồi trong tuyển tập truyện ngắn Lại chơi với lửa (2009) với chi tiết đầy ám ảnh khi Linda Lê ví con ruồi như là nàng thơ “con ruồi của tôi lại đẹp nữa chứ, đôi cánh xanh, cặp mắt sợ sệt, mấy cái chân bé xíu thật mỏng manh, thật duyên dáng”. Con ruồi là nguồn cảm hứng để nhân vật của bà sáng tác “con Ruồi đọc qua vai tôi, thỉnh thoảng lại hôn tay khuyến khích tôi”.
Để rồi chính nhân vật đó lại phải chết vì “nàng thơ” của mình “tôi thấy chúng đổ xô vào tôi, như theo tiếng còi của Chúa Trời. Một ông hoàng đi đầu, chỉ huy cả phi đoàn, và bao giờ biến tôi thành ma rồi chúng sẽ đi thụ hưởng bất cứ nơi nào có bóng người”.
Tiểu thuyết Vu khống (2010) kể về một người nhập cư sống trong trại thương điên Pháp, tưởng chừng anh đã cắt đứt được mọi mối quan hệ với gia đình nhưng bức thư anh nhận được từ cô cháu gái đã phá vỡ cuộc sống yên bình của anh.
“Thoát, thôi tưởng tôi thoát chứ. Vậy mà lại bị mấy cái gien túm lại. Vậy mà một cái thư lại nhắc tôi phải nhớ tới cái gia đình đã cán bẹp bộ não tôi, huỷ diệt tuổi trẻ tôi, phá hư đời tôi”. Khai thác chủ đề người điên trong văn học, nhân vật chính của Linda Lê bị cho là kẻ điên nhưng lại luôn ý thức được việc làm của mình, anh ta hơn hẳn những người trong gia đình mình khi họ xích chân cụ cố đến chết và cho rằng dòng họ này đời nào cũng có một người điên.
Qua việc phân tích một số tác phẩm của Linda Lê, nhà văn Hiền Trang ví ngôn từ của bà như một con rắn có nọc độc, như một con ma cà rồng thích hút máu và dường như bà viết để nguyền rủa. Cô cũng cho biết cô đặc biệt ấn tượng với Linda Lê về việc bà cho rằng mình không có quê hương, bà đã quên đi tiếng Việt – tiếng cha đẻ của mình để lựa chọn tiếng Pháp một cách chủ động, đó là một sự hy sinh, một cách quên mình để được đắm chìm sâu vào ngôn ngữ Pháp, để có thể tạo ra được những ngôn từ có sức mạnh to lớn đến như vậy. Với cái nhìn đầy thấu hiểu với Linda Lê, Hiền Trang cho rằng quê hương của bà chính là văn chương, đó là nơi bà thuộc về.
Văn chương của bà tuy được đánh giá là khó đọc nhưng nó thực sự sẽ trở thành người bạn tri kỷ cho những ai hiểu được tâm tư mà bà muốn gửi gắm về “một vùng đất vô chủ nơi những cá nhân độc đáo gặp nhau”.
NoneBình luận