Kỷ niệm ngày cưới

Sự mê đắm món xà lách vốn từ hai đấng bậc trên truyền sang ông. Đúng vậy! Với ông, chất thuần khiết của xà lách là biểu tượng của bản chất người phụng sự lương tri và lẽ phải…

Hôm ấy, ông bà N. mừng bốn mươi năm ngày cưới. Cả một thời gian dài chung sống đương nhiên là hạnh phúc, chỉ thỉnh thoảng mới gợn u sầu. Khi ông bà còn trẻ, ông bà luyến tiếc đã không có con, thế tức nghĩa vụ với đời của vợ chồng ông bà đã không trọn vẹn. Hiện nay ông bà đã về nghỉ hưu. Khi nào ông không đau khớp lắm, ông bà lại cùng nhau cuốc xới nhẹ nhàng trong vườn. Bà rất thích hoa, chăm chút mấy cây hồng thật cảm động.

Hôm ấy, chỉ có hai ông bà chuẩn bị kỷ niệm ngày kết hôn với một niềm vui đượm buồn: ông bà chẳng có con cái để chia vui.

- Hôm ấy sẽ khác hẳn ngày thường: một bữa ăn tươi, một chai rượu vang, vài cái bánh ngọt, ấy là nhất thiết. 

*

Ông bà rất hiếm khi ra khỏi căn nhà nhỏ. Tuy vậy chủ nhật, chỉ những hôm đẹp trời, ông bà khoác tay nhau, chậm rãi đi ra chỗ dạo chơi có ghế băng dưới bóng râm, nơi lũ trẻ chí chóe đùa nghịch.

Mùa đông, bà N. ngồi đan mãi chiếc gi-lê hay chiếc tất chân, trên chiếc ghế bành bà vừa đặt bên lò sưởi. Trong khi ấy, ông say sưa đọc vài tờ tạp chí cũ. Hai ông bà thật hạnh phúc, một hạnh phúc giản dị và êm đềm.

                                                                   *

Để mua các thứ cho cái ngày không thể nào quên, bà gợi ý “lên phố”. Dĩ nhiên có phân vân chút đỉnh, rồi ông bà quyết định đi ô tô buýt, không thèm đi tàu điện ngầm, vừa ồn ào, vừa bị xô đẩy. Ông bà cũng chẳng việc gì phải vội.

Kỷ niệm ngày cưới - 1

Minh họa của Ngô Xuân Khôi.

Ông bà xuống ô tô, khoác tay nhau như một đôi tình nhân trẻ trung tự tin mà tương lai chói ngời trước mặt.

Bà xách giỏ, ông chống gậy.

Chợ của khu phố đông dân này quả là náo nhiệt và rực rỡ. Hàng thịt la liệt trên hè phố. Đứng sau hàng đống rau quả, các nhà hàng rau lớn tiếng chào mời người đi chợ và những người dạo chơi thơ thẩn.

Bỡ ngỡ giữa bao tiếng ồn, ông bà N. càng khoác chặt tay nhau. Một quầy hàng hấp dẫn ông bà. Ông bà dừng bước. Ông N. thích thú ngắm mãi những cây xà lách xanh non, tươi mơn mởn. Chúng trông tinh tươm quá thể! Xà lách vốn là món khoái khẩu đặc biệt của ông. Nhất là từ ngày ông về hưu, ông cứ thủng thẳng thưởng thức hương vị thuần khiết của những cây rau đặc sản của vùng quê vợ. Ôi ôi…! – ông chợt mỉm cười nhớ lại – một ngày nọ, chàng luật sư trẻ là ông, không cưỡng được say mê, tạt xuống đồng xà lách bát ngát, để nhìn cho thỏa những cây rau mà ông nội và cha ông xem như “rau thần”. Sự mê đắm món xà lách vốn từ hai đấng bậc trên truyền sang ông. Đúng vậy! Với ông, chất thuần khiết của xà lách là biểu tượng của bản chất người phụng sự lương tri và lẽ phải…

Chưa kịp dừng lại ở cây xà lách nào, mắt ông đã chạm ánh mắt trong trẻo của một cô gái… Tiếng sét ái tình. Cô gái ấy, sinh viên luật khoa, là vợ ông bây giờ… Lúc ông quay sang toan nói với vợ, thì bà đã biến đâu mất…

*

Ông không sao mở miệng kêu lên được. Ông chưng hửng…

Bà bỗng dưng hóa thành bà tiên à? Hay… bà là thánh xuống trần để thử lòng ông rồi biến mất?

Lạy Chúa! từ hôm gặp bà ở đồng xà lách, ông vẫn thầm thốt lên: “Chúa sinh ra em là để cho anh!”.

Biết bao lần, ánh mắt đầu tiên thánh thiện không gì bì kịp đã cổ vũ ông chân cứng đá mềm. Đúng vậy, đúng vậy! Ai đến với thế gian này cũng để sống, chứ không để càn rỡ. Họ có thể mắc lỗi, thì hãy giúp họ sửa chữa, chứ không động tý là phạt… và phạt nặng. Giúp tự sửa mình mới khó chứ phạt thì dễ vô cùng. Tự sửa? Hữu hiệu nhất là thức tỉnh phần người trong mỗi kẻ phạm lỗi.

“Chưa bao giờ anh nói ra, nhưng anh đội ơn em lắm lắm… Em đã cùng anh cổ vũ nhau đi đúng đường đời… Em đã “ra lệnh” cho anh cứu được mấy chục người vô tội. Lòng tốt từ em đã nhân lên gấp bội ở cõi trần lành ít dữ nhiều…”.

                                                                  *

...Tìm bà ở đâu đây? Làm sao tìm được bà giữa cả một biển người? Biết ai là người trông thấy bà mà hỏi? Ông chợt lo lắng. Lần đầu tiên cảm thấy cô đơn sau bấy nhiêu năm ròng, ông sợ quá, cứ như một đứa trẻ bị lạc. Chỉ còn cách báo với cảnh sát và nhờ tìm hộ.

Suýt bật khóc, ông già đáng thương chật vật chen qua đám đông. Có một nhân viên cảnh sát trông nom sự đi lại. Nhân viên này kiên nhẫn, và có thể nói thêm là rất tốt bụng, lắng nghe ông già phân bua. Anh an ủi mấy lời cho ông yên tâm:

- Cụ ạ, xin cụ đi báo cho ông cảnh sát trưởng khu phố. Ông ấy sẽ cử người đi tìm ngay. Xin cụ đừng lo. Sẽ tìm thấy cụ bà ngay đấy mà. Bây giờ, xin cụ cứ về nhà.

Ông N. miêu tả chính xác diện mạo của vợ rồi run run lôi ra khỏi ví một tấm ảnh ố vàng.

Đám đông hối hả qua lại, nào có ai để ý đến ông già tội nghiệp cúi gập người trên cái gậy, lập cập từng bước ngắn, vẻ vô cùng thiểu não.

Lễ kỷ niệm ngày cưới của ông bà vậy là đi tong! Chỉ mong bà ấy không gặp tai nạn hay bất trắc.

*

Dựa vào tấm ảnh và nhận dạng của bà lão, các nhân viên cảnh sát đi tìm liền. Bà cụ chưa thể đi xa. Ít nhất cũng vì… phải ăn mừng ngày cưới, lại lần thứ bốn mươi. “Các cụ đến là phúc hậu, đến là đáng yêu…”, các nhân viên cảnh sát bảo nhau. Nhưng nhỡ cụ bị lẫn thì sao? Chuyện này rất dễ xảy ra ở các thành phố lớn.

Họ hỏi thăm các nhà hàng cũng như người qua kẻ lại.

Cuối cùng…

- Vâng, tôi có thấy bà ấy. Bà ấy đi ra phía kia, vẻ điềm tĩnh, các vị ạ - Người đàn ông chỉ phía sông Seine.

Chả lẽ bà cụ trẫm mình? Các nhân viên cảnh sát đi ra bờ sông. Các cặp tình nhân, rất trẻ, ngồi ôm nhau trên các ghế đá đặt giữa những cây cổ thụ.

Vâng, họ có trông thấy một bà cụ giống y như được nghe tả. Nhưng mặt cụ không có vẻ lo lắng hay bất bình thường.

                                                                  * 

Bà N. ngồi trên một ghế hơi xa, hai bàn tay nắm nhau đặt trong cái giỏ rỗng. Bà chẳng để ý gì đến xung quanh. Một nhân viên cảnh sát lại gần, ho rất khẽ cho bà khỏi sợ, đột ngột lôi bà ra khỏi giấc mơ tiên cảnh…

Anh khẽ chạm cánh tay bà:

- Chào cụ…

Bà quay về phía anh và thở dài.

- Cụ là cụ N. phải không ạ? - Anh hỏi.

- Dạ đúng, thưa ông.

- Cụ ông đang tìm cụ. Cụ ông lo lắm. Cụ vui lòng theo chúng con chứ?

Bà lại thở dài và đứng lên.

Ở đồn cảnh sát, bà khai:

- Thưa ông cảnh sát trưởng, ông không hiểu được đâu ạ. Tôi cũng không ngờ. Bỗng dưng tôi muốn được một mình, chỉ trong vài tiếng thôi rồi tôi sẽ về nhà, nhất định rồi. Không, ông đừng tưởng tôi bất hạnh. Đã bốn mươi năm nay, chúng tôi sống với nhau chưa một lần cách mặt. Đúng như vậy. Tôi rất yêu chồng tôi, ông ạ!

Cảnh sát trưởng gật đầu. Ông ta hiểu.

Bà nói tiếp:

- Tôi xin ông đừng nói với nhà tôi rằng tôi muốn xa ông ấy. Ông ấy không hiểu đâu. Ông ấy sẽ vì chuyện đấy mà chẳng thể yên lòng.  

Bà già đáng thương phập phều muốn khóc.

Viên cảnh sát đáp lời:

- Cụ ạ, cụ yên tâm, chúng tôi sẽ thưa với cụ nhà là cụ bị đám đông đẩy đi, nên bị lạc. Nhưng cụ cũng phải hứa với chúng tôi không làm vậy nữa. Cụ ông quả thực hết sức lo cho cụ.

Bà N. hứa rồi nói luôn:

- Tôi phải đi mua các thứ đây. Làm sao về nhà tay không được. Ông có thể cử người dẫn tôi không? Tôi e bị lạc nữa.

Cảnh sát trưởng quả là người phúc hậu. Ông tán thành.

                                                                  *

Tối hôm ấy, ông bà N. tổ chức kỷ niệm cưới vui hơn nhiều. Ông bà đã lại tìm thấy nhau.

Phương Cẩm Lệ (dịch)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi