Ký ức lương thiện

(Bốn đoản khúc về “Đi tìm một vì sao”, tự kể chuyện mình của tác giả Phạm Quang Nghị, Nxb Hội Nhà văn, 2022)

Liệu mỗi người có một vì sao chiếu mệnh?

“Một ngôi sao chẳng sáng đêm” (Tố Hữu – Tiếng ru). Tôi không có ý trích dẫn thơ Tố Hữu để nhằm nói ngược với ý tứ của tác giả Phạm Quang Nghị khi tìm tòi và đặt tên sách của mình, một động thái của sự viết qua một số tác phẩm chính, từ Xin chữ, Nơi ấy là chiến trường, Nỗi nhớ vùng ven đến Đi tìm một vì sao.

Quả thật thì, như chính tác giả viết: “Nghe dân gian nói rằng những vì sao tôi vừa nhìn thấy là những con người mới được sinh ra, còn những vì sao vừa rơi rụng là ứng với những con người trên thế gian mới từ giã cõi đời. Niềm tin ấy của con người có từ bao giờ? Không ít lần tôi tự hỏi, vậy vì sao nào là chính tinh, định mệnh cuộc đời mình trên bầu trời bao la và sâu thẳm ấy? (...).

Tôi không nhìn thấy vì sao nào là của mình, nhưng tôi biết tất cả những vì sao trên bầu trời, cho dù có nhỏ bé ly ty đến mấy, mỗi vì sao cũng đều tỏa ánh sáng lấp lánh, xa gần khác nhau. Giống như sự muôn vẻ của con người sống trên thế gian, ai cũng đã góp một phần làm nên vẻ đẹp, sự hấp dẫn và phong phú đến lạ thường của cuộc sống. Và tôi cũng thử kể những câu chuyện rất đỗi bình thường của đời mình. Những kỷ niệm riêng tư, từ những ngày thật xa, bây giờ mới kể” (Lời đầu sách - Một bầu trời đầy sao).

Tôi nghĩ, đó là sự khiêm tốn và chân thành của tác giả Phạm Quang Nghị. Sự khiêm tốn cần thiết như một phẩm tính của một con người chân chính, nói chung và người viết văn, nói riêng. Lời thưa trước ấy của tác giả được đặt đầu sách khiến người đọc có ngay được sự đồng cảm sáng tạo khi tiếp xúc với những con chữ giàu nghĩa. Sẽ nhiều người đọc tin tưởng rằng “Văn là người” như cổ nhân thường nói. Hồi còn trẻ đọc Những vì sao của nhà văn Pháp thế kỷ XIX, A. Daudet, tôi cũng đã nghĩ ngay đến cái tâm cảm của anh mục đồng, một nhân vật đáng yêu trong truyện, khi ở bên người đẹp, đã nhìn lên bầu trời đầy sao và chắc cũng nghĩ đến một vì sao nào đó ứng với số mệnh của mình. Nhưng kết truyện thì cả anh mục đồng, cả cô gái xinh đẹp con ông chủ đều thấm thía rằng mỗi con người nhấp nhánh một vì sao trong/giữa bầu trời bao la vô tận.

Ký ức lương thiện - 1

Tự truyện "Đi tìm một vì sao" của tác giả Phạm Quang Nghị

Viết để lưu giữ ký ức lương thiện?

Nhà văn Liên Xô I. Bônđarev, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng Tuyết nóng đã được dịch ra tiếng Việt, viết: “Có những ký ức là sự trừng phạt; có những ký ức là trách nhiệm. Tôi thuộc loại sau”. Ngày 7-5-1945, trên đống hoang tàn và đổ nát của thành phố Berlin vừa được Hồng quân Liên Xô giải phóng khỏi thảm họa phát xít Đức, nhà văn A. Tolstoy, tác giả bộ ba tiểu thuyết nổi tiếng Con đường đau khổ, đã tiên đoán chính xác: “Trong 100 năm tới, chiến tranh vẫn sẽ là lực hút, nguồn đề tài phong phú với các nhà văn để viết nên một trường thiên tiểu thuyết, trường ca hay chỉ một vở kịch ngắn, thậm chí một bài thơ bốn câu”.

Năm 2013, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam cấp nhà nước, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Nga V. Putin đã mang theo quà tặng văn hóa là cuốn tiểu thuyết Cuộc chiến đi qua (Giải thưởng Quốc gia Nga về Văn học nghệ thuật, năm 2003) của nhà văn Kanta Khamzatôvich Ibragimôv (sinh 1960).

Ba mươi năm (1945-1975) dân tộc Việt Nam tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ đánh bại hai đế quốc lớn của thế kỷ XX là Pháp và Mỹ là một thời kỳ lịch sử bi tráng. Trong khoảng thời gian 10.000 ngày đó đã có nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam lên đường phụng sự lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Những thế hệ đó đã được phục dựng bằng nghệ thuật ngôn từ trong Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972) của Nguyễn Minh Châu - một tác phẩm thấm đẫm chất tráng ca thời đại Hồ Chí Minh.

Nửa thế kỷ sau, thế hệ trẻ hành quân dọc Trường Sơn cứu nước lại tiếp tục được thể hiện trong hình thức tự truyện, có thể coi là mới nhất và điển hình là tác phẩm Đi tìm một vì sao của tác giả Phạm Quang Nghị. Như thế có thể thấy, theo quy luật đón đợi, sẽ còn xuất hiện những tác phẩm kể về một thời đạn bom, một thời hào hùng. Sự xuất hiện tác phẩm kiểu này có thể là của những người sinh sau chiến tranh. Tất nhiên! Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, theo tôi, những tác phẩm viết về chiến tranh chinh phục độc giả nhất, về căn bản vẫn là của những người trải nghiệm trực tiếp chiến tranh, trải qua lửa đỏ và nước lạnh, lửa thử vàng gian nan thử sức, đã từng “nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối”.

Tác giả Phạm Quang Nghị lên đường đi chiến trường (lúc ấy gọi là đi B) từ ngày 15 - 4 -1971 cùng các đồng nghiệp lớp học viên khóa IV, Hội Nhà văn Việt Nam. Họ cùng lúc cây bút và cây súng lên đường theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của những từ này. Những dòng cuối của tác phẩm ghi thời gian “Hà Nội, những ngày cuối Đông năm Tân Sửu, 2021”. Như vậy, vừa tròn nửa thế kỷ, câu chuyện sống, chiến đấu và làm việc được kể lại với tâm thế thể hiện khát vọng được thành thật, viết là cơ hội “nhúng bút vào sự thật”. Tác giả Phạm Quang Nghị với người viết bài này cùng thế hệ (ông hơn tôi hai tuổi), đều là cựu sinh viên Tổng hợp Hà Nội, ông bên sử, tôi bên văn với truyền thống “văn sử bất phân”.

Quả thật, trong ba phần viết phong phú của tác phẩm thì với tôi hai phần đầu hấp dẫn hơn cả vì đó là chuyện quê hương gia đình, chiến tranh máu lửa, đói khổ và hòa bình như một niềm hy vọng thiêng liêng mà thế hệ chúng tôi đã kinh qua. Cũng thẳng thắn mà nói, phần thứ ba (Những chuyện đã qua) thuộc về “quan trường”, chỉ liên quan chủ yếu đến tác giả, hầu như ít hơn với độc giả như tôi. Vậy nên những xúc cảm cá nhân được thể hiện trong bài viết nhỏ này, thực sự gắn kết với hai phần đầu: Lớn lên bên dòng sông Mã và Chào mẹ con đi để được làm người.

Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng?

Hồi vào học năm thứ nhất (1969) khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, những tân sinh viên chúng tôi đã lập tức thuộc những câu thơ rất mê dụ trong  những thi phẩm tuyệt vời như Tây Tiến của Quang Dũng, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, đã đành (nhưng nói thật là phải đọc “trộm”, vì hồi đó chưa Đổi mới, những thơ hay của Quang Dũng, Hữu Loan,... còn là “trái cấm”). Nhưng thơ của sinh viên Ngữ văn, như Bế Kiến Quốc, thì thoải mái đọc to: “Sinh ở đâu mà ai cũng anh hùng/ Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông” (Những dòng sông).

Đọc xong, ngồi quán trà chén (cũng có khi phải “cắm”), rồi hỏi nhau: “Vậy bạn đã sinh ra bên dòng sông nào?”. Hồi ấy chưa giải phóng miền Nam, nên tất nhiên câu trả lời chỉ có thể gắn với sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sông Đuống, sông Cầu, sông Thương, sông Mã, sông Lam, sông La, sông Gianh,... Đến lượt mình, thì đĩnh đạc: “Tôi sinh bên dòng sông La, Hà Tĩnh”. Lớp văn K14 của tôi có đến gần 10 anh chị em quê Thanh Hóa, cũng hào hứng xưng quê bên bờ sông Mã.

Vậy nên tôi thích nhất trong cuốn sách mới của tác giả Phạm Quang Nghị là phần thứ nhất Lớn lên bên dòng sông Mã. Tôi vì cảnh ngộ riêng mà xa quê (làng Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh rất nổi tiếng), biền biệt từ lúc lẫm chẫm lên ba tuổi (1954). Rồi trở thành cư dân của thị xã Vinh từ 1954 (nay là thành phố thuộc tỉnh Nghệ An). Chúng tôi đi đâu cũng tự xưng mình là “dân Matxcơvinh” (!?).

Thực ra thì Hà Tĩnh hay Nghệ An cũng nằm trong phên giậu của văn hóa xứ Nghệ. Tác giả Phạm Quang Nghị viết về quê hương mình thông qua một “Làng Hoành, quê tôi”. Không riêng gì ai, nơi chôn nhau cắt rốn là quê hương gắn với một đơn vị căn cơ của nông thôn Việt Nam - “quê tôi”, “làng tôi”. Có lẽ những câu văn hay nhất trong tâp sách của tác giả Phạm Quang Nghị là khi viết về cái làng của mình: “Từ phút giây đầu tiên cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đã được hít căng lồng ngực những hương vị không thể nào quên của bầu không khí làng quê, phảng phất hương cau, hương bưởi; của mùi rạ rơm được nắng; được lắng nghe những bản nhạc vô cùng thân thiết của làng quê qua tiếng gà, tiếng chim hót rộn rã sớm mai; tiếng trâu bò lộc cộc về chuồng buổi tối và tiếng người gọi nhau ngoài ngõ xóm mỗi ngày”.

Quê hương hiện thân trong gia đình và đặc biệt nhất là người mẹ. Tôi - người viết bài báo nhỏ này - mồ côi mẹ từ lúc lên ba tuổi (1954) nên đọc những câu văn viết về Mẹ của tác giả Phạm Quang Nghị, đôi lúc cũng có cảm giác ngây ngất như cuốn theo câu chữ. Hồi còn nhỏ, thường trong đêm khuya thanh vắng, “tôi” (tác giả Phạm Quang Nghị), thường được nghe mẹ kể chuyện: “Ngày ấy tôi còn quá nhỏ, chưa hiểu hết được những gì mẹ kể hàng đêm. Lời mẹ như lời tâm sự không chỉ cho tôi mà dường như để trăng sao trên trời cùng nghe thấu. Những lời lặng lẽ ấy lan theo cơn gió, được lưu giữ trên từng kẽ ngói, từng cành cây, ngọn lá trong vườn”. Mỗi bước chân đặt dấu dò dẫm vào đời của một con người đều có sự nâng niu của người mẹ. Đó chính là hạnh phúc của người con.

Ở phần viết thứ nhất, riêng tôi đặc biệt quan tâm tới mối tình đầu của tác giả Phạm Quang Nghị với cô thôn nữ cùng làng. Trong đợt nghỉ phép cuối cùng trước khi lên đường ra mặt trận, tác giả đã đinh ninh tâm thế: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” (Nguyễn Đình Thi - Đất nước).

Câu văn ở trường hợp này như vặn mình từng chữ: “Cuộc chiến tranh này còn lâu dài và ác liệt em ơi. Chúng ta thương yêu nhau, mẹ cha cũng thương quý chúng ta. Nhưng chiến tranh thì thật là khắc nghiệt. Anh cảm thấy trái tim đang đập thật mạnh trong lồng ngực, nhưng nó lại vô cùng mong manh, bé nhỏ trước những thử thách của tương lai. Ngọn lửa của tình yêu và ngọn lửa của chiến tranh, cả hai đều đang rực cháy”. Đọc đến đây tôi bỗng nhớ những câu thơ của thi sỹ Hồ Dzếnh trong bài thơ Ngập ngừng: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề/ Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở”.

"Thép đã tôi thế đấy"!

Nhưng ai rồi cũng lớn khôn, rồi cũng rời khỏi tổ ấm gia đình, rời khỏi vòng tay ưu ái của người ruột thịt để nhập vào đời sống xã hội rộng lớn, bộn bề những vật đổi sao dời, can qua dâu bể. Thế hệ chúng tôi không là cá biệt khi nói: “Chào mẹ con đi để học làm người” (nhan đề Phần thứ hai trong sách Đi tìm một vì sao).

Đọc phần này, tôi có cảm xúc đằng sau mỗi chữ là thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của người trong cuộc viết ra. Những câu chuyện được kể lại trung thực đến tận cùng các chi tiết (đi bộ hàng mấy tháng trời, sải chân cả ngàn cây số từ miền Bắc vào chiến trường; đói khát, ốm đau bệnh tật, sống kề bên cái chết,...).

Tôi nhớ, khi đọc tác phẩm Nói chuyện thơ kháng chiến (1951), nhà văn Hoài Thanh (một trong hai tác giả Thi nhân Việt Nam, 1942) có viết về “căn bệnh” của người viết văn (đa số nổi tiếng trước 1945) khi đi vào cuộc kháng chiến, trên trang viết không tránh được lỗi “ngắm rớt” và “nhắm rớt” mọi sự việc, câu chuyện, con người của một thực tế mới, vì vẫn chưa thoát khỏi “thời đại của chữ tôi”.

Người đọc sẽ có chung cảm nhận tác giả Phạm Quang Nghị viết sát sàn sạt sự thật (chuyện nhịn khát 3 ngày giữa Đồng Tháp Mười mênh mang nước, chuyện ghẻ lở đầy thân, chuyện bắn súng mà không biết có viên đạn hủy súng, chuyện nói dối mình đã có vợ ở Bắc để giữ quan hệ với nhân dân,...).

Phần thứ hai hấp dẫn người đọc vì được cuốn theo chiều văn để cùng tác giả Đi dọc Trường Sơn, Về miền Đông Nam Bộ, Vùng ven, Ngày ấy, Tây Ninh, Nỗi nhớ Sài Gòn. Tất cả những không gian - thời gian  lịch sử - nghệ thuật ấy thuộc về “nơi ấy là chiến trường” (nhan đề một tác phẩm của tác giả Phạm Quang Nghị). Đại văn hào Nga thế kỷ XIX  L.Tolstoy, tác giả  tuyệt phẩm Chiến tranh và hòa bình đã viết: “Nhận vật mà tôi yêu quý, nâng niu nhất khi viết chính là SỰ THẬT”.

Tác phẩm Đi tìm một vì sao của tác giả Phạm Quang Nghị khi đọc xong khiến tôi nhớ tới câu văn nổi tiếng: “Con Người, hai tiếng ấy vang lên tự hào biết bao!” - M. Gorki./.

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất