Lộc Bích Kiệm – nhà văn xứ Lạng với nỗi niềm tha thiết giữ gìn bản sắc quê hương

Lộc Bích Kiệm là một trong ba nữ nhà văn Việt Nam của xứ “hoa đào”, đồng thời cũng là gương mặt tiêu biểu của văn học Lạng Sơn thời kỳ hiện đại và hội nhập, đặc biệt là giai đoạn 20 năm đầu thế kỷ XXI.

Là người con của dân tộc Tày, chị sinh ra và lớn lên trong không gian văn hóa Tày – còn khá đậm đặc, sống trong cộng đồng Tày (Bản Khòn Pát, xã Mai Pha, huyện Cao Lộc) và được thừa hưởng vốn văn hóa, văn học dân gian dân tộc phong phú, giầu có từ bà nội, từ cha mẹ, từ những người thân trong gia đình vốn có truyền thống yêu văn hóa, văn học, nghệ thuật dân gian dân tộc.

Lộc Bích Kiệm yêu văn chương từ khi còn là cô học trò nhỏ và một điều may mắn (hay là một cơ duyên?) đối với chị, đó là chị có cơ hội được học tập một cách bài bản, được bồi dưỡng và phát huy năng khiếu văn chương của mình và được làm việc, được theo đuổi, được say đắm hết mình đối với con đường mà mình đã chọn.

Lộc Bích Kiệm – nhà văn xứ Lạng với nỗi niềm tha thiết giữ gìn bản sắc quê hương - 1

Chân dung nhà văn Lộc Bích Kiệm

Ở quê chị, theo tập tục của người Tày, con gái thường được gả chồng khá sớm (khoảng 16, 17 tuổi). Nhưng, chị đã không “tuân thủ” theo cái tập quán đó, mặc dù ở tuổi đó, chị như bông hoa rừng nở bừng, rực rỡ. Có nhiều trai bản “nhòm ngó”, có nhiều gia đình muốn ướm hỏi… Chị quyết tâm theo đuổi con đường học hành, con đường văn chương mà mình yêu thích. Sau khi tốt nghiệp cấp III, chị đã thi và đỗ vào học trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, ngành Văn.

Cô sinh viên Tày đã say sưa học tập và tốt nghiệp, được phân công về làm cán bộ giảng dạy Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn – quê hương miền núi vùng biên ải thân yêu của cô. Cũng chính những năm tháng dạy văn tại ngôi trường này, Lộc Bích Kiệm đã bắt đầu làm thơ, bắt đầu viết những bài nghiên cứu, phê bình. Những tác phẩm của chị dần dần xuất hiện nhiều hơn trên Tạp chí Văn học xứ Lạng. Nhằm nâng cao trình độ học vấn của mình chị đã tiếp tục học hệ cao học và trở thành thạc sỹ khoa học ngành Văn.

Cũng từ sự “tự ý thức” sâu sắc về tiếng nói văn chương của các dân tộc thiểu số trên mảnh đất quê hương, Lộc Bích Kiệm đã hướng ngòi bút, trí tuệ, tình cảm của mình vào việc nghiên cứu, phê bình chuyên sâu về văn học các dân tộc thiểu số, đặc biệt là văn học, văn hóa Tày – Nùng. Với những hoạt động tích cực và hiệu quả của mình trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tác (thơ), Lộc Bích Kiệm đã được tỉnh điều động sang Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn công tác với cương vị mới: Phó Chủ tịch Hội. Từ đây, chị dồn toàn bộ trí lực, tình cảm của mình vào công việc sáng tác văn chương bên cạnh việc quản lý hoạt động chuyên môn của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

*

Đọc toàn bộ các sáng tác, các công trình nghiên cứu phê bình của tác giả Lộc Bích Kiệm, dễ nhận thấy nổi bật lên một đặc điểm. Đó là việc chị đã luôn hướng ngòi bút, tâm hồn và trái tim của mình vào việc thể hiện trong sáng tác thơ và vào việc khẳng định, làm sáng tỏ vẻ đẹp bản sắc quê hương (bản sắc văn hóa tộc người, bản sắc thiên nhiên vùng cao biên giới…) trong các bài viết, công trình nghiên cứu, phê bình văn học của mình. Qua đó, chị đã thể hiện rõ niềm yêu quí, tự hào, cùng niềm khát khao gìn giữ, bảo tồn và phát huy những vẻ đẹp của bản sắc quê hương trong đời sống văn hóa, văn học thời kỳ hiện đại và hội nhập hôm nay.

Lộc Bích Kiệm – nhà văn xứ Lạng với nỗi niềm tha thiết giữ gìn bản sắc quê hương - 2

Lộc Bích Kiệm hướng ngòi bút, trí tuệ, tình cảm của mình vào việc nghiên cứu, phê bình chuyên sâu về văn học các dân tộc thiểu số, đặc biệt là văn học, văn hóa Tày – Nùng.

Nghiên cứu văn học và sáng tác thơ là hai lĩnh vực mà Lộc Bích Kiệm đam mê theo đuổi và đã tạo nên những thành công và có dấu ấn riêng.  Cho đến nay chị đã xuất bản bảy đầu sách in riêng và nhiều sách in chung. Trong đó có bốn tập thơ, ba tập nghiên cứu – lý luận – phê bình. Nhiều tác phẩm của chị được nhận giải thưởng của Trung ương và địa phương.

Các tác phẩm nghiên cứu, phê bình của Lộc Bích Kiệm bao gồm các tập: “Đặc điểm dân ca đám cưới Tày – Nùng” (2005), “Như mạch nước nguồn” (2011), “Văn học các dân tộc thiểu số - Một bộ phận đặc thù của văn học Việt Nam” (2016).

Bên cạnh đó là bốn tập thơ gồm có: “Nỗi niềm của lá” (2007), “Bức họa hồn tôi” (2014), “Có một tình yêu” (2017), “Câu sli mùa thu” (2020). Ngoài ra, chị còn nhiều tác phẩm in chung với các tác giả khác trong và ngoài tỉnh. Lộc Bích Kiệm còn có nhiều bài viết đăng trên các báo, tạp chí như Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ xứ Lạng, Tạp chí Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam… và các bài tham luận trong các Hội thảo Khoa học do Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn tổ chức.

Lộc Bích Kiệm – nhà văn xứ Lạng với nỗi niềm tha thiết giữ gìn bản sắc quê hương - 3

Một tác phẩm của nhà văn Lộc Bích Kiệm.

Những tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình của Lộc Bích Kiệm thể hiện rất rõ tư tưởng của nhà văn: khẳng định vẻ đẹp đặc sắc, đậm bản sắc tộc người của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam; khẳng định những đóng góp đáng trân trọng của các tác giả dân tộc thiểu số (trong đó có các nhà thơ, nhà văn xứ Lạng) đối với sự phát triển của văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam nói riêng và với văn học Việt Nam hiện đại nói chung.

Lộc Bích Kiệm đặc biệt yêu thích các làn điệu dân ca, tục ngữ, thành ngữ Tày. Chị say mê sưu tầm và dịch được khá nhiều những câu tục ngữ, thành ngữ Tày. Và có lẽ, việc được dung dưỡng trong một không gian đậm văn hóa Tày là quê hương và gia đình đã tạo điều kiện thuận lợi cho cô gái áo chàm Lộc Bích Kiệm trong việc thẩm bình và sáng tạo văn chương. Ngay từ khi bước chân vào con đường nghiên cứu văn học, chị đã lựa chọn mảnh đất ấy để gieo những hạt mầm đầu tiên cho khu vườn văn học của mình.

Trong luận văn thạc sĩ, và sau này được in thành sách mang tên “Đặc điểm dân ca đám cưới Tày Nùng”, Lộc Bích Kiệm đã cất công sưu tầm và phát hiện ra những đặc điểm đặc sắc của kho tàng dân ca đám cưới Tày Nùng. Chị viết: “dân ca đám cưới là bộ phận mang tính đặc thù, được hình thành do yêu cầu của con người sinh hoạt thực hành nghi lễ cưới xin trong đời sống hôn nhân, gắn với hôn lễ, phục vụ hôn lễ”.

Nhìn chung, tên gọi các bài ca đám cưới của đồng bào Tày Nùng ở các địa phương là khác nhau, nhưng cách gọi phổ biến nhất là “hát quan lang”. Chị cũng tìm hiểu sâu sắc về thời điểm ra đời cũng như nguồn gốc hình thành của những bài dân ca ấy. Sự phân tích công phu của chị thể hiện rõ nhất qua việc chị đã thống kê được các bài ca gắn liền với hai giai đoạn trong đám cưới của đồng bào Tày Nùng. Giai đoạn Thứ Nhất là giai đoạn thử thách, bắt đầu từ lúc nhà trai đến cổng nhà gái. Giai đoạn Thứ Hai là những thủ tục, nghi lễ đón dâu.

Ứng với mỗi thử thách hay các nghi thức là hệ thống những bài ca, những lời đối đáp của cả hai bên nhà trai và nhà gái. Mỗi khi tiếng hát cất lên lại cuốn hút mọi người tham dự vào cuộc và tạo nên một không khí văn nghệ thân ái, đoàn kết trong cộng đồng làng bản. Bài ca “Xin mở cổng”, bài ca “Cất dải lụa ngũ sắc để bước lên nhà sàn”, bài ca “Lẩu dào kha” (Rượu rửa chân), bài ca “Củ nhù quét” (Cất chổi), bài ca “Piái fục” (rải chiếu), “Piển fục” (rải chiếu lại)… là những bài ca của giai đoạn Thứ Nhất, thể hiện tài ca hát, ứng biến của nhà trai khi vượt qua các thử thách mà nhà gái đưa ra.

Sang giai đoạn Thứ Hai là những bài ca gắn liền với nghi thức trong lễ rước dâu như: “Dạ cốc họ” (thưa họ hàng), bài “Kin nặm chè” (uống nước chè) và những bài “thơ lẩu” vang lên trong không khí hân hoan ăn cơm, uống rượu của họ hàng hai bên kéo dài thâu đêm suốt sáng. Kết thúc phần nghi lễ vào sáng hôm sau là bài ca “Xo lùa mừa” (Xin đón dâu) trước khi chú rể chào mọi người đón cô dâu về nhà:

“Đón dâu về họ hàng xem mặt

Đón dâu về kế thế phụng thờ”

Những câu hát, câu ca tưởng như giản đơn mộc mạc mà chất chứa biết bao trầm tích văn hóa gắn liền với những phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào Tày Nùng xứ Lạng.

Không chỉ có vậy, cuốn sách đã góp phần khám phá ra thế giới nội tâm đầy cảm xúc cùng biết bao sự chiêm nghiệm và những triết lý sâu sắc của đồng bào Tày Nùng ẩn sau những câu hát ngọt ngào trong ngày vui của đôi lứa. Đó là những câu hát ca ngợi vẻ đẹp của con người mà “Mẻ Hoa” đã ban tặng; ca ngợi sức mạnh của lao động và sự sáng tạo của con người. Hay cũng là tiếng hát ca ngợi lòng hiếu thảo của con cái, bày tỏ ước vọng về hạnh phúc lứa đôi trong tương lai.

Giá trị nhân văn đẹp đẽ của những bài dân ca đám cưới Tày Nùng được gửi gắm trong một hình thức thơ ca giản dị mà không kém phần tinh tế và sâu sắc. Thể thơ bảy tiếng (gần với thơ Đường luật) nhưng được biến đổi linh hoạt, ngôn ngữ gần gũi, kết cấu đối đáp, hình tượng trữ tình mang đậm nét miền núi với lối so sánh ví von cùng một số biểu tượng thường gặp như hoa, én, nhạn, con đường, tứ quý…

Có thể thấy, Lộc Bích Kiệm đã có một công trình nghiên cứu khá công phu về dân ca đám cưới Tày - Nùng, thể hiện rõ niềm say mê bất tận và niềm tự hào tha thiết đối với kho tàng dân ca của đồng bào Tày - Nùng nói riêng và những giá trị văn hóa dân tộc thiểu số nói chung. Cùng với việc sưu tầm vốn dân ca với thành ngữ, tục ngữ dân gian là những phân tích, kết luận mang tính khoa học được trình bày với một văn phong mạch lạc, giản dị mà sâu sắc đã tạo nên những giá trị đáng khẳng định cho cuốn sách nghiên cứu sưu tầm này.

“Như mạch nước nguồn” cũng là một tập tiểu luận phê bình khá đặc sắc của Lộc Bích Kiệm. Tại đây, chị vẫn tiếp nối dòng cảm hứng về văn hóa dân tộc thiểu số để khai mở, tìm tòi những giá trị mới mẻ của văn học, văn hóa dân gian Tày Nùng, nhất là của cộng đồng người Tày xứ Lạng. Chị phát hiện ra vẻ đẹp huyền hoặc của những câu chuyện thần thoại Tày, cái nên thơ, cái tinh tế của các biểu tượng hoa - én - nhạn trong dân ca đám cưới người Tày, những nét độc đáo trong dân ca tang lễ Tày hay những câu đồng dao Tày trong suốt mát lành như dòng suối.

Với những khám phá từ một góc độ riêng – góc độ văn hóa, Lộc Bích Kiệm tựa như con ong chăm chỉ hút nhụy hoa để làm nên mật ngọt cho đời (cho  cộng đồng dân tộc Tày của chị cũng như cho đồng bào các dân tộc Lạng Sơn yêu quí của chị. Chị đã phát hiện ra những màu sắc rất riêng biệt trong các sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số xứ Lạng thời kỳ hiện đại (tiêu biểu là các nhà văn, nhà thơ: Vi Thị Kim Bình, Hoàng Kim Dung, Hoàng Văn An, Vũ Ngọc Chương, Chu Thanh Hương…).

Chị đã rút ra một nhận xét rất thú vị rằng: Chính sự chân chất, hồn nhiên, trong sáng… vừa thô mộc, vừa lạng mạn, vừa mạnh mẽ vừa tình cảm… của những người dân tộc thiểu số, cùng những phong tục tập quán đẹp nơi đây – đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác mãnh liệt cho các tác giả nơi đây. Đó là một nhận định tưởng giản đơn nhưng sâu sắc của một nhà nghiên cứu luôn lựa chọn điểm nhìn từ góc độ văn hóa dân tộc.

Có thể thấy, từ “Đặc điểm dân ca đám cưới Tày Nùng” cho đến “Như mạch nước nguồn” là một sự vận động tích cực của Lộc Bích Kiệm trong tư duy phê bình, khi chị đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng đất “an toàn, sở trường” của chính mình để khẳng định tiếng nói riêng của những nhà phê bình dân tộc thiểu số đối với văn học nước nhà nói chung.

Tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp nghiên cứu, phê bình của Lộc Bích Kiệm phải kể đến cuốn “Văn học dân tộc thiểu số - Một bộ phận đặc thù của văn học Việt Nam” xuất bản năm 2016. Đây là một công trình nghiên cứu công phu, toàn diện và có những khám phá độc đáo về vẻ đẹp của bộ phận văn học dân tộc thiểu số rất đáng ghi nhận. Có lẽ, những ngày tháng làm công tác lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn đã khiến chị hiểu và trăn trở hơn bao giờ hết về sinh mệnh của văn học dân tộc thiểu số trên con đường phát triển, hội nhập của đất nước. Chị biết rằng bộ phận văn học ấy đang dần mai một theo thời gian và chị thấy mình phải có trách nhiệm to lớn trong việc tiếp tục duy trì và phát huy nó. Bấy nhiêu lo âu, trăn trở và cả những mong ước, khát khao được chị dồn vào trang sách.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình văn học Lạng Sơn hiện nay, Lộc Bích Kiệm là một người mạnh dạn đi trên con đường còn lắm chông gai, thử thách. Nhưng con đường ấy càng khó khăn càng khiến chị thích thú khám phá. Công trình gồm 3 phần được sắp xếp rất rõ ràng và khoa học.

Phần thứ nhất là các bài viết phản ánh tình hình phát triển đồng thời khẳng định sự cần thiết, vai trò không thể thay thế của văn học dân tộc thiểu số, một bộ phận đặc thù của văn học dân tộc. Chị đã khẳng định: “Văn học các dân tộc thiểu số là một bộ phận đặc thù gắn bó mật thiết với văn học dân tộc; quốc gia, cùng thực hiện chức năng cơ bản của văn  học, nhằm phát huy hiệu quả của văn học đối với đời sống xã hội”.

Phần thứ hai là tập hợp các bài viết nghiên cứu, phê bình về các tác giả, tác phẩm văn học thiểu số đặc sắc như “Viết bằng lời quê hương, Con đường hẹn nhau, Các nhà văn xứ Lạng”… lần lượt viết về các tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên phê bình xứ Lạng. Mỗi bài viết là một bức chân dung khác nhau về các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của văn học dân tộc thiểu số của Lạng Sơn nói riêng và cả nước nói chung. Phần thứ ba là tuyển tập các tác phẩm văn học dân tộc thiểu số tiêu biểu từ thơ cho đến văn xuôi của các tác giả như: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Mã Thế Vinh…

Đánh giá về cuốn sách, nhà nghiên cứu Hà Lý, Ủy viên Ban Thường vụ và Hội đồng nghệ thuật Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cho rằng: “Điều đáng nâng niu, trân trọng vì tác giả là một cây bút nữ người dân tộc Tày. Chị viết trước hết bằng cái tâm với sự nghiệp và với góc nhìn của người trong cuộc. Chị là người hiểu mình, tự thấy mình cần làm một viên đá nhỏ lát thêm trên con đường núi nơi bản làng. Chị cũng hiểu, chính những con đường ấy đã nâng bước người vùng cao vào đời, đi ra với đời, rồi lại trở về với quê hương”.

*

Tuy rất nặng lòng với việc nghiên cứu, phê bình văn học, nhất là văn học của cộng đồng dân tộc thiểu số, nhưng Lộc Bích Kiệm vẫn hiểu và thấm thía một điều rằng: Chính sáng tác văn chương mới thể hiện sinh động nhất tâm hồn mình (nhất là sáng tác thơ ca). Vì thế, chị cũng sáng tác khá nhiều (với bốn tập thơ riêng).

Lộc Bích Kiệm – nhà văn xứ Lạng với nỗi niềm tha thiết giữ gìn bản sắc quê hương - 4

Bản sắc văn hoá Tày thấm vào tâm hồn chị từ thuở ấu thơ. Và tiếp tục cuộc hành trình sống và sáng tạo của mình, bản sắc ấy, màu chàm ấy lại theo chị suốt chặng đường khám phá và hoạt động nghệ thuật.

Thơ Lộc Bích Kiệm trước hết là thơ viết về bản sắc quê hương xứ Lạng, về mảnh đất thân yêu đã nuôi dưỡng chị thành người. Tình yêu ấy cứ bền bỉ, thắm đượm, trĩu nặng yêu thương. Nói đến Lạng Sơn là nói đến hoa đào, nói đến vùng đất biên giới địa đầu phía Đông Bắc của Tổ quốc. Tác giả giới thiệu mảnh đất thân thương của mình ấy với sắc xanh của cây, sắc đỏ thắm của hoa đào với những non xanh, đồi mướt… trong bài thơ Biên giới mùa xuân: “Trời xanh xanh thẳm ánh non xa/ Đồi tiếp đồi xanh mượt thướt tha./ Biên giới mùa xuân hào quang tỏa./ Bên nhau xây đời tựa như hoa.” và “Dẫu ngàn đông giá rét/ Vẫn thắm đào Mẫu Sơn”.

Chị tinh tế nhận ra cái vẻ đẹp của những cánh rừng thay lá, của dòng sông Kì Cùng lặng lẽ, trầm tư: “Rừng trở mình/ Cây thay lá…/ Dòng Kỳ Cùng/ Lặng lẽ trầm tư” (Thu xứ Lạng).

Quê hương Lạng Sơn giàu truyền thống lịch sử cũng trở thành nguồn cảm hứng lớn trong thơ chị. Trong bài thơ “Điệu hát Chi Lăng”, địa danh Ải Chi Lăng hiện lên sừng sững đã nhắc nhớ về những chiến công oanh liệt của dân tộc. Cảm xúc đứng trước di tích lịch sử hào hùng ấy thật khó nói, quá khứ đan xen hiện tại, đau thương xen lẫn tự hào: “Những ngọn giáo/ Sáng lên trời cao/ Nhắc nhớ thửa nào/ Quân Liễu Thăng cướp nước/ Bừng sáng thêm khí tiết nhà Lê”…

Và cho đến ngày nay, mảnh đất ấy đã hồi sinh, thay da đổi thịt, mang đến cho đời hương thơm, trái ngọt, cho cuộc sống yên bình: “Nay bình yên một khoảng trời quê/ Đá sừng sững, na phủ màu xanh biếc”…

Trong một bài thơ khác, chị đã miêu tả Lễ hội quê hương với cảm xúc tự hào: “Ta như lạc vào chốn thiên cung…/ Cái trầm tích ngàn xưa/ Cái tinh khôi dự báo/ Cứ nồng nàn lễ hội quê tôi!” (Lễ hội quê tôi).

Có thể thấy cảm xúc về quê hương xứ Lạng trong thơ chị thật nhiều hình nhiều vẻ, lúc trào dâng, tha thiết lúc lại lặng lẽ, ẩn giấu trong sâu thẳm tâm hồn. Đó chính là sắc màu quê hương thân thuộc mà chị đã nhận ra trong bài thơ Sắc màu quê hương một sắc chàm giản dị mà đậm đà bản sắc văn hóa miền núi với mầu áo chàm đặc trưng: “Màu chàm giản dị thân thương/ Màu chàm thuỷ chung son sắt/ Màu chàm đời mẹ khó nhọc/ Theo con suốt cả dặm đường”.

Bản sắc văn hoá Tày thấm vào tâm hồn chị từ thuở ấu thơ. Và tiếp tục cuộc hành trình sống và sáng tạo của mình, bản sắc ấy, màu chàm ấy lại theo chị suốt chặng đường khám phá và hoạt động nghệ thuật.

Bên cạnh xúc cảm về vẻ đẹp bản sắc quê hương xứ Lạng, trong thơ Lộc Bích Kiệm còn một dòng chảy cảm xúc nữa luôn dạt dào, trào dâng đó chính là tình cảm tha thiết của người con dân tộc thiểu số với con người và quê hương xứ Lạng. Thơ chị dành bao tình thương mến cho người thân, gia đình. Tổ ấm gia đình là nguồn thơ vô tận của Bích Kiệm; nơi ấy, tình yêu thương, sự quan tâm chăm sóc được thể hiện rõ nhất. Nó là một khối sức mạnh tinh thần giúp chị vượt qua mọi sự gian khó trong cuộc đời. Tình yêu gia đình như tiếng nói yêu thương chan hòa ánh sáng, giúp tâm hồn chị thăng hoa, rung động, trước tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu cuộc sống, tình yêu lứa đôi.

Người đọc sẽ bắt gặp những bài thơ rất chân thật, ấm áp tình gia đình, như: Bà tôi, Bà ơi, Mẹ, Làm mẹ, Mẹ ốm, Dì Trang và cu Phúc, Con gái…Bài thơ “Bà tôi”, chỉ với 4 câu thể 6 chữ, cấu tứ bài thơ tự nhiên, người đọc thấy ngay hình ảnh và cảm xúc trong thơ chị dễ dàng tuôn chảy: "Là người sinh ra từ núi/ Cuộc đời mòn mỏi lá rơi/ Đơn côi trở về với núi/Tình thương gửi lại cho đời".

Mỗi lời thơ cất lên tựa như lời kể về câu chuyện cuộc đời của người bà đáng kính. Không cầu kì hoa mĩ; không rào trước đón sau, mỗi từ ngữ vang ra một cách tự nhiên, nghe phảng phất giọng trầm ấm của bà kể chuyện bên bếp lửa năm xưa. Biết bao yêu thương, biết bao thành kính dâng lên trong lòng mỗi người làm con, làm cháu.

Nếu bài thơ “Mẹ ốm” thể hiện tâm trạng buồn đau, lo lắng của con gái khi mẹ ốm vào đúng ngày xuân khiến mọi thứ đều trở nên vô nghĩa, thì đến bài thơ Hiểu từ mẹ hình ảnh của mẹ lại mang tầm khái quát. Nhà thơ thể hiện sự thấu hiểu, tri ân công lao của mẹ: “Một phụ nữ bình thường đã là vĩ đại/ Đã bao giờ bạn hiểu điều lớn lao trong lời nói bình thường như thế/ Bạn hãy nhìn lại cuộc đời mẹ để thấm thía/ Bởi mẹ bạn cũng giống bao người mẹ trên đời”.

Trong “Sắc chàm quê hương”, mẹ trở thành dáng hình xứ sở, mẹ là nơi chốn bình yên để con tìm về: “Dáng mẹ hòa vào dáng núi/ Lom khom rắn rỏi lạ lùng”.

Câu thơ đã khẳng định sức mạnh vĩ đại của mẹ như sức mạnh của trời đất bao la. Chị cũng dành nhiều bài thơ tặng con. Trong bài “Con gái”, chị trải lòng bằng vần thơ chất chứa nỗi niềm tâm sự: “Mẹ sinh con là con gái./ Buồn thầm mẹ nhủ cùng con./ Đời con gái cá thả dòng./ Biết nơi nào là bến đợi./Mẹ sinh con là con gái./ Vời vợi lòng mẹ diết da./ Con gái là con người ta./ Biết là yêu thương được mấy”.

Lúc con vui, mẹ ngời ngời hạnh phúc. Khi con buồn, mẹ đau gấp ngàn lần. Đó là bản tính của mọi người mẹ trên đời. Lúc này, con cần lắm lòng mẹ che chở bao dung. Lời mẹ dặn dò con không nhiều lời mà thấm thía, cảm động: “Trong giá rét chồi non đang cựa quậy/ Trong đêm dài gà đã gáy râm ran/ Trong bất hạnh cuộc đời đã sang trang/ Nghe con nhé bình tâm mà vững bước” (Nghe con nhé). Những lời dạy bảo của mẹ, của cha, của bà đối với con gái trước khi đi lấy chồng – sẽ là hành trang quí giá trong suốt cuộc đời của người con gái sau này: “Mẹ trao em việc nương rẫy/ Bố bảo gái lớn lấy chồng/ Bà răn phải thạo phong tục/ Để còn gánh…cả quê hương” (Một thì con gái).

Là cây bút nữ dân tộc Tày tài hoa và đầy tâm huyết đối với văn học xứ Lạng, Lộc Bích Kiệm không chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu, phê bình và sáng tác văn học, còn hết mình trong công tác quản lý của Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn. Không chỉ diễn tả cái hay, cái đẹp của văn học dân tộc thiểu số mà chị còn bao quát cả những vấn đề cần hướng tới của bộ phận văn học này trong thời đại mới.

Quả thực, dù ở cương vị nào, ta cũng thấy một Lộc Bích Kiệm toàn tâm toàn ý với văn học dân tộc thiểu số với văn học xứ Lạng với một nỗi niềm tha thiết với việc giữ gìn bản sắc quê hương. Tác phẩm của chị giống như một cuộc hành trình từ làng bản đến mọi miền đất nước, từ con đường làng nhỏ lát đá đến con đường quốc lộ to,trải nhựa; từ khe suối đến dòng sông…

Và chị luôn nguyện làm một “viên đá nhỏ” trên “con đường lát đá” để góp phần đưa văn học dân tộc thiểu số dần hòa chung vào “dòng sông” văn học của đất nước. Lộc Bích Kiệm đã và đang lặng lẽ làm việc, sáng tác, sáng tạo, lặng thầm cống hiến cho đồng bào mình, quê hương mình để góp phần tạo nên sự đa thanh, đa sắc cho bộ phận văn học dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung, cho văn học xứ Lạng nói riêng đúng như mong ước của chị, một ngày kia chắc chắn rằng “sắc chàm xanh” sẽ tỏa rực rỡ dưới nắng vàng!

Hoàng Thị Thu Hương

Tin liên quan

Tin mới nhất