Minh Tứ: Neo lòng nơi bến sông xưa
Trong giới nhà báo, không ít người có duyên với văn chương, thành danh ở cả hai lãnh vực. Nhưng với những người giữ cương vị lãnh đạo cơ quan báo chí,số người gắn bó với văn chương lại không nhiều. Một phần vì nặng công tác quản lý, chuyên môn, phần vì không có thời gian. Chỉ những ai quyết bứt ra, tranh thủ viết mới có những sáng tác đến với công chúng. Nhà báo – nhà văn Trương Đức Minh Tứ, Tổng Biên tập Báo Quảng Trị,Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị, là một trong số ít đó.
Ngoài thành công trong nghiệp báo, bây giờ gia sản văn chương của Minh Tứ cũng đã khá dày, đáng để nể phục về lao động chữ nghĩa của anh. Tôi biết Minh Tứ đã lâu. Phần vì cùng lứa tuổi, chúng tôi có nhiều bạn bè chung ở quê hương Quảng Trị, ở mái trường phổ thông, đại học. Tứ học trường Đại học Tổng hợp Huế, tôi học ở trường Đại học Tổng hợp TP HCM.
Nhà báo - Nhà văn Trương Đức Minh Tứ (Nguồn: cpc.vn)
Ra trường, Tứ về tỉnh Gia Lai, tôi về tỉnh Đắk Lắk, cùng làm báo thời sự, văn nghệ. Rồi cuộc sống đẩy đưa, tôi về TP HCM, Tú về lại quê hương Quảng Trị. Tứ thăng tiến vững vàng, được nhiều người quý mến vì tính cách chân thật, điềm đạm, vì năng lực chuyên môn và tầm nhìn xa trong lãnh đạo, sâu sát, hiệu quả trong quản lý.
Bình Định: Miền đất võ (Đọc “Võ cổ truyền Bình Định” của Nguyễn An Pha)
Không trò chuyện nhiều vì xa cách không gian địa lý, nhưng hiểu nhau thì không ít, qua nhiều kênh, qua những con chữ bước ra với đời. Chừng đó cũng đủ để có những thấu hiểu, đồng cảm và những sẻ chia, nhất là khi chúng tôi đều vào lứa tuổi đi qua hết những buồn vui, sướng khổ của cuộc đời.
Lần này, đọc “Về bến sông xưa” (NXB Thuận Hóa, 2022) - tập tùy bút mới nhất của Minh Tứ, tôi mừng cho bạn và đọc trong niềm vui, lắng lòng qua những trang sách vừa thầm lặng vừa lao xao nói cho bạn đọc nhiều điều. Với thể loại bút ký, yếu tố quan trọng nhất là tính chân thật, qua tập sách này thể hiện rất rõ. Điều này cũng gần với tính cách chân thành, lối sống hiền lành của Minh Tứ trong đời sống thường ngày cùng những quan sát tinh tế và nhận định xác đáng về sự kiện, nhân vật.
Đọc “Về bến sông xưa”, ta thấy nhân vật sống động, hình dung được một đoạn đời, một phần đời và tính cách họ sống trong đời. Người đọc thấy những tấm gương sống đẹp, tử tế, có sự cảm phục mến yêu, ấy là nhờ Minh Tứ luôn đem đến cho người đọc thấy rõ sự chân thành, tin cậy qua những dòng anh viết.
Tác phẩm "Về bến sông xưa" (Nguồn: Báo Hà Tĩnh)
Với Ngô Thảo, tác giả khắc họa chân dung một người hết lòng với bạn văn, một nhà văn dấn thân, viết rất sâu sắc về tác phẩm, tác giả, nhất là những nhà văn tên tuổi ở Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội: Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn MinhChâu, Thu Bồn.
“Thông thường trong thể loại phê bình văn học, người ta viết từ ngoài viết ra, tức là đọc tác phẩm nhà văn rồi đánh giá, nhận xét, còn Ngô Thảo thì viết từ trong viết ra, tức là ông viết về các nhà văn từ cách nhìn từ bên trong, quan sát cuộc sống đời thường của nhà văn, quá trình lao động nghệ thuật, thai nghén tác phẩm, từ đó mới hình thành chân dung của từng nhân vật”.
Quả là một nhận xét thấu đáo và chí lý. Cũng qua chân dung này, bạn đọc được tiếp cận văn bản đầy đủ của bải thơ nổi tiếng của nhà thơ Thu Bồn với tựa đề “Bởi vì em”, được nhà văn Ngô Thảo lưu lại sau khi được chính “người trong cuộc” – nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Minh Châu, nay định cư ở Pháp trao lại. Bài thơ gốc có những chỗ khác biệt so với “Tạm biệt Huế” đăng trên báo và đi vào lòng người yêu thơ, được xếp vào hàng những bài thơ tình hay nhất và cũng là một trong những bài thơ hay nhất về Huế.
Những bài bút ký trong tập này được viết một cách đầy đặn. Bài nào cũng nhiều chi tiết sống động, giàu hình ảnh, giàu liên tưởng mỹ cảm. Phải am hiểu nhân vật, được nhân vật tin yêu, kể lại những tâm sự, nỗi lòng gan ruột mới có những câu chuyện lay động, thức tỉnh như vậy.
Với “Người bạn Hà Nội”, câu chuyện tình của nhà báo Tạ Việt Anh thời chiến tranh chống Mỹ, sự lựa chọn của anh với “nhành thủy cúc” khiến bạn đọc tiếc nuối, càng tiếc hơn khi sau này đều lỡ dở, song nghĩ cho thấu đáo, lại thấy đó là cuộc đời, không ai được cả, không ai mất cả. Qua từng trang viết cho thấy một nhà báo Tạ Việt Anh thành công trong sự nghiệp, luôn giữ tấm lòng với đất Quảng Trị. Cách anh Tạ Việt Anh đền đáp với mảnh đất anh và đồng đội đã chiến đấu, hy sinh đã nói lên tâm tư, tính cách đáng quý của một con người.
Một chân dung người miền Tây Nam Bộ được khắc họa thành công là chân dung nhà báo Nguyễn Bé (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) với nhiều chi tiết đắt, giúp bạn đọc hiểu thêm về sự hồn hậu, chân tình, phóng khoáng, mộc mạc của người miền Nam.
Qua hồi ức của anh Nguyễn Bé về thời kháng chiến chống Mỹ, ở vùng cực Nam đất nước, sống và chiến đấu trên những bãi lầy, kênh rạch. Thương làm sao tặng vật để lại cho nhau là chiếc móc cua, thùng đạn. Chiếc móc cua đã cải thiện bữa ăn, giúp cho bao thương binh hồi sức; thùng đạn chiến lợi phẩm nhét tất cả tư trang, khi giặc càn thì nhấn sâu dưới bùn không lo bị ướt, giặc rút, lại ra sông kéo lên.
Đến khi đất nước thống nhất, những người yêu mến đất Mũi cứ canh cánh bên lòng nỗi đường xa cách trở, đi lại khó khăn, không thể tạo sức bật để phát triển. Xưa, muốn về đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), chỉ đi bằng phương tiện thủy, từ bến Năm Căn theo sông Cửa Lớn mà về. Nay đã có cầu Năm Căn, rồi mở đường cho ô tô về đến tận xã.
Qua ngòi bút Minh Tứ, nhà báo Nguyễn Bé đúng là điển hình của người con miền Tây Nam Bộ, sống thẳng ngay, trọn vẹn nghĩa tình. Bạn đọc khó quên chuyện anh đãi khách quý bộ lòng con cá lóc nướng, biết chưa quen khó ăn, anh nói nên vục nước kênh mà uống cho khỏe. Nước kênh màu đỏ nhưng trong vắt và uống thơm như có mùi lá tràm, như lòng người Nam Bộ. Cái đọng lại trong văn chương lâu nhất, neo lại thẳm sâu nhất, luôn là chữ tình.
Với “Về bến sông xưa”, thêm một lần Minh Tứ tỏ bày tình yêu con người, cuộc sống, yêu đất nước và quê hương Quảng Trị với tất cả đời mình. Không chỉ từ tâm cảm của anh, mà từ những người anh gặp, quen biết, những người anh, người bạn của anh, những người có tình cảm sâu nặng với Quảng Trị. Nhiều người viết chân dung nhà báo Phan Quang, song Minh Tứ là số ít người viết thành công chân dung của ông - một con người tài hoa của đất Quảng Trị, người đóng góp lớn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Với bút ký “Người thắp lửa dòng sông”, tác giả nhắc lại 4 câu thơ nổi tiếng của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương, một cựu binh trên chiến trường Quảng Trị những ngày máu lửa nhất:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
đáy sôngcòn đó bạn tôi nằm
có tuổi hai mươi thành sóng nước
vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”
Xúc động càng dâng lên với câu chuyện Lê Bá Dương thả hoa trên dòng Thạch Hãn, nước mắt anh rơi và người mẹ chèo đò già nua cũng rơi nước mắt, từ đó nhân lên thành lễ hội thả hoa trên sông hàng năm tưởng nhớ anh linh liệt sĩ…
Những trang khắc họa chân dung các nhà văn – nhà báo Văn Công Hùng, Nguyễn Tiến Đạt được anh viết nhẹ nhàng, tình cảm, người đọc cảm và hiểu về những tình bạn sâu sắc của các anh thời mới vào đời, cùng dấn thân nghiệp chữ, những vất vả của một thời bao cấp, song đều vượt lên, thành danh, sự nghiệp vững vàng. Với Nguyễn Tiến Đạt còn là những dòng tiếc thương cho một tài hoa sớm từ bỏ cõi đời khi tuổi còn rất trẻ.
Bằng vốn sống, vốn nghề phong phú, “Về bến sông xưa” trải ra cho người đọc ngồn ngộn thông tin. Bên cạnh văn phong khúc chiết, từ ngữ chắt lọc còn có nhiều tư liệu hay và đắt, tạo ấn tượng sâu. Cùng với mảng bút ký chân dung, những tự sự của Minh Tứ về dòng sông, ký ức thời học sinh, sinh viên rất đẹp, để lại nhiều tình cảm cho bạn đọc. Đặc biệt những trang viết về nghề văn, nghề báo, nhất là nghề báo với những vinh quang và cả phũ phàng, bất trắc mà anh nếm trải, nhưng đều vượt qua bằng dũng khí, bằng sự yêu nghề để đi trọn với nghề.
Tập bút ký khép lại với lời cảm ơn cuộc đời. “Ngày đã qua dù êm đềm hay giông bão đều cho chúng ta những ký ức xanh tươi, là hành trang mang theo để còn có thể đi tiếp về phía cuối con đường”…
Những năm gần đây, giữa đông đảo rất nhiều nhà thơ xuất hiện và định hình, thì thơ Bùi Phan Thảo có phần nổi trội...
Bình luận