Nhớ nhà văn Nguyễn Văn Bổng - Từ Việt Bắc đến chóp mũi Cà Mau

(Arttimes) - Tiểu thuyết Con trâu của nhà văn Nguyễn Văn Bổng in lần đầu tại khu V vào năm 1952 đã đạt giải thưởng Phạm Văn Đồng. Năm sau, in lại ở Việt Bắc, đạt giải ba của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954 - 1955). Tiểu thuyết được trích dùng trong chương trình văn học phổ thông và được tái bản đến lần thứ chín, dịch ra tiếng Nga, Trung Văn, tiếng Pháp

LTS: Năm 2021, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Thời báo Văn học Nghệ thuật trân trọng giới thiệu bài viết về ông trong cuốn sách “Những số phận. Những cuộc đời” của nhà báo Nguyễn Ngọc Phan do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Đây một trong số những bài chưa từng công bố. 

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng:

- Năm 1949, Ban đại diện văn hóa miền Nam Trung Bộ được thành lập, có tiếng nói riêng là tờ Tạp chí Miền Nam. Tôi tham gia trong Ban biên tập. Sau đó chi hội văn nghệ Liên khu ra thêm tờ báo Văn nghệ Liên khu V, tôi được cử làm Tổng biên tập. Tôi vẫn thường đi và viết. Đi chiến dịch với bộ đội, dự các trận đánh và viết ngay trên vùng giặc chiếm. Viết không có bàn ghế, bởi trong vùng đó địch đốt phá hết. Phải kê ghế ngồi, để giấy trên mặt chõng mà viết. Có lúc đi theo ban chỉ huy về căn cứ trên núi, chờ lúc họp, ghé ánh đèn để viết. Có khi dầm chân trong nước suối, kê giấy trên đá mà viết. Năm 1951 - 1952, sau chiến dịch Đông Xuân ở Quảng Nam - Đà Nẵng tôi đã viết tiểu thuyết Con trâu trong những điều kiện như vậy.  

- Vì sao cuốn tiểu thuyết đó lại được đặt tên là Con trâu? Nhà văn kể:

- Trong cuộc kháng chiến chín năm, giặc Pháp đánh ta không những về quân sự mà còn đánh ta về kinh tế nhằm làm cho bộ đội và du kích đói, không sống được để có khả năng trường kỳ kháng chiến. Chúng chủ trương phá hoại sản xuất, mùa màng, đốt phá kho thóc, giết hại trâu…, bởi “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nhất là trong những năm kháng chiến gian khổ, không những trâu dùng để cày, bừa, mà trâu còn dùng làm sức kéo. Giặc Pháp ra lệnh cho lính Ngụy đi càn, cứ giết một trâu bằng giết ba người nông dân. Riêng trong xã Hồng Phong, chúng vừa bắn chết, vừa cướp mất hơn ba trăm con. Giặc Pháp tiêu diệt trâu để dân mình không sản xuất được, tức là không sống được. Cho nên đồng bào Quảng Nam đã phát huy óc sáng tạo, tìm mọi cách để bảo vệ trâu, bảo vệ quyền lợi sống còn của con người. Bảo vệ trâu là bảo vệ sản xuất, phát triển phong trào du kích. Chuyện con trâu đưa đến tổ chức du kích, xây dựng làng kháng chiến. Con trâu đã trở thành một “chiến trường” giữa ta và địch. 

- Như vậy, tiểu thuyết Con trâu là câu chuyện có thật…?  Nhà văn Nguyễn Văn Bổng: 

- Trong tiểu thuyết Con trâu, những nhân vật tôi xây dựng không hoàn toàn dựa trên nguyên mẫu mà lấy ở người này một ít, người kia một ít. Nhân vật là sự tưởng tượng trên nhiều người. Sự kiện là có thật. Tôi viết tiểu thuyết này khi chưa am hiểu nhiều lắm về nông thôn.

- Con trâu là tác phẩm văn học đầu tay của anh? 

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng chớp chớp mắt, bồi hồi nhớ lại kỷ niệm ban đầu: 

- Tôi sinh năm 1921. Bắt đầu đến với nghiệp văn bằng một tiểu thuyết gửi dự thi giải thưởng “Tự lực văn đoàn” (1938 - 1939) nhưng năm ấy Tự lực văn đoàn không trao giải thưởng. Quê hương tôi ở Quảng Nam, năm 1943, tôi tốt nghiệp Trung học ra làm giáo viên trường tư Thuận Hóa ở Huế. Hồi bấy giờ, Tế Hanh là bạn học và là bạn văn chương của tôi. Anh thúc đẩy tôi gửi bài cho báo Thanh Niên ở Sài Gòn. Tôi đã gửi truyện ngắn Say nửa chừng in trong số Tết năm 1944 của báo này, tiếp theo là truyện ngắn Làm lại cuộc đời và gửi đăng báo Thanh Nghị ở Hà Nội truyện ngắn Dưới đáy sông Hương. Tập bút ký Nhập vào đám đông của tôi được Nhà xuất bản Hoa Lư, Hà Nội in từ 1946.

- Dù với những bút danh khác nhau: Trần Hiếu Minh, Lê Nguyên Trung, Phượng Nguyễn… cũng vẫn chỉ là Nguyễn Văn Bổng - cái tên nghe rất mộc mạc, dân dã - với những tác phẩm như chính cuộc đời của anh gắn bó với từng giai đoạn cách mạng? Nhà văn Nguyễn Văn Bổng: 

- Tôi là người khu V nhưng ra Bắc không phải là đi tập kết. Cuối năm 1953, ra Việt Bắc dự hội nghị Văn nghệ và Tuyên huấn Trung ương về cải cách ruộng đất rồi sau đó đi cải cách ruộng đất đợt I ở Phú Bình (Thái Nguyên). Hòa bình lập lại, được điều động về báo Nhân Dân. Cắm thẻ đồng câu và Bếp đỏ lửa là những tác phẩm tôi viết trong thời kỳ này. Năm 1957, làm Phó tổng thư ký Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật… một thời làm Tổng biên tập báo Văn Nghệ … nhưng chỉ có miền Nam là thôi thúc, giục giã. Hai tiếng miền Nam làm nức lòng mọi người.  Nhưng ngày ấy hai tiếng miền Nam xa quá, đi vào đến bên này sông Hiền Lương phải dừng lại… Tập truyện ngắn Người chị là những kỷ niệm sâu đậm của tôi về miền Nam ruột thịt, đau thương và anh hùng. Cuối năm 1961, tôi gặp các đồng chí ở Ban Thống Nhất Trung ương năn nỉ xin về Nam. Giữa năm 1962, tôi được lên đường đi B… Đi đến đâu tôi viết đến đó. Viết ở trạm khách dừng chân nghỉ, viết trên đường đi. Viết khi trở về căn cứ Hội Văn nghệ giải phóng. Năm1964 về Bến Tre, tôi viết tập bút ký Cửu Long cuộn sóng. Vào hoạt động bí mật trong Đô thành, tôi viết Áo trắng… 

Nhớ nhà văn Nguyễn Văn Bổng - Từ Việt Bắc đến chóp mũi Cà Mau - 1 Nhà văn Nguyễn Văn Bổng (giữa) - Tiểu thuyết Con trâu của anh ra đời trong kháng chiến chống Pháp, 1952. Đến Rừng U Minh (dùng bút danh Trần Hiếu Minh) ra đời trong kháng chiến chống Mỹ, 1966 đều lấy nhân vật là những người nông dân…  Nhà văn Nguyễn Văn Bổng: 

- Cũng viết về người nông dân nhưng trong tiểu thuyết Con trâu (Thời kỳ kháng chiến chống Pháp) và Rừng U Minh (Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ) tôi thấy họ có những đặc điểm khác nhau. Trong tính cách của người nông dân ở miền Nam, ngoài những nét truyền thống, có những nét mới nảy sinh. Nông dân miền Nam đã đứng dậy đồng khởi với tất cả sức mạnh của lòng yêu nước, đồng thời cũng có những sức mạnh của ước mơ hướng về miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Đó là nét mới của người nông dân ở Rừng U Minh. 

- Vậy là gần một nửa thế kỷ tiểu thuyết Con trâu ra đời. Từ con trâu động vật, người ta ước ao có con trâu sắt. Nông nghiệp tiến lên hợp tác hóa, rồi giao khoán sản phẩm… Hiện tại nhà văn đang ấp ủ tác phẩm gì? Nhân năm Đinh Sửu, anh có định viết hậu Con trâu không? Ngay từ khi bước vào tuổi thất thập, mắt Nguyễn Văn Bổng đã bị mờ, từ bệnh Thiên đầu thống. Sáu lần mổ mắt, đã thay thủy tinh thể. Giờ đây mắt trái của anh hỏng hoàn toàn. Mắt phải của anh còn 2/10. Con người từng một thời ngang dọc với Đường về Nam; Cửu Long cuộn sóng; Sài Gòn ta đó; Sương mù Đà Lạt; chuyện Bên cầu chữ Y… rồi dừng lại ở Tiểu thuyết cuộc đời!(1) Nói chuyện ít phút, anh mệt, giọng nhỏ dần: 

- Tết Đinh Sửu, tôi được đại diện Hội Nhà văn, Tuần báo Văn Nghệ, đặc biệt đồng chí Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, rồi đồng chí Hữu Thọ đến chúc tết. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật đưa tôi số tiền để tài trợ cho tác phẩm định viết nhưng tôi ốm, chưa sáng tác được, tôi không dám nhận. Anh Nguyễn Đình Thi cười cười, cứ nhận đi, dùng uống thuốc cũng được, khỏe rồi viết sau. Tôi kiên quyết không nhận. Bao giờ viết được hẵng hay. Nguyễn Văn Bổng dừng lại, trầm ngâm, ngồi im như pho tượng. Có lẽ cách đây nửa thế kỷ, anh cũng từng ngồi trầm ngâm như vậy thai nghén tác phẩm, để rồi sau đó, trên tận rừng núi Việt Bắc, người ta được đọc Con trâu viết từ khu V. Và cách đây hơn ba mươi năm, anh cũng lặng lẽ vượt Trường Sơn vào tận chóp mũi Cà Mau, ngồi trầm ngâm, để lòng xao xuyến trước một ánh lửa buổi chiều trên cánh đồng Cà Mau còn trơ gốc rạ, lặng nghe một tiếng cá quẫy trong đêm trên kênh rạch, ngắm những con ong đi tìm mật trên bông tràm… để rồi sau đó từ Hà Nội sục sôi không khí chống chiến tranh phá hoại của để quốc Mỹ, bạn đọc Thủ đô và cả nước được đọc Rừng U Minh… 

Nguyễn Ngọc Phan  None

Tin liên quan

Tin mới nhất