Tâm tình đồng đội
Truyện ngắn của Vũ Viết Ngà
Nhóm bạn cựu chiến binh, đồng ngũ cùng đơn vị. Năm nào cũng gặp nhau được một vài lần, vào các dịp kỷ niệm ngày cùng nhau nhập ngũ, mừng bạn lấy vợ cưới chồng, mừng tân gia nhà mới, dự tiệc cưới con, cưới cháu, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, đều thông tin cho nhau tụ họp.
Chuyến đi chơi xa hôm nay, trên chiếc xe bảy chỗ. Do đại gia Hoàng Đức C cầm lái.
Bốn ông bạn thân, một thời đạn bom chia nhau bánh lương khô, chăm nhau từng trận sốt rét rừng. Nhiều kỷ niệm máu thịt nên không thể quên nhau được. Rất may, họ đều sống sót trở về. Mỗi người, có những niềm vui, nỗi buồn khác nhau. Trải qua thời kỳ bao cấp, sang cơ chế thị trường, đến thời đất nước mở cửa. Gia cảnh giầu nghèo khác nhau họ vẫn thủy chung nghĩa tình đồng đội.
Lần gặp nhau gần nhất, anh em bảo tôi:
- Ông là nhà văn nên viết về kỷ niệm về anh em mình nhé.
Tôi bảo:
- Chuyện của chúng mình đã nằm chật trong tiểu thuyết cùng 5 tập thơ của tôi rồi. Các ông đọc kỹ, sẽ soi thấy mình. Còn hôm nay, xin chuyển đề tài. Tên thật của mỗi người, từ tuổi cao đến thấp sẽ bằng ký tự: (A,B,C,D). Chuyện được kể sau thời gian ra quân nhé. Tôi vẫn giữ nguyên cốt chính. Song sẽ hư cấu ít nhiều của góc nhìn văn học. Anh em đồng ý chứ?..
Mọi người đồng thanh ủng hộ. Người được kể đầu tiên:
Nguyễn Văn A, quê Đồng Nguyên, Từ Sơn, Bắc Ninh. Đồng đội cao niên nhất nhóm. Năm cùng nhau khoác ba lô vào Trường Sơn (1970). Anh đã sinh con trai đầu lòng. Mỗi lần ra Bắc nhận vật tư, khí tài, lại tranh thủ về nhà. Sau mỗi chuyến đi lại sinh thêm con.
Ngày ra quân (1980), đến năm 1984, tòi thêm đứa con trai út, vợ chồng mới có kế hoạch “cai sinh”. Thời gian qua đi, các con lớn khôn. Năm đứa con, ba trai, hai gái lần lượt dựng vợ, gả chồng. Đồng đội đều có mặt chung vui chúc mừng gia đình bạn.
A thổ lộ: “Sống ở quê, anh em họ tộc, gần gũi yêu thương, có lệ làng, phép nước. Các cháu đựợc cha mẹ hai bên tác thành, xây tổ ấm. Trước khi dựng vợ, gả chồng tìm hiểu kỹ càng, “môn đăng, hậu đối”. Bởi vậy, sau này ra ở riêng, có lúc va chạm, đôi khi “cơm không lành, canh không ngọt” đều được gia đình làng xóm khuyên răn nên cuộc sống trở lại êm đềm hạnh phúc”.
Vợ chồng A, còn là gương sáng, vượt khó. Đi lên bằng đôi bàn tay trắng, qua những thời kỳ đất nước khó khăn. Anh chị hay lam, hay làm, nhà nông, trăm công nghìn việc nên nhìn kỹ, thấy già hơn so với tuổi. Nhưng hạnh phúc đủ đầy. Năm đứa con đã có thổ đất riêng, xây nhà mái bằng ba, bốn tầng, ba con trai, có xe tải, taxi chở hàng, chở khách, hai cháu gái, có cửa hàng ngoài phố Từ Sơn. Mỗi dịp vui, gia đình quây quần bên nhau, con cháu, chắt nội, chắt ngoại hơn 20 mươi người thật đầm ấm, mãn nguyện.
Khác với A, ba anh em: B, C, D đều sống trong thành phố Hà Nội. Trần Văn B, Sau ngày ra quân, hưởng chế độ chính sách, “người có công”. Trở về đời thường, tham gia hoạt động chính quyền địa phương, có thêm chút thu nhập.
Sau ngày xuất ngũ, làm đủ ngành nghề. Hai vợ chồng, quyết tâm nuôi dạy, ba con trai ăn học. Các cháu đều ngoan ngoãn, học hành xuất sắc, tốt nghiệp phổ thông, thi đỗ vào các trường đại học uy tín.
Hoàn cảnh bố mẹ, làm công ăn lương nên kinh tế chẳng dư dả gì. Ngày còn ngồi giảng đường, mỗi con, một tuần chỉ được chu cấp thêm 10 ngàn đồng. Dịp sinh nhật, các con tổ chức tại nhà với bánh quy, kẹo vừng, kẹo lạc. Biết bố mẹ nghèo, anh em phấn đấu vươn lên, chúng đi làm, kiếm thêm thu nhập, trau dồi thêm kiến thức, khi ra trường, đều có việc làm.
Những năm 2000, kinh tế mở, chúng đều thành lập công ty riêng. Cậu em út được học bổng đi du học. Tốt nghiệp, về nước, không phù hợp ngành nghề chuyên môn, liền trở lại Canada lập nghiệp.
Thời kinh tế mở cửa. Công ty của em phía Nam năng động phát triển. Công ty của anh ngoài Hà Nội không thuận buồm xuôi mái nên vợ chồng bất đồng trong kinh doanh. Không cùng quan điểm nên con dâu, tách ra thành lập chuỗi cửa hàng riêng. Thời công nghệ lên ngôi, hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, nhờ có ngoại ngữ tiếng Trung, tiếng Anh khá, sang tận nước bạn đánh hàng, kinh doanh online trên mạng, hàng ship đến trước cửa nhà khách tiêu dùng. Một vốn, bốn lời nên thu nhập khá giả…
Công ty của chồng, tuy vẫn đứng vững, nhưng thực lãi rất thấp. Vợ đề nghị cải tổ nhân sự. Chồng thương bạn đồng niên khó khăn, nhiều năm cùng làm ăn, nên không lỡ cho thôi việc. Không đồng quan điểm. Kể từ ấy “cơm không lành, canh không ngọt”. Bế tắc trong cuộc sống nên quyết định ly hôn.
Ông bà B, liền điện cho gia đình sui gia. Tin sét đánh, ông bà sửng sốt, bà sui gia, nước mắt ngắn dài, đau buồn, sang chấn tâm lý, ngất xỉu đi.
Khuyên giải cho con, nhưng con nhất mực không nghe. Người thân, hàng xóm tiếc nuối cho cặp đôi, sống thuận hòa bấy lâu nay. Tòa quyết định, cho chúng ly hôn. Vợ chồng không chia con mà cùng thống nhất… một tuần các con sống bên bố, một tuần sang mẹ.
Từ ngày hai cháu về ở với ông bà nội, bữa ăn hàng ngày, bà phải lo phục vụ. Nhìn lũ trẻ thiếu thốn tình cảm, ông bà càng yêu thương hai cháu, còn hơn cả, thời nuôi các con.
Mấy năm nay, ông bà đi du lịch thưa dần. Chỉ dịp nghỉ hè, kết hợp đưa cháu cùng đi chơi để chúng cảm nhận, giao lưu, thăm quan, vãn cảnh. Các cháu đi tour dài, đôi khi chúng mè nheo thay đổi quyết định, đòi về mà vé tour khứ hồi, đâu có rẻ. Món ăn trên rừng, dưới biển, chúng không ăn nên khó phục vụ. Ông bà đành nén lòng để các cháu vui. Ông bà tháng nào cũng tiêu gọn lương hưu cho các cháu. May mà có các con cùng các em chi viện thêm nên mọi khó khăn dần qua đi. Hai năm nay, Covid bùng phát, mẹ nó kinh doanh bất ổn. Nhìn hai con trưởng thành, thầm cảm ơn ông bà. Vợ chồng nó vẫn tôn trọng nhau nhưng chồng nó tự ái cao nên mất hết cảm giác yêu thương. Chúng ràng buộc nhau, chỉ vì nghĩa vụ con cái.
Năm nay, các bạn của B, tổ chức chơi xa, chỉ mình ông tham dự còn bà phải ở nhà lo cho các cháu. Anh em, chơi với nhau nhiều năm nên ai cũng thấu hiểu hoàn cảnh gia đình của bạn…
Chuyện của Hoàng Đức C, ai cũng biết. Sau năm 1975, C chuyển ngành về cơ quan. Đang lúc có đợt xét duyệt đi học tập, lao động tại Đông Âu. C được cơ quan cử đi học tập tại Liên Xô.
Những năm bên nước bạn, đa phần lưu học sinh và những người lao động xuất khẩu. Phải buôn bán, kiếm việc làm thêm. Các đôi nam nữ, tựa vào nhau để kiếm kế sinh nhai. Các cô làm công việc bán hàng, các anh lo… quan hệ nguồn hàng, đóng thùng vận chuyển. C có thân hình cao lớn đẹp trai nên lọt vào đôi mắt xanh của cô bạn cùng thành phố. Họ mua được quầy hàng tại chợ “Vòm”. Mấy năm sau, phát triền thêm mấy quầy mới nữa. Do giỏi ngoại ngữ, biết cách quan hệ với quan chức người bản địa nên mua được cả kho hàng lớn, đánh hàng về bán trong nước, hàng sang Nga là áo gió Trung Quốc cùng hàng nội địa sản xuất , cộng thêm hàng mỹ phẩm rẻ tiền. Hàng buôn hai chiều, nên có lãi khủng.
Sau năm 1994, tình hình Liên Xô phức tạp. Hai vợ chồng C, đưa nhau về nước sinh sống. Thời gian đầu, anh chị xuôi ngược trong Nam, ngoài Bắc, học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt thời cơ, dự báo ngành hàng kinh doanh có lãi.
Vợ chồng quyết định thành lập công ty. Do có kinh nghiệm lăn lộn thương trường, hòa nhập nhanh, trong thời kỳ đổi mới. Từ mô hình kinh doanh vừa phải, dự đoán ngành hàng mà người tiêu dùng đang hốt. Công ty nhanh chóng, xây dựng chuỗi nhà máy liên hoàn, trở thành doanh nghiệp lớn, nổi tiếng đất Hà Thành.
Người ngoài nhìn vào, ngắm khối tài sản đồ sộ, ai cũng tưởng rằng sung sướng lắm. Một tháng, có bốn ngày nghỉ chủ nhật, song phải tiếp hàng trăm cuộc điện thoại của đối tác kinh doanh, lo tiền hàng, xắp xếp công việc cho tuần mới. Nên bận rộn quanh năm. Mãi tới năm sang tuổi bảy mươi, ông bà mới trao dần quyền cho các con quản lý doanh nghiệp.
Kinh nghiệm từ trước đến nay thường thấy: Người giầu… sinh toàn con gái. Trường hợp này, đối với vợ chồng Hoàng Đức C quá đúng! Sáu năm, vợ chồng sinh liền ba đứa con. Sau chục năm, định sinh thêm… kiếm đứa con trai. Do tuổi cao, công việc sản xuất quá bận rộn nên ngại ngần… rồi quyết định không sinh thêm con nữa.
Ba cô con gái của Hoàng Đức C lớn lên đều xinh đẹp, học hành đỗ đạt. Cô chị cả sinh trong thời gian còn ở nước Nga, năm hai mươi tuổi kết hôn với người bạn thuở thiếu thời bên ấy rồi đưa nhau sang sống tại nước Nga. Hai vợ chồng, sinh cháu gái đầu lòng. Lúc con lên ba tuổi, làm ăn bên nước bạn khó khăn.
Ông Hoàng Đức C ở trong nước kinh doanh mở rộng, cần người giúp việc. Vợ bàn với chồng về nước khởi nghiệp. Anh chồng không nghe, quyết định ở lại nước Nga. Thời buổi khó khăn, vợ đành… mang con về nước. Dặm trường cách trở, tình cảm nhạt phai nên chúng quyết định ly hôn. Con gái về ở với mẹ cùng ông bà ngoại. Hai năm sau, mẹ nó lấy chồng khác, mở công ty đại diện cho ông bà ngoại tại TP Hồ Chí Minh. Đứa con gái, gửi ông bà ngoại ngoài Hà Nội nuôi dạy. Vợ chồng Hoàng Đức C thương con nên phải nuôi cháu. Mẹ nó tiếp tục sinh thêm 2 đứa con với anh chồng mới, thi thoảng mới ra Hà Nội thăm con, dịp nghỉ hè, cháu mới vào TP Hồ Chí Minh thăm mẹ.
Sinh thêm con, mẹ nó đột ngột trở bệnh, ông bà phải thường xuyên bay vào thăm con, cung cấp tiền cho con ra nước ngoài chữa bệnh, ngoài ra… còn phải chu cấp kinh phí cho các cháu sinh hoạt, học tập. May mà đại gia có điều kiện, nuôi nhiều người giúp việc nên ông bà C, vẫn có thời gian tập trung cho sản xuất kinh doanh.
Ngày cháu thứ hai, con ông bà C, tốt nghiệp cử nhân Đại học Thương mại. Tiếp tục học nâng cao đã bén duyên cùng anh Tiến sỹ, giảng viên dạy trong trường. Các cháu mến tài nhau.
Sau khi bảo vệ thành công luận án Thạc sỹ. Đôi bạn trẻ tiến tới hôn nhân. Cô thạc sỹ về công ty gia đình điều hành sản xuất, anh chồng ngoài giờ dạy trong trường còn làm thêm mảng marketting cho công ty cha mẹ vợ, mức lương hậu hĩnh. Vợ chồng được bố mẹ sắm cho ô tô tiền tỷ. Cuộc sống êm đềm, chúng sinh liền ba con, nhưng nuôi lũ trẻ… là các bà bảo mẫu giúp việc…
Mấy năm sau, không hiểu anh chồng, bị ai khích bác, dở chứng về đay nghiến vợ: “Người ta bảo anh phải núp váy gia đình vợ mới có ô tô để đi. Từ nay, anh về ở cùng cha mẹ đẻ. Anh đã suy nghĩ kỹ… không làm cùng gia đình em nữa”.
Vợ thuyết phục nhiều lần, song không thay đổi được mặc cảm của chồng.
Con gái ông bà, ngày nghỉ, phải đưa con về bên nhà nội chơi cùng bố. Đôi lúc, muốn tình cảm… cùng đưa nhau ra khách sạn. Gần đây, anh con rể bị mất ô tô, bố mẹ vợ phải sang tên cho chiếc khác, thời gian tiếp sau. Đôi lần anh chồng báo vợ: Xe ô tô bị tai nạn hỏng. Bên bị hại… giữ xe, đòi bồi thường 500 triệu đồng. Gia đình vợ, phải cắn răng đưa tiền để chuộc xe ra. Vợ nghi chồng bòn tiền nhà mình, mâu thuẫn đẩy lên cực điểm, không thể hàn gắn. Đôi vợ chồng trẻ, đường ai nấy đi. Ba cháu ở với mẹ nên ông bà ngoại lại tiếp tục đảm nhận công việc khó nhọc.
Đàn cháu bây giờ đã lớn khôn, đứa lớn nhất của chị cả, chị hai đều đã đi du học nước ngoài bằng tiền của ông bà. Cháu lớn sắp mãn khóa.
Nghe chuyện của gia đình Hoàng Đức C. Nguyễn Văn A, buột miệng chia sẻ: “Ở nhà quê chúng tôi, quản lý con cháu theo trật tự, truyền thống gia đình. Năm đứa con tôi, không có đứa nào dám bỏ vợ, bỏ chồng. Có mâu thuẫn, bất đồng đều được hai gia đình khuyên răn êm đẹp. Con cháu làng tôi cho ra thành phố làm ăn công tác, phải mất đến gần một nửa bỏ vợ, bỏ chồng. Gia đình nào không hướng cho con, có nghề tử tế, đều nghiện hút, tội phạm. Không ít trường hợp, con cái cựu chiến binh, phạm tội hình sự, có cháu bị án cao. Nhiều ông bà nhà nghèo, phải nuôi con ở tù, nuôi cháu dạy dỗ vất vả, không thiếu đứa hư hỏng, đành nhờ chính quyền, cho đi trường giáo dưỡng. Cuộc đời quanh năm buồn đau, vất vả. Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.
Hoàng Đức C, thổ lộ với mọi người: “Hiện nay, ba cháu nhà tôi đã về quản lý công ty gia đình. Vợ chồng tôi nay mai già yếu, vào ở nhà dưỡng lão cấp cao, chăm sóc theo yêu cầu. Lúc nào nhớ, đón các anh đến chơi, vui vẻ cùng nhau dăm ba ngày. Tôi sẽ di chúc… khi chúng tôi chết, không cần bia mộ, tro cốt rải xuống sông. Con cháu lưu lại hình ảnh, phần mộ gia tiên trên trang online. Ngày giỗ, ngày Tết cùng nhau vào mạng tưởng nhớ”.
Phan Văn D, nghe các bạn kể chuyện nhà, thở dài sườn sượt… Lâu nay, bạn kín tiếng, ít chia sẻ.
Mọi người ai cũng biết, vợ chồng D là người có nghị lực. Hồi cưới nhau, bố mẹ vợ, tặng cho căn hộ 40m2. Vốn không thích ở chung cư tập thể, bạn bán nhà, mua căn nhà cấp 4 cạnh sông Lừ. Ngày ấy, đất ruộng mênh mông, vợ chồng cùng hàng xóm ra đấy thả bèo, trồng rau muống, khi xanh tốt, cắt đem ra chợ bán. Riêng vợ chồng D gánh đất san làm vườn. Một thời gian sau, làm nhà tạm cho người nghèo các tỉnh về thành phố thuê để ở. Nhân lúc… nhà nước cải tạo sông Lừ, xe tải chuyển đất đá đi tìm nơi đổ. Vợ chồng mua rẻ để lấp ruộng rau. Mọi nhà xung quanh cũng làm theo, trong đó có cả cán bộ, chức sắc địa phương. Sau vài năm, cạnh sông Lừ, mọc lên một dãy phố. Nhà nào không có tiền xây… cắt cho người mua nửa diện tích sẽ đủ tiền lên ngôi nhà mái bằng, ba tầng đẹp đẽ.
Vợ chồng D chia khu đất, ngót nghét ngàn mét vuông thành nhiều mảnh cho người thân đứng tên. Sau đó huy động vốn xây nhà để bán. Xung quanh ai bán rẻ đăng ký mua thêm, được giá lại bán. Lãi chồng lãi. Vợ chồng D âm thầm giầu lên.
Vợ chồng sinh được hai con, một trai, một gái. Cậu con trai to cao, khỏe trẻ, thông minh, học tập luôn đứng vào tốp đầu của trường. Học hết phổ thông được học bổng du học tại nước Đức. Khi tốt nghiệp, nhận bằng giỏi, được giữ lại nhà trường, song cậu xin về nước công tác tại Trường Đại học Bách khoa, làm trợ giảng, sau thời gian, được biên chế làm giảng viên chính. Khác với bố, làm kinh doanh, cậu chỉ đam mê khoa học.
Cô con gái rượu của ông bà D, sinh non nên khó nuôi, từ nhỏ đã được chăm lo đầy đủ đến tận giường ngủ, cần gì cũng được mẹ chiều. Cô luôn thích ăn ngon, măc đẹp. Khuôn người mỏng manh nhưng được vẻ mặt khả ái. Ép mãi mới cố học, lấy được văn bằng cao đẳng, học phí tự túc toàn phần.
Con trai ông D lấy vợ giáo viên, được cha mẹ mua tặng cho các con căn hộ tập thể cao tầng, sau đó con ông sang Liên bang Đức học lấy bằng tiến sỹ. Ngày con lấy bằng về nước. Vợ chồng tiến sỹ, muốn sửa chữa lại căn hộ cho tiện sinh hoạt. Giấy sở hữu căn nhà, lại đứng tên: Phan Văn D… nên phường không cấp phép. Hai vợ chồng về hỏi bố mẹ, được trả lời: “Bố mẹ chưa sang tên cho con là muốn giữ cho các con ở cố định lâu dài. Bố mẹ già rồi sẽ mất, mọi tài sản thuộc về các con”.
Nghe đến đó, chúng nháy nhau bỏ về. Hơn tháng sau, chúng mang chìa khóa nhà trả lại bố mẹ. Ông bà D sững sờ hỏi con, Chúng nó trả lời: “Con mua nhà để tiện đường đến cơ quan làm việc”.
Ông bà D còn lại cô gái rượu nên càng chiều con. Cô luôn được mẹ, cho rủng rỉnh tiền tiêu, mua sắm hàng hiệu, mọi nhẽ ăn chơi đều rành rẽ.
Thấy con, sắm quá nhiều hàng đắt tiền, ông D phàn nàn với bà, được trả lời… con làm đẹp, sẽ không lo bị ế chồng. Hàng ngày, con lên mạng khoe, bạn bè của nó toàn những ngôi sao trong “sô bít”…
Minh họa: Lê Huy Quang
Một ngày…nó dẫn về chàng trai, nghệ sỹ chơi dàn trống, có mái tóc dài ngang vai. Cậu tự giới thiệu thân thế sự nghiệp mấy đời nhà nó, đều là nghệ sỹ. Tuy không ưng nhưng con gái thích, ông bà đành ngậm tăm.
Ngày chúng cưới nhau, được tổ chức linh đình tại khách sạn lớn tại Hà Nội. Con gái theo chồng đi biểu diễn xa gần, bằng tiền chi viện của ông bà. Từ lúc con gái mang bầu, tới khi sinh cháu, cháu đủ tuổi đi học lớp một, thì về ở với mẹ và ông bà ngoại. Thi thoảng hai nhà thông gia gặp mặt. Ông bà nhà trai phàn nàn: “Con nó chả biết, tề gia nội trợ gì cả, nhà có công việc, bếp núc, đều do một tay mẹ chồng làm, cháu còn thiếu kỹ năng giao tiếp. Nhà toàn khách sang đến chơi, ngượng ngùng lắm! Ông bà dạy thêm…”.
Biết họ chê con gái mình quá đúng nên ông bà chỉ biết cười gượng, lấy lòng thông gia.
Một sáng, thấy con gái nằm lỳ trên phòng, không xuống ăn sáng. Bà D đẩy cửa vào, thấy đôi mắt đỏ hoe. Gặng hỏi mãi con gái mới trả lời: “Chồng con cặp bồ, chúng nó sắp sửa sinh con. Con bồ của chồng còn lên mạng thách thức con. Con tra hỏi chồng. Nó cười ráo hoảnh: Đàn ông nhiều vợ thì tài… Con bức xúc tuyên bố… đã không coi vợ ra gì thì ly hôn, đường ai nấy đi. Nó nói: Tùy cô thôi… Con viết đơn, nó ký ngay. Cha mẹ chồng lạnh lùng, chẳng khuyên con lấy một lời.
Ngày chúng dẫn nhau ra tòa. Anh chồng tranh quyền nuôi con bởi mẹ nó, không có nghề nghiệp nên chẳng có lương tháng. Căn cứ theo luật, anh chồng được quyền nuôi con. Phần chia tài sản là chiếc ô tô trước kia ông bà D cho vay để mua, hai đứa thỏa thuận với nhau về gia đình giải quyết.
Hôm đến thưa chuyện, với cha mẹ vợ, nó phát biểu: “Việc ly hôn, do nhà con quyết định. Còn chiếc ô tô ông bà mua cho hai đứa giá trị tiền tỷ. Trừ vào khoản nhiều năm nay con lo cho cô ấy đi học các lớp nghệ thuật cũng không đủ đâu ạ”.
Đăng ký sở hữu xe, mang tên con rể. Đã buồn rồi, đòi xe nó không trả còn đau hơn.
Từ ngày thằng cháu ngoại ở bên nhà nội. Không hiểu gia đình nó tiêm nhiễm những gì mà quên luôn mẹ cùng ông bà ngoại. Dịp lễ Tết, ngày nghỉ, mẹ nó phải xin phép bên nội mới được đưa con đến chơi. Gần sáu năm, được ông bà chăm sóc, quý như cục vàng, cháu yêu ông bà, không rời nửa bước. Vậy mà mấy lần sang chơi gần đây, nó kêu chán, đòi về với ông bà nội vui hơn.
Từ ngày con trai ông D mua nhà ở riêng, muốn thăm cháu, ông bà phải điện trước mới được gặp. Chỉ dịp Tết lễ mới đông đủ cả nhà. Ngày tháng dư thừa, chẳng biết làm gì khuây khỏa. Vợ chồng Phan Văn D về quê, xây nhà thờ Tổ, nghe nói, hoành tráng lắm, D còn xây mới lại căn nhà, bố mẹ để lại, tại quê hương, lát đá phần mộ gia tiên. Quy hoạch quần thể thổ cư đẹp nhất làng.
Mấy năm nay, bọn nghiện hút trèo tường chôm chỉa, ông bà thuê đứa cháu họ trông coi. Đã trót xây lên rồi, không thể để khói hương nhà thờ lạnh lẽo. Vậy nên tháng phải đôi kỳ về thắp hương cho ấm cúng.
Phan Văn D, buột miệng nói cùng bạn bè:
- Vợ tôi đi xem bói bảo có số làm giầu nhưng cuối đời, có lúc quạnh hiu là thế.
Cả nhóm bốn ông, hào hứng tranh luận. Nguyễn Văn A, phát biểu trước:
- Vợ chồng tôi, con cháu đầy đàn, quyết giữ gìn nền nếp gia tiên. Đất quê rộng, nay mai chúng tôi chết, thực hiện an táng theo truyền thống cũ. Tôi phản đối ông Hoàng Đức C, cũng giỗ online.
Hoàng Đức C cướp lời:
- Đây là suy nghĩ tạm thời hiện nay, khi mất đi rồi, tùy theo thời cuộc. Lúc đó các cháu chúng nó quyết định. Mình nằm đã nằm xuống rồi, đành buông xuôi thôi…
Phan Văn C chen lời:
- Tôi cũng có định giữ gìn truyền thống. Nhưng con trai trưởng nhà tôi, làm khoa học luôn độc lập suy nghĩ… chẳng biết nó có theo di huấn của mình không?
Cuối cùng… Trần Văn B, xin nói cùng bạn bè:
- Các anh ơi! Cuộc sống còn nhiều trầm luân lắm. Mấy hôm nay, Nga tấn công Ukrainer, tan thương đẫm máu, cả thế giới hoang mang, chúng mình sát nách nước lớn, việc lớn lao đã có chính phủ lo toan. Thường dân mình cùng các con cháu, chỉ cần… xây dựng gia đình yên ổn “dân giầu, nước mạnh. Tụi mình, tuy đã già song còn khỏe, minh mẫn. Có ông còn sống thêm được hai mươi năm ấy chứ. Nói về gia đình, suốt đời không hết lo toan… Rồi đây! Con cái chúng mình, đứa nào bỏ vợ, bỏ chồng chúng sẽ cặp đôi. Lũ cháu lại ra đời… nên chúng ta, không đủ sức lo hết được. Hoàng hôn đời người rồi, tiền bạc đủ đầy rồi, phải chăm sóc cho chính mình để cuối đời bớt đi đau ốm, bệnh tật. Ngày trước, không có miếng ngon mà ăn. Bây giờ…đừng tiết kiệm quá! Kẻo lúc ốm, miệng đắng không nhai được. Hãy tổ chức những chuyến đi chơi như ngày hôm nay, cho khuây khỏa để cuối chiều sống vui, sống khỏe. Lũ trẻ ngày nay có trình độ, hiểu biết, điều kiện hơn chúng ta nhiều. Tự chúng sẽ biết điều chỉnh cuộc sống. Cả nhóm đồng thanh nhất trí.
Trần Văn B, nhìn giờ… đề nghị dừng xe. Hồ hởi thông báo với bạn bè:
- Các ông quên mất…hôm nay là ngày sinh nhật của tôi… Bốn ông lính già vui vẻ cùng nhau, bước vào nhà hàng đặc sản.
Bình luận