Tương lai của tiểu thuyết
Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật, lần thứ I (2023 - 2025) là sáng kiến, sáng tạo độc đáo vì lần đầu tiên do một tờ báo đăng cai. Thông thường các tổ chức văn học (nhà xuất bản, báo chí, các hội văn học nghệ thuật địa phương) cũng chỉ dám/nhằm vào các cuộc thi truyện ngắn, bút ký, thơ. Tuy nhiên, lợi thế của cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật lần I (2023 - 2025) tránh được tình trạng “không có tiền lệ”, thậm chí “phi truyền thống”, bởi vì Hội Nhà văn Việt Nam trong vài chục năm qua đã “lát đường” bằng 5 cuộc thi tiểu thuyết hoành tráng, hiệu quả nghệ thuật cao.
Sáng 28/4/2023, tại Hà Nội, Thời báo Văn học nghệ thuật (Cơ quan ngôn luận của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam) tổ chức Lễ phát động Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật, lần thứ I (2023 - 2025). PGS,TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tham dự sự kiện. Trong bài phát biểu của mình, vị Chủ tịch nhấn mạnh: “Cuộc thi tiểu thuyết do Thời báo Văn học nghệ thuật tổ chức phản ánh sự chuyển động của đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà trong giai đoạn phát triển mới. Cuộc thi là một sáng kiến văn hóa, vì một nền văn học lớn mạnh, phát triển bền vững phải có một nền tiểu thuyết tương xứng”.
Từ kinh nghiệm của bước đi ban đầu
Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam trong các nhiệm kỳ trước (từ nhiệm kỳ VI đến IX) đã có sáng kiến tổ chức thi tiểu thuyết. Cần nói rõ hơn và công bằng hơn, đây chính là sáng kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh (nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam). Trong vòng hơn 20 năm (1997 - 2019), đã có 5 cuộc thi tiểu thuyết do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thành công; có hàng trăm tác giả tham gia với số lượng gần 1000 tác phẩm (đã in thành sách hoặc ở dạng bản thảo hoàn chỉnh).
Ngoài những tên tuổi quen biết với độc giả (Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Thế Quang, Chu Lai, Tôn Ái Nhân, Thái Bá Lợi, Đào Thắng, Từ Nguyên Tĩnh, Nguyễn Trọng Tân, Hữu Phương, Trần Văn Tuấn, Trung Trung Đỉnh, Vĩnh Quyền, Đắc Như, Triệu Xuân, Trần Thùy Mai, Lê Hoài Nam, Võ Thị Xuân Hà, Trầm Hương....), nhiều tên tuổi mới thuộc thế hệ f plus (7X, 8X) “lộ diện” qua các cuộc thi: Phong Điệp, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Lê Ngọc Mai, Thiên Sơn, Nguyễn Danh Lam, Tống Ngọc Hân, Trương Thị Thanh Hiền, Kiều Bích Hậu, Đặng Ngọc Hưng... đã thực sự làm khởi sắc văn đàn.
Những tiểu thuyết vào chung khảo, được giải qua các cuộc thi được lưu giữ trong ký ức độc giả như Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn, Minh sư của Thái Bá Lợi, Dòng sông mía của Đào Thắng, Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền, Đốt trúc của Đắc Như, Sông Luộc ở phương Nam của Khôi Vũ, Thư về quá khứ của Nguyễn Trọng Tân, Mỹ nhân nơi đồng cỏ của Lê Hoài Nam, Từ Dụ thái hậu của Trần Thùy Mai, Đất trời vần vũ của Nguyễn Một, Mệnh đế vương của Trương Thị Thanh Hiền, Gió bụi đầy trời của Thiên Sơn, Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam...
Ngoài ra, phải tính đến các hoạt động chuyên môn hỗ trợ thi tiểu thuyết: Năm 2013, Hội Nhà văn Việt Nam mở “Trại sáng tác tiểu thuyết” tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc), dành riêng cho các nhà văn chuyên viết và có thành tựu tiểu thuyết. Thú vị và bổ ích hơn cả là cuộc giao lưu gặp gỡ giữa các nhà phê bình với các tác giả tiểu thuyết, bàn thảo sôi nổi về những vấn đề lý thuyết thể loại và kỹ thuật tiểu thuyết. Đó là cách làm việc “đầu bờ” (thực việc) như trong canh tác nông nghiệp hiện đại.
Lễ phát động Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật lần thứ nhất 2023 - 2025
Trong khoảng thời gian hai thập kỷ đó, khi các cuộc thi đang hồi cao trào, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức thành công hai cuộc Hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” (2002, 2018). Các ý kiến tham gia trong hội thảo lần thứ nhất đã được đưa vào sách Đổi mới tư duy tiểu thuyết (NXB Hội Nhà văn, 2002). Theo ý kiến của nhà văn Ma Văn Kháng, người sáng tác cũng cần “cập thời vũ” lý thuyết thể loại để sự viết của mình có căn đế vững chãi hơn. Bản thân nhà văn là tấm gương về tinh thần chịu khó nghiền ngẫm sách nghiên cứu - lý luận - phê bình văn học; ông là tác giả cuốn sách về nghề văn đọc thú vị - Phút giây huyền diệu (NXB Hội Nhà văn, 2013).
Cũng trong khoảng thời gian này, các nhà văn dự thi tiểu thuyết được ưu tiên “ghé” vào các trại sáng tác (thường kỳ hàng năm), hay các chuyến thực tế đời sống ở mọi miền Tổ quốc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Đi để nạp “năng lượng” viết, theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Tuân thì, ai đã làm nghề chữ đều cần thiết phải “đi - đọc - viết”.
Có thể nói, 5 cuộc thi tiểu thuyết, trải dài trong hơn 20 năm do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã tạo nên đà chuyển động mạnh mẽ và nâng văn học lên một tầm mới, từ đó chúng ta có thể tự tin nói về một “nền” tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Cũng trong vòng gần 20 năm qua, Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 5 Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Các giải cao vẫn thuộc về tiểu thuyết: Một thế giới không có đàn bà của Bùi Anh Tấn, Đơn tuyến của Phạm Quang Đẩu, Hoa bay của Chu Thanh Hương, Bão ngầm của Đào Trung Hiếu, Rễ người của Đoàn Hữu Nam, Trại Hoa Đỏ của Di Li, Hồ sơ một tử tù của Nguyễn Đình Tú, Âm binh và lá ngón của Tống Ngọc Hân...
Rõ ràng, thực tiễn văn học cung cấp cho chúng ta những dữ kiện xác tín để nhận ra vị thế của thể loại tiểu thuyết trong đời sống văn học nước nhà hiện nay. Tiểu thuyết là nơi lưu giữ hình ảnh lịch sử trong dòng chảy của nó. Tiểu thuyết không đơn giản chỉ là một thể loại văn học, hơn thế nó là một nghệ thuật khám phá đời sống trong những hình tượng toàn bích (panorama).
Biệt sắc Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật lần thứ I (2023 - 2025)
Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật, lần thứ I (2023 - 2025) là sáng kiến, sáng tạo độc đáo vì lần đầu tiên do một tờ báo đăng cai. Thông thường các tổ chức văn học (nhà xuất bản, báo chí, các hội văn học nghệ thuật địa phương) cũng chỉ dám/nhằm vào các cuộc thi truyện ngắn, bút ký, thơ. Tuy nhiên, lợi thế của cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật lần I (2023 - 2025) tránh được tình trạng “không có tiền lệ”, thậm chí “phi truyền thống”, bởi vì Hội Nhà văn Việt Nam trong vài chục năm qua đã “lát đường” bằng 5 cuộc thi tiểu thuyết hoành tráng, hiệu quả nghệ thuật cao.
Những kinh nghiệm của người/tổ chức đi trước là vô cùng quý giá cho những người/tổ chức kế nhiệm. Hơn nữa, hiện thực đời sống đang đặc biệt ưu đãi văn học nghệ thuật, xung quanh nghệ sĩ ngôn từ chứa chất cốt truyện, tình huống, sự kiện, nhân vật, xung đột làm “bột” để nhà tiểu thuyết gột nên “hồ”. Nếu trong chiến tranh có câu nói đầu cửa miệng “ra ngõ gặp anh hùng” thì nay có thể nói “ra ngõ gặp tiểu thuyết”. Nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đây là “thời của tiểu thuyết”.
Trong số hơn 1600 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hiện nay (theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ V, NXB Hội Nhà văn, 2020), có ít nhất 1/10 cây bút gắn bó và có thành tựu với thể loại tiểu thuyết, một số có thể gọi là tiểu thuyết gia như Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Bắc Sơn, Chu Lai, Vũ Xuân Tửu, Bùi Anh Tấn, Nguyễn Bình Phương, Đoàn Hữu Nam, Lại Văn Long, Trầm Hương... chưa tính đến lớp “hậu bị” 7plus ngày càng được bổ sung kịp thời và hùng hậu - Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Tống Ngọc Hân, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy, Đỗ Tiến Thụy, Thiên Sơn, Nguyễn Thế Hùng, Di Li... Với lực lượng viết tiểu thuyết như thế, cuộc thi của Thời báo Văn học nghệ thuật sẽ có một nguồn “cung ứng” dồi dào, liên tục và bền vững.
“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên!” (Archimedes); “Hãy cho chúng tôi một tổ chức những người cách mạng, và chúng tôi sẽ đảo lộn nước Nga lên” (Lênin). Ở đây trước hết cần phải ghi nhận tinh thần năng động, táo bạo, sáng tạo của người “cầm cân nảy mực” cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật, lần thứ I (2023 - 2025), không ai ngoài nhà văn - nhà báo Hoàng Dự, trong vị trí Chủ bút (Tổng Biên tập) một tờ báo trẻ tuổi đời nhất trong làng báo giấy (“khai sinh” 30/7/2020).
Nhà văn - nhà báo Hoàng Dự, Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật phát biểu tại lễ phát động
Nhưng trẻ đi liền với khỏe, khi người ta trẻ ta sẽ hành động khác. Một người có kinh nghiệm làm báo, đã đành; còn là nhà tiểu thuyết, tất nhiên; một người bặt thiệp và quảng giao, rõ là thế. Nhưng nếu thiếu tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm cao thì khó có một đề án táo bạo khi tổ chức cuộc thi này. Bởi vì, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ X (2020 - 2025) chưa hẳn đã buông rơi, quay lưng nhưng rõ ràng là không mặn mà với việc tổ chức thi tiểu thuyết như Ban chấp hành các khóa trước đó đã thực thi thành công.
Bây giờ là thời của “Văn trẻ”. Ra ngõ gặp văn trẻ (!?). Cũng không có gì là không đúng. Nhưng có vẻ như chưa thấu triệt và thuyết phục xã hội và văn giới. Cứ đọc bản “Thể lệ cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật lần thứ I, năm 2023 - 2025” (đại biểu đến dự được phát tặng kèm 01 tờ báo Thời báo Văn học nghệ thuật số 17, ra ngày 27/4/2023), sẽ thấy bài bản, minh bạch từ 7 nội dung/mục: “Mục đích, yêu cầu”, “Thể lệ cuộc thi”, “Giải thưởng”, “Ban Chỉ đạo cuộc thi”, “Ban Tổ chức cuộc thi”, “Ban Giám khảo”, “Kinh phí cuộc thi”.
Nhà văn Lê Hoài Nam, đại diện các tác giả dự thi giãi bày tâm tư: Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết lần này của Thời báo Văn học nghệ thuật là một sáng kiến táo bạo của một tờ báo trẻ tuổi đời nhưng giàu bản lĩnh nghệ thuật; nhìn vào thành viên Ban Giám khảo ông vui mừng và yên tâm vì thấy hiện diện những nhà văn có tên tuổi, những nhà lý luận - phê bình có kinh nghiệm và uy tín, trách nhiệm nghề nghiệp cao. Tuy thuộc “thê đội” U70, nhưng nhà văn từng mặc áo lính Quân chủng Hải quân này đang sung sức, gắn bó và có thành tựu với tiểu thuyết.
Cuộc thi văn chương/tiểu thuyết thường là “tiếng gọi đàn”. Sự khởi đầu tốt đẹp sẽ mời gọi, “kích hoạt” cảm hứng sáng tác tiểu thuyết, có thể lâu nay còn như than hồng nóng rực ủ trong tro, nay có cơ hội tỏa rạng nhiệt lượng. Ngay trong buổi lễ phát động cuộc thi, nhà văn - nhà báo Hoàng Dự, Tổng Biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật đã phấn khởi công bố con số 13 tác giả ở các địa phương Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Nội đăng ký gửi tác phẩm dự thi. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng trong quan hệ rộng với văn giới đã chia sẻ thông tin và cổ vũ đồng nghiệp tham dự cuộc thi sáng tác tiểu thuyết của Thời báo Văn học nghệ thuật lần I (2023 - 2025). Ông bày tỏ sự tin tưởng về phía trước khả quan - tương lai của cuộc thi, nói theo cách của nhà thơ Hữu Thỉnh, mỗi cuộc thi hay giải thưởng đều thấm thía như “một bữa tiệc chữ nghĩa”. Chúng ta không phải là những người theo “chủ nghĩa vị lai”, hay “lãng mạn không tưởng”. Chúng ta có đầy đủ lý do để hy vọng. Tiểu thuyết sẽ không chết. Văn chương sẽ không lâm nguy. Cái chết của tác giả sẽ không diễn ra.
Vĩ thanh
Người ta hay nói đến “vấn đề đầu tiên” (tiền đâu) khi khởi sự một đề án/ kế hoạch nào đó có tính khả thi. Nhà văn lão thành Hoàng Quốc Hải (thành viên Ban Giám khảo) cho rằng, tiền cũng rất quan trọng, không nên coi nhẹ. Nhưng quan trọng hơn, theo ông, cuộc thi nào cũng là “tiếng gọi đàn”, phải tìm cho được để trao giải cao nhất cho những tác phẩm mới/tên tuổi mới mang tính bứt phá về tư tưởng nghệ thuật. Phải làm sao cho “giọt nước làm tràn ly nước”. Một cuốn tiểu thuyết xuất sắc đạt giải Nhất cuộc thi này sẽ góp vào cái “nền” tiểu thuyết lâu nay đã rộng nhưng còn thưa thớt “đỉnh”. Ai cũng biểu đồng tình. Nhưng đều thấy khó. Cái khó bó cái khôn. Nhưng cái khó ló cái khôn! Tuy nhiên, trên tinh thần triết lý “lão thực”, chúng ta cần suy nghĩ cho thấu lý đạt tình vấn đề cổ nhân dạy “có thực mới vực được đạo”, “mạnh vì gạo bạo vì tiền”.
Tổng số tiền cho giải thưởng không nhỏ (theo bản Thể lệ cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật năm 2023 - 2025), dự tính lên tới 270.000.000 VNĐ (hai trăm bảy mươi triệu Việt Nam đồng): gồm 01 giải Nhất (trị giá 50.000.000 VNĐ); 02 giải Nhì (mỗi giải trị giá 40.000.000 VNĐ); 03 giải Ba (mỗi giải trị giá 30.000.000 VNĐ); 05 giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 10.000.000 VNĐ).
Xét về giá trị vật chất, giải của Thời báo Văn học nghệ thuật hiện cao hơn so với các giải của Hội Nhà văn Việt Nam, cao bằng so với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải (những cơ quan đã cùng phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức các cuộc thi văn chương). Trong cơ chế thị trường, mọi hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật cần thiết dựa vào hình thức xã hội hóa. Đơn vị đồng hành Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết Thời báo Văn học nghệ thuật lần I (2023 - 2025) là khách sạn Dolce By Wyndham Hanoi Golden Lake.
Ngay trong Lễ phát động cuộc thi, các Mạnh Thường Quân (nhà tài trợ) đến từ nhiều nơi đã mở lòng: Tập đoàn Hòa Bình và doanh nhân Nguyễn Hữu Đường; vợ chồng doanh nhân Đỗ Chí Bảo - Thu Vân; nhà thơ Nguyễn Sỹ Bình; tiến sĩ Lê Doanh Doanh; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thế giới Việt; doanh nhân Lê Thị Thanh Xuân. Số tiền hợp lưu sớm về Ban tổ chức, tuy khiêm tốn (150.000.000 VNĐ), nhưng đã làm nức lòng mọi người. Vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
Cứ đà này thì không lâu, Ban tổ chức sẽ có điều kiện về tài chính để vận hành bộ máy trơn tru, hiệu quả. Tác giả bài báo này còn nhớ như in ý kiến của nhà văn Chu Lai, cũng trong một cuộc phát động thi văn chương cách nay đã lâu, đại ý “Sẽ không hiệu quả và hiện thực khi cấp cho nhà văn 100 triệu và yêu cầu anh ta viết trả một tác phẩm tốt. Nhưng nếu tác phẩm của anh ta đoạt giải cao thì hãy tặng ngay chủ nhân của nó số tiền 100 triệu”.
Ít nhiều trải nghiệm trong vai thành viên Ban Giám khảo một số cuộc thi, tác giả bài báo thấu hiểu được “chân tơ kẽ tóc” chuyện tài chính: nếu tổng số tiền trao giải là A thì tổng số chi phí cho quá trình tổ chức là 2A (tối thiểu, còn tối đa thì “càng nhiều càng ít”). Trong mục/nội dung VII của bản Thể lệ có ghi: Tài trợ Nhà nước (nếu có). Tác giả bài báo hiểu “nếu có” đồng nghĩa với “không có”; song hy vọng vào nội dung “Nguồn kinh phí do Thời báo Văn học nghệ thuật huy động bằng nguồn xã hội hóa” (tinh thần hiện thực). Sẽ có ai đó bất chợt kêu rằng, văn nghệ sĩ chỉ nói chuyện tiền nong (!?). Nhưng cổ nhân dạy “đồng tiền liền khúc ruột”. Những điều chúng tôi giãi bày, chia sẻ cùng quý vị, suy cho cùng, xuất phát từ tâm can, tâm sự. “Tin thì tin không tin thì thôi!”.
Cảm hứng về tương lai mới quan trọng. Vì thế tôi đặt tên cho bài báo nhỏ của mình là Tương lai của tiểu thuyết.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tiếp tục thực hiện nghị quyết 33/NQ-TW của Ban Chấp hành...
Bình luận