Bổng trầm cùng tiếng sáo Mông

Nghệ sĩ Nhân dân Kim Vĩnh về Mường Trời thấm thoắt đã mười năm, nhưng tiếng sáo của anh vẫn nghe văng vẳng đâu đây, bổng trầm cùng núi rừng quê hương xứ sở...

Sau đêm biểu diễn ở Mường Hum, Đoàn văn công Lào Cai lên đường đi xã khác. Mấy con ngựa thồ kĩu kịt hòm xiểng đựng phông màn, dầu đèn; lù cở gạo ngô, mắm muối. Đoàn diễn viên cắm cúi bước theo đoàn ngựa thồ. Nhiều người có vẻ mệt mỏi, phờ phạc sau một đêm vất vả vừa lo dàn dựng sân khấu vừa chuẩn bị cho tiết mục của mình. Kim Vĩnh vừa đi vừa suy nghĩ mông lung, anh bước chầm chậm tụt lại phía sau đoàn.

Văng vẳng một âm thanh réo rắt đến kỳ lạ níu chân anh dừng hẳn. Đúng là tiếng sáo, nhưng sao nghe như lạ như quen, lúc bổng lúc trầm giữa núi rừng tinh khôi, trong vắt như tia sáng ban mai vừa rọi qua kẽ lá. Tiếng sáo vọng lên từ phía lưng núi bên kia, dường như không cưỡng lại sự tò mò lẫn cuốn hút, anh rẽ đám lá rừng bước về phía có tiếng sáo.

Tiếng sáo lúc ngắt quãng, lúc văng vẳng ngân buông, khi lặng khuất. Anh nhẹ nhàng bước tiếp rồi lắng nghe. Tiếng sáo rõ hơn, ngân dài hơn. Anh háo hức gạt cành lá, lách mình thêm mấy bước nữa. Ôi trời! đôi trai gái Mông đang ngồi bên nhau trên tảng đá phẳng cạnh con suối cạn. Dao, cuốc và chiếc lù cở nằm nghiêng chỏng chơ bên cạnh. Váy thêu hoa văn trải xòa trên mặt tảng đá. Đôi trẻ chụm đầu vào nhau. Chàng trai nâng cây sáo cất lên một khúc lên bổng xuống trầm. Cô gái tựa mái đầu vào vai chàng trai, khẽ rung lên một tiếng đàn môi. Kim Vĩnh như nín thở lắng nghe.

Tiếng sáo vừa dứt, tiếng đàn môi khẽ khàng, thủ thỉ, như gió nhẹ, như hơi thở, ý tứ, dịu dàng đáp lại. Tiếng sáo lại cất lên, như nỉ non, như bồn chồn, giục giã. Tiếng đàn  môi nối theo thổn thức mà âu yếm thì thào. Kim Vĩnh nhẹ tay rẽ lá tới gần hơn. Dường như đôi trẻ gửi tất cả hồn vía vào tiếng sáo và tiếng đàn môi, biết đâu có người thứ ba đang mê mẩn dõi theo từng cử chỉ, từng âm thanh của họ. Tất cả núi rừng, tất cả cây cỏ hoa lá đều lắng lại cho hai tâm hồn bay trong tiếng sáo, trong tiếng đàn môi đổi trao, đối đáp, nhập hòa…

Kim Vĩnh rảo bước đuổi theo đoàn. Hối hả bước chân vượt dốc, trống ngực thình thình và hổn hển, nhưng hình ảnh đôi trai gái với giai điệu của cây sáo và đàn môi thì vẫn văng vẳng bên tai.

Bổng trầm cùng tiếng sáo Mông - 1NSND Lương Kim Vĩnh

*  

Giữa hai điểm diễn, cũng có ngày Kim Vĩnh được thư thả nghỉ ngơi. Khi thì thả bộ trên những con dốc bên bản thưa nhà, lắng nghe tiếng gió ngàn vi vút. Khi ngồi trên tảng đá xanh rêu, ngước nhìn bầy chim đang hòa tấu bản nhạc trên vòm cây um tùm, tiếng họa mi thánh thót, lanh lảnh, tiếng chim khướu uốn thanh nhả tiếng uyển chuyển mượt mà.

Và kì lạ là tiếng sáo, tiếng sáo của người Mông, trên đường đi chợ hay ra ruộng lên nương, khi ở nhà trong những giờ rỗi rãi hiếm hoi, và những cuộc đi chơi đêm trăng hò hẹn, các chàng trai Mông luôn có cây sáo bên mình. Kim Vĩnh luôn luôn được nghe tiếng sáo. Tiếng sáo vùng cao, tiếng sáo Mông lạ lạ quen quen, mộc mạc chân chất mà quyến luyến thiết tha.

Kim Vĩnh tìm đến nhà ông Phìn, người giỏi làm ra những cây sáo nhất vùng. Ông Phìn đang mê mải bên lò rèn. Cái ống thổi bằng khúc gỗ to, phù phù thổi lửa, bếp than hồng rực nổ lép bép. Có khách đến, ông Phìn dừng tay. Ông đưa điếu ục mời Kim Vĩnh thay lời chào. Kim Vĩnh cầm điếu, đưa mắt nhìn khắp căn nhà. Đúng ông Phìn là nghệ nhân đa tài của Ngải Thầu, của cả vùng Ý Tý, Mường Hum rồi.

Bên cái lò rèn, lỉnh kỉnh những dao quắm chắc dầy, những dao nhọn lưỡi bầu bầu ánh nước thép, những lưỡi cuốc khum khum to bản, những lưỡi cày mới nung còn nguyên màu xám xanh. Mấy cây súng kíp treo trên tường, mấy cái nòng súng đang chế tạo dở dựng bên cạnh, và khèn và sáo, có cái còn mới nguyên đang chờ khách theo hẹn. Những chiếc sáo, có đến mấy chục ống sáo, những ống sáo dài ngắn, to nhỏ đựng trong hai chiếc túi lanh cũ kĩ treo trên cột nhà.

Hai người phút đầu tiên đã hiểu nhau, thành anh em, thành cứ tì (cưr tix)(1) với nhau. Kim Vĩnh sẽ tranh thủ thời gian ở lại đây với ông Phìn, để học, để khai thác ông Phìn, để tìm tòi, để nghiền ngẫm cái tài nghệ ẩn chứa trong con người mộc mạc dân dã sống khuất lấp trong bản Mông heo hút của Ngải Chồ nhưng được các chàng trai Mông của cả vùng biết đến. Mà đâu chỉ tài nghệ chứa trong đôi bàn tay thô dày gân guốc kia. Chắc chắn còn bao bí quyết trong tiếng sáo Mông mà ông Phìn đã được các chàng trai Mông nể phục.

Kim Vĩnh tranh thủ từng giờ may mắn hiếm hoi. Kim Vĩnh được nghe ông Phìn thổi sáo. Chao ôi. Những ngón tay cục mịch cầm búa, cầm dũa mà nâng ống sáo lên vẫn mềm mại bấm nốt, nhẹ nhàng rung cho tiếng sáo luyến láy uyển chuyển. Ông thổi sáo, không, ông thổi ruột gan ông vào cây sáo, thổi những bài dân ca Mông với những khúc điệu da diết chứa chan, những gầu tú giua(2) oán thán bất bình nhưng vẫn lấp lánh tự tin. Những gầu ua nhéng(3) ai oán đau thương, những gầu plềnh(4) nồng nàn hơi thở của trái tim tuổi trẻ say đắm tình yêu. Người nông dân đã bước lên bậc cao cái dốc của tuổi trung niên mà khi thổi những khúc gầu plềnh, gương mặt bỗng rạng rỡ, đôi mắt ánh lên ngọn lửa thời trai trẻ say đắm thương nhớ, hẹn hò. Cánh trai nể phục ông ở tài thổi sáo, đến mua sáo của ông là phải.

Kim Vĩnh nghe ông Phìn thổi sáo và lẳng lặng khám phá bí quyết cây sáo Mông với những âm thanh vừa quen thuộc vừa lạ lùng của nó. Dừng tay rèn dao cuốc, ông Phìn bắt sang làm sáo. Sáo làm từ cây chuổm, anh em họ hàng với cây trúc. Cây chuổm vàng óng, dóng dài, thịt dày. Ống chuổm tròn đều, chắc thớ, không rịa nứt khi dùi lỗ, dùng lâu không dập vỡ, càng lâu càng ấm tiếng.

Ông Phìn ít nói. Ông nói bằng tay, bằng việc làm, bằng động tác, bằng dáng ngồi kì khu, cần mẫn, bằng sự tỉ mẩn say mê. Đôi tay khẽ khàng, đôi mắt chăm chú, tất cả tâm trí ông dồn vào công việc, chỉ nghe tiếng con dao sắc bén sồn sột trên ống chuổm và tiếng ông thở đều đều. Ông chọn lựa từng ống chuổm, cắt khía đánh dấu chính xác theo cách đo đã thành thạo từ bao lâu rồi. Những lỗ dùi đều đặn hiện lên trên ống sáo. Cây sáo Mông đã hiện hình hài.

Công đoạn làm lam, làm lưỡi gà là cầu kì nhất. Bí quyết của cây sáo Mông là cái lưỡi gà nhỏ xíu, mỏng manh, bằng bạc hoặc bằng đồng. Bạc quý hiếm đã đành, đồng ở vùng cao cũng quý và hiếm. Những chiếc vỏ đạn đồng hiếm hoi tích giữ dành dụm từ bao giờ, được bổ ra. Mảnh đồng được dát mỏng bằng nhịp búa đều đều. khẽ bật ngón tay, miếng đồng rung đều, phát ra tiếng vi vi nho nhỏ. Lại nhè nhẹ nhịp búa. Khi lá đồng phẳng như tờ giấy, rung êm, lắng tai nghe tiếng vi vi gọn và trong thì ưng ý.

Bây giờ mới dùng con dao Mông mỏng sắc khía nhẹ tạo hình lưỡi gà, gốc rộng, ngọn nhọn hoắt. Lưỡi gà của sáo riêng, của khèn riêng. Ông Phìn khéo léo gài lưỡi gà vào miệng sáo rồi đưa lên ngắm nghía. Thật chuẩn rồi, ông lấy sáp ong miết lại. Lắp lưỡi gà vào rồi, nâng sáo lên thổi. Thử từng nốt. Thử một số câu. Chưa được lại lấy ra cạo khẽ khàng. Thử đến khi nào cây sáo biết lên cao xuống trầm, biết nói được tiếng người mới thôi.

Hai người đang mải mê công việc, thỉnh thoảng một câu hỏi, một câu trả lời, thì có chàng trai Mông chạy ào từ con dốc bên nhà xuống. Ông Phìn không dừng tay, cũng chẳng ngẩng lên nhưng ông đã biết là ai rồi.

- Có việc gì?

- Cái sáo này nó chết rồi, nó không nói được nữa rồi.

- Ờ! Mày đợi đấy!

Ông Phìn nói mà không ngẩng lên, vẫn tiếp tục công việc của mình. Chàng trai kiên nhẫn ngồi chờ, như mọi lần đến với ông Phìn vẫn thế. Cây sáo đã cũ, hẳn đã nhiều lần theo chàng trai đi chợ, đi hò hẹn đêm trăng hay vui chơi với bạn bè. Ông Phìn xem qua đã biết bệnh của cây sáo. Ông châm lửa đốt cây cỏ gì đấy rồi lấy tro khẽ khàng thổi vào lưỡi gà. Ông đưa cây sáo lên miệng, thổi thử, rồi chìa cho chàng trai.

Chàng trai Mông nâng cây sáo lên, thổi một khúc quen thuộc.

- Ố dô! Nó không chết nữa rồi. Nó lại nói được rồi.

Khi chàng trai đã cầm cây sáo ra về, Kim Vĩnh hỏi:

- Ông thổi cái gì vào mà tài thế?

- Ố! Thổi cho nó sống chứ, cho nó nói được chứ!

Ông Phìn thực ra đã trả lời đâu? Lại một bí ẩn.

Mấy ngày liền, Kim Vĩnh hí húi gắn bó với ông Phìn. Có hôm, đêm biểu diễn, ngày lại tìm đến. Anh bắt tay làm thử xem sao. Cây sáo Mông đầu tiên của Kim Vĩnh đã ra đời. Ông Phìn trầm tính mà cũng phải reo lên:

- Ố dô! Làm nhanh đấy! Làm giỏi đấy. Cả mấy xã vùng Ý Ty mình tôi biết làm thôi. Mới xem mà làm được thế này thì giỏi rồi.

Kim Vĩnh chia tay ông Phìn, mang theo cây sáo sản phẩm đầu tay và một cây sáo ông Phìn trao tặng kỉ niệm tình anh em.

- Dịp nào đi chợ thị xã thì vào nhà Vĩnh chơi đấy nhá!

- Vào chứ! Nhưng nhiều việc quá, chưa đi được đâu. Hôm nào lại lên đây thổi sáo và làm ra các thứ nhé.

- Kim Vĩnh lên đường đi biểu diễn nơi khác. Gặp cây sáo Mông với những khám phá mới, mừng thì mừng thật nhưng vẫn băn khoăn. Cây sáo Mông kì diệu mở ra bao nhiêu nghĩ suy trên bước đường nghệ thuật sau này. Kim Vĩnh sẽ tập thổi sáo Mông, sẽ nghiên cứu tìm tòi để cải tiến nâng cao, để nó sẽ rung ngân những thanh âm uyển chuyển nhiều sắc màu cuốn hút người nghe.

Nhưng cây sáo Mông có hai nốt chênh với âm nhạc hiện đại. làm thế nào để nó hòa nhập với vi ô lông sen, với công tơ bát, với đàn tứ, đàn tam thập lục trong dàn nhạc? Trên con đường từ Ngải Chồ gập ghềnh dốc đá sang A Mú Sung và những chặng đường tiếp sau, Kim Vĩnh cứ khấp khởi mừng xen lẫn băn khoăn. Ý nghĩ cứ chập chờn trên chặng đường đèo dốc.

*

Trên bước đường đi biểu diễn, Kim Vĩnh có thêm nhiều bạn mới, nhiều cứ tì. Bên Cán Cấu, Bắc Hà có ông Nhà là cứ tì của anh. Ông Nhà cũng giỏi làm sáo Mông như ông Phìn bên Ngải Chồ. Phiên chợ nào ông Nhà cũng đem khèn, đem sáo ra chợ Bắc Hà bán. Sáo bán chạy hơn khèn. Ông chỉ mang đi một hai cái khèn, sáo thì cài chặt cả một túi lanh. Qua lại với ông Nhà, Kim Vĩnh học tiếp cách làm sáo Mông để cải tiến, nâng cao.

Kim Vĩnh vào Cán Cấu mang theo mươi cây sáo Mông do anh miệt mài tranh thủ những ngày nghỉ làm ra. Anh đi chợ Bắc Hà cùng ông Nhà, cùng bán sáo với ông Nhà. Những cây sáo của ông Nhà làm xong thì lấy tro bếp đánh bóng nên vẫn còn thô mộc. Sáo của Kim Vĩnh được đánh giấy giáp rồi phết qua quang dầu trông đẹp mắt. Hai loại sáo cài chung trong túi lanh.

Khoảng tám chín giờ sáng thì chợ đông vui. Già trẻ gái trai đi mua, đi bán và đi chơi, đi gặp gỡ bạn bè, đi để được chen lấn cùng mọi người trong cái rộn ràng tưng bừng màu sắc của khăn, của áo, của váy mới thêu. Đi để cùng bạn bè ngồi lên khúc gỗ hoặc ngồi trên hòn đá, bưng bát rượu quây quần bên chảo thắng cố, lửa cháy phừng phừng, rượu cũng bốc phừng phừng. Các chàng trai cô gái tìm đến chỗ ông Nhà mua sáo.

Ông Nhà không mời chào, không bình phẩm gì cả, cứ để mặc cho các chàng trai chọn lựa và phô diễn. Mỗi cây sáo chỉ bán hai đồng, người mua người bán đều như đã quen biết cả. Kim Vĩnh chăm chú thấp thỏm đứng xem các chàng trai cô gái chọn lựa và lắng nghe họ thổi sáo, dõi nhìn gương mặt từng người. Các chàng trai tươi cười khi chọn được cây sáo ưng ý, khi cất lên một đoạn là bạn gái đỏ bừng đôi má và ánh mắt sáng lên. Những cây sáo nhà ông Nhà vơi dần. Những cây sáo của Kim Vĩnh hầu như vẫn còn nguyên trong túi lanh.

- Sao không mua cây sáo này? Cây sáo này đẹp chứ? - Ông Nhà đưa cây sáo của Kim Vĩnh ra và nói với chàng trai Mông.

- Ồ! Nó đẹp nhưng nó không nói được tiếng của chúng tôi. Chúng tôi thổi con gái nó không nghe đâu!

Thì ra vậy. Còn nhận xét nào sâu sắc hơn thế? Còn sự đánh giá nào giản dị và ngặt nghèo đến thế. Một tiêu chuẩn của nghệ thuật được diễn đạt thật giản đơn. Tan chợ, chiều tà. Kim Vĩnh ra về, câu nói của chàng trai Mông luôn văng vẳng bên tai.

*

Kim Vĩnh trăn trở mãi. Cây sáo Mông có hai nốt chênh với âm chuẩn. Điều này làm Kim Vĩnh băn khoăn từ những ngày còn ở nhà ông Phìn trên Ngải Thầu. Làm thế nào cây sáo vẫn nói được tiếng lòng người Mông, tiếng của sông suối núi rừng hùng vĩ trùng điệp vùng cao mà vẫn hợp với âm chuẩn, mà mở rộng âm vực, để còn hòa hợp với dàn nhạc đệm, để còn phát triển nâng cao, còn diễn tấu được những bản nhạc có phối âm phối khí theo quy chuẩn ngặt nghèo của âm nhạc. Để cây sáo khi cất lên được chàng trai Mông tiếp nhận, công chúng nơi nơi được thưởng thức những bản nhạc mang đậm màu sắc đầy sức sống vùng cao qua cây sáo Mông cổ truyền đã được nghiên cứu và nâng cao.

Kim Vĩnh dồn tâm huyết cho tìm tòi và thể nghiệm. Vừa đi biểu diễn phục vụ, vừa nghĩ suy, nghiên cứu. Anh lặng lẽ, âm thầm với cây sáo như ông Phìn, ông Nhà lặng lẽ trên núi cao. Chắt lọc kinh nghiệm truyền đời của họ, lấy kiến thức nhạc lí soi vào, sử dụng những nhạc cụ và phương tiện hiện đại để lựa so chuẩn mực, dù phải tằn tiện từng đồng, chắt chiu từng giờ phút để nâng cây sáo Mông lên một tầm mới.

Phải thêm nốt cho cây sáo, phải mở rộng âm vực để diễn tả đời sống của núi rừng vùng cao đầy chất nhạc, chất thơ. Thêm nốt mà chỉ có mười ngón tay, làm sao vừa nâng cây sáo, vừa bắt nốt? Ấy vậy mà phải thêm nốt, rồi lấy trúc mà nối thêm ngón tay. Chưa đủ. Phải thêm ống để cây sáo đơn thành sáo bè, để cùng lúc lên cao và xuống trầm trong hợp âm như cuộc sống muôn màu. Lại còn tạo ra sáo bầu để có thêm sắc thái âm thanh. Tiếng sáo khi trong trẻo kéo dài như sợi tơ óng chuốt, như những giọt âm thanh gieo xuống không gian, nhưng còn phải có tiếng đục, tiếng rè. Tạo tiếng trong đã khó, tạo tiếng đục, tiếng rè còn khó hơn. Không phải tiếng đục tiếng rè dập vỡ mà là tiếng của cuộc sống, của núi rừng. Tiếng đục, tiếng rè mà vẫn ngân rung.

Kim Vĩnh đã có nhiều dịp rong ruổi trên những nẻo đường vùng cao. Say mê thưởng thức, say mê thu nhận những âm thanh của cuộc sống vùng cao qua tiếng sáo. Làn điệu dân ca Mông kì diệu nhập vào anh. Những giai điệu dân ca Mông khi chậm rãi, sâu lắng, khi vuốt ba quãng như sóng núi uốn võng nhẹ nhàng, khi đổ xuống quãng tám, từ đỉnh cao mây mờ, con dốc hút xuống vực sâu, hạ những nốt trầm sâu lắng, khi sóng đôi quấn quýt nhẹ nhàng, khi vút lên bay bổng ngân nga…

Cây sáo Mông qua tay Kim Vĩnh ngân lên những làn điệu dân ca Mông đã thành mối duyên gắn bó. Từ mạch nguồn dân ca, anh sáng tác những bản nhạc về miền biên cương hùng vĩ, về đêm trăng bản Mông thơ mộng, về mùa xuân vùng cao chứa chan tình yêu và anh tự thể hiện những bản nhạc đó bằng cây sáo của mình…

*

Bây giờ, Nghệ sĩ Nhân dân Kim Vĩnh đã có cả một bộ sưu tập những cây sáo vùng cao với đủ loại ngang dọc ngắn dài, những sáo đơn, sáo bè, sáo bầu, những khèn bè, những đàn môi… Có thứ nguyên bản lâu đời. Có thứ anh tìm tòi cải tạo và sáng tạo, nâng cao. Anh có những bản nhạc cho cây sáo và anh đã biểu diễn mấy trăm lần cho bà con vùng cao, cho khán giả khắp Bắc - Trung - Nam mê đắm xuýt xoa. Anh đã được tấu lên tiếng sáo của núi rừng Việt Nam cho thượng khách quốc tế đến Việt Nam. Anh đã đi biểu diễn ở Nga, ở Hàn Quốc, nơi nào cũng được trầm trồ thán phục.

Khi Kim Vĩnh nâng cây sáo lên, đôi mắt anh, gương mặt anh, tất cả tinh thần, cả con người anh dồn vào cây sáo. Lao tâm khổ tứ với nghệ thuật làm cho con người ta trẻ mãi. Kim Vĩnh trẻ mãi cùng cây sáo, bổng trầm cùng tiếng sáo Mông…                         

(1) Cứ tì (cưr tix): bạn thân.

(2) Gầu tú giua (gâux tuôx nzuôs): tiếng hát mồ côi.

(3) Gầu ua nhéng (gâux uô nhangx): tiếng hát làm dâu.

(4) Gầu plềnh (gâux plênhx): tiếng hát tình yêu.

Cao Văn Tư

“Đất nước trọn niềm vui”
“Đất nước trọn niềm vui”

Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, ngày 30/4/1975 đã là một trong những ngày đáng nhớ nhất. Và mỗi người dân Việt Nam từng...

Tin liên quan

Tin mới nhất