Nhân kỉ niệm Cách mạng tháng Tám: Có một Đào Mộng Long nhạc sĩ

Nghệ sĩ nhân dân Đào Mộng Long – cây đại thụ, một trong những ngôi sao rực rỡ nhất của bầu trời sân khấu Việt Nam - hẳn là công chúng khán giả đều đã rất quen biết. Ông có nhiều vai diễn để đời mà không dễ gì người thứ hai có thể đảm đương: Chánh Tôn (Vở “Chị Hòa” của Học Phi), Pi- tơ-hắc (Vở “Hàng ngũ hoà bình” - kịch Nga), Tsi-a-rô (Vở “Lu Ba” - kịch Nga), Gôp-rơ-đi-linin (Vở “Khúc thứ ba bi tráng” - kịch Nga), người hát xẩm (Vở “ m mưu và hậu quả” - tác giả Bửu Tiến và Nguyễn Hoàng Mai)…

Nhưng Đào Mộng Long từng là nhạc sĩ thì không nhiều người biết. Dễ hiểu, bởi ông chỉ viết nhạc thời kỳ Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp. Vả lại, do ông quá xuất sắc, nổi bật trong lĩnh vực sân khấu mà người ta dễ không để ý đến các hoạt động khác, mặc dù thời gian diễn ra Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn, ông đã có những bài hát được đông đảo công chúng biết tới và ưa thích.

Nhân kỉ niệm Cách mạng tháng Tám: Có một Đào Mộng Long nhạc sĩ - 1

NSND Đào Mộng Long

Từ năm 1943, Đào Mộng Long là kép hát chính của gánh cải lương Nam Hồng, lưu diễn chủ yếu ở Sài Gòn và Nam Bộ. Do theo gánh hát nay đây mai đó nên ông không có điều kiện tham gia một tổ chức cách mạng nào. Ông bàn với người chủ gánh hưởng ứng mọi hoạt động khi có bất cứ tổ chức nào yêu cầu. Dạo đó, tại Sài Gòn, ở thời kỳ tiền khởi nghĩa, phong trào Thanh niên Tiền phong dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương lớn mạnh như Phù Đổng. Những đội ngũ chỉnh tề, hừng hực khí thế, dạt dào sức trẻ, hoạt động sôi nổi khắp nơi từ các ngõ hẻm đến những đường phố lớn. Ai cũng thấy rõ hoạt động của phong trào này đã làm thay đổi đáng kể bề mặt thành phố hoa lệ được coi là “hòn ngọc của viễn đông” khi ấy.

Với sự nhạy cảm vốn có của người nghệ sĩ, Đào Mộng Long cảm nhận rõ như sắp có một sự kiện gì đó vô cùng trọng đại sẽ diễn ra, làm thay đổi toàn bộ cuộc sống, tác động sâu sắc đến vận mệnh mỗi người. Nhìn những đội quân Thanh niên Tiền phong hoạt động, ông vô cùng trân trọng, yêu quý và thấy tâm hồn nao nao, dạt dào cảm xúc. Một niềm tin, niềm tự hào trỗi dậy trong lòng. Trước những gương mặt trẻ trung phơi phới kia, ông hình dung ra sắc diện mới của dân tộc giữa những ngày lịch sử đang chuẩn bị cho buổi chuyển mình vĩ đại. Và một buổi chiều kia, giữa Sài Gòn mưa tầm tã, trên đường về Đa Kao, ông nhìn thấy một thanh niên tuổi chừng 17-18 tay cầm gậy tầm vông, nghiêm trang đứng gác trụ sở. Mặc cho mưa xối xả vào người, chàng trai trẻ liên hồi vuốt nước trên mặt, vẫn rất yên tâm, hào hứng, vui vẻ làm nhiệm vụ. Hình ảnh ấy gây cho ông ấn tượng thật mạnh. Về tới nhà, ông ngồi ngay vào bàn, sáng tác bài hát “Hồn Việt Nam”. Chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, ca khúc được hoàn thành:

“Người Việt Nam! Biết hy sinh, quyết chiến đấu.

Muôn năm qua còn ghi dấu.

Non sông ơi! Cờ theo gió bay càng cao…”

Lúc ấy, Đào Mộng Long có người bạn thân là Lê Kim Bảng, phụ trách một đội Thanh niên Tiền phong ở Khánh Hội. Bảng vốn yêu quý, hâm mộ Đào Mộng Long nên tác giả đã trao cho người đội trưởng Thanh niên để về tập cho anh em hát thử xem sao. Long hát cho Bảng nghe, được người bạn rất thích thú, khen bài hát hay, có sức thôi thúc số đông người hành động. Ngay lập tức, Lê Kim Bảng cho triển khai tập bài hát.

Nhân kỉ niệm Cách mạng tháng Tám: Có một Đào Mộng Long nhạc sĩ - 2

Đào Mộng Long chẳng những là kép cải lương nổi tiếng mà còn hát tân nhạc rất hay.

Ngày 25/8/1945, cả Sài Gòn đổ xuống đường. Các đoàn người rầm rộ tràn qua các phố lớn, nhanh chóng cướp được chính quyền. Cùng với những tiếng hô vang các khẩu hiệu là tiếng hát của quần chúng biểu tình. Đào Mộng Long thật không ngờ: Bên cạnh những bài như “Cùng nhau đi hồng binh” (Đinh Nhu), “Du kích ca” (Đỗ Nhuận), “Tiếng gọi Thanh niên” (Lưu Hữu Phước), “Cờ Việt Minh” (Vương Gia Khương), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi)… ông nghe người ta hát bài “Hồn Việt Nam” của mình. Ngay sau đó, bài hát lan truyền đi khắp nơi, được nhiều đơn vị thanh niên khác hát.

“Hồn Việt nam” được viết ở giọng Rê, điệu trưởng với tiết tấu hành khúc, có kết cấu ngắn gọn mang chất liệu âm nhạc dân tộc. Ca khúc giàu yếu tố thôi thúc, cổ vũ nên dễ dàng được quần chúng đón nhận.

Sau ngày nổ ra kháng chiến ở Nam Bộ (23/9/1945), Đào Mộng Long hoạt động văn nghệ trong sư đoàn 3 ở Cao Lãnh (Đồng Tháp).Tết năm đó, ông được lệnh cùng với NSND Quốc Hương (1920-1987) là ca sĩ của sư đoàn, đến hát cho anh em thương binh nghe.

Lúc ấy Quốc Hương chưa sáng tác (Về sau, người ca sỹ này mới viết ca khúc), Đào Mộng Long bèn quyết định viết một bài hát về thương binh để kịp thời phục vụ theo lệnh của sư đoàn trưởng. Ngày ấy, hai tiếng “thương binh” là khái niệm rất mới mẻ, đã gây cho ông xúc cảm đặc biệt, nhất là khi được tiếp xúc, mục kích những chiến sĩ đang băng bó, chống nạng hoặc hỏng mắt sau những cuộc chiến đấu với quân thù. Một tứ nhạc bật ra và cũng rất nhanh, chỉ sau một giờ, ông viết được bài “Hồn chiến sĩ”. Bài hát được hình thành ở giọng Rê thứ với tiết tấu 3/4, tốc độ chậm rãi, gợi tính chất tưởng niệm khiến người nghe rất cảm động:

“Hồn chiến sĩ ơi!

Nghi ngút khói hương trầm bay theo gió.

Gió đưa về đây mà nghe lời nước non thầm nhớ.

Người anh hùng sống cho ngày mai…”

Đào Mộng Long chẳng những là kép cải lương nổi tiếng mà còn hát tân nhạc rất hay. Trong nhiều buổi biểu diễn cho gánh cải lương Nam Hồng, ngoài vai trò soạn kịch bản, dàn tập (ngày ấy chưa gọi là đạo diễn), đóng nhiều vai chính, ông còn hát nhiều bài hát mới trước mỗi vở diễn. Ông định sáng tác xong sẽ cùng Quốc Hương song ca, nhưng vừa viết xong bài “Hồn chiến sĩ” thì ông lên cơn sốt cao nên Quốc Hương phải hát đơn ca. Tết năm đó (1946), ông cứ nằm bẹp trên giường, sốt li bì, không biết người đồng nghiệp biểu diễn thế nào. Rồi chiều mùng 1 Tết, Quốc Hương về, đến bên giường bệnh khoe với Đào Mộng Long là bài hát được đông đảo người nghe tán thưởng.

Chỉ một thời gian ngắn sau, hầu như tất cả chiến sĩ Sư đoàn 3 đều thuộc và hát. Rồi một số đơn vị khác cũng truyền nhau tập bài này. Bài hát được coi là bài mặc niệm của Sư đoàn thời đó.

Đó là 2 bài hát đầu tay của Đào Mộng Long, có sức lan tỏa rộng rãi ở Nam Bộ trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Bài “Hồn Việt Nam” đã từng là 1 trong 2 bài được chính quyền Ngô Đình Diệm cân nhắc, lựa chọn làm “Quốc ca” của họ. Nhưng sau đó, họ đã lấy bài “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước. Những ai từng chiến đấu hoặc sống ở Sài Gòn, Nam Bộ thời gian này đều không thể không biết “Hồn Việt nam” và “Hồn Chiến sĩ” của Đào Mộng Long.

Sau đó, trong suốt 8 năm chống Pháp ông còn viết được mấy chục bài hát nữa như: “Lê Lợi chiến thắng ca”, “Có một đêm trăng”, “Mùa thu mới”, “Hỡi anh Vệ quốc quân”, “Tranh đấu”, “Công nông binh”, “Đóng thuế”, “Nông dân vui đấu tranh”… Những bài hát của ông đều bám sát các nhiệm vụ của quân dân ta qua từng giai đoạn kháng chiến và toát lên âm hưởng lạc quan, tin tưởng kháng chiến nhất định sẽ thắng lợi.

Sau ngày hoà bình lập lại (1954), từ khi chuyển hẳn sang diễn kịch nói và đạo diễn, dàn dựng ở Đoàn kịch nói Trung ương, rồi sau này là Nhà hát kịch Việt Nam, Đào Mộng Long không sáng tác nhạc nữa, mà chỉ viết bài hát cho các nhân vật trong vở kịch nói, cải lương do ông sáng tác hoặc đạo diễn.

Thế là đến bây giờ, mọi người chỉ biết Đào Mộng Long là ngôi sao sân khấu lớn mà không hoặc ít biết ông đã từng là nhạc sĩ những năm tháng xa xưa…

Đào Mộng Long sinh năm 1915, quê ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là người bôn ba khắp đất nước. Lúc trẻ thì tham gia nhiều gánh hát cải lương biểu diễn suốt từ Bắc đến Nam. Về sau, ông chuyển hẳn sang hoạt động ở lĩnh vực kịch nói với các vai trò: Diễn viên, soạn vở và đạo diễn. Lại cũng được rất nhiều đơn vị sân khấu cả nước mời đạo diễn các vở, nhất là những dịp chuẩn bị cho các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc. Với rất nhiều cống hiến lớn cho nền sân khấu nước nhà, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND ngay từ đợt đầu tiên (1984). Ông cũng là thành viên Hội Đồng xét tặng các danh hiệu nghệ sĩ cấp quốc gia.

Ngày 9/6/2006, vào lúc 12 giờ 5 phút, Đào Mộng Long trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 92 tuổi, để lại một gia sản quý báu cho hậu thế với những vai diễn bất hủ, cùng nhiều vở diễn giá trị do ông sáng tác hoặc dàn dựng và cả 2 bài hát đặc sắc, nổi tiếng một thời./.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất