Phát huy vai trò kết nối của âm nhạc
Âm nhạc, cũng như các loại hình văn hóa nghệ thuật khác, là những tinh túy được chưng cất và lưu truyền qua nhiều đời. Đã là truyền thống thì phải được hình thành trên sự liên kết quá khứ với hiện tại và hướng tới tương lai. Khả năng liên kết của âm nhạc là vô tận, xuyên qua thời gian, bao trùm cả không gian qua sự sẻ chia và cộng hưởng từ mỗi cá nhân tới cộng đồng, từ mỗi quốc gia tới quốc tế, từ mỗi dân tộc tới nhân loại (và còn xa nữa trong kỳ vọng của loài người: từ hành tinh xanh tới các hành tinh khác, đâu phải vô cớ mà các nhà khoa học đã gửi giao hưởng số 9 của Beethoven vào vũ trụ). Thực tế ngành âm nhạc của chúng ta đã làm tốt vai trò kết nối chưa?
Liên kết vốn là đặc tính của âm nhạc. Âm nhạc cần được vang lên và chuyển tải đến người nghe thông qua sự kết nối giữa tác giả với người diễn, giữa những người diễn với nhau và cuối cùng là giữa người diễn với người nghe.
Rộng ra nữa, một nền âm nhạc tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc cần được gây dựng trong mối quan hệ mật thiết giữa những người hoạt động âm nhạc (không chỉ giữa người sáng tạo và thể hiện, mà còn cả các nhà sưu tầm và nghiên cứu, nhà lý luận và phê bình, người giảng dạy và quản lý...), cũng như sự tương tác đồng bộ giữa các tổ chức âm nhạc hoặc liên quan tới âm nhạc (các hội văn học nghệ thuật, các hội chuyên ngành âm nhạc Trung ương và địa phương, các cơ quan nhà nước và các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp...), giữa giới nhạc với văn nghệ sĩ các chuyên ngành khác (thơ văn, sân khấu, điện ảnh, múa, kiến trúc...) và các ngành liên quan (giáo dục đào tạo, báo chí truyền thông, công nghệ thông tin, in ấn xuất bản, lưu trữ bảo tàng, xã hội học, dân tộc học, lịch sử, địa lý, vật lý, tâm lý...).
Thời chiến, âm nhạc luôn “đồng hành cùng dân tộc”, cổ vũ toàn dân đoàn kết một lòng vừa kiến quốc vừa vệ quốc. Thời bình, âm nhạc cũng góp phần đáng kể trong công cuộc xây dựng văn hóa và con người mới, vừa là chất keo gắn kết cộng đồng trong đời sống xã hội đương đại, vừa là tiếng nói mang bản sắc dân tộc trên diễn đàn quốc tế.
Một trong những “cái được” đáng kể ở thế kỷ XXI về sự kết nối chiều dài lịch sử (từ quá khứ tới hiện tại và tương lai), cũng như bề rộng toàn cầu (quảng bá âm nhạc dân tộc ra thế giới) là: các nhà nghiên cứu âm nhạc và văn hóa dân gian đã nỗ lực phục hồi nhiều di sản nhạc cổ có nguy cơ thất truyền (do chiến tranh và những quan niệm hạn chế nhất thời), trong đó có 10 thể loại được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hoặc di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp: Nhã nhạc cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Quan họ Bắc Ninh (2009), Ca trù (2009), Hát Xoan (2011), Đờn ca tài tử Nam bộ (2013), Ví Giặm Nghệ Tĩnh (2014), Bài chòi (2017), Then của người Tày, Nùng, Thái (2019), nghệ thuật Xòe Thái (2021).
Âm nhạc cần được vang lên và chuyển tải đến người nghe thông qua sự kết nối giữa tác giả với người diễn, giữa những người diễn với nhau và cuối cùng là giữa người diễn với người nghe (Ảnh minh họa)
Còn nhiều “cái được” khác cần ghi nhận nữa. Môi trường âm nhạc ngày càng phong phú và rộng mở nhờ internet, tạo điều kiện thưởng thức, tiếp xúc, học hỏi và thúc đẩy sáng tạo cá nhân. Đây là một thuận lợi rất lớn cho giới trẻ trong sáng tác, biểu diễn, đào tạo và quảng bá sản phẩm âm nhạc. Tác phẩm ngày càng đa dạng hơn với nhiều thể nghiệm trong ngôn ngữ biểu hiện. Sự hợp tác quốc tế mở rộng hơn bao giờ hết, dàn nhạc giao hưởng và nghệ sĩ biểu diễn Việt Nam “đi đánh xứ người” không còn là hiện tượng hiếm. Không ít tài năng trẻ đoạt giải các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp trong khu vực và quốc tế. Nhạc giải trí đại chúng từ chỗ đơn thuần sao chép, bắt chước cũng đã manh nha tiếng nói riêng với khát vọng vươn ra thị trường quốc tế.
Giới nhạc không ngừng cố gắng đối mặt với những thách thức qua từng bước chuyển đổi trong nhận thức cũng như thực hành sao cho phù hợp với thời kỳ mới. Song vẫn chưa tự tin để nói rằng ngành nhạc luôn giữ được vai trò kết nối trước thực tế ngày càng đa dạng và biến đổi không ngừng. Tính liên kết dường như vẫn quá thiếu, giữa các ngành, các loại hình nghệ thuật và các tổ chức khác nhau đã đành, mà ngay cả trong ngành, trong mối quan hệ giữa các đồng nghiệp, giữa các thế hệ, giữa những người làm nhạc chuyên nghiệp ở hai mảng chính thống và thị trường. Có thể thấy điều này qua vài hiện tượng tưởng như nhỏ nhặt.
Nhiều nhạc sĩ trẻ nổi tiếng đắt khách không muốn là thành viên của tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp là Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hướng tới giới trẻ, Hội Nhạc sĩ đã tính đến các dự án tổ chức trung tâm sáng tác, các cuộc tọa đàm cho nhạc sĩ trẻ, mở rộng giải thưởng thường niên tới các đối tượng ngoài Hội, nhưng rất khó xóa được khoảng cách giữa hai lực lượng hoạt động âm nhạc trong Hội và ngoài Hội.
Từ chuyên ngành bị coi là yếu kém nhất là phê bình âm nhạc càng thấy rõ hơn tình trạng thiếu hợp tác. Gần như thiếu vắng tinh thần tương tác giữa “dân” lý luận âm nhạc chuyên nghiệp với báo chí và truyền thông. Hội Nhạc sĩ thành lập Câu lạc bộ âm nhạc và báo chí để gây dựng mối quan hệ tương hỗ học hỏi lẫn nhau giữa hai đội ngũ bình luận âm nhạc là báo giới với giới nhạc, nhưng sau vài năm nối duyên mãi chẳng thành lại “anh đi đường anh, tôi đường tôi”. Những người viết phê bình âm nhạc gần như đơn thương độc mã, mạnh ai nấy làm, ít chịu đọc nhau.
Có lẽ không mấy ai, nhất là lãnh đạo các cấp, hiểu nỗi niềm của người làm công việc phê bình âm nhạc chuyên nghiệp. Tại sao các nhà lý luận âm nhạc được đào tạo bài bản thường chọn lĩnh vực nghiên cứu hoặc đào tạo và né tránh phê bình? Phân tích học thuật, đặc biệt nhạc không lời đã khó, lại còn phải tìm cách chuyển tải sao cho hấp dẫn đại chúng.
Một nghề “khó nhằn”, dễ đụng chạm, lương và nhuận bút chất xám không đủ sống nói gì đến tự xuất bản sách và quảng bá sách để xã hội hóa sản phẩm chuyên ngành phê bình. Số người chuyên tâm viết phê bình đã ít lại dễ nản lòng trước xu thế chung chạy theo hình thức báo cáo thành tích. Viết đúng thực trạng dù thành tâm và cẩn trọng đôi khi vẫn bị chê trách, thậm chí còn gặp phản ứng nặng nề. Ngay đồng nghiệp với nhau cũng thiếu tinh thần xây dựng, khó chấp nhận sự khác biệt và không coi trọng tính phản biện.
Thực sự băn khoăn chứ, vì một xã hội phát triển không thể thiếu yếu tố phản biện, nếu phủ nhận phản biện thì làm sao có thể “nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục”, để xây dựng nền văn hóa “phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ” như Tổng Bí thư đã nhắc nhở.
Quả là còn nhiều việc cần làm cho một nền “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Để văn hóa nghệ thuật “được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị” và “thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước”, thì trước hết phải đặt niềm tin vào văn nghệ sĩ và đầu tư xây dựng môi trường thuận lợi cho sáng tạo. Tôi muốn nói tới sự kết nối giữa người quản lý với giới nhạc. Người làm nhạc cần được thấu hiểu, tin tưởng, khích lệ sáng tạo, hỗ trợ kịp thời, có thế mới hi vọng có được tác phẩm lớn trong nghệ thuật đỉnh cao, góp phần tạo “nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển văn hóa xã hội”.
Về môi trường sáng tạo, có một ước mơ từ lâu của giới nghiên cứu mà tôi đã nhiều lần nhắc đến: thành lập thư viện điện tử âm nhạc cổ truyền và thời đại. Mừng là Tổng Bí thư đã đưa việc xây dựng “môi trường văn hóa số” vào một trong những nhiệm vụ trọng tâm và Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030” nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số. Việc cần làm ngay đáp ứng công tác quản lý, lưu trữ, khai thác, phát huy sáng tạo, quảng bá di sản là xây dựng “ngân hàng số” dữ liệu âm nhạc, một việc không thể thiếu sự hợp tác liên ngành, liên tổ chức.
Khả năng liên kết của âm nhạc cũng hiệu quả với tiêu chí đoàn kết dân tộc trong thời kỳ đổi mới. Âm nhạc có thể vượt qua nhiều rào cản: ngôn ngữ, tuổi tác, thậm chí quan điểm chính trị.
Có một trường hợp hi hữu trong lịch sử nhạc mới Việt Nam và cũng chưa từng thấy trong lịch sử âm nhạc thế giới: một nhạc sĩ là tác giả quốc ca của hai lực lượng thù địch: Giải phóng miền Nam của Lưu Hữu Phước được coi là quốc ca chính thức của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, trong khi Thanh niên hành khúc của ông được sửa thành Tiếng gọi công dân để dùng làm quốc ca của Việt Nam Cộng hòa. Được biết, Việt kiều thuộc chế độ cũ vẫn tiếp tục coi đó là quốc ca của họ. Lại được biết có những người Việt ở nước ngoài trước coi nhau là kẻ thù nay lại khoác vai nhau cùng hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng của nhạc sĩ Quân đội Doãn Nho.
Sức thuyết phục của tác phẩm nghệ thuật, sự cảm, đồng cảm, truyền cảm ở văn nghệ sĩ đóng vai trò cầu nối đôi khi còn hiệu quả hơn cả chính trị gia. Với tác dụng chữa lành nỗi đau mất mát, xóa bỏ hận thù giữa các quan điểm khác nhau, âm nhạc cũng như văn hóa nghệ thuật nói chung có thể giữ vị trí đặc biệt trong quá trình hòa giải dân tộc với tinh thần thiện chí, tin cậy, sẻ chia, độ lượng, nhân văn.
Đẳng cấp của một dàn nhạc phụ thuộc vào sự điêu luyện của mỗi nhạc công, vào khả năng nghe nhau, kết hợp ăn ý với nhau trong hòa tấu (ensemble), vẫn chưa đủ, để có sự phối hợp hoàn hảo và chất lượng dàn dựng đỉnh cao còn cần nhạc trưởng giỏi. Nền âm nhạc cũng như văn hóa nghệ thuật nước nhà thăng hoa được hay không ngoài thực lực và nỗ lực tự thần còn phụ thuộc vào sự tương tác đồng bộ liên ngành dưới cây đũa chỉ huy của người quản lý có tầm, có tài và có tình.
Mấy chục năm trước, tôi cứ loay hoay với câu hỏi: “Nhà phê bình âm nhạc, anh là ai?” để khẳng định những gì cần...
Bình luận