Sức sống của ca khúc nhạc phim

Những ca khúc nhạc phim xưa nay vốn chỉ là một phần phụ rất nhỏ, ít được khán giả chú ý đến. Nhưng đã có những ca khúc đã vượt ra khỏi màn ảnh nhỏ, không chỉ được khán giả yêu thích, mà sức sống của nó còn kéo dài rất nhiều năm sau đó. Nhiều ca khúc đã có đời sống độc lập ngay cả khi bộ phim đã kết thúc rất lâu rồi.

Sức sống của ca khúc nhạc phim - 1 NSND Lê Khanh tái hiện hình ảnh trong phim "Người Hà Nội" qua ca khúc "Chị tôi" do Mỹ Linh thể hiện. Ảnh: VFC.

Chương trình nghệ thuật “Chào 2021” của VTV với tiêu đề “Nơi tình yêu bắt đầu” chỉ trong bốn ngày đã thu hút hơn 209 nghìn lượt người xem trên kênh Youtube đã cho thấy sức hút của những ca khúc nhạc phim. Đây có lẽ cũng là chương trình dầu tiên mà VTV tập hợp khá đầy đủ những ca khúc nhạc phim đình đám nhất, được yêu thích từ khoảng hai thập kỷ trở lại đây. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn lâu bền của những ca khúc gắn liền với các bộ phim. 

Thực tế cho thấy, trong suốt chiều dài lịch sử phim truyền hình Việt Nam, đã có rất nhiều ca khúc vượt ra khỏi khuôn khổ bộ phim và sống một đời sống độc lập, cho đến nay vẫn tồn tại như một tác phẩm âm nhạc riêng, được nhiều thế hệ ca sĩ trình bày, phối khi theo những phong cách khác nhau. Ca khúc “Chị tôi” của nhạc sĩ Trọng Đài phổ nhạc trên nền bài thơ “Cho một ngày sinh” của nhà thơ Đoàn Thị Tảo là thí dụ điển hình nhất. Ban đầu chỉ là ca khúc trong bộ phim “Người Hà Nội” do các đạo diễn Hoàng Tích Chỉ và Đoàn Lê thực hiện, nhưng bài hát đã vượt ra khỏi bộ phim và trở thành một hiện tượng trong cả âm nhạc và phim lúc bấy giờ. Sau đó, ca khúc được đầu tư dàn dựng video clip bài bản qua giọng ca Mỹ Linh, với những hình ảnh đặc trưng về người phụ nữ Hà Nội do NSND Lê Khanh thể hiện, đã trở thành một trong những ca khúc đỉnh cao của Mỹ Linh. Cho đến nay, “Chị tôi” vẫn tồn tại trong đời sống âm nhạc, tách hoàn toàn khỏi bộ phim như một tác phẩm độc lập, và đem đến cho người nghe trọn vẹn những cảm xúc như ngày nào. Bài hát không chỉ mang dấu ấn của bộ phim mà còn gợi nhớ hình ảnh về những con người, xã hội và đời sống Hà Nội lúc bấy giờ.

Nhạc phim cũng đã góp phần đưa nhiều nhạc sĩ đến gần hơn với công chúng. Nhạc sĩ Trọng Đài trước đây vốn sáng tác chủ yếu trong lĩnh vực khí nhạc, nhưng tên tuổi của ông được đông đảo công chúng biết đến và yêu mến qua các ca khúc nhạc phim. Ngoài “Hà Nội đêm trở gió” được viết cho một vở kịch, tên tuổi nhạc sĩ Trọng Đài còn gắn với các ca khúc trong phim như “Chị tôi” (phim Người Hà Nội), “Chuyện phố phường”, “Đất và người”, “Đường đời”, “Hương đất”… trong các bộ phim truyền hình dài tập cùng tên. Gia tài sáng tác của nhạc sĩ có khoảng hơn 40 ca khúc viết cho phim, trong số hàng trăm tác phẩm viết cho khí nhạc.

Nhạc phim còn đem đến nhiều điều thú vị hơn thế. Có những người tưởng chừng công việc không hề liên quan gì đến việc viết nhạc, nhưng đến nay đã có trong tay hàng chục tác phẩm viết cho phim. Thậm chí, có những tác phẩm trong số đó nổi tiếng đến mức hoàn toàn đứng tách rời ra khỏi bộ phim và được biểu diễn riêng trong nhiều chương trình nghệ thuật lớn nhỏ. Nghệ sĩ Phùng Tiến Minh là một thí dụ.

Xưa nay, công chúng vốn chỉ biết đến một Tiến Minh diễn viên, hay đóng những vai lệch của Nhà hát kịch Hà Nội. Nhưng khán giả giờ đây biết đến anh nhiều hơn trong vai trò nhạc sĩ sáng tác nhạc cho phim và kịch nói. Tính đến nay, anh có trong tay hàng chục ca khúc viết cho phim và kịch. Nổi bật nhất trong các sáng tác của anh là các bài “Vệt nắng cuối trời”, “Nơi tình yêu bắt đầu”, “Con đường hạnh phúc”… Các ca khúc anh viết mang màu sắc trẻ trung, lãng mạn, dễ nhớ, giai điệu nhẹ nhàng, tha thiết, đi vào lòng khán giả. “Vệt nắng cuối trời” và “Nơi tình yêu bắt đầu” đã trở thành những ca khúc hit, được nhiều ca sĩ tên tuổi lựa chọn trình diễn ở các chương trình nghệ thuật lớn. Chương trình đón năm mới “Chào 2021” của VTV đã chọn “Nơi tình yêu bắt đầu” là tiêu đề và ca khúc chủ đạo. Điều đặc biệt là Tiến Minh không hề qua một trường lớp đào tạo nào về âm nhạc. 

Viết ca khúc trong phim hoàn toàn khác với sáng tác ca khúc bình thường. Nếu như các ca khúc bình thường có thể lấy cảm hứng từ bất kỳ điều gì trong cuộc sống, sáng tác bất cứ lúc nào có cảm xúc, thì viết ca khúc phim phải gắn bó với câu chuyện trong phim, phải mang cảm xúc của bộ phim. Một ca khúc hay không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ, được khán giả nhớ lâu mà có thể nâng tầm cả một bộ phim, thậm chí, như diễn viên Việt Anh từng nhận xét về ca khúc “Những bàn chân lặng lẽ” của loạt phim “Cảnh sát hình sự: “Bài hát đã làm nên thương hiệu của cả một dòng phim hình sự”. 

Sức sống của ca khúc nhạc phim - 2  Các diễn viên trong phim "Về nhà đi con" thể hiện ca khúc trong phim. Ảnh: VTV.

Những năm gần đây, các bộ phim truyền hình đã được đầu tư rất công phu, trong đó có cả các ca khúc nhạc phim. Nhiều bộ phim chất lượng cao, tạo được hiệu ứng tốt trong khán giả, đồng thời bài hát phim cũng là những dấu ấn đáng nhớ, được khán giả tìm nghe nhiều, như “Cảm ơn con nhé” của nhạc sĩ Quốc An trong phim “Về nhà đi con”, “Lặng Yên” của nhạc sĩ Dương Hoàng Giang trong phim “Lặng yên dưới vực sâu”…

Sức sống của những ca khúc nhạc phim gắn với những bộ phim hấp dẫn, chất lượng cao đang ngày càng nâng tầm phim trên sóng truyền hình. Đã đến lúc phim truyền hình Việt Nam tự hào về những sản phẩm “hàng Việt Nam chất lượng cao”, và chúng ta hoàn toàn có quyền mơ về những bộ phim mà cả câu chuyện và bài hát đình đám vượt qua những “người khổng lồ” về phim truyền hình như Hàn Quốc, Trung Quốc lâu nay…

Theo Nhân Dân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống