Trai phố cổ....

Anh là trai phố cổ Hà Nội: Tài hoa, đẹp giai, lịch lãm và rất nhiều tài lẻ. Đánh bóng bàn vào loại siêu hạng, từng đọ vợt với các danh thủ quốc gia, lại cũng bởi tình thân mà một danh thủ và HLV bóng bàn nổi tiếng mến tài người anh mà thành say đắm cô em gái trong nhà. Cầm kỳ rồi thi họa. Ghi ta đàn hát thì đã có tiếng tự thuở là học sinh phổ thông. Đã bao nhiêu em say đắm, và rồi anh nên nghiệp cũng từ đây.

Tôi biết anh khi còn là học sinh phổ thông đi sơ tán ở Bình Đà, Thanh Oai, Hà Tây. Còn anh là một “thầy giáo làng” như anh thường khiêm tốn nói về mình, khi là giáo viên dạy ở trường cấp 2 xã Tam Dương cận kề. Nhưng được quen biết anh là bởi ngày đó tôi quen thân nhà thơ Nghiêm Đa Văn, được anh Văn dẫn đến chơi nhà anh Hồng ở 25 Hàng Nón, phố cổ "chân chính" của Hà Nội. Anh Nghiêm Đa Văn là nhà thơ, vốn học đại học sư phạm cùng với các anh Nguyễn Khoa Điềm, Tô Nhuận Vỹ, Ma Văn Kháng, Tô Hoàng, Vương trí Nhàn ... rồi khi tốt nghiệp được điều vào giạy ở Hà Tĩnh. Đất lửa bỏng rát, cũng là nơi tài năng thơ ca anh Văn phát lộ. Anh làm được nhiều bài thơ hay, như bài “Đàn trâu Nghệ” được nhà thơ Chế Lan Viên khen nức nở, và tuyển vào thơ chọn lọc ba năm chống Mỹ. Thế là thành nổi tiếng. Bộ giáo dục liền đưa anh về ngay báo Giáo viên nhân dân ở 14 Lê Trực Hà nội. (Nhà thơ Hoàng Hưng vốn là giáo viên Hải Phòng tác giả bài thơ "Gửi anh" có nhẽ về báo Người giáo viên... cũng hoàn cảnh tương tự).

Cùng là nhà giáo yêu văn học nghệ thuật, anh Văn làm việc và kết thân với nhiều thầy giáo sáng tác âm nhạc, như các thầy Hoàng Long- Hoàng Lân, Bùi Bình Thảo, Hàn Ngọc Bích, Nghiêm Bá Hồng... Tính anh Văn thì ai cũng thân, ai cũng hể hả, nhưng tri kỷ nhất có lẽ là anh Nghiêm Bá Hồng. Thế là người làm thơ, người phổ nhạc, lại táo bạo viết cả ca cảnh cho thiếu nhi, thế mà thành nổi tiếng, cứ chiều chiều vào lúc 5 giờ trẻ con người lớn lại áp tai vào galen nghe các thể loại nhạc cảnh của hai anh. Hai cái tên Nghiêm Đa Văn Nghiêm Bá Hồng từ đấy gắn vào nhau, nổi tiếng lắm, lại cùng họ Nghiêm, nên mọi người cứ tưởng đó là một đôi anh em ruột hay sinh đôi, như các anh Hoàng Long Hoàng Lân “Kìa nắng sơm mai chiều soi ngàn muôn tia sáng, chúng em vây quanh cô giáo trong giờ chơi...”

Hồi mới đi làm thầy, anh Nghiêm Bá Hồng đóng góp vinh quang cho trường ban đầu là do tài bóng bàn (Anh học Cao đẳng sư phạm và được phân về dạy học ở Hà Tây). Giải thể thao nào của công đoàn giáo dục tỉnh, y như rằng không giải nhất thì giải nhì cũng xướng tên Nghiêm Bá Hồng. Nhà trường lấy làm vinh dự lắm, lúc nào cũng nhất mực “thầy Hồng trường ta”.

Trai phố cổ.... - 1

Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng

Nhưng một thời gian sau, bằng tình yêu và tài năng âm nhạc, anh làm cho nhà trường thêm bội phần rạng rỡ, cái tên trường Tam Dương gắn với một  đội đồng ca thiếu nhi do thầy Hồng xây dựng, không chỉ vang danh trong tỉnh mà còn vang danh cả nước, khi nhiều bài hát của Thầy Nghiêm Bá Hồng hay của nhiều nhạc sỹ TW sáng tác, được đích thân nhạc sỹ Mộng Lân (“Em là búp măng non, em lớn lên trong mùa cách mạng”), phụ trách âm nhạc thiếu nhi Đài TNVN mang máy thu lên trường thu, hoặc thầy trò đèo nhau về phòng bá âm Quán Sứ thu thanh.

Được phát sóng khắp miền đất nước, thành thị làng quê đều nghe các em hát, nên cái tên đội hợp xướng trường Tam Dương gần như sánh ngang đội Vàng Anh Nam Định hay câu lạc bộ thiếu nhi Hà Nội. Tên tuổi thầy giáo -nhạc sỹ Nghiêm Bá Hồng cũng nổi danh không kém những người thầy sáng tác âm nhạc khác, như Hàn Ngọc Bích (“em đưa cơm cho mẹ em đi cày”), Bùi Bình Thảo (“cọ xòe ô che nắng, thơm mát đường em đi”), Trần Viết Bính (“hạt gạo làng ta/ có vị phù sa/ của sông Kinh Thầy”). Đã hơn nửa thế kỷ, trong tâm khảm nhiều người vẫn còn nhớ như in những bài hát này, cùng nhạc cảnh " Cơn mưa đằng đông" của Nghiêm Đa Văn- Nghiêm Bá Hồng...

(Thật ra các anh còn nhiều nhạc cảnh viết cho thiếu nhi nữa, từng phát sóng và được nhiều người yêu thích, như nhạc cảnh Lý Tự Trọng, với những bài hát mà đến giờ tôi còn thuộc từng lời:

Em yêu con cò, con cò trắng bay

Con cò lặn lội mẹ ru mẹ bồng trên tay

Mẹ dạy em tiếng gọi lá cây

Mẹ dạy em tiếng hát bao luống cày....

*

Người đàn ông phố cổ vô cùng tài hoa, nhã nhặn, hào hiệp và đáng yêu, đã từng có 60 năm hoạt động âm nhạc, phải nói là rực rỡ, đáng tự hào, nhất là ở dòng nhạc thiếu nhi của anh năm xưa, trong những năm tháng miền bắc chiến tranh ác liệt, gian khổ trăm bề, mùa xuân này đang bước vào tuổi 80. Nhìn lại 80 năm, nhìn lại cuộc đời của anh cho đến hôm nay, cũng có lúc thăng lúc trầm, nhưng nhìn chung là thành đạt, ân tình. Vợ anh, chị Dung là một người phụ nữ đúng chất Hà Nôi” chẳng thơm cũng thể hoa nhài”, đồng cam cộng khổ với anh qua từng nốt thăng nốt giáng của cuộc đời, thời thanh xuân đã hết lòng vì chồng con, đến nay vẫn hết lòng vì anh Hồng và các cháu.

Con lớn của anh, nhà quay phim Nghiêm Bá Hoài, là một tay máy quay xuất sắc của VTV. Tôi đã từng có dịp gặp cháu trong một đêm Phan Rang Phan Rí, cháu vào đây quay bộ phim” Người đàn bà đi trong mưa”. Đạo diễn NSƯT Trần Vịnh tâm sự với tôi:” Cậu ấy thuộc diện quay phim xuất sắc nhất hiện nay. Bộ phim nào tôi cũng mời cậu ấy là quay chính, và đều rất thành công”.

Chị Đào Mỹ Dung, phu nhân của nhạc sỹ Nghiêm Bá Hồng cho hay về sự nghiệp âm nhạc 60 năm của chồng: “ Những tác phẩm âm nhạc cho thiếu nhi thành công của anh Hồng  có thể kể đến: “Thật đáng yêu”, “Mùa xuân”, “Em đi trong nắng mùa thu”, “Lời chào của em”; một số nhạc cảnh thiếu nhi: “Cơn mưa đằng đông”, “Mèo con và chuột nhắt”, và các ca khúc người lớn được đông đảo người hâm mộ  yêu thích là : “Tiếng hát từ những cánh rừng”, “Kỷ niệm Trường Sơn, “Vĩnh Phúc yêu thương”, “Lời then phố núi”,  “Đêm trắng Khau Vai”, “Mùa xuân quê núi”, “Hoa ban đêm xòe”, “Hành khúc Điện Biên”…

Những bản viết cho piano, cho violon của nhạc sỹ Nghiêm Bá Hồng được giới chuyên môn đánh giá cao. Anh đã nhận được: Giải C khí nhạc, giao hưởng thơ “Âm dương và cánh cò” (Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1993); ca khúc “Hoa ban đêm xòe” (Giải Tư, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 2004)."

Trong đêm nhạc kỷ niệm 80 năm cuộc đời, 60 năm âm nhạc của nhạc sỹ Nghiêm Bá Hồng mới đây được tổ chức ở Phố Hoài, mọi người nghe đều rất xúc cảm và trân trọng những tác phẩm âm nhạc- hành trình 60 năm với đất nước, với cuộc đời, con người của nhạc sỹ Nghiêm Bá Hồng, những lớp người từ thuở quàng khăn đỏ cho đến lúc mái tóc pha sương đã nhiều sợi bạc của những cuộc trường chinh.

Chúc một mùa xuân mới, nhạc sỹ Nghiêm Bá Hồng thân yêu của chúng ta sẽ mạnh khỏe hơn, chỉ cần thế thôi, anh nhé....

Trương nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.