Chuyện nhặt vỉa hè Tây Âu

Trong thời gian ở Vương quốc Bỉ, tôi được anh Minh, Tham tán thương mại bố trí ăn nghỉ ngay tại văn phòng thương vụ Việt Nam số nhà 29 phố BelAir, Bruxelles. Những lúc nhàn rỗi, anh trực tiếp lái xe đưa tôi đi làm việc hoặc đi thăm thành phố, nhưng khi anh bận thì chị Tân vợ anh, hoặc chị Mai tuỳ viên thương mại lại thay anh giúp đỡ tôi.

Buổi sáng hôm đó, hai chị đưa tôi đi mua sắm. Thực ra là tôi đi theo để xem hai người mua sắm thì đúng hơn. Thấy tôi không mua gì, các chị bảo không mua quà cho vợ con hay sao? Tôi bảo đường còn dài, còn phải đi nhiều vác theo lích kích, đợi trước ngày về nước mua sắm ở Pháp cũng không muộn. Được một lúc chị Mai lại bảo, không mua gì thì thôi nhưng riêng áo da thì nên mua, bởi áo da đây là da thật, tốt, đẹp, thời trang và đặc biệt là rẻ, không có một nơi nào trên thế giới áo da lại rẻ như ở đây.

Hai chị đưa tôi vào một khu chợ bán áo da, đúng ra là một khu phố bên trên có mái vòm kính sáng sủa sạch sẽ. Bên trong khu phố đó có tới hàng trăm cửa hàng bán quần áo da. Chúng tôi đi giữa một rừng quần áo da đủ loại. Áo thì blu-dông, va-rơi, măng-tô, gi-lê. Quần thì ống loe, ống bó, ống lửng, rồi soóc, rồi váy da dài, váy da ngắn... Màu sắc thì nâu, đen, vàng nhạt, vàng sẫm, xanh lá cây, xanh nước biển, đỏ, trắng… Không thể nào tả hết cho được. Nhìn thấy khu phố quần áo da ở đây, tôi mới nghĩ tới mấy quán áo da ở phố Phan Bội Châu, Tôn Đức Thắng - Hà Nội mà có biển treo là "Thế giới áo da", thì không biết cái khu phố quần áo da ở Bruxelles này phải gọi là gì cho tiện?

Chuyện nhặt vỉa hè Tây Âu - 1

Những người da đen bán hàng rong trên phố Florenxia nước Ý (ảnh Nguyễn Đắc Như)

Tôi bỗng nảy ra ý định muốn mua một chiếc va-rơi da, mùa rét mưa phùn khoác ra ngoài, bên trong đánh bộ tầm tầm cũng chẳng chết ai. Không muốn tỏ ra mình kém sành điệu, tôi mới bảo anh bán hàng người Ấn Độ cho tôi thử chiếc áo màu nâu treo trên giá. Khoác thử thấy rộng dài, cái bên cạnh có vẻ nhỏ hơn, lại thử cái bên cạnh, cho đến cái thứ tư thì thấy vừa ý, kiểu đẹp, lịch sự, hợp lứa tuổi, chỉ phải cái màu đen, tôi không thích lắm. Nhưng khi người bán hàng nói giá 80 Euro. Tuy không khoái lắm về màu sắc, nhưng thấy rẻ nên cho qua.

Lại nhớ lời hai chị dặn trước khi vào chợ, mặc cả thoải mái, trả nửa tiền rồi cứ thế mà bò lên, tôi mới trả 45 Euro. Anh Tây Ấn Độ nhăn mũi kêu không có giá đó. Tôi trả tiếp 47, 49 rồi 50. Ok! Sợ bị hớ, quy ngược ra tiền Việt, 50 là khoảng 750 ngàn. Quá rẻ! Của này ở nhà có tìm được cũng hai, ba triệu. Chị Tâm và chị Mai ngắm nghía rồi cùng khen đẹp, lại còn khen là tôi mua giỏi hơn phụ nữ. Được các bà nội trợ khen, tự nhiên cũng thấy nhẹ nhõm.

Câu chuyện mua được áo da rẻ tưởng thế là xong. Ai dè, hôm lên đến Đan Mạch, tiết trời trở lạnh, tôi mới lấy áo da để diện. Sao thế này? Cố gắng lắm mới xỏ tay được vào hai ống, cài khuy thấy chật như áo gi-lê, mới ra đứng trước gương. Áo ngót đi hay mình lớn lên đây? Thôi chết tôi rồi! Trí nhớ đưa tôi về chợ áo da Bruxelles. Chắc chắn là lúc tôi lúi húi trả tiền, tay Ấn Độ đã tráo hàng của tôi. Chẳng lẽ lại quay lại bắt đền? Đành chịu!

Bruxelles không lớn, ít lâu đài, dinh thự, nhưng biệt thự hai ba tầng có vườn bao quanh, với các kiểu dáng kiến trúc hài hoà thì nhiều vô kể. Biệt thự nhiều nên phố xá yên tĩnh và thanh bình lắm. Thanh bình như thế mà hôm đưa tiễn tôi ra ga Midi - Bruxelles để sang Hà Lan, chị Mai dặn đi dặn lại rất kỹ là phải cẩn thận, trông thế thôi nhưng ăn cắp như ranh ấy. Tôi nghĩ thầm, phái yếu bao giờ cũng thế, lúc nào cũng cảnh giác, cũng đề phòng, thật tội nghiệp! Tuy vậy tôi vẫn vỗ vỗ vào các bao, các túi quàng quanh người, rườm rà như một lính thuỷ đánh bộ mà nói cứng với người bạn ra tiễn, tôi còn thì túi còn, giấy tờ còn, tiền còn, bạn cứ yên tâm đi!

Chuyến tàu hôm đó là một chuyến tàu chợ, tức là tàu dừng ở nhiều ga để trả và đón khách, nên trật tự vệ sinh không được tốt như tàu chạy suốt. Trong toa khách, thỉnh thoảng lại có một xe giải khát diễu qua, kích thước và hình dáng giống như xe giải khát trên máy bay, nhưng trên tàu hoả khách đi lại, lên xuống nhiều, người qua kẻ lại ùn tắc, gọi nhau í ới, xem ra cũng không hơn cảnh tàu Bắc - Nam bên ta là mấy.

Chuyện nhặt vỉa hè Tây Âu - 2

Để đảm bảo an ninh, xe taxi ở Tây Âu đều có khung kính riêng cho lái xe, có biển số công khai số xe cho khách biết (ảnh Nguyễn Đắc Như)

Tôi ngồi sát cửa kính, mặt quay theo hướng tàu chạy, ngắm phong cảnh bên ngoài loang loáng lướt qua mà không thấy chóng mặt. Ngồi bên trái là một cậu bé da đen chừng mười lăm tuổi đi tay không và cứ ngủ gà ngủ vịt từ lúc lên tàu. Tàu chạy êm êm, có một lúc tôi thấy mình như chìm dần vào giấc ngủ, rồi bỗng cảm thấy như có ai đó gọi mình, tôi choàng tỉnh dậy, lúc này tàu đã dừng lại ở một sân ga nào đó.

Bên ngoài cửa kính, có một người đàn ông da đen quay quay ngón tay như ra hiệu kéo cửa kính tàu lên. Tôi quay sang chú da đen bên cạnh vẫn ngồi ngủ như thế. Nhìn người đàn ông bên ngoài, ông ta vẫn ra hiệu mở cửa rồi chỉ chỉ vào tôi, tôi vỗ vào ngực mình, ông ta vội gật đầu lia lịa. Tôi liền đứng dậy để kéo cửa kính tàu lên xem ông ta bảo gì. Mới kéo được nửa chừng thì chợt nghĩ sao mình lại mở cửa. Vô lý, người ta cần gì ở mình cơ chứ.

Vội hạ cửa kính rồi ngồi xuống, theo thói quen quờ tay vào chỗ chiếc túi, không thấy túi đâu cả, giật mình tìm quanh trước sau, trên dưới đều không thấy. Trước mặt, đôi nam nữ người Bỉ lên tàu cùng tôi từ ga Midi vẫn ôm hôn nhau say sưa. Chú bé da đen bên cạnh vẫn khoanh tay trước ngực ngoẹo cổ sang một bên với giấc ngủ ngon lành. Trong toa vẫn nhốn nháo người lên kẻ xuống. Tôi dám nghi cho ai đây?

Khi người kiểm soát vé đi qua, tôi trình bày lại với anh ta việc mất túi, anh hỏi mất những gì, tôi kể là trong túi có một ống kính chụp ảnh tele 100-300, mấy chục cuộn phim đã chụp, giấy tờ lặt vặt. Anh lại hỏi hộ chiếu và tiền bạc thế nào, tôi chỉ vào bao ruột gà trước bụng rằng còn nguyên. Nghe vậy anh an ủi rằng trường hợp như thế này không thể tìm được, và khuyên tôi nên cẩn thận hơn, rồi lại còn chúc tôi lên đường may mắn!

Nếu các bạn có dịp đi thăm các điểm du lịch tại bất cứ một nơi nào ở Tây Âu, nếu để ý bạn sẽ thấy một hiện tượng quen thuộc thế này, bên cạnh các ki-ốt bán hàng lưu niệm cố định, thì rải rác gần xa bao giờ cũng có rất nhiều người bán hàng rong cũng những mặt hàng tương tự như trong các ki-ốt. Bán hàng ki-ốt phần lớn dân da trắng, hàng bán có giá niêm yết, nếu có mặc cả thì chỉ vênh 15 - 20% là nhiều. Còn bán hàng rong rải bạt trên vỉa hè lại phần lớn là người Thổ và Phi da đen, hàng không có giá, mặc cả chênh vài lần là chuyện thường.

Ở bất cứ nước nào, cảnh sát cũng đều không cho phép hàng rong bán trên vỉa hè như thế. Nên cứ thấy cảnh sát là cánh hàng rong túm vội bốn góc bạt thành một bao lớn khoác vai chạy trốn. Tất cả xào xạc cuốn đi như lá khô trên hè vắng, để rồi lại tụ tập ở một góc phố đằng kia ngoài tầm nhìn của cảnh sát. Biết vậy nhưng cảnh sát cũng cứ lờ đi. Họ hiểu, có đuổi cũng không xuể. Giống y chang cái kiểu đèn cù cảnh sát - hàng rong bên ta. Cảnh sát đến, hàng rong chạy, cảnh sát đi, hàng rong đỗ. Hòn đá ném xuống ao bèo tấm là thế.

Còn nhớ hôm đến thăm thành phố Florence nước Ý, lúc vừa đi khỏi đài tưởng niệm thi sĩ thời cổ đại Dante, đoàn chúng tôi đi diễu trên hè phố, thấy rất nhiều người bán rong hàng lưu niệm. Trên một tấm bạt bầy hàng thấy có một đôi ngựa bằng đồng rất đẹp, đuôi, bờm, mắt, mũi, chân móng đường nét tinh xảo. Tôi dừng lại định hỏi mua thì mọi người nhắc ngay rằng phải bám đoàn không thì lạc. Không kịp mua đôi ngựa đó tôi tiếc lắm.

Đi tiếp đến nhà thờ Santa Maria, ngôi nhà thờ lớn nhất, đẹp nhất và tiêu biểu cho kiến trúc của Florence. Cũng có rất nhiều hàng rong bầy la liệt quanh khu nhà thờ. Tôi cứ vừa nghe giới thiệu về kiến trúc, lịch sử, vừa chiêm ngưỡng ngôi nhà thờ vĩ đại với lối kiến trúc bề thế, lại vừa tìm kiếm xem trong số hàng rong kia có những vật lưu niệm nào độc đáo, đặc biệt xem có đôi ngựa nào như tôi đã thấy không. Thế rồi cầu được ước thấy, trên một tấm bạt bầy hàng của một thanh niên da đen thấy có một con ngựa, chỉ một con thôi, và cũng rất giống với đôi ngựa lúc nãy. Tôi bảo muốn mua hai con, anh bán hàng trả lời chỉ có một. Tôi bảo đi kiếm cho một con nữa, anh ta đồng ý.

Chúng tôi mặc cả, “kéo cưa lừa xẻ” hồi lâu ngã giá 18 Euro một đôi. Anh ta chạy đi một lúc rồi quay lại với một con ngựa nữa. Tôi cầm đôi ngựa lên xem, rất may là hai con hợp thành một bộ, đối xứng bước chân, màu sắc, kích cỡ giống nhau. Tôi đặt đôi ngựa xuống và lấy tiền trả anh bán hàng, xong xuôi lại cầm từng chú ngựa lên ngắm nghía, càng ngắm càng phục cái kỹ nghệ đồ lưu niệm của người Ý.

Bỗng có tiếng rào rào bước chân và tiếng gọi nhau ố ế. Chưa kịp hiểu ra điều gì thì anh chàng bán hàng da đen của tôi đã túm xong quầy hàng lên vai và chạy mất dạng nơi cuối phố. Bóng anh hoà lẫn vào đám đông vài chục người bạn đồng nghiệp như một cơn lốc đen. Con ngựa, con ngựa của tôi còn nằm trong đó! Tôi định đuổi theo đòi lại, nhưng nghĩ rằng mình phân biệt làm sao được khuôn mặt mấy chục ông Tây đen để mà đòi. Vả lại đi du lịch theo đoàn, sểnh cái là lạc, nên tôi đành thôi. Chỉ thương cho con ngựa, tưởng là có đôi có lứa, thế mà nay mỗi con mỗi ngả, kẻ Đông người Tây.

Chuyện nhặt vỉa hè Tây Âu - 3

Những người bán hàng rong chạy cảnh sát bên ngoài nhà thờ Santa Maria - Florenxia nước Ý (ảnh Nguyễn Đắc Như)

Trường hợp bị đánh tráo áo da, mất túi trên tàu và mất ngựa ngoài phố như vậy chỉ có thể nói là chuyện nhỏ, chuyện vặt so với lần tôi gặp nạn ở thành phố Stockholm, Thuỵ Điển.

Thời gian ấy, Nguyễn Trọng Huệ bạn tôi đang là Tham tán Thương mại Việt Nam tại 3 nước Bắc Âu có trụ sở chính đóng tại thủ đô Stockholm Thụy Điển. Nhờ vậy, những ngày ghé qua đây tôi đều ăn ở tá túc tại ngay văn phòng Thương vụ Việt Nam. Hôm đó là một ngày đẹp trời, sau khi giải quyết xong một số công việc, tôi đặt vấn đề muốn tranh thủ đi thăm Stockholm, Trọng Huệ bảo nửa giờ nữa phải tiếp khách Tây, nếu tôi muốn đi thì anh chỉ tranh thủ đánh xe đưa tôi đến khu trung tâm rồi phải về ngay. Tôi bảo chỉ cần có bản đồ là tôi chủ động được. Huệ lấy ra một tấm bản đồ Stockholm và đánh dấu vị trí trụ sở thương vụ ở phố Upplandsgatan, rồi khoanh tròn khu phố cổ Gamla Stan nơi có cung điện nữ hoàng, toà nhà quốc hội, khu phố thương mại đi bộ…

Trong khoảng ba tiếng đồng hồ dạo chơi khu trung tâm, tôi đã thăm được những nơi tiêu biểu của thành phố như toà thị sảnh với tháp chuông cổ cao nhất Stockholm cũng là nơi Hoàng gia Thụy Điển tổ chức trao giải Nobel hàng năm, cung nữ hoàng, toà nhà quốc hội, khu phố cổ giống như khu 36 phố phường ở Hà Nội…

Lúc ngồi nghỉ dưới chân tượng đài nhà vua Gustav nhìn về phía bờ sông đào bên kia, nơi có một rừng cột buồm của các con tàu du lịch đóng theo kiểu tầu cướp biển Viking, thấy có một toà nhà lớn ven bờ, nhìn kỹ trên bản đồ, đối chiếu với vị trí, tôi đoán đấy là Viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại. Cứ suy ra từ bản đồ thì toà nhà nằm trên một hòn đảo, muốn sang đấy phải qua hai cây cầu. Tôi quyết định đi bộ sang hòn đảo đó.

Trong một tâm trạng tràn ngập thanh bình, tôi vượt qua cây cầu thứ nhất, rồi cây cầu thứ hai bước lên hòn đảo vắng. Con đường nhựa uốn lượn quanh đồi cây xanh, đưa tôi vào một khu vực có một vài toà biệt thự. Mở bản đồ tìm lại vị trí của Viện Bảo tàng Nghệ thuật, đoán rằng nó ở đằng sau khu biệt thự này. Khi vào tới toà nhà thì hoá ra đó là một khách sạn, tôi hỏi cô lễ tân thì được biết Viện Bảo tàng Nghệ thuật đã chuyển đi nơi khác từ lâu, nơi đây bây giờ là khách sạn.

Tôi đưa bản đồ cho cô xem, cô cho biết bản đồ này in từ 10 năm trước, khi đó đây vẫn còn là Viện Bảo tàng. Tôi trở ra định đi tiếp sâu vào hòn đảo, nên lại lấy bản đồ ra xem lần nữa. Đang xem thì thấy một người đàn ông cỡ chừng 45 - 50 tuổi, tóc đen, khuôn mặt dễ nhận ra là dân Ả rập hay Thổ Nhĩ Kỳ gì đó. Anh ta hỏi ở chỗ tôi vừa đi ra có nơi đổi tiền không. Trả lời đó là khách sạn, có đổi tiền hay không thì tôi không biết. Xong rồi anh ta cầm lấy tấm bản đồ tôi đang xem, chỉ trỏ vào một vài điểm bảo rằng những chỗ đó du lịch đẹp hơn ở đây. Tôi cảm ơn rồi gấp bản đồ lại cho vào túi.

Chuyện nhặt vỉa hè Tây Âu - 4

Hành khất ở Bruxel (ảnh Nguyễn Đắc Như)

Anh này vừa bỏ đi được chừng một phút thì có một người đàn ông cũng cỡ tuổi đó, mặt mũi cũng từa tựa như kiểu người kia, anh ta mặc quần đen và sơ mi đen có cầu vai kiểu nhà binh nhưng đầu để trần. Anh đứng chặn trước mặt tôi, thái độ rất nghiêm trọng, tự giới thiệu là cảnh sát, tay giơ một tấm thẻ có dán ảnh lên trước mặt rồi yêu cầu được kiểm tra hộ chiếu và giấy tuỳ thân. Lúc này tôi hoàn toàn không có phản ứng gì khác ngoài suy nghĩ là làm theo lời yêu cầu của nhà chức trách.

Tôi kéo phéc-mơ-tuya của bao ruột gà đeo trước bụng lấy hộ chiếu ra. Không thấy anh ta mở hộ chiếu ra xem mà đã hỏi ngay rằng tôi có biết người đàn ông kia không. Tôi kể lại việc người đó hỏi thăm nơi đổi tiền và hướng dẫn các điểm du lịch đẹp của thành phố. Đến đây, người áo đen nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn thôi miên rồi bảo rằng, người đàn ông kia là một tên buôn lậu ma tuý, cảnh sát đang theo dõi để biết xem hắn liên lạc với ai! Đến đây gã áo đen đòi kiểm tra người và túi xách của tôi. Tôi bỗng cảm thấy thần kinh như bị liệt cứng trong giây lát. Nhưng ngay trong khoảnh khắc mất còn đó, tiềm thức chợt loé nhớ tới người bạn tôi là Thiện.

Thiện hiện là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Hôm gặp nhau ở Paris, trong rất nhiều chuyện trao đổi, Thiện có kể cho tôi nghe các thủ đoạn tấn công người nước ngoài của bọn tội phạm ở Pháp, trong đó có một kiểu giống như tôi đang mắc vào lúc này. Bọn tội phạm thường đi hai tên riêng lẻ, một tên gặp mình trước, hỏi vài câu vu vơ rồi bỏ đi, tên thứ hai xuất hiện giả danh cảnh sát đòi xem giấy tờ rồi vu cho mình buôn lậu, tiếp đó tuỳ thuộc vào tình hình mà trấn lột tiền bạc, giấy tờ, đặc biệt là hộ chiếu. Hộ chiếu bao giờ cũng là mục tiêu ăn cướp của bọn chúng, vì chúng sẽ bán lại cho đường dây tổ chức nhập cư trái phép quốc tế với giá cao.

Nghĩ thì lâu nhưng làm thì chóng. Tên áo đen vẫn cầm cuốn hộ chiếu vung lên như có ý tiếp tục đe doạ. Đến đây, tôi hiểu rằng kịch bản tội phạm ở Pháp mà Thiện nói với tôi trước đấy, đang được thằng Thổ ở Thuỵ Điển này diễn lại. Nhanh như chớp, tôi giật ngay lấy cuốn hộ chiếu trong tay hắn cho ngay vào bao ruột gà và kéo khoá lại, rồi lùi lại hai bước. Tên tội phạm kêu ré lên và định giằng lại, nhưng tôi cầm chắc tay hắn và đẩy lùi ra.

Đoạn tôi bình tĩnh bảo với hắn rằng, luật pháp của Thuỵ Điển không cho phép cảnh sát kiểm tra giấy tờ của bất cứ ai ở ngoài đường, nếu cần kiểm tra thì xin mời cùng đi tới một đồn cảnh sát gần đây. Thấy tôi nói cứng, tên áo đen mới hỏi: “Anh là ai?”. Tôi đoán nó yếu thế nên quyết định tấn công tiếp. Tôi trả lời mình là cán bộ ngoại giao đang công tác tại đại sứ quán của một nước đóng tại Stockholm.

Đọc thấy sự lúng túng trong cử chỉ của đối phương nên quyết định tung nốt đòn cuối cùng, sẵn máy ảnh treo trước ngực, tôi giơ lên ngắm thẳng vào mặt hắn, chẳng cần điều chỉnh cự ly tốc độ gì cả, bấm liền hai nhát. Thấy vậy tên áo đen giơ tay chới với che mặt lùi lại vài bước, đoạn hấp tấp nói với tôi như cố thể hiện tư thế cảnh sát: “Cho anh đi”. Tôi chưa kịp đi thì đã thấy hắn lủi rất nhanh vào khu vườn cây trước mặt.

Sau này cứ mỗi khi nhớ lại câu chuyện hôm ấy là tôi lại thấy gai gai tóc gáy. Ví thử lần đó chúng cướp mất hộ chiếu thì sự việc rồi sẽ rầy rà, phức tạp không biết đến chừng nào.

Những chuyện bất trắc xảy ra trong những chuyến xê dịch trên con đường thiên lý xuyên Tây Âu kiểu như trên đây thì nhiều lắm, tôi chỉ xin kể sơ qua vài vụ như kiểu nhặt nhạnh trên đường, mà khi đó tôi trực tiếp là người trong cuộc, để bạn đọc biết và rút kinh nghiệm, ngộ khi nào có dịp đi công tác hay đi du lịch qua đấy, để tránh.

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi