Đốm lửa hồng giữa đêm trường Côn Đảo

Anh xe ôm bảo hai ngày qua đi như vậy là đã hết Côn Đảo! Rồi anh bấm đốt ngón tay: Trại giam trung tâm Phú Hải, Chuồng bò, Bãi Sọ người, Cầu tàu 914, Ma Thiên Lãnh, Sở Lò vôi, Sở Đập đá, Nghĩa trang Hàng Dương, Viện Bảo tàng Côn Đảo, rồi miếu bà Phi Yến mình cũng đã qua. Tần ngần một lát anh tiếp, giờ chỉ còn một điểm nữa nhưng không liên quan tới tâm linh nhà tù trại giam chết chóc gì hết trơn, không biết chú có ưng đi coi? Tôi hỏi là điểm gì, anh trả lời: Nhà Công quán nơi ông nhạc sĩ Pháp đến nghỉ và sáng tác cách nay hơn trăm năm. Quả thật trong lịch trình chuyến đi của mình tôi có nghĩ tới điểm tham quan này, nhưng ra đây bị cuốn vào nhiều việc và nhiều cuộc gặp gỡ nên có lúc nhãng quên. May mà anh tài ôm kịp thời nhắc nhở nên tôi đã có dịp bổ sung thêm những hiểu biết về một sự kiện trăm năm hy hữu này ở Côn Đảo.

Hóa ra Nhà Công quán lại nằm ngay cạnh con đường sát biển Bãi Trước Côn Đảo, đối diện và cách Cầu tàu 914 chỉ vài bước chân, nơi tôi đã qua lại mấy lần hai ngày qua mà không hề biết. Đấy là ngôi biệt thự một tầng mái ngói, có hành lang bao quanh với lối kiến trúc cũ của Pháp. Tòa nhà không có hàng rào và cổng sắt như đa phần các ngôi biệt thự kiểu Pháp.

Một khoảng sân rộng ngăn cách ngôi nhà với vỉa hè con đường phía trước, nơi có một hàng cây bàng cổ thụ tuổi đời trăm năm có lẻ. Chú tài giới thiệu đây là nhà Công quán, thời thuộc Pháp kêu là Nhà khách, đến thời ông Diệm đổi ra là Nhà Công quán cho đến bây giờ. Bên trong ngôi nhà hiện có phòng lưu niệm ông nhạc sĩ Pháp. Giờ này anh em nhân viên chắc bận việc nên cửa khóa, nếu bác thích để em đi tìm, tụi nó em quen hết mà! Nhờ vậy mà tôi đã được vào thăm phòng lưu niệm, hơn thế còn được một anh cán bộ văn hóa đi theo giới thiệu.

Ngôi biệt thự có nhiều phòng được dành riêng 3 phòng liền kề làm khu lưu niệm về nhà soạn nhạc vĩ đại. Phòng thứ nhất ngay trên bức tường đối diện cửa ra vào được phủ kín nhung đỏ là một hàng chữ màu vàng giống như một tuyên ngôn nghệ thuật: “Ở đâu cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi!”.

Đốm lửa hồng giữa đêm trường Côn Đảo - 1

Hàng cây bàng cổ thụ trước Nhà Công quán Côn Đảo.

Phía trước bức tường là một bức tượng bán thân ông nhạc sĩ bằng đồng. Trên tường treo một số ảnh tấm lớn liên quan đến ông. Hai phòng tiếp theo trưng bàybầy những sách vở, tài liệu và hiện vật liên quan, đặc biệt là những tư liệu nói về chuyến đi tới Côn Đảo cũng như tư liệu về tác phẩm âm nhạc được nhạc sĩ sáng tác trong thời gian ăn nghỉ và làm việc ở đây.

Thấy tôi cặm cụi ghi chép và chụp ảnh, anh cán bộ văn hóa đã rất nhiệt tình kể cho nghe nhiều chi tiết tỉ mỉ và chỉ dẫn cho biết những tư liệu quýí hiếm có liên quan trưng bàybầy tại đây. Nhờ thế mà khi trở về tôi đã có thể sắp xếp thành câu chuyện kể lại các bạn cùng thưởng thức về sự kiện nhà soạn nhạc lớn thế giới người Pháp đã tới đây nghỉ ngơi và sáng tác cách nay hơn một thế kỷ.

Camille Saint Saens (Camil Xanh Xăng) là một nhạc sĩ thiên tài của nước Pháp, ông sinh năm 1835 tại Paris. Ông thể hiện tài năng thiên bẩm về âm nhạc ngay từ khi còn nhỏ. 10 tuổi đã biểu diễn thành thạo những tác phẩm piano kinh điển của Moza, Beethoven, Bach…

Năm 13 tuổi là  sinh viên nhạc viện Paris rồi trở thành một nhạc sĩ sáng tác và biểu diễn nổi  tiếng. Ông đã đi thăm và lưu diễn qua nhiều quốc gia khắp các châu lục Âu, Á, Mỹ. Năm 1871 (36 tuổi) ông tham gia sáng lập Hội Quốc gia Âm nhạc Pháp. Sự nghiệp sáng tác của ông thật đồ sộ và ảnh hưởng không nhỏ tới phong cách sáng tác của nhiều nhạc sĩ tên tuổi nước Pháp và cả châu Âu sau này. Những tác phẩm âm nhạc chính của ông bao gồm: 13 vở opera, trong đó rất nổi  tiếng là vở Samson – Dalila và vở Hoàng hậu Frédégonde.

10 bản concerto. Trong số này tác phẩm mang tên La sygne (Thiên nga) mà giới âm nhạc thế giới hơn thế kỷ qua vẫn quen gọi là Cái chết của Thiên nga, là bản Sonate viết cho đàn Cello, đã trở thành một kiệt tác âm nhạc thế giới. Tác phẩm từng được các nhà biên đạo múa đưa lên sân khấu Ballet. Từ hàng trăm năm nay nó đã trở thành tác phẩm kinh điển của loại hình nghệ thuật bác học này. Nữ nghệ sĩ người Nga Uliana Lupathkina và sau này là nữ nghệ sĩ Pliseskaia thường đi biểu diễn vòng quanh thế giớigiơi và luôn được đánh giá là những tác phẩm mẫu mực cho mọi thời đại.

Sinh thời, nhạc sĩ Saint Saens có một người bạn rất thân là nhạc sĩ Ernest Guiraud. Năm 1889 Guiraud bắt tay vào sáng tác vở ca kịch mang tên Hoàng hậu Frédégonde, tác phẩm mới viết được 1 chương thì Guiraud qua đời năm 1892. Trong giờ phút lâm chung, Guiraud đã ủy thác cho người bạn thân thiết là nhạc sĩ Saint Saens thay mình viết tiếp bản ca kịch và Saint Saens đã xúc động nhận lời.

Vở opera dựa vào một câu chuyện có thật trong lịch sử nước Pháp. Chuyện kể rằng Frédégonde là một cô hầu gái của hoàng hậu Audovera, vợ của vua Hilperic trị vì xứ Neustria nước Pháp. Nhờ có sắc đẹp lộng lẫy ma mị mà Fredegonda đã quyến rũ mê hoặc được vua Hiperic, khiến ông vua này đã quyết định phế truất rồi tống giam hoàng hậu Audovera vào một tu viện, sau đó tổ chức lễ thành hôn và phong cô hầu Frédégonde lên ngôi hoàng hậu.

Trong khi đó Audovera lại có một người em gái xinh đẹp tên là Brunehilda cũng là hoàng hậu vợ vua xứ Austrisia láng giềng. Vua Hilperic sau khi chinh phục xứ Austrisia đã đưa Brunehilda vào cung. Hoàng hậu Frédégonde biết chuyện đã ép buộc nhà vua phải đưa Brunehilda đi đầy biệt xứ tại một tu viện ở tỉnh Rouen miền Tây Bắc nước Pháp. Và hoàng tử Merowig, con trai của Audovera và vua Hilperic được giao nhiệm vụ áp giải đoàn xe tù. Trong thời gian di chuyển đến Rouen, tình yêu của Merowig và Brunehilda đã nảy nở. Merowig quyết định chống lại lệnh vua cha đã cùng người yêu trốn về xứ Austrisia.

Tại đây, nhân dân và quân đội đã đồng lòng tôn Merowig lên làm vua và Brunehilda làm hoàng hậu xứ này. Cuộc chiến giữa hai quốc gia của cha và con nổ ra. Con trai thất bại, cả hai vợ chồng người con đã bị giải về kinh đô xứ Neustria. Merowig đã tự sát trước mặt cha và hoàng hậu Frédégonde. Brunehilda cũng bị tống giam vào ngục thất ngay sau đó. Ở trong tù nàng bị tra tấn cực hình, bị sỉ nhục và bỏ đói cho đến chết.

Trong suốt ba năm trời sau khi Guiraud qua đời, Saint Saens luôn đau đáu về lời ủy thác của người bạn quá cố. Trong những chuyến đi lưu diễn nhiều nơi cả trong nước và ngoài nước, vào những lúc nghỉ ngơi ông lại thường khắc khoải nghĩ suy mong kiếm tìm ra ý tưởng âm nhạc thể hiện tiếp nối câu chuyện lịch sử bằng âm nhạc còn dang dở từ bạn mình. Nhưng dường như thời gian cũng như những nẻo đường vạn lý xa lạ cũng chưa đủ để xuất hiện những âm thanh mơ hồ mà nhạc sĩ hằng mong đợi.

Có một chi tiết tình cờ câu chuyện, đó là trong tuổi thiếu thời, Saint Saens có một người bạn học cùng khu phố ở Paris tên là Louis Jacquet. Lớn lên mỗi người mỗi ngả, Saint Saens trở thành nhạc sĩ, còn Jacquet trở thành sĩ quan cảnh sát, được điều sang Đông Dương rồi trở thành Chúa đảo Côn Lôn và giám đốc nhà tù Côn Đảo. Tuy mỗi người một con đường đi riêng, nhưng là bạn cũ nên đôi khi họ vẫn liên lạc với nhau, và rồi sau một bức thư mời của Jacquet, Saint Saens đã nhận lời đến thăm và nghỉ ngơi tại Côn Đảo. Vào một ngày xuân đẹp trời 20-3-1895, con tàu  chở Saint Saens đã cập bến cầu tàu Côn Đảo.

Những ngày đầu ở đây, tâm hồn người nhạc sĩ như luôn được bay bổng trước phong cảnh thần tiên và một không khí tuyệt diệu như chốn địa đàng. Trong bức thư gửi cho chúa đảo Jacquet khi chia tay nhạc sĩ đã viết: “Phong cảnh đảo Côn Lôn thật tuyệt vời. Những nơi đã đi qua tôi chưa thấy ở đâu đẹp thế, dù ở Tây Ban Nha, Carasi, Ai Cập, Xây Lan hay Algeria…”.

Ngôi nhà khách ( Maison de Messenger ) nơi nhạc sĩ được người bạn chúa đảo bố trí cho mình ông sử  dụng ngập tràn trong ánh nắng ban mai và lấp loáng dưới bóng những tán cây bàng xanh mướt. Từ cửa sổ nhìn ra, một không gian bàng bạc xa mờ những hòn đảo nhỏ nổi lên giữa mặt biển lấp lánh như thủy tinh dưới những tia sáng mặt trời.

Nhưng chỉ ít ngày sau Saint Saens đã nhận ra rằng bao phủ dưới bầu không khí êm đềm thênh thang đó lại là một cuộc sống âm u nghẹt thở của những người tù. Ông chia sẻ cảm xúc với người bạn chúa đảo và muốn được tiếp cận những nơi giam cầm để hiểu về đời sống thực của họ, nhưng Jacquet đã lựa lời từ chối và ngăn cản ý định đó của bạn mình.

Tuy vậy vào những đêm mất ngủ hoặc những buổi sáng tinh mơ, ông thường đi dạo trên những con phố vắng, lặng nghe những tiếng xích còng chân kêu loảng xoảng phát ra từ đám tù nhân gầy guộc đang gồng mình khiêng vác những bao hàng từ tàu lên bến, chứng kiến cảnh họ lao dịch dưới làn roi và gậy gộc của đám cai tù mà lòng ông tê tái. Lại có lần đi qua cổng khu trại giam trung tâm cách nơi ở không xa, ông nghe mơ hồ phát ra từ đâu đó sau bức tường cao là những tiếng la hét vang lên rồi tắc nghẹn…

Những cảm xúc tương phản dị biệt giữa cảnh thiên đường và địa ngục nảynẩy sinh trong cùng khoảnh khắc không gian và thời gian, đã bất ngờ xuất hiện trong bộ óc thiên tài một âm hình chủ đạo cho vở ca kịch nói về thân phận từ thiên đường rơi xuống địa ngục của hai chị em hoàng hậu Audovera và Brunehilda. Từ chùm chìa khóa âm thanh thần bí mà ông đã mất công dầu dãi tìm kiếm suốt ba năm ấy, trong những tuần sau đó, Saint Saens đã làm việc ngày đêm không ngơi nghỉ. Thế rồi chỉ chưa đầy một tháng, tiếp nối chương I vở Hoàng  hậu Frédégonde của Guiraud để lại, Saint Saens đã viết xong 3 chương sau cho vở opera mà ông dự định đổi tên thành Hoàng hậu Brunehilda.

Ngày 19-4-1895, tức là tròn một tháng Saint Saens lưu lại nghỉ ngơi và làm việc tại Côn Đảo, ông tạm biệt chúa đảo Jacquet và gia đình lên tàu trở về Pháp. Trước lúc chia tay, nhạc sĩ có gửi lại một bức thư dài và giao cho người hầu phòng chuyển trực tiếp tới tay bạn mình. Sau những lời cảm ơn chân thành vì sự đón tiếp thân tình và chu đáo trong  thời gian ở đảo, nhạc sĩ viết tiếp: “… Những gì tôi cảm nhận được ở đây đã làm phong phú cảm xúc âm nhạc của mình… Tôi hài lòng vì ở đây tôi đã soạn xong 3 chương cuối của vở opera Brunehilda thực hiện lời trăng trối của Guiraud…”.

Ở phần cuối bức thư Saint Saens đau đớn tâm sự: “Anh xem đó, con người chúng ta đã thay đổi quá nhiều… Cái gì đã khiến chúng ta gây nhiều tội ác đến thế trên mảnh đất này, trên hòn đảo này… Còn cách nào cứu vãn được không?... Là người làm nghệ thuật tôi tin chắc rằng, ở đâu cái đẹp được trân trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lùi…”.

Chúa đảo Louis Jacquet lặng người sau khi đọc bức thư của người bạn thuở thiếu thời. Một thời gian sau, ông đã cho dựng một tấm biển đồng để ghi nhớ sự kiện này.

Trở về Paris, Saint Saens dành hết thời gian để hoàn thiện vở nhạc kịch. Bản Tổng phổ đứng tên hai nhạc sĩ bậc thầy Ernest Guiraud và Camille Saint Saens được Nhà hát opera Paris đón nhận và tập luyện dàn dựng ngay sau đó. Cuối cùng chỉ vài tháng sau, vào một ngày cuối năm của năm 1895,  buổi trình diễn ra mắt vở opera sử thi mang tính cổ điển đã chính thức ra mắt giới hâm mộ Pháp dưới cái tên chính thức Hoàng hậu Frédégonde. Tác phẩm ngay sau đó đã trở nên nổi tiếng và được lưu diễn nhiều nơi trên đất Pháp và các nước Châu Âu.

                                                                            *

Trước lúc ra về tôi có nhờ anh cán bộ văn hóa chụp cho một kiểu ảnh tôi đứng cạnh bức tượng nhà soạn nhạc vĩ đại và đằng sau là câu nói bất hủ của ông như có ý muốn lưu lại một hình ảnh đáng nhớ của chuyến đi. Đến lúc này anh cán bộ văn hóa mới nói thêm cho tôi biết một chi tiết bất ngờ vô cùng thú vị, đó là một đoàn nghệ sĩ của Pháp đã sang thăm và biểu diễn ở Việt Nam, biểu diễn gì bác biết không? Biểu diễn vở ca kịch của nhạc sĩ Saint Saens đã từng ngồi sáng tác ngay trong căn phòng này hơn trăm năm về trước đó! Tôi hỏi lại cho kỹ thì được anh kể chi tiết như sau.

Đốm lửa hồng giữa đêm trường Côn Đảo - 2

Cầu tàu 914 trước nhà Công quán

Theo một chương trình hợp tác văn hóa ký kết giữa hai bên Pháp và Việt Nam, liên tiếp trong hai đêm liền  ngày 20 và 21 tháng 10 năm 2017, một đoàn nghệ sĩ nhà hát opera ở Pháp đã sang thăm Việt Nam và biểu diễn vở opera Hoàng hậu Frédégonde tại nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh. Ông trưởng đoàn người Pháp xúc động cho biết, đây là lần đầu tiên sau 122 năm kể từ lúc ra đời, tác phẩm vĩ đại này của người nhạc sĩ vĩ đại mới được trình diễn tại mảnh đất nơi nó sinh ra. Có thể coi đây là thời khắc lịch sử của một sự kiện lịch sử! Ông còn cho biết thêm, nhà hát opera của ông còn có tham vọng sẽ tổ chức biểu diễn một đêm ở Vũng Tàu và một đêm ở Côn Đảo, nơi Camille Saint Saens đã khai sinh ra đứa con tinh thần của mình.

Không biết rồi Nhà hát opera của Pháp có thực hiện được điều ước muốn tiếp theo đó không?  Nhưng tôi cứ nghĩ, nội chỉ hai đêm công diễn tại một trung tâm đô thị lớn nhất nước một tác phẩm đã bị “ ngủ quên ” 122 năm, điều đó có khác nào câu chuyện cổ tích tuyệt vời kể về nàng công chúa ngủ trong rừng nay được đánh thức trở dậy.

Câu chuyện có thật này thật khéo lại được sắp đặt theo một mô típ cổ điển, một cái kết có hậu, giống như những câu chuyện cổ tích ngày xưa ta vẫn thường được nghe mẹ kể. Đến đây tôi lại nghĩ thêm, chuyện một nhạc sĩ lớn của thế giới đã vô tình đến với một chốn tù đầy lạnh lẽo chết chóc, dù chỉ thoáng qua, để viết nên một tác phẩm âm nhạc lừng danh thế giới, điều đó đã giống như một sự sắp đặt của trời đất khi muốn định dạng nên hình ảnh những con người vĩ đại nổi bật giữa thế gian, kiểu như trong đa phần những cảnh đêm tối mịt mùng bao phủ thì trước sau sớm muộn, thể nào cũng lại bừng lên đâu đó một đốm lửa hồng ấm áp vậy.

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống