Khẽ chạm Hà Nội

Hà Nội trong tôi là Hà Nội trong những bài thơ, tản văn, tạp bút, những bài hát xao xuyến… Tôi chưa có dịp đặt chân đến Hà Nội nhưng trong tâm trí luôn vẽ ra biết bao viễn tưởng tươi đẹp về vùng đất ngàn năm văn hiến. Khát vọng một ngày đến thăm luôn cháy bỏng. Tôi nhớ vào một ngày tháng chạp của năm cuối đại học, đến nhà sách và tôi đã mua được quyển sách "Hà Nội trong mắt tôi" của Nguyễn Khải, như gặp được cố nhân tôi ngấu nghiến đọc.

Cái phong vị Hà Nội làm tôi xuyến xao được đặt mình vào nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn "Một người Hà Nội" từ cái ăn mặc đậm chất phong lưu sang trọng của người Hà Thành "Cái mặc cũng sang trọng quá. Mùa đông ông mặc áo ba-đờ-xuy, đi giày da, bà mặc áo măng-tô cổ lông, đi giày nhung đính hạt cườm" đến cái ăn thường nhật dù không quá cầu kỳ nhưng lại hết sức tinh tế "Lại cái ăn nữa cũng không giống với số đông. Bàn ăn trải khăn trắng, giữa bàn có một lọ hoa nhỏ, bát úp trên đĩa, đũa bọc trong giấy bản và từng người ngồi đúng chỗ đã quy định".

Và dù sau này khi đã già đi và thời đại có nhiều đổi thay nhưng cái cốt thanh tao vẫn vẹn nguyên trong những con người Hà Nội "Cửa hàng đóng từ chiều, các bà lần lượt đến trước, xông ngay vào bếp cùng làm cơm, các ông đến sau, mũ dạ, áo ba-đờ-xuy, bỏ áo khoác ngoài bên trong còn mặc đồ bộ, thắt cà-vạt, nhưng đã sờn bạc cũ kỹ.

Tiệc đã bày xong, vẫn chỉ có mấy ông ngồi tán suông chứ chưa thấy các bà. Rồi cửa trong mở, bà chủ xuất hiện trước như diễn viên trên sân khấu, lược giắt trâm cài hoa hột lấp lánh, rồi một loạt bảy tám bà tóc đã bạc hoặc nửa xanh nửa bạc, áo nhung, áo dạ, đeo ngọc đeo dây đi lại uyển chuyển". Đọc đến đây tôi đã hiểu từ "thanh lịch" mà dân gian gian cứ nói về người Hà Nội "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An".

Cốt cách thanh nhã không chỉ dừng lại ở cái ăn cái mặc mà cả ở cách dạy con cái giữ gìn nền nếp gia phong, cách dạy con về lòng tự trọng, ý thức trách nhiệm đối với đất nước bằng tất cả sự tinh tế "Cô trả lời: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hy sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”.

Ba năm cô không nhận được tin tức gì về đứa con đã ra đi, lại đến thằng con kế làm đơn xin tòng quân, cũng đòi vào chiến trường phía trong để gặp anh, nếu anh đã hy sinh thì nối tiếp chí hướng của anh. Tôi hỏi lại cô: “Cô cũng đồng ý cho nó đi à?”. Cô trả lời buồn bã: “Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó”. Rồi cô chép miệng: “Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì”.

Khẽ chạm Hà Nội - 1

Tháp Rùa, Hà Nội

Người Hà Nội ăn Tết, phong cách ăn Tết thấm đẫm văn hóa Việt. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh bà Hiền trong khoảnh khắc bà đang gọt thủy tiên: "Một bộ sa lông gụ “cái khánh”, cái sập gụ chân quỳ chạm rất đẹp nhưng không khảm, cái tủ chùa một cánh bên trong bày một cái lọ men Thuý Hồng, một cái lư đời Hán, một cái liễn hấp sâm Giang Tây, và mấy thứ bình lọ màu men thì thường nhưng có dáng lạ, chả rõ từ đời nào.

Cô đang lau đánh một cái bát thủy tiên men đỏ, hai cái đầu rồng gắn nổi bằng đồng, miệng chân cũng đều bịt đồng, thật đẹp. Bên ngoài trời rét, mưa rây lả lướt chỉ đủ làm ẩm áo chứ không làm ướt, lại nhìn một bà lão (nếu là một thiếu nữ thì phải hơn) lau đánh cái bát bày thủy tiên thấy tết quá, Hà Nội quá, muốn ở thêm ít ngày ăn một cái tết Hà Nội".

Người Hà Nội cầu kỳ trong chơi hoa ngày Tết. Nhưng chỉ có duy nhất một loài hoa có vẻ đẹp “ngũ phẩm”: đẹp từ rễ, lá, hoa, hương và nhất là dáng thế của cây. Ðó là hoa thủy tiên. Chăm thủy tiên, đòi hỏi cao sự công phu tỉ mỉ của người chơi. Chẳng biết thú chơi hoa thủy tiên ngày Tết có tự bao giờ, nhưng ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, những người hay chữ, những gia đình trâm anh thế phiệt, ai cũng chơi thủy tiên. Ðền Bạch Mã xưa có cuộc thi hoa thủy tiên. Những bậc văn tài của Thăng Long - Kẻ Chợ như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… đều dành những trang hay nhất của mình dành cho hoa thủy tiên.

Nhân có dịp đi ra Thái Nguyên dự Hội thảo nghiên cứu khoa học của sinh viên sư phạm toàn quốc, chúng tôi đã được lưu lại Hà Nội 7, 8 tiếng trong khi chờ chuyến tàu hỏa về Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cũng xem như đây là sự may mắn hiếm hoi khi lần đầu tiên "khẽ chạm" Hà Nội. Tôi và thầy cô trong đoàn lang thang xung quanh Hồ Gươm trong màn sương sớm lãng đãng.

Cái lạnh se se của Hà Nội khi ấy, mỗi khi nhớ lại trong tôi lại dậy lên bao nỗi bồi hồi. Có một nỗi quan hoài xưa cũ nào đấy cứ xâm lấn tâm hồn tôi khi nhìn thấy loáng thoáng bóng Tháp Rùa sau mấy cành lộc vừng lòa xòa tán lá. Tôi bước qua cầu Thê Húc như đi qua cái gạch nối của quá khứ và hiện tại. Thời gian và không gian bỗng chốc như ngưng đọng nơi này.

Ghé ăn món Phở trong một hàng Phở, biết bao nhiêu ngôn từ trong bài tùy bút Phở của Nguyễn Tuân nhảy nhót trong trí tôi: "Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúy. Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại.

Trong một ngày mùa đông của người nghèo, bát phở có giá trị như một tấm áo kép mặc thêm lên người. Đêm đông, có người ăn phở xong, tự coi như vừa nuốt được cả một cái chăn bông và tin rằng có thể ngủ yên đến sáng, để mai đi làm khoẻ". Quả thật, bằng sự tinh nhạy của tất cả các giác quan, cả sự kinh lịch thượng thừa và sự trầm tích của một bề dày văn hóa, nhà "đúc chữ" Nguyễn Tuân đã để lại cho cuộc đời một trong những "hạt bụi vàng" của Hà Nội: tùy bút  Phở.

Dạo quanh phố xá Hà Nội, thuở ấy tôi không có cảm giác choáng ngợp như ở Thành phố Hồ Chí Minh, không biết sao bao năm vật đổi sao dời, phố phường Hà Nội còn có những khoảng dịu dàng để kẻ lữ khách phương Nam bồi suy tưởng khi ngước nhìn cây sấu mà nhớ bài thơ thiếu thời của cố nhà thơ Xuân Diệu "Quả sấu non trên cao".

Để hiểu Hà Nội không thể chỉ khẽ chạm, biết thế nhưng trong tôi vẫn yêu da diết bởi Hà Nội đã trót là thơ, Hà Nội đã trót là nhạc và Hà Nội còn là "phố Phái” nữa.

Trầm Thanh Tuấn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ