TP. Hồ Chí Minh: Phát triển công nghiệp văn hóa

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, giữ vai trò đầu tàu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Để có được vị thế trên, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, vị trí đặc biệt của công nghiệp văn hóa; tập trung quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo toàn thành phát triển công nghiệp văn hóa trở thành nguồn động lực nội sinh thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Quan điểm đó được khẳng định xuyên suốt qua các kỳ Đại hội Đảng. Nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã khẳng định “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; trọng tâm là thực hiện Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030”.

Tình hình hiện tại phát triển công nghiệp văn hóa

Hiện nay, có 17.670 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực văn hóa, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp toàn thành phố. Chủ yếu hoạt động lĩnh vực: điện ảnh; phát thanh – truyền hình; lập trình máy tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; quảng cáo; nhiếp ảnh, thời trang, kiến trúc; du lịch; triển lãm; nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác.

Giá trị sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghiệp văn hóa đều tăng. Năm 2010, đạt 19.313 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 38.916 tỷ đồng. Đóng góp của sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP của thành phố ngày càng tăng, năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,98%, trong đó ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất là ngành quảng cáo.

Nhìn chung, Ngành công nghiệp văn hóa trong 10 năm qua đóng góp từ 3,24% - 3,98% GRDP của thành phố. Một số ngành có tỷ lệ đóng góp lớn như Quảng cáo, điện ảnh, triển lãm, du lịch văn hóa… Việc lựa chọn loại hình, các lĩnh vực trọng tâm và có cơ chế, chính sách phát triển sẽ tạo động lực để các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp ngày càng lớn hơn cho sự phát triển kinh tế của thành phố và góp phần phát huy giá trị văn hóa trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước.

Mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2030

Trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghiệp văn hóa tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, thúc đẩy tiến trình đổi mới, phát triển dịch vụ sáng tạo; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế văn hóa; tăng cường đẩy mạnh hợp tác văn hóa trên trường quốc tế. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố, Cục Thống kê xây dựng Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030; đến nay đề án đã hoàn thành, trình phê duyệt theo quy định.

TP. Hồ Chí Minh: Phát triển công nghiệp văn hóa - 1Ảnh minh hoạ

Theo đó, một số mục tiêu cơ bản được đặt ra là: Phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân Thành phố và xuất khẩu; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, con người Thành phố Hồ chí Minh; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố.

Xác định mục tiêu thực hiện phát triển ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 08 ngành, lĩnh vực chủ yếu như: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật; Nhiếp ảnh; Triển lãm; Quảng cáo; Du lịch văn hóa; Thời trang.

Nhằm tạo điều kiện để kiểm tra, thúc đẩy quá trình triển khai đạt hiệu quả, Đề án đã phân khúc giai đoạn phát triển khá cụ thể: Giai đoạn 2020 -2025, một số mục tiêu cần triển khai là: Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước và khu vực. Đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP, gồm: Quảng cáo; thời trang, triển lãm, điện ảnh; du lịch văn hóa.

Định hướng và từng bước phát triển các ngành: Nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành ngành dịch vụ quan trọng của Thành phố, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,8% GRDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Giai đoạn 2026 – 2030: Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới.

Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 4,7% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh.

Một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản

Trên cơ sở xác định khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố lần thứ XI, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Phát triển thị trường; Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế.

TP. Hồ Chí Minh: Phát triển công nghiệp văn hóa - 2Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có những đề xuất chính sách, những giải pháp ưu tiên triển khai phát triển công nghiệp văn hóa như: Quy hoạch phát triển khu công nghiệp văn hóa; Đẩy mạnh liên kết vùng để tạo động lực cho công nghiệp văn hóa phát triển; Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển; Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác và giao lưu về văn hóa; Kêu gọi đầu tư, khuyến khích các mô hình đầu tư và kinh doanh về công nghiệp văn hóa, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; Thành lập Trung tâm Phát triển công nghiệp văn hóa; Củng cố nâng cấp cơ sở vất chất, trang thiết bị một số trường nghệ thuật; Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, hình thành các sản phẩm di lịch văn hóa – lịch sử mang tính đặc trưng; Hình thành các sự kiện lớn mang tính chất thường niên và đặc trưng, đặc sắc của thành phố về các ngành công nghiệp văn hóa.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”; Nghị quyết Đại hội đảng bộ Thành phố lần thứ XI đã khẳng định “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa; trọng tâm là thực hiện Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 – 2030”.

Trên cơ sở quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là chỉ đạo sát sao của Đảng bộ Thành phố, công tác phát triển công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua đã có chuyển biến tích cực, phát triển đúng định hướng, đảm bảo phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, góp phần đáng kể cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội toàn diện, bền vững./.  

Trần Thế Thuận

Có một vùng văn hóa cà phê
Có một vùng văn hóa cà phê

Vùng văn hóa đó đã hình thành từ hàng chục năm nay và đang ngày càng khẳng định vị thế của nó trong dòng chảy văn hóa...

Tin liên quan

Tin mới nhất