Có một vùng văn hóa cà phê

Vùng văn hóa đó đã hình thành từ hàng chục năm nay và đang ngày càng khẳng định vị thế của nó trong dòng chảy văn hóa ngàn đời của đất nước.

Văn hóa uống cà phê

Cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk đã có lịch sử hơn trăm năm. Cùng với việc trồng cà phê từ thời đồn điền thực dân Pháp, người dân bản địa đã biết thưởng thức và dùng cà phê làm thức uống hàng ngày.

Thời bao cấp, quán cà phê ở Buôn Ma Thuột chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hình như quán Bâng Khuâng (ở 176 Phan Bội Châu) là quán cà phê lâu đời nhất ở nơi được mệnh danh là thủ phủ cà phê Việt Nam. Mấy chục năm qua, cái tên Bâng Khuâng luôn gợi nhớ những kỷ niệm thời thanh niên của biết bao thế hệ người Buôn Ma Thuột trong đó có nhiều văn nghệ sĩ gắn bó cả đời với nơi mà họ đã từng sống qua cái thời “bụi mù trời”, “buồn muôn thuở” của phố núi.

Tôi đặt chân và lập nghiệp trên vùng đất này cũng đã non nửa thế kỷ nhưng chỉ mới “say” cà phê mươi mười lăm năm trở lại nay. Thời bao cấp, đôi ba lần nếm thử cà phê phin quán cóc vỉa hè. Cà phê quán cóc là nơi người ta dừng chân, để được thả hồn bên ly cà phê, mà nhấm nháp, mà lơ đãng nhìn người xe tất bật qua lại.

Ngày ấy uống cà phê cũng cầu kỳ lắm. Trong lúc chờ cái phin làm bằng nhôm chiết từng giọt nâu chậm chạp nhỏ xuống chiếc ly thủy tinh, khách lấy cái ly khác, dùng thìa đánh đường với cà phê vừa mới nhễu những giọt đầu tiên để tạo bọt (crema). Xong, thưởng thức ly cà phê do chính tay mình góp phần tạo ra, bỗng thấy tâm hồn thật sảng khoái, thú vị, nhất là vào một buổi sáng nào đó, phố phường se se lạnh, ngoài đường mưa bụi bay.

Có một vùng văn hóa cà phê - 1

Trong các loại đồ uống, cà phê là thứ phổ cập có lẽ chỉ xếp sau trà nhưng nó lại có lợi thế hơn bởi cà phê có thể giúp con người bộc lộ mọi cung bậc cảm xúc, tâm trạng qua từng giọt đắng của ly cà phê (Ảnh minh họa)

Bây giờ thì Buôn Ma Thuột đúng là thành phố cà phê với dày đặc những quán là quán, quán nào cũng có phong cách bài trí cảnh quan độc đáo, thu hút, quyến rũ du khách nhất là giới trẻ. Văn hóa cà phê mang sắc thái mới. Cà phê bây giờ không chỉ “ngon” về chất mà còn phải “ngon” phải đẹp ở hình thức trình bày và môi trường thưởng thức. Người ta đến quán để nhâm nhi vị đắng của cà phê và tán chuyện. Nhưng người ta còn đến quán để chiêm ngưỡng cảnh sắc xung quanh, đặc biệt là thưởng thức vẻ đẹp độc đáo của những ly cà phê được pha chế đậm chất nghệ thuật tạo hình bởi lớp bọt sữa có hoa văn bắt mắt và đắm mình trong tiếng nhạc du dương.

Đến Ban Mê, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể thưởng thức cà phê với đủ các kiểu cách pha chế khác nhau mang hương vị đặc trưng, đậm đà, luôn đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Cách đây dăm năm, tôi đã đọc được ở đâu đó trên báo Tiền phong một bài viết chạy tít “Uống cà phê kiểu Buôn Ma Thuột”. Ừ nhỉ, tại sao lại không là một phong cách thưởng thức cà phê đậm chất phố núi mà ở đó, cái sự xô bồ, ồn ã, gấp gáp dường như đang ở đâu đấy rất xa, tít tắp dưới đồng bằng kia?

Đến Ban Mê vì thế, còn gì quyến rũ hơn cái thú “Nhâm nhi bên quán vỉa hè/Lắng nghe giai điệu Ban Mê gợi tình”. Hình như ở phố núi đã và đang hình thành một nét đẹp văn hóa mới trong đời sống hàng ngày nơi đây: lập hội, nhóm hò hẹn, mời nhau uống cà phê mỗi sáng, mỗi chiều và cả lúc màn đêm buông xuống. Còn gì vui và tao nhã hơn khi tụ họp với bạn bè, với người thương vào buổi sáng ngày cuối tuần giữa tháng Ba nắng rắc vàng bên ly cà phê sóng sánh sắc nâu như màu da đầy quyến rũ của nàng hậu H’Hen Niê - đứa con cưng của núi rừng Tây Nguyên?

Văn hóa trà cà phê

Vài ba năm trở lại đây, người yêu thích cà phê còn được thưởng thức một loại sản phẩm mới được làm ra từ hoa và vỏ cà phê. Những thứ phụ phẩm, phế phẩm của cây cà phê tưởng như bỏ đi ấy bỗng trở thành thức uống khiến người tiêu dùng dù thờ ơ nhất cũng không thể không một lần nếm thử: trà hoa cà phê, trà vỏ cà phê.

Trà vỏ cà phê có tên là trà cascara. Khi vào mùa thu hái cà phê, người ta chọn quả to, chín mọng, vỏ căng bóng, đem rửa sạch rồi tách vỏ thủ công, đảm bảo vỏ quả không bị dập nát làm mất đi vị ngọt của nó. Tiếp đến là một quá trình xử lý, ủ men, phơi nắng rất bài bản và công phu. Trà cascara cho vào nước sôi pha uống như các loại trà hoa quả khác. Nước trà cascara có màu vàng hổ phách, khi uống có vị chua nhẹ, ngọt thanh. Theo y học, trà cascara có công dụng cải thiện tâm trạng và trí nhớ, tăng cường năng lượng cho một ngày làm việc mới.

Còn trà hoa cà phê được lấy từ hoa của những cành cà phê sẽ bị cắt bỏ trong quá trình tỉa cành tạo tán, đem về chế biến, tạo ra sản phẩm trà hoa cà phê độc đáo và mới lạ. Để có được một tách trà hoa cà phê thơm ngon, chuẩn vị, hoa cà phê phải được thu hoạch trong khoảng thời gian từ 4 giờ đến 8 giờ sáng hàng ngày, thời điểm đó sương vẫn còn đọng trên các cánh hoa giúp cho hoa đạt chất lượng tốt nhất. Trà hoa cà phê có mùi hương cà phê thanh nhẹ, vị cân bằng, hậu ngọt tự nhiên. Trên thị trường hiện tại, trà hoa cà phê đắt gấp ba bốn lần trà cascara, nghe đâu giá bán lẻ của nó lên tới dăm triệu đồng một ki lô gam. Quả thực là hết sức hấp dẫn.

Trà làm từ hoa, vỏ cà phê là những sản phẩm khởi nghiệp độc, lạ của các doanh nhân trẻ ở vùng đất cao nguyên với khát vọng làm giàu cho bản thân và xứ sở. Dám nghĩ, dám làm và họ đã thành công trong việc tạo ra những thức uống có giá trị kinh tế cao, làm gia tăng lợi nhuận từ cây cà phê. Họ chính là những người chắp cánh cho thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk bay cao vươn xa bởi những sản phẩm đa dạng và độc đáo do chính bàn tay tài hoa của con người ở vùng đất đầy nắng gió này tạo ra.

Cà phê khơi nguồn cảm hứng văn chương, nghệ thuật

Trong các loại đồ uống, cà phê là thứ phổ cập có lẽ chỉ xếp sau trà nhưng nó lại có lợi thế hơn bởi cà phê có thể giúp con người bộc lộ mọi cung bậc cảm xúc, tâm trạng qua từng giọt đắng của ly cà phê. Thế cho nên mới có cà phê một mình, cà phê buồn, cà phê đắng, cà phê mưa, cà phê quán vắng, cà phê ngâu, cà phê không em,... Cà phê quả đúng là thức uống khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo văn chương, nghệ thuật.

Từ một lần đánh đổ cà phê trên bàn, nữ họa sĩ Giulia Bernardelli người Ý đã nảy sinh ra ý tưởng biến chất lỏng màu nâu thành những bức tranh đẹp lung linh và đầy sáng tạo.

Ở Paris, từ giữa thế kỷ XIX cho đến nửa đầu thế kỷ XX, xuất hiện những quán “cà phê họa” tiên phong trong sáng tạo khai phóng, quy tụ nhiều danh họa tên tuổi như Vincent Van Gogh, Pablo Picasso, Toulouse Lautrec, Amedeo Modigliani, Camille Pissarro,…

Ở Việt Nam cũng đã có nhiều nghệ sĩ vẽ tranh về cà phê hoặc bằng cà phê như họa sĩ Tô Minh Trang với bộ tem “Cây cà phê” vừa mới được Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành nhằm góp phần quảng bá cho Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột.

Còn trong thơ, nhạc thì khỏi phải nói, đề tài cà phê không bao giờ cạn. Cảm hứng của người nghệ sĩ luôn thăng hoa bởi sự quyến rũ của loại thức uống “Chắt chiu từ đất cay nồng/Hương thơm, vị đắng quyện trong hoa này/Nắng mưa ấp ủ tháng ngày/Sắc nâu quyến rũ mê say hồn người”.

Giới văn nghệ sĩ ở Đắk Lắk ai mà chẳng có một chút vương vấn hồn bởi cà phê để rồi bật ra từ trong sâu thẳm con tim mình lòng yêu mảnh đất này bằng những câu thơ, câu hát rút ruột gan. Thi sĩ Đặng Bá Tiến đã có lần viết: “Em về với đất cao nguyên/Hương cà phê trải khắp miền đón em/... Hương theo gót đợi ngập ngừng/Ai chờ ai giữa một vùng hương bay” và “kết mùa hoa trên mặt người rạng rỡ/nên khắp buôn làng như có hội xuân!”.

Hội xuân! Ừ đúng rồi. Khắp buôn làng đang vào hội xuân: Hội cà phê Ban Mê. Bỗng nghe đâu đó vọng về tiếng hát ai khiến lòng người giục giã: “Ánh mắt, ánh mắt em xanh hay mùa xuân đang về/ Khói thuốc say trong ly cà phê Ban Mê/Tiếng hát, tiếng hát cao nguyên như ngàn xưa vọng về/Ánh mắt soi trong ly cà phê Ban Mê”. 

Âm nhạc và cà phê đã làm nên một Nguyễn Cường vừa hiện đại vừa giàu bản sắc Tây Nguyên trong “Ly cà phê Ban Mê”. Câu hát như giục giã người về, về miền văn hóa cà phê đang vào mùa lễ hội rực rỡ trong nắng tháng Ba Tây Nguyên rót mật vàng.

Buôn Ma Thuột, hạ tuần tháng 2/2023

Nguyễn Duy Xuân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Bà chúa Vĩnh

Truyện cổ tích: Bà chúa Vĩnh

Đến nay không ai biết do đâu bà chúa Vĩnh có được  tấm yếm đào thần kỳ ấy. Có người bảo, bà được tiên truyền cho...